new_logo_fbd_v2
horeca_business_school

Điều kiện kinh doanh dịch vụ Spa

Thu nhập người dân cải thiện, nhu cầu hưởng thụ cuộc sống cao hơn là chất xúc tác để các loại hình kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe ra đời. Nhận thấy tiềm năng “béo bở” từ dịch vụ đầy sức hấp dẫn này, các chủ đầu tư đã mạnh dạn đầu tư vào các mô hình spa và thẩm mỹ viện. Tuy nhiên, điều kiện kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp là gì thì không phải nhà đầu tư nào cũng biết. 

Kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (điển hình là kinh doanh spa) được đánh giá là đem lại tiềm năng lợi nhuận khổng lồ cho chủ đầu tư. Thế nhưng, “vạn sự khởi đầu nan”, kinh doanh spa cũng có những khó khăn nhất định ở bước đầu, đặc biệt khi bạn chưa nắm rõ điều kiện kinh doanh là gì, có thỏa đáp về mặt pháp lý hay không… Quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp là yếu tố mấu chốt mà nhà đầu tư nào cũng phải quan tâm trước khi bắt đầu.

Kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp không bao gồm hoạt động xoa bóp, phẫu thuật thẩm mỹ

Tổ chức, cá nhân kinh doanh cần thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 78/2015/NĐ-CP.

Chủ thể kinh doanh thành lập doanh nghiệp

Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp hoặc người đại diện theo ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc có thể lựa chọn hình thức đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử theo quy định tại Chương V Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Tùy theo loại hình doanh nghiệp mà hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cũng khác nhau, theo các quy định từ Điều 21 đến Điều 26 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Dựa trên Khoản 3 Điều 29 Nghị định 78/2015/NĐ-CP: “Doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”.

Chủ thể kinh doanh thành lập hộ kinh doanh

Đối với cơ sở chăm sóc sắc đẹp quy mô nhỏ lẻ thì hình thức phù hợp nhất để đăng ký kinh doanh là hộ kinh doanh.

Theo Khoản 1 Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.

Theo Khoản 2 Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu đáp ứng những điều kiện sau:

a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh

b) Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 73 Nghị định này

c) Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.

Trừ xoa bóp và thẩm mỹ thì các hoạt động kinh doanh chăm sóc sắc đẹp bao gồm cắt tóc, gội đầu, trang điểm, làm móng… đều không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, về nguyên tắc, khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là tổ chức, cá nhân có thể hoạt động kinh doanh.

cơ sở chăm sóc sắc đẹp nhỏ lẻ nên đăng ký theo hộ kinh doanh

Kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp bao gồm hoạt động xoa bóp, phẫu thuật thẩm mỹ

Xoa bóp và phẫu thuật thẩm mỹ là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư 2014. Do đó, ngoài việc đăng ký kinh doanh, chủ thể kinh doanh phải tuân thủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

Theo Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP:

“Kinh doanh dịch vụ xoa bóp, gồm: Sử dụng phương pháp vật lý trị liệu để xoa bóp (massage), tẩm quất phục vụ sức khỏe con người”.

“Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, gồm: Sử dụng kỹ thuật y học để phẫu thuật (giải phẫu) làm thay đổi hình dáng, đặc điểm nhận dạng con người.”

Điều kiện chung về an ninh, trật tự

Dựa trên Điều 7 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện cần đáp ứng điều kiện chung về an ninh, trật tự như sau:

1. Được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đối với người Việt Nam:

Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.

Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài:

Chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.

3. Đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

chủ thể kinh doanh phải tuân theo quy định về an ninh trật tự

Chủ thể kinh doanh chăm sóc sắc đẹp đi kèm xoa bóp, phẫu thuật thẩm mỹ phải tuân thủ quy định về an ninh, trật tự (Nguồn ảnh: Internet)

Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự

Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự là văn bản do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp cho cơ sở đầu tư kinh doanh các ngành, nghề quy định tại Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, trong đó có cả dịch vụ xoa bóp và phẫu thuật thẩm mỹ.

Thủ tục nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự được quy định tại Điều 23 Nghị định 96/2016/NĐ-CP như sau:

  • Cơ sở kinh doanh nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan Công an có thẩm quyền đề nghị cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại các Điều 19 Nghị định này;
  • Hình thức nộp hồ sơ: cơ sở kinh doanh chọn một trong các hình thức nộp trực tiếp cho cơ quan Công an có thẩm quyền, gửi qua cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính; hoặc nộp qua Cổng thông tin điện tử quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự của Bộ Công an.
  • Thời hạn hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự là không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thì trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan Công an phải có văn bản trả lời cơ sở kinh doanh và nêu rõ lý do.

Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh

Ngoài việc tuân thủ trách nhiệm chung quy định tại Điều 25 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh dịch vụ xoa bóp, phẫu thuật thẩm mỹ thì còn phải thực hiện những yêu cầu sau:

Theo Điều 30 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh dịch vụ xoa bóp phải:

1. Bố trí nơi cất giữ, bảo quản an toàn tư trang, tài sản của khách.

2. Bố trí phòng nam riêng và nữ riêng khi thực hiện dịch vụ xoa bóp.

Theo Điều 41 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ phải:

1. Kiểm tra và lưu giữ bản sao giấy tờ tùy thân của khách trong hồ sơ, gồm một trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu đối với khách hàng từ đủ 14 tuổi trở lên; Giấy khai sinh đối với khách hàng là trẻ em chưa đủ 14 tuổi.

2. Đối với khách hàng từ đủ 14 tuổi trở lên, trường hợp thực hiện phẫu thuật để làm thay đổi đặc điểm trên khuôn mặt thì cơ sở kinh doanh có trách nhiệm chụp ảnh chân dung của khách trước khi phẫu thuật và sau khi hoàn thành việc phẫu thuật, kích thước 4×6 cm lưu trong hồ sơ phẫu thuật của khách.

3. Mỗi quý, cơ sở kinh doanh phải có báo cáo, kèm theo bản sao giấy tờ tùy thân và ảnh của khách quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này gửi cho cơ quan Công an có thẩm quyền.

Nhìn chung, khi dự định kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, chủ thể kinh doanh cần lưu ý xem có đi kèm hoạt động xoa bóp, phẫu thuật thẩm mỹ hay không để tuân thủ đúng theo văn bản pháp luật quy định.

Nguồn: Hướng Nghiệp Á Âu

Đánh giá

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
setup_menu_mon_ansetp_menu_do_uong
CONTACT US

FNB DIRECTOR - HoReCa Business School

83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.

Hotline: +84 903 132 508

Email: hello@fnbdirector.com

FOLLOW US ON FACEBOOK

Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School

1
Bạn cần hỗ trợ?