new_logo_fbd_v2
horeca_business_school

Khởi nghiệp #03 - Kế hoạch tài chính (Trong kế hoạch kinh doanh)

Kế hoạch tài chính là một phần rất quan trọng của một bản kế hoạch kinh doanh. Nội dung này sẽ giúp nhà thẩm định hoặc nhà đầu tư tương lai khẳng định lại tính khả thi của dự án.

Những doanh nghiệp mới khởi nghiệp thường sẽ xây dựng sẽ đưa ra báo cáo tài chính dự toán, nhưng những doanh nghiệp đang tồn tại có hoạt động quản trị tốt cũng duy trì những báo cáo này như là một phần trong việc lên kế hoạch tài chính và hỗ trợ cho việc chuẩn bị ngân sách. Việc chuẩn bị các báo cáo tài chính này cũng giúp cho doanh nghiệp xem xét lại chiến lược và có thể điều chỉnh nếu cần thiết

Phần tài chính trong bản kế hoạch kinh doanh bao gồm các nội dung sau:

1. Dự báo lỗ lãi hàng tháng

Phần dự báo lãi – lỗ hàng tháng được tính toán căn cứ vào những giả định quan trọng về số lượng khách hàng hay số lượng hàng hóa bán ra theo từng tháng. Các khoản thu nhập hay chi phí được ghi cho tháng là các hoạt động thực sự phát sinh trong tháng, do đó có thể có sự sai lệch về thời điểm ghi sổ và thời điểm mà doanh nghiệp thật sự thanh toán hay thu tiền về.

Nhìn chung, đối với doanh thu, giao dịch được ghi nhận trong tháng mà doanh nghiệp gửi hóa đơn tới khách hàng, coi như hàng hóa đã được bán. Đối với chi phí, giao dịch được ghi nhận trong tháng mà doanh nghiệp nhận được hóa đơn từ người bán. Trong đó, chi phí kinh doanh là khoản tiền mà doanh nghiệp phải bỏ ra để mua  các loại hàng hóa, dịch vụ cần thiết cho quá trình sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, chi phí và hạch toán chi phí kinh doanh trong một doanh nghiệp hoạt động ổn định và trong một doanh nghiệp khởi sự có nhiều điểm giống và khác nhau.

Dự báo doanh thu: Dự báo doanh thu là kế hoạch cho doanh thu trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm), mặc dù hầu hết các doanh nghiệp dự báo doanh thu từ 2 đến 5 năm trong tương lai. Dự báo đầu tiên được phát triển ra và là cơ sở cho hầu hết các dự báo khác. Một dự báo doanh thu của một doanh nghiệp đang hoạt động thì dựa trên (1) doanh thu trong qua khứ, (2) khả năng sản xuất hiện tại và cầu đối với sản phẩm/dịch vụ, và (3) bất kỳ nhân tố hoặc yếu tố nào ảnh hưởng tới năng lực sản xuất và cầu sản phẩm trong tương lai.

Dự báo chi phí: Trong một doanh nghiệp đã hoạt động trong một thời gian, chi phí kinh doanh thường khá ổn định về loại chi phí và về lượng. Trong một doanh nghiệp khởi sự, có nhiều khoản chi phí không thường xuyên, nhiều khoản phát sinh có thể gây khó khăn cho bất cứ doanh nhân nào không chuẩn bị tốt về tài chính. Liệt kê và tính toán trước các loại chi phí còn giúp doanh nhân trả lời được câu hỏi: cần bao nhiêu vốn để khởi nghiệp?

Các loại chi phí có thể được chia làm 2 nhóm chính: chi phí để thành lập doanh nghiệp và chi phí hoạt động thường xuyên.

Chi phí thành lập doanh nghiệp bao gồm tất cả các khoản chi phí cần thiết phải bỏ ra từ khi có tưởng kinh doanh cho đến khi doanh nghiệp hình thành và bắt đầu đi vào hoạt động. Các khoản chi phí này thường chỉ phát sinh một lần hoặc không thường xuyên. Ngoài những chi phí thông thường, thì trong giai đoạn đầu có thể còn có một số loại chi phí như sau: Chi phí nghiên cứu và phát triển nguyên mẫu sản phẩm; chi phí chuẩn bị bản kế hoạch kinh doanh; chi phí tư vấn: pháp lý, kỹ thuật, tài chính, marketing…; chi phí dịch vụ pháp lý; chi phí thiết kế Website…

Chi phí hoạt động thường xuyên là những chi phí phát sinh thường xuyên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những chi phí này được tính theo kỳ sản xuất (thường là theo tháng) 

2. Bảng cân đối kế toán dự báo

Nội dung tiếp theo trong phần kế hoạch tài chính chính là Bảng cân đối kế toán dự báo. Tài liệu này giúp cho doanh nhân và doanh nghiệp mới khởi sự biết được các hoạt động của mình sẽ ảnh hưởng như thế nào tới khả năng trả nợ ngắn hạn và tình hình tài chính của doanh nghiệp sẽ tiến triển như thế nào theo thời gian. Bảng này cũng trình bày ngắn gọn về số tiền các khoản phải thu, hàng tồn kho và trang thiết bị của công ty. Bảng cân đối kế toán dự báo cũng được dùng để dự toán tổng quan tình hình tài chính của công ty Ví dụ, một công ty rất hào hứng đưa ra Bảng cân đối kế  toán dự báo, dự báo rằng sẽ tăng trưởng nhanh và có lợi nhuận Tuy nhiên, điều này lại làm cho tỷ số nợ của công ty lên tới 75% (khá cao), và điều này có thể khiến các nhà đầu tư đi đến kết luận là có quá nhiều rủi ro khi tiếp tụ đầu tư vào doanh nghiệp

3. Dự báo dòng tiền mặt theo tháng

Dự báo dòng tiền mặt theo tháng thông qua việc dự báo và lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ dự toán. Báo cáo này trình bày về dự toán dòng tiền ra vào của công ty trong một thời kỳ cụ thể. Chức năng quan trọng nhất của báo cáo lưu chuyển tiền tệ dự toán là dự toán được việc công ty có dòng tiền đáp ứng với nhu cầu hay không. Giống như báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong quá khứ, báo cáo lưu chuyển tiền tệ dự toán được chia làm 3 nhóm chỉ tiêu: hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Luồng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh được quan tâm nhất vì nó cho biết các khoản phải thu, khoản phải trả, hàng tồn kho của công ty có ảnh hưởng đến dòng tiền trong đầu tư và tài chính như thế nào. Nếu như một mục nào đó tăng lên với tỷ lệ lớn hơn nhiều tỷ lệ của doanh thu hàng năm, thì đó là một điều đáng báo động đỏ. Ví dụ, khoản phải thu tăng lên, là khoản tiền công ty cho khách hàng nợ, sẽ làm giảm số lượng tiền cho các hoạt động đầu tư và tài chính. Nếu như khoản phải thu  vượt quá khả năng kiểm soát sẽ gây nguy hiểm cho khả năng cung tiền để phát triển cũng như khả năng trả nợ của công ty

4. Phân tích tỷ lệ tài chính

Các tỷ số tài chính thông thường được dùng để đánh giá báo cáo tài chính trong quá khứ của một công ty, cũng có thể được dùng để đánh giá các báo cáo tài chính dự toán Khi đã làm được điều này thì công ty có thể so sánh được hoạt động tài chính dự toán so với hoạt động trong quá khứ, các hoạt động theo dự toán có ảnh hưởng như thế nào tới dòng tiền cũng như tình hình tài chính chung của doanh nghiệp.

Tóm lại, doanh nghiệp hiểu được tình hình tài chính của mình tại mọi thời điểm là rất quan trọng; và dự toán tài chính của các doanh nghiệp mới khởi nghiệp dựa những số liệu đáng tin cậy. Mối quan tâm hàng đầu không phải là việc doanh nghiệp thành công trong các lĩnh vực như thế nào mà phải thành công trong tài chính của mình để tồn tại lâu dài và bền vững.

5. Sự ảnh hưởng của các rủi ro chính lên các chỉ số tài chính

Trong bản kế hoạch kinh doanh cũng cần đề cập đến một số những nhân tố chính có thể ảnh hưởng đến tính khả thi và hiệu quả của kế hoạch kinh doanh đó Các nhân tố ảnh hưởng có thể đến từ môi trường kinh doanh và môi trường nôi bộ doanh nghiệp Có một số nhân tố thường gặp như sau:

Rủi ro về sức mua của thị trường: Sức mua của thị trường là nhân tố quyết định khả năng tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp và do đó, nó cũng quyết định dòng tiền vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, sức mua của thị trường lại phụ thuộc rất nhiều yếu tố Khi lạm phát, giá cả hàng hóa trên thị trường tăng cao, thu nhập của người lao động và các tầng lớp dân cư không tăng hoặc tăng chậm hơn chỉ số lạm phát và tất yếu dẫn đến sức mua giảm. Quan trọng hơn nữa, cơ cấu tiêu dùng cũng thay đổi Phần lớn khả năng thanh toán tập trung cho những nhu cầu thiết yếu. Vì vậy, sẽ có không ít mặt hàng lượng tiêu thụ sẽ giảm đi đáng kể Khi đó, rủi ro về sức mua của thị trường đã xảy ra. Nó thể hiện qua số lượng hàng hóa tiêu thụ được giảm, giá bán không bù đắp được chi phí sản xuất, kinh doanh.

Rủi ro lãi suất tiền vay: Để phục vụ kinh doanh và đầu tư, các doanh nghiệp đều phải sử dụng vốn vay, trong đó các doanh nghiệp mới khởi nghiệp cũng tương tự. Do đó, lãi suất tiền vay - chi phí sử dụng vốn - trở thành bộ phận cấu thành quan trọng trong chi phí sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. Khi lập kế hoạch kinh doanh và dự án đầu tư, lãi suất tiền vay đã được dự tính. Song, có rất nhiều nhân tố nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp tác động đến lãi suất tiền vay. Thông thường khi lạm phát xảy ra, lãi suất tiền vay tăng đột biến. Do đó, những tính toán, dự kiến trong kế hoạch kinh doanh, đầu tư bị đảo lộn. Đây là một rủi ro lớn có thể xảy ra và ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh. Lượng tiền vay càng lớn, tác động tiêu cực của rủi ro này càng nghiêm trọng và có thể dẫn đến tình trạng phá sản doanh nghiệp nếu nó tồn tại trong một thời kỳ dài.

Rủi ro về tỷ giá hối đoái: Là rủi ro xẩy ra khi các giao dịch kinh tế được thực hiện bằng ngoại tệ và tỷ giá hối đoái biến động theo hướng làm cho đồng nội tệ bị mất giá. Với những doanh nghiệp sử dụng nhiều ngoại tệ, khi tỷ giá hối đoái tăng, số lỗ về tỷ giá có thể làm giảm đáng kể, thậm chí là triệt tiêu toàn bộ lợi nhuận thu được trong kinh doanh. Đây là rủi ro bất khả kháng của các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp mới khởi nghiệp đã tính toán rất chi tiết về rủi ro và lợi nhuận.

Ngoài ra cũng còn nhiều rủi ro trong nội bộ doanh nghiệp cần phải được lường trước để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả của kế hoạch kinh doanh.

Nguồn: Lương Thu Hà

Đánh giá

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
setup_menu_mon_ansetp_menu_do_uong
CONTACT US

FNB DIRECTOR - HoReCa Business School

83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.

Hotline: +84 903 132 508

Email: hello@fnbdirector.com

FOLLOW US ON FACEBOOK

Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School

1
Bạn cần hỗ trợ?