new_logo_fbd_v2
horeca_business_school

Toàn cảnh thị trường thực phẩm an toàn tại Việt Nam

Khi mức sống của người dân Việt Nam ngày càng tăng cao, đi kèm với đó là những đòi hỏi ngày càng khắt khe đối với sự an toàn của các loại thực phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống hằng ngày. Nhận biết được nhu cầu đó, trong những năm gần đây, một loạt các thương hiệu thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ… ra đời để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Tồn tại nhiều bất cập

Tuy nhiên, cũng chính sự ra đời ồ ạt của các thương hiệu này lại dẫn đến những tồn tại bất cập của thị trường thực phẩm an toàn, như: thật - giả khó phân biệt, sự hoài nghi liệu có an toàn như mong đợi, thông tin thực phẩm liệu có đáng tin cậy, chỉ dành cho người giàu…

Thực phẩm an toàn: bắt nguồn từ nỗi sợ

Sự hình thành của thực phẩm an toàn Việt Nam đã bắt đầu từ giữa những năm 90 của thế kỉ trước, mang tính tự nhiên nhiều hơn là phù hợp với tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế về thực phẩm an toàn như IFOAM.., và không phải xuất phát từ thị trường trong nước, mà do phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Hầu hết các sản phẩm an toàn đều là khai thác từ tự nhiên, với các sản phẩm như: gia vị các loại, mật ong, tinh dầu, thảo dược các loại…, chè và rau an toàn. Sau đó, bắt nguồn từ sự "sợ hãi" của người tiêu dùng với tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn ở thị trường Việt Nam, các nhà sản xuất đã phải tìm hướng mới cho thực phẩm là thực phẩm an toàn.

Trên thực tế, chỉ cần vào Google, đánh từ khóa "thực phẩm bẩn", có tới hơn 17 triệu kết quả được trả về chỉ trong 0,47 giây. Những phát biểu của các chuyên gia, những người nổi tiếng về thực phẩm bẩn thậm chí còn trở thành câu cửa miệng của nhiều người tiêu dùng, như: "con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế".

Thị trường thực phẩm an toàn Việt Nam hiện nay (Bài 1: Tồn tại nhiều bất cập) - Ảnh 1.

Điều này được chứng minh bởi số vụ ngộ độc thực phẩm ở nước ta đang ở mức cao. Năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 2.000 người mắc, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong. So với năm 2018, số vụ giảm 32 vụ (29,6%), số mắc giảm 1.478 người (42,6%), số đi viện giảm 1.135 người (37,2%), số tử vong giảm 9 người (52,9%). Tính đến tháng 10 năm 2020, cả nước xảy ra 81 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.040 người bị ngộ độc, trong đó có 21 người tử vong.

Trước tình hình đó, người tiêu dùng đã phải tìm cách tự bảo vệ mình bằng việc tìm kiếm những thực phẩm an toàn cho bản thân và gia đình. Những thuật ngữ sản phẩm an toàn, thực phẩm an toàn dần trở nên phổ biến hơn và các sản phẩm này ngày càng thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là người tiêu dùng thành thị. Từ khóa "Thực phẩm an toàn" được Google trả về với hơn 96 triệu kết quả trong 0,73 giây là một minh chứng cho điều này.

Thực trạng thị trường thực phẩm an toàn Việt Nam

Một vấn đề đặt ra từ rất lâu nhưng vẫn chưa có cách giải quyết về vấn đề thị trường thực phẩm an toàn ở Việt Nam. Đó là những tồn tại trong lĩnh vực này như khó phân biệt thật giả, chất lượng có tốt như quảng cáo, thông tin chưa đầy đủ và giá cả.

Có một thực tế là người tiêu dùng rất khó phân biệt được đâu là thực phẩm an toàn thật, đâu là thực phẩm đội lốt thực phẩm an toàn. Mặc dù người tiêu dùng sẵn sàng trả một mức giá cao hơn để hi vọng vào một sản phẩm có chất lượng tốt hơn, bằng cách tìm đến những nơi bán thực phẩm với giá cao, như siêu thị, nhưng vẫn chưa chắc chắn vì thực tế đã có nhiều vụ việc trà trộn rau không an toàn vào siêu thị đã bị phanh phui mặc dù các sản phẩm đó đều có gắn mác là an toàn.

Gần đây nhất, có thể kể đến các vụ việc của một siêu thị ở Hà Nội, một trong các hệ thống siêu thị lớn và đã tồn tại khá lâu ở Việt Nam. Sau sự phản ánh của người tiêu dùng, phóng viên đã đến trực tiếp các siêu thị đó để tác nghiệp, kết quả là hầu hết các mặt hàng hoa quả, thực phẩm và một số đồ gia dụng hoàn toàn không có tem mác xuất xứ, một số khay thực phẩm còn không có cả thời hạn sử dụng…

Sự nhập nhằng của các siêu thị một phần là do người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là thực phẩm "sạch" và đâu là thực phẩm "bẩn", họ chỉ còn biết trông mong vào uy tín và lương tâm của người bán, nhưng đứng trước mức lợi nhuận khủng do những hành vi gian dối mang lại, các siêu thị vẫn "sẵn sàng" lừa dối khách hàng. Điều đó làm cho thị trường thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn ở Việt Nam thực sự gặp nhiều khó khăn khi niềm tin của người tiêu dùng với các sản phẩm này không còn nhiều.

Vấn đề thứ hai là sự tin tưởng của người tiêu dùng về việc liệu sản phẩm có tốt như quảng cáo. Bên cạnh rất nhiều các thông tin thực phẩm an toàn là tốt cho sức khỏe, nhiều chất dinh dưỡng, an toàn… thì vẫn còn nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo "chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng để chứng minh thực phẩm an toàn tốt hơn thực phẩm thông thường". Thực phẩm an toàn được sản xuất một cách "tự nhiên" cũng chỉ có thể cung cấp được các chất dinh dưỡng và hạn chế các chất có hại tương tự như thực phẩm "thông thường" mà thôi. Thậm chí, thực phẩm an toàn còn "có phần" kém hơn do khó bảo quản hơn nên hàm lượng dinh dưỡng kém đi trong quá trình tồn trữ, vận chuyển.

Thị trường thực phẩm an toàn Việt Nam hiện nay (Bài 1: Tồn tại nhiều bất cập) - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Như vậy, theo các chuyên gia thì thực phẩm an toàn không hẳn là chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm an toàn thúc đẩy hành vi mua của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính người tiêu dùng Việt Nam chuộng thực phẩm an toàn còn do xuất phát từ nỗi "sợ hãi" với thực phẩm bẩn tràn lan. Thực tế này đã làm xuất hiện một số khách hàng hoài nghi về chất lượng của thực phẩm an toàn, qua đó hoài nghi về các tuyên bố dinh dưỡng của người bán hàng, cũng như nhà sản xuất thực phẩm an toàn.

Mặc dù thực phẩm an toàn đã trở thành một phong trào tiêu dùng trong thời gian gần đây, nhưng theo ý kiến của chuyên gia về vấn đề này, một trong các nguyên nhân làm thị trường thực phẩm an toàn kém phát triển là do người tiêu dùng còn chưa hiểu biết một cách thấu đáo về thực phẩm an toàn, thiếu các thông tin để truy xuất nguồn gốc, khó tìm hiểu và không hiểu về quá trình sản xuất. Các bước trong quá trình cung cấp thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng như: sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển… người tiêu dùng cũng không nắm được, thiếu các thông tin.

Khi sử dụng công cụ tìm kiếm Google, trong 0,73 giây có hơn 96 triệu kết quả trả về cho nội dung "thực phẩm an toàn". Tuy nhiên, các thông tin trên internet cũng ở trong tình trạng "không thể kiểm soát", thật giả khó phân biệt, từ thông tin một số nhà sản xuất không tuân thủ quy định sau đó báo chí làm trầm trọng hóa vấn đề, người tiêu dùng trở nên hoang mang sợ hãi. Lợi dụng tâm lý đó, các nhà sản xuất thực phẩm, trong đó có thực phẩm an toàn, ra sức thổi phồng sự thật về thực phẩm mà họ sản xuất, cung cấp những thông tin không đúng sự thật về các loại thực phẩm, như thực phẩm an toàn là sạch nhất, là dinh dưỡng tốt nhất, an toàn nhất cho sức khỏe… Trong khi đó, theo các chuyên gia thì chỉ cần thực phẩm an toàn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về dinh dưỡng là đủ.

Một sự thật nữa mà ai cũng nhìn thấy là dường như tại Việt Nam, thực phẩm an toàn chỉ dành cho người có tiền. Các loại thực phẩm đang được dán nhãn an toàn ở Việt Nam hiện có giá cao gấp nhiều lần thực phẩm thông thường, các sản phẩm rau, củ, nấm có giá đắt hơn khoảng 4 đến 5 lần, thịt lợn đắt hơn khoảng 3 lần. Do đó, thực phẩm an toàn thường chỉ dành cho những gia đình có mức thu nhập từ khá, thậm chí giàu có trở lên. Những đặc điểm thường gắn với nhóm khách hàng tiêu dùng này là: học vấn cao, thường sống ở thành phố lớn, thường là người có chức vụ hoặc nhân viên văn phòng, họ không phải là người lao động tự do…

Lối đi cho thị trường thực phẩm an toàn

Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng về đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như tìm giải pháp nhằm phát triển thị trường này một cách hiệu quả nhất.

 

Đảm bảo an toàn thực phẩm – Khi các Bộ ngành vào cuộc

Trên thế giới, an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu với nỗi lo sức khỏe cộng đồng. Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2018 đã lựa chọn ngày 7/6 hàng năm là Ngày An toàn Thực phẩm thế giới. Còn ở Việt Nam, năm 2019, chúng ta cũng lần đầu tiên tổ chức sự kiện vào ngày này.

Theo thống kê, mỗi năm, hàng nghìn cơ sở kinh doanh ăn uống mới được mở ra tại Việt Nam, với đủ mọi loại hình và quy mô từ những nhà hàng lớn đến các cơ sở kinh doanh nhỏ tại nhà. Do đó, lực lượng lao động tham gia vào quá trình chế biến thực phẩm được tăng lên và thay đổi liên tục. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm và thực hành tốt trong chế biến thực phẩm cho lực lượng lao động này là rất cần thiết.

Thị trường thực phẩm an toàn Việt Nam hiện nay (Bài 2: Lối đi cho thị trường thực phẩm an toàn) - Ảnh 1.

Thực phẩm an toàn cần được quản lý từ nơi sản xuất đến kinh doanh.

Bộ Công thương thời gian qua tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm, bao gồm: Tư vấn xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm; áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến bảo đảm chất lượng, an toàn và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ; tư vấn hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm....

Tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường xuất khẩu hàng Việt Nam vào các chuỗi siêu thị của doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam, đưa hàng Việt ra nước ngoài, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, khuyến công, khoa học công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm an toàn vào hệ thống phân phối; Phối hợp với các Bộ ngành kiểm soát và ngăn chặn việc sản xuất kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm.

Thị trường thực phẩm an toàn Việt Nam hiện nay (Bài 2: Lối đi cho thị trường thực phẩm an toàn) - Ảnh 2.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương. (Ảnh: baocongthuong)

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương tiếp tục xác định công tác quản lý an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, và tập trung vào một số nội dung sau: Thứ nhất, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan đoàn thể chính trị-xã hội về tuyên truyền, vận động, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm; Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý; gắn trách nhiệm của người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, chống sản xuất, kinh doanh hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; Thứ tư, tiếp tục hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn.

Đi tìm giải pháp phát triển cho thị trường thực phẩm an toàn

Thực phẩm an toàn trong thời gian tới vẫn sẽ là sản phẩm được người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng thành thị Việt Nam quan tâm. Sự phát triển sản phẩm an toàn là một xu thế rất khó đảo ngược, tuy nhiên tốc độ phát triển của thị trường này vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Với sự xuất hiện của Nghị định 109 và bộ tiêu chuẩn Việt Nam về thực phẩm an toàn, hành lang pháp lý cho sự phát triển của thị trường đã dần được hoàn thiện. Song, để thị trường thực phẩm an toàn phát triển nhanh và lành mạnh còn rất nhiều việc phải làm.

Thứ nhất là, phải làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu biết hơn về thực phẩm an toàn. Khi sự hiểu biết của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn tăng lên, người tiêu dùng sẽ trở thành người tiêu dùng "thông thái", họ sẽ sáng suốt hơn trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, từ đó tạo ra một tác động kép là ủng hộ các nhà sản xuất làm ăn chân chính và hạn chế các nhà sản xuất làm ăn chụp giật, lừa đảo, gian dối. Những hành vi "nhập nhèm", "tự xưng", "tự phong", "trà trộn", "đội lốt" trong thị trường thực phẩm an toàn của những nhà sản xuất, nhà phân phối cơ hội, không đàng hoàng sẽ bị đào thải, thị trường thực phẩm an toàn sẽ trở lên lành mạnh hơn.

Thị trường thực phẩm an toàn Việt Nam hiện nay (Bài 2: Lối đi cho thị trường thực phẩm an toàn) - Ảnh 3.

Các cơ quan liên ngành kiểm tra mặt hàng rau an toàn tại hệ thống siêu thị.

Thứ hai là, Nhà nước sớm ban hành bộ hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ tạo điều kiện cho thị trường thực phẩm an toàn hoạt động. Phải nghiên cứu kĩ các điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các nhà sản xuất làm ăn chân chính phát triển; đồng thời phải xây dựng bộ công cụ kiểm tra, giám sát thật mạnh, nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm; cùng với đó là các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để những người có ý đồ không tốt, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn, sự buông lỏng quản lý của cơ quan hữu quan mà thực hiện các hành vi vi phạm.

Thực phẩm là một ngành hàng quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn tới không chỉ sức khỏe của một người, mà của cả một thế hệ, một dân tộc. Vì vậy, các chính sách đưa ra phải đầy đủ để khuyến khích, thúc đẩy khát khao làm giàu chính đáng của những cá nhân, tổ chức tham gia vào kênh phân phối, đồng thời ngăn chặn những người có mong muốn làm ăn bất chính, họ có muốn cũng không dám làm.

Nguồn: ictvietnam

Đánh giá

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
setup_menu_mon_ansetp_menu_do_uong
CONTACT US

FNB DIRECTOR - HoReCa Business School

83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.

Hotline: +84 903 132 508

Email: hello@fnbdirector.com

FOLLOW US ON FACEBOOK

Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School

1
Bạn cần hỗ trợ?