Bánh Việt Nam bắt nguồn từ những nguyên liệu từ thiên nhiên từ nền nông nghiệp truyền thống như lúa gạo, nếp, bắp, mì, khoai... Dần theo thời gian, những loại bánh được chăm chút tỉ mỉ hơn và trở thành biểu tượng của ẩm thực Việt Nam. Những món bánh với cái tên bình dị, gần gũi nhất như bánh tét, bánh chưng, bánh bèo, bánh khọt, bánh bò, bánh gai, bánh xèo, bánh đúc,...đã gắn liền với biết bao thế hệ. Thử xem bạn đã ăn qua bao nhiêu trong tổng số những món bánh truyền thống Việt Nam nhé!
Lý do hai loại bánh này luôn được đi cùng nhau bởi chúng có cùng một đặc trưng. Đây là hai loại bánh mừng Tết cổ truyền, đại diện cho hai miền Nam - Bắc. Với những nguyên liệu giống nhau: nếp, thịt ba rọi, đậu xanh, chuối,...hương vị của bánh chưng - bánh tétkhá tương đồng nhau. Phía trong lớp nếp dẻo có nhiều loại nhân khau: nhân thịt ba rọi, nhân đậu, nhân chuối,...Bánh chưng hình vuông vức được gói bằng lá dong và bánh tét thì hình trụ dài và gói bằng lá chuối tươi.
Bánh bèo rất thịnh hành ở miền Trung. Tùy theo từng địa điểm, bánh bèo cũng có tên và đặc điểm khác nhau: bánh bèo Quãng Ngãi, Hội An, Huế (bánh bèo phố cổ), Quãng Nam,...Đặc trưng là bánh bèo Quãng Nam và bánh bèo Huế.
Bánh bèo Quãng thường to, dày, ăn với bột nấu nhão gồm có thịt, tôm băm, hẹ, khi ăn bỏ thêm ít hành phi, ớt băm. Bánh bèo Huế mỏng hơn, có bột tôm sấy, ăn kèm theo da heo chiên giòn ăn kèm cùng nước mắm. Bánh bèo có hình dáng tròn dẹt và có lòng bánh vì bột gạo được đúc từ chén nhỏ.
Bánh xèo, tên gọi này khiến bạn hình dung ra tiếng “xèo xèo” khi đổ một giá bột bánh xèo vào chảo mỡ đang nóng. Tùy theo sở thích và đặc điểm tự nhiên của từng vùng miền mà mỗi nơi có cách chế biến bánh xèo khác nhau. Tuy nhiên, thành phần cơ bản của bánh vẫn không thay đổi như bột bánh xèo, thịt ba rọi, tôm tép, cà rốt, nấm, giá…ăn kèm cùng các loại rau cải và chấm nước mắm làm. Khác nhau có chăng là hình thức và vị của bánh mà thôi.
Bánh xèo miền Tây với kích thước to và viền ngoài vàng ươm, mỏng đến giòn tan. Bánh xèo miền Trung với vỏ bánh gọn và dày hơn. Đặc biệt nhất là bánh xèo tôm nhảy xứ Nẫu mới lạ với kích thước nhỏ và nhiều tôm. Bánh xèo Việt Nam được khách du lịch phương Tây ưu ái gọi bằng "pizza Việt Nam".
Bánh giò - loại bánh phổ biến ở miền Bắc, được ăn vào bất kỳ thời điểm nào dẫu sáng trưa chiều hay tối và rất được người miền Nam yêu thích. Bánh giò nóng hổi với bột gạo mềm tan bọc lấy mộc nhĩ và thịt xay, đôi khi có thêm trứng cút. Có nhiều nơi ăn bánh giò kèm chả và dưa leo thêm ít tương ớt cho đậm vị.
Bánh da lợn là món bánh ngọt ăn vặt nổi tiếng ở những phiên chợ sáng Nam Bộ.
Bánh làm từ bột năng, đậu xanh, lá dứa,... thường có 2 lớp màu vàng từ đậu xanh và màu xanh lá dứa xen kẻ nhau, dạng ổ to và được cắt miếng khi bán. Bánh dẻo dai và thơm, có người khi ăn tách từng lớp để ăn vô cùng thích thú.
Khi đến Hà Nội, người dân ở đây sẽ giới thiệu với bạn đây là đặc sản của Hà Nội. Nhưng khi đến Huế, người ta lại bảo đây là đặc sản của Huế. Bánh bột lọc đi đến đâu cũng trở thành một món ăn rất được yêu mến vì sự đơn giản, dân dã nhưng mang đậm chất Việt Nam.
Bánh được làm từ bột mì tinh hoặc bột năng, với phần nhân đa dạng theo từng vùng miền. Có nơi nhân tôm, có nơi dùng thịt xay và mộc nhĩ, và nhân đậu xanh nữa. Bánh thường được bọc trong lá chuối (hoặc không gói), và đem hấm chín, ăn cùng hành lá phi thơm và nước mắm làm.
Bánh ít trần là loại bánh nổi tiếng ở miền Trung. Thường có hai loại bánh ít trần là loại nhân tôm thịt và loại nhân đậu xanh. Bánh ít trần không qua gói lá, trần như tên gọi của nó.
(Nguồn hình nền: NHATMIN)
Làm bánh ít trần thành công từ lần đầu.
Một lần chỉ cần ăn khoảng 3 viên là bạn đã cảm thấy no. Bánh được chan cùng nước mắm làm và có nơi ăn kèm đồ chua từ củ cải trắng, cà rốt để chống ngán.
Bánh dày giò - một loại bánh truyền thống của những người con Việt Nam làm ra để bày tỏ lòng biết ơn của mình đến trời và đất. Địa danh gắn liền với bánh dày, đó là bánh dầy Quán Gánh (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội).
Bánh dày không nhân là loại phổ biến nhất, trắng mềm dẻo dai được ăn chung với chả lụa, giò bò, chả quế...Ở miền Nam loại bánh này được gọi là bánh giầy kẹp chả.
Bánh cuốn nóng là một trong những món ngon được dâng tiến cho vua Hùng Vương thứ 18. Đến nay, có nhiều tên gọi bánh cuốn nóng: Thanh Trì, Hải Phòng, Lạng Sơn, Phủ Lý,...
Bánh được làm từ bột gạo thơm lừng, tráng một lớp mỏng và cuốn phía trong là thịt, mộc nhĩ và có khi cả sắn, chan cùng nước mắm làm. Thông thường bánh cuốn nóng được ăn kèm cùng giá, một ít rau thơm và các loại chả lụa, chả quế.
Bánh cam, bánh còng là món bánh ăn vặt quá quen thuộc với trẻ em miền Tây. Loại bánh này có đặc điểm là giòn rất lâu, không dễ mềm sau khi chiên như những loại bánh khác.
(Nguồn hình nền: Ricenflour.com)
Bánh làm từ bột nếp và bột gạo. Bánh còng thường hình vòng tròn, không nhân. Bánh cam tròn dẹt và chứa nhân đậu xanh phía trong. Lớp đường bên ngoài có hai loại là kẹo đường dinh dính và đường sên trắng.
Bánh phu thê (bánh xu xuê) là một loại bánh ngọt cổ truyền của Việt Nam. Bánh vừa giòn vừa dai nhờ bột lọc, cảm giác sần sật của những cọng dừa non, vừa ngậy ngậy béo béo của nhân đậu xanh, hương thơm dịu nhẹ của lá dứa và thanh mát của đường cát trắng.
Đây là loại bánh thường hiện diện trong những mâm sính lễ cưới. Giống như tên gọi, bánh mang ý nghĩa cầu chúc hạnh phúc, con cháu sung túc cho đôi lứa.
Lại một món ăn truyền thống làm ra từ hạt gạo. Ở chùa trong những ngày tháng 7 Âm lịch, nhà chùa thường nấu rất nhiều bánh đúc chay để cúng chúng sinh, sau để các Phật tử thụ lộc.
(Nguồn hình nền: Bếp Cô Minh)
Cách làm khá đơn giản, bột gạo được khuấy tan và nấu sôi, để đặc lại và cắt miếng khi ăn. Có nhiều loại bánh đúc: bánh đúc lạc, bánh đúc ngô, bánh đúc dừa...
Ở miền Bắc, người ta thường ăn bánh đúc với nước tương. Ở miền Trung và Nam, bánh đúc còn được thêm thịt heo bằm xào cùng cà rốt hoặc nấm mèo, chan cùng nước mắm làm.
Bánh quai vạc là một loại bánh mặn bình dân ở Việt Nam, bánh mang hương vị của vùng biển miền Trung đặc biệt là Bình Thuận, phổ biến nhất là bánh quai vạt chiên.
Bánh có hình dáng giống chiếc quai vạc, bên trong nhân có thể chứa tôm, thịt, khi chế biến. Vỏ bánh từ bột mì (và bột năng), được gấp lại thành hình bán nguyệt, viền bánh sẽ dợn sóng.
Bánh gio hay còn gọi là bánh tro nổi tiếng nhất ở vùng đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Là một loại bánh thường dùng trong ngày Tết Đoan Ngọ hằng năm.
Nước tro làm bánh được đặc chế từ nhiều loại cây khác nhau tùy vùng như: cây dền gai, quả vừng, măng tre, rơm nếp...Gạo được ngâm qua nước tro một đêm để tạo màu hổ phách đẹp mặt sau đó để ráo. Bánh gói trong lá dong, lá chuối hoặc lá ỏng và đem đi nấu chín.
(Nguồn hình nền: Zing.vn)
Bánh có vị ngọt nhẹ, gạo nở trong vắt, dẻo lại giòn khó cưỡng, thường ăn cùng mật ong để tăng vị thơm ngon.
Từ Bắc chí Nam, đâu đâu cũng biết bánh tai heo, một loại bánh ăn vặt, giòn tan. Cái tên hình thành từ dáng tròn dẹt giống tai heo ngộ ngĩnh.
Bánh làm rất đơn giản bằng cách trộn bột mì với trứng, một nửa trộn cùng bột ca cao, cuộn xen kẻ thái mỏng rồi đem chiên vàng. Bánh tai heo tuy đơn giản nhưng lại đi theo tuổi thơ rất nhiều người và trở thành một loại bánh đặc sắc không nhầm lẫn vào đâu được.
Bạn đã ăn và tự tay làm qua được bao nhiêu trong số 15 loại bánh truyền thống Việt Nam trên? Hãy tái hiện lại những món bánh này khi có điều kiện để duy trì nét đẹp ẩm thực này nhé!
Nguồn: cooky.vn
Đánh giá
Email: hello@fnbdirector.com
Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School