fnb_director_logo_2024_ap_dung_nen_sang_mau_1500
horeca_business_school

33 phong cách thiết kế nội thất được yêu thích nhất

Các phong cách thiết kế nội thất – 33 phong cách được yêu thích nhất

Trước khi bắt đầu bước chân vào ngôi nhà mới, chúng tôi chắc chắn việc đầu tiên bạn sẽ phải quan tâm đó chính là trang trí lại nội thất ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, việc lựa chọn nên trang trí theo phong cách nào? Chọn đồ đạc, kiểu dáng, màu sắc ra sao? Và hơn hết, phong cách bạn lựa chọn đó có phù hợp với ngân sách của bạn hay không?

Dưới đây là tổng hợp các phong cách thiết kế nội thất mà bạn tham khảo:

Lưu ý: Ở bài viết này TTDECOR sẽ đi sâu vào chuyên môn của từng phong cách mà không đi đề cập quá nhiều vào vấn đề bạn cần bao nhiêu tiền cho phong cách thiết kế đó.

  1. Art & Crafts

Art & Crafts style

Art & Crafts là phong cách thiết kế nội thất nhà và đồ nội thất nhấn mạnh các nguyên liệu tự nhiên, gỗ đặc biệt. Chúng được tạo hình một cách rõ rệt trong thiết kế nội thất, là sự kết hợp của sự thẩm mỹ và chức năng. Đặc trưng của phong cách này là thiết kế đơn giản, tập trung vào các nghề thủ công và sử dụng vật liệu tự nhiên.

Đặc điểm chính:

  • Gỗ được sử dụng rất nhiều, thường dùng đồ thủ công, dệt may được đan tay, màu sắc và mẫu phong phú.
  • Ánh sáng đặc biệt quan trọng ở phong cách này, ánh sáng tự nhiên rất thích hợp, tuy nhiên những tấm kính màu Tiffany cũng có thể được sử dụng cho phong cách này.
  • Đồ nội thất dạng hình vuông, hình chữ nhật và octagons. Chúng được tạo ra bởi các cạnh rất rõ ràng.
  • Ghế sofa và ghế thường được tiếp xúc với cánh tay gỗ, đệm có thể thay đổi tùy mua và dễ dàng giữ vệ sinh cho nó.

Đánh giá:

Art & Crafts là một phong cách đơn giản – lấy cảm hứng từ thiên nhiên cùng kỹ năng lành nghề của nghệ nhân. Đây là một phong cách thiết kế nội thất khá thú vị vì bản thân nó khá linh hoạt, bởi khi chúng ta thay đổi những tấm nệm đã cũ, không hợp thời và giữ lại nội thất gỗ thì sẽ có ngay một bộ nội thất mới; một sự tiết kiệm không hề nhỏ cho bạn. Khi sử dụng phong cách này, chúng ta sẽ dễ dàng tạo ra những nội thất vô cùng đặc biệt mang vẻ đẹp riêng biệt không nơi nào có được.

  1. Art Deco

Art Deco style

Art Deco là một phong cách hình học hợp lý bao gồm các mảnh đồ nội thất hình cong, gương, phần cứng chrome và kính. Nỗ lực lớn nhất của phong cách này là sự chối bỏ những tàn tích, định kiến xa xưa, những khuôn vàng thước ngọc của kiến trúc cổ điển. Vì vậy, Art Deco chính là một cuộc cách mạng.

Đặc điểm chính:

  • Nổi bật nhất chính là phong cách này phụ thuộc vào loạt đồ trang trí và họa tiết. Phong cách đa dạng về hoa văn, phát triển dễ dàng trong kiến trúc và nghệ thuật không gian.
  • Phong cách trang trí theo Art Decor không đơn thuần chỉ là sử dụng vật liệu đắt tiền mà còn phải chú ý đến ánh sáng, việc pha trộn màu sắc dựa trên sự tương phản giữa màu đen và trắng, giữa màu đỏ và vàng crom.
  • Đặc trưng bởi việc sử dụng kim loại, ống thép, tấm kính, bê tông sử dụng ván ép, bán đá, chrome, nhựa, da.
  • Các hình thức hoành tráng với trang trí tinh vi, một sự kiết hợp của nghệ thuật nouveau, phái lập thể và chủ nghĩa biểu hiện, việc sử dụng kỹ thuật thiết kế.
  • Sử dụng các hình thức bậc thang và đường cong hình học, mô hình chữ V, Đường ziczac, hình tròn, tam giác, mặt trời, đài phun nước và các motif tia sáng.
  • Màu sắc tươi sáng được kết hợp với màu đen, crom và vàng chiếm ưu thế trong những điểm nhất và ánh sáng màu xanh hoặc màu xám được sử dụng để làm mềm thiết kế nội thất.

Đánh giá:

Thiết kế nội thất theo phong cách Art Deco đã được ứng dụng từ rất lâu đời, nó được coi là một cuộc cách mạng so với các phong cách đương thời. Và ngày nay, người ta vẫn thích nội thất theo phong cách này mới vẻ đẹp của nó mang lại – Vẻ đẹp của sự sang trọng, thanh lịch và tôn lên giá trị của người sử dụng nó.

  1. Art Nouveau

Art Nouveau style

Art Nouveau là một trường phái quốc tế, một phong cách nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật ứng dụng và nghệ thuật trang trí phổ biến vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX (1890 – 1905).

Như một sự đối lập trường phát hàn lâm của thế kỷ XIX, Art Nouveau đặc biệt bởi tính kết cấu, đặc biệt bởi các họa tiết, cách điệu hóa, hay sử dụng các đường cong.

Đặc điểm:

  • Motif trang trí: Đường cong và các mẫu phức tạp được lấy cảm hứng từ thiên nhiên, là những hình ảnh hữu cơ như cây cỏ, hoa lá, cách điệu các loài động vật.
  • Đường nét: Art Nouveau có đặc trưng là những đường uốn lượn thanh nhã mềm mại. Tính nhịp điệu kiểu mẫu của những đường cong chính là đặc điểm của phong cách thiết kế này. Các đường này rất hiếm khi có góc cạnh, mặc dù các thiết kế vuông vức vẫn rất thịnh hành ở Scotland và Áo.
  • Vật liệu: Bạc, hợp kim thiếc, óng ánh thủy tinh và gỗ kỳ lạ cũng như đá quý là các vật liệu thường dùng trên các bề mặt nội thất. Nghệ thuật kính đạt được một phát triển mới, thủy tinh tạo hình, sừng động vật và ngà voi cũng là những vật liệu thường được sử dụng.
  • Màu sắc: Không gian nội thất thường sử dụng nhiều màu sắc vui mắt, rực rỡ.

Đánh giá:

Art Nouveau có mọt sự riêng biệt và cũng không giống với phong cách nào, những thiết kế sẵn sàng sử dụng các vật liệu mới, những bề mặt được gia công bằng máy móc và sự trừu tượng trong thiết kế thuần túy.

  1. Avant Garde

Avant Garde style

Không gian nội thất dược nhấn mạnh với các màu đen, trắng, đỏ, vàng tươi và xanh đậm. Chi tiết đáng chú ý nhất của trường phát này là thiết kế các vật dụng kim loại như chén bát, lọ hoa, đèn bàn…chủ yếu sử dụn bạc – chất liệu rẻ tiền và bền hơn vàng, có điểm xuyết một số hoa văn để đưa vào tác phẩm của mình.

Avant Garde được các nhà thiết kế nội thất phát triển khi bước sang thế kỷ XX, thời kỳ này được xem như sự mở đầu của các phong cách hiện đại. Ranh giới giữa mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng bắt đầu được xóa bỏ.

Nền tảng then chốt là các nhà thiết kế đã hiểu ra rằng: công nghiệp hóa sẽ làm thay đổi toàn diện quy trình thiết kế.

Nhiều công ty thiết kế nội thất đã thay đổi thói quan niệm để phù hợp với thời đại mới, trong đó tiêu biểu nhất là Wiener Werkstatte, với khuynh hướng phủ nhật các thiết kế cầu kỳ như Art Nouveau đã chú trọng đến công năng. Họ thường sử dụng các đường nét thẳng và các cấu kiện mang theo nhiều kiểu dáng thuần hình học, đơn giản vào thiết kế các sản phẩm ứng dụng trong xưởng sản xuất của mình.

Đặc điểm:

Không gian nội thất của Avant Garde được xác định bằng đường nét ngang – dọc một cách rõ ràng. Với xu hướng từ bỏ các chi tiết đơn lẻ và cầu kỳ, để tạo sự sang trọng và hoành tráng, phong cách này sử dụng các vật liệu đắt tiền như cẩm thạch, ván sàn bằng gỗ quý, vải nhung…

  1. Baroque

Baroque style

Baroque là một phong cách thiết kế bắt nguồn từ Phục Hưng Ý, sau đó lan ra khắp châu Âu và cả những nước thuộc địa cho tới thế kỷ XVIII. Nghệ thuật Baroque được đánh dấu bằng cuộc cách mạng ở thế kỷ XVII và mở đầu cho thời kỳ khai sáng.

Nghệ thuật Baroque phát triển ở nhiều nơi thuộc châu Âu. Một trong những trung tâm lớn nhất là xứ Flandre, vùng đất ngày nay bao gồm Bỉ, Hà Lan và một phần nước Pháp.

Nghệ thuật kiến trúc Baroque đia ngược lại và lối nghệ thuật kiến trúc thời phục hưng cứng nhắc vốn thừa hưởng từ Hy Lạp cổ đại và La Mã cổ đại.

Hình oval là hình chủ đạo của lối kiến trúc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết và cầu kỳ này, nó xuất hiện hầu như ở tất cả mọi nơi, từ nét uốn lượn của những dãy tường dài đến cái góc nhỏ khuất cao trên trần. Ngoài ra, người ta còn nhận biết được kiểu kiến trúc này thông qua các thức cột có kích thước lớn và thường chồng cao 2 tầng, cửa sổ lớn hình chữ nhật, một của bé hơn hình tròn, nửa tròn hay hình oval.

Kiến trúc Baroque tạo ra những không gian ấn tượng và những luồng ánh sáng kỳ bí được chiếu khắp nơi mà người ta không thể nào tìm ra được điểm xuất phát của ảnh sáng đó.

Đặc điểm:

  • Các kết cấu kiến trúc rời rạc và không hoàn chỉnh một cách có chủ ý.
  • Sử dụng ánh sáng một cách mạnh mẽ, hoặc là tương phản sáng tối (hiệu ứng tương phản).
  • Sử dụng phong phú các loại màu sắc và hoa văn trang trí.
  • Tranh trần có tỷ lệ lớn.
  • Nội thất là không gian cho hội họa, điêu khắc và nghệ thuật đắp hình nội (đặc biệt vào giai đoạn cuối của Baroque)
  • Hiệu ứng huyền ảo và sự pha trộn giữa hội họa – kiến trúc.
  1. Bauhaus

Bauhaus style

Bauhaus là trường phái hiện đại và ý tưởng của chủ nghĩa công năng, Được sáng lập bởi kiến trúc sư Walter Gropius – người muốn tạo nên một thứ gì đó mang tư tưởng tiên tiến sau thế chiến I. Bauhaus tuân thủ nguyên tắc “Form follows function – Thaamt mỹ đi liền với công năng”. Ưu tiên hàng đầu của Bauhaus là tạo ra những mẫu đơn giản, gọn nhẹ và tiện lợi. Các mẫu thiết kế đã ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc hiện đại ngày nay.

Đặc điểm:

  • Sử dụng các hình khối học đơn giản, vật liệu mới (ống thép, gỗ dán, kính công nghiệp).
  • Thẩm mỹ đi liền với chức năng và công năng quyết định hình dáng.
  • Sản phẩm mang tính hệ thống nhằm sản xuất hàng loại với giá thành rẻ nhằm phục vụ tầng lớp trung lưu.

Slogan:

“Ornament is a crime, truth to materials, form follows function” – Trang trí là tội lỗi, thật thà với vật liệu, hình thức theo công năng)

Quan điểm chính của Bauhaus:

  • Phải xác định rằng: Công năng chính là thuộc tính quan trọng nhất của ngành kiến trúc nội thất.
  • Nội dung chủ yếu của kiến trúc phải được giải quyết trên cơ sở tổng hợp công năng, kỹ thuật và nghệ thuật. Không thể nào tách rời bất cứ một thành phần nào kể trên, trong mọi công trình dù lớn hay nhỏ.
  • Trước khi bắt tay vào việc, phải coi trọng công việc nghiên cứu để có được một cuộc phân tích kỹ thuật xác đáng, hữu dụng, phục vụ cho cuộc sống.
  • Trong kế hoạch xây dựng, luôn luôn gắn liền kiến trúc nhà cửa so với những vấn đề xã hội nhân sinh.

Tầm ảnh hưởng của Bauhaus:

  • Phong cách Bauhaus có một tác động rất lớn đến xu hướng nghệ thuật: Kiến trúc, đồ họa, thời trangm tạo dáng và nội thất.
  • Là tiền đề cho những phong cách thiết kế nội thất sau này: Functionalism => Minimalism => Hitech

Đánh giá:

Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng phong cách Bauhaus đã để lại cho thế giới những tư tưởng, những công trình kiến trúc, nghệ thuật, thiết kế tầm cỡ di sản. Cái tên Bauhaus gắn liền với sự phát triển của lịch sử nghệ thuật, kiến trúc trên thế giới, một trường phát thiết kế đầy tính nhân bản.

  1. Bazaar

Bazaar style

Bazaar là một phong cách được hình thành từ nhiều phong cách khác nhau: Một chút Vintage, một chút Retro và sự kết hợp màu sắc, kết cấu tạo nên một vẻ nhẹ nhàng, thoải mái theo ý thích cá nhân,

Đặc điểm:

  • Trang trí nội thất nhà với màu sắc tươi trẻm không gian rộn ràng với hoa cỏ thiên nhiên. Cách trang trí mang tính xinh xắn, thú vị, nhẹ nhàng, hoa lá, trưng bày những bộ sưu tập, các chi tiết kiến trúc và những hình thức trang trí từ Anh – Pháp – Ý.
  • Những màu sắc được sử dụng thường rạng rỡ, màu trung tính nhẹ nhàng, ngọt ngào và lãng mạn.

Đánh giá:

Phong cách này rất hợp với nữ giới và những người yêu thích sự lãng mạn mà Bazaar mang lại. Giống như Bohemian, Bazaar là một phong cách được tạo ra qua thời gian do sự góp nhặt theo ý gia chủ mà ở đây là những mảng màu sắc vật dụng và đồ trang trí nhẹ nhàng, vui tươi và lãng mạn.

  1. Bohemian

Bohemian style

Bohemian đã được sử dụng trong một thời gian dài. Ban đầu nó được dùng để chỉ những người dân du học vào khoảng giữa thế kỷ XVII. Về sau nó đã trở thành từ đồng nghĩa với Gypsy (Kẻ lang thang) và dùng để chỉ cho những người rời bỏ xứ Bohemia ở Trung Âu để thoát khỏi một cuộc sống theo luật pháp cứng nhắc và mang lại cho họ một cuộc sống ngao du, không phải lo toan.

Đặc điểm:

Bohemian là sự tự do, phá cách trong thiết kế. Sự sống động thu hút chú ý với sự mạnh mẽ trong trang trí, các vật liệu chủ yếu là chất liệu mau thêu đan với màu sắc rực rỡ – tone nóng, mang lại một vẻ ngoài hoang dại, quyến rũ và tự do. Cách trang trí của Bohemian có ảnh hướng của phong cách Eclectism do kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Tạo nên một không gian nội thất Bohemian bao gồm các nguyên tố:

  • Tường và sàn: Tường có thể sử dụng hầu hết các màu từ các màu Neon, nhưng do bản chất Bohemian là nhiều đồ trang trí nên tường trung tính sẽ dễ kết hợp nhất. Đối với sàn có thể dùng thêm thảm hoa văn sặc sỡ để trang trí.
  • Đồ dùng: Bố trí đồ nội thất theo kiểu chiết trung, cổ điển và hiện đại kết hợp với nhau. Ví dụ như một chiếc khăn choàng tua rua màu sáng có thể kết hợp với một chiếc giường cổ.
  • Phụ kiện: Phụ kiện đóng vai trò làm đa dạng hóa và cầu kỳ hóa tạo nên tính chất của Bohemian, những đồ trang trí, những bộ sưu tập thường nhỏ và được trang trí tỉ mỉ.

Đánh giá:

Bohemian là một phong cách của những người tự do phóng khoáng, không thích gò bó, thích hợp để thiết kế không gian cho một số không gian động như quán café, của hàng hơn là nhà ở.

  1. Brutalism

Brutalism style

Brutalism biểu lộ sự sáng tạo dồi dào của các nhà kiến trúc sư trẻ trên thế giới ở phương tây vào khoảng những năm 1950 – 1970, thuộc trào lưu kiến trúc hiện đại.

Đặc điểm:

Chủ nghĩa thô mộc trong thiết kế: Công trình như một tổ hợp phân khối, được tạo ra bởi những khối công năng nhỏ hơn, và mỗi bộ phận công năng nhỏ đó phải phù hợp với tính thẩm mỹ bố cục của toàn công trình. Tòa nhà phải bộc lộ rõ tính chất công năng của nó trên giải pháp cấu trúc xây dựng.

Có sự tách biệt – phân chia rõ ràng giữa các khu vực có công năng khác nhau trong công trình.

Sử dụng hệ thống modul trong xây dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công xây dựng và hoàn thiện công trình.

Hình khối đặc mộc mạc, nó gợi nhớ lại những công trình mang hình thức về năng lượng từ thế kỷ XIX của nước Anh. Theo đuổi những kiểu dáng đơn giản, thanh lịch và chân thực, tuyệt đối không chứa đựng sự giả tạo và sự che đậy.

Vẻ đẹp chân thực và sự trong sáng của công trình được biểu hiện của các hệ thống kết cấu và đường dẫn kỹ thuật, chúng được biểu lộ ở bên ngoài công trình, tách ra khỏi tường và trở thành những chi tiết trang trí cho tòa nhà.

Sử dụng vật liệu thô một cách mộc mạc, nguyên thủy trong công trình như thép, xi măng hoặc kính. Không hoàn thiện các bề mặt cả trong lẫn ngoài công trình.

Chủ nghĩa thô mộc trong thiết kế nội thất: Chúng được biểu hiện ở những đồ vật dụng nội thất bằng gỗ, hình khối thường là dạng kỷ hà. Vật liệu sử dụng là vật liệu thô, giữ nguyên màu sắc và chất liệu bề mặt, không sử dụng các lớp hoàn thiện như sơn hay giấy dán tường.

  1. Classicism – Cổ điển

Classicism style

Classicism là phong cách bắt nguồn từ sau thời kỳ phục hưng châu Âu ảnh hưởng bởi kiến trúc Hy Lạp cổ đại và kiến trúc của La Mã cổ đại để nhấn mạnh vào tính đối xứng, hình học, lỷ lệ và đều đặn các bộ phần có thể được mô tả như là kiến trúc cổ điển.

Đặc điểm:

  • Phong cách cổ điển biểu hiện sự giản đơn trong cung cách cảm thụ và sức sống hoài niệm. Đường nét cổ kính, vật liệu, phong cách trang trí mang dáng dấp của những nhập kỷ, thế kỷ trước.
  • Hình khối kiến trúc khỏe khoắn rành mạch rõ ràng, khi lại gần các chi tiết tinh xảo không trơ hay bị khô cứng.
  • Những chi tiết trang trí tỉ mỉ và cầu kỳ mà phần nhiều trong đó được làm thủ công. Các chi tiết trang trí thường lấy cảm hứng những hình kỳ hà, cỏ hoa từ tự nhiên mang tính nghệ thuật cao và đồng bộ về phong cách.
  • Ánh sáng trong nhà thường dùng nhiều ánh sáng tự nhiên nhưng đôi khi ánh sáng nhân tạo (đèn chùm, nến) được dùng cũng mang lại hiệu ứng rất tốt và tạo cảm giác về sự sang trọng, thanh lịch.
  • Nội thất thường được sử dụng nhiều gỗ, mây tre thảm tranh kính đèn chúm bọc da…Tranh ảnh treo tường thường là tranh nghệ thuật cổ điển. Kích thước tranh cũng cần phụ thuộc vào diện tích phòng.
  • Thiết kế phòng cao thoáng, tường dày vì kết cấu bằng gạch chịu lực cửa kính ngoài chớp đạt hiệu quả cao về vi khí hậu.
  • Cửa sổ rộng, luông hướng tới không gian tự nhiên bên ngoài để tạo sự thân thiện và gần gũi với thiên nhiên. Đôi khi chỉ là những lãng hoa, giỏ hoa trên bàn hay cạnh cửa sổ…

Đánh giá:

Phong cách thiết kế nội thất cổ điển thường đề cao tính hình thức, tượng trưng tập trung nghiên cứu về hình hơn là ý. Với cách bài trí nội thất mạch lạc, đồ đạc sang trọng phù hợp với những gia đình làm việc công sở và là xu hướng của người nội thành hiện nay.

  1. Colour Block

Colour Block style

Colour Block bắt nguồn từ thời trang sau đó ảnh hưởng sang cả nội thất và kiến trúc.

Đặc điểm:

  • Các khối hình họa nhiều màu sắc từ những gam màu tương phản, thường sử dụng những mảng lớn để tạo ra các nhóm màu sặc sỡ tương phản nhau, thường gây sự chú ý ngay lập tức, tạo không khí mới mẻ vui tươi trong căn nhà.
  • Thường với phòng khách, bạn nên chọn tông màu sáng và thanh lịch như xanh nõn chuối, vàng chanh, nâu, đen và trắng. Với phòng ngủ, có thể chọn nhiều tông màu ấm áp và ngọt ngào như hồng, đỏ, tím, da cam, trắng… Phòng ăn thì lý tưởng nhất đó là màu cam và xanh nõn chuối.
  • Màu trung tính của tường có thể làm nền cho những khối màu rực rỡ hình vuông, chữ nhật hoặc hình tròn. Những khối màu xung đột cũng chỉ áp dụng cho bức tường có màu trung tính. Các khối màu có thể đặt cạnh nhau theo phương nằm ngang, hoặc thẳng đứng. Đặt theo hướng ngang có tác dụng kéo dài bức tường cho cảm giác rộng hơn, chiều dọc cho cảm giác bức tường cao hơn.
  • Sự quyến rũ của những khối màu không chỉ tạo nên từ việc sơn tương, mà còn ở cách phối đồ thông minh và các phụ kiện đi kèm như chăn, gối, khăn tắm, rèm cửa, vải bọc…

Đánh giá:

Đây là một xu hướng đang rất phát triển và dần trở thành trào lưu, giúp tạo nên một không gian tươi trẻ, hiện đại và thời trang. Khi thiết kế nên chú ý có thể chọn nhiều màu đi cùng nhau sao cho chúng tương phản nhưng ko gây lóa hoặc làm mờ nhạt màu khác. Với màu tường nên chọn những màu đặc, sáng và dễ chịu cho mắt.

  1. Contemporary – Đương đại

Contemporary style

Các thành phần kiến trúc cơ bản đều khá đơn giản như các đường, mảng và khối để tạo nên không gian nội thất không có nhiều chi tiết, ít hoa văn rườm rà.

Sàn nhẵn, lát gỗ, gạch hoặc các tấm vinyl, dùng thảm vì mục đích hút ẩm thì chọn loại phổ thông. Tăng thêm màu sắc và chất liệu, chất cảm, sức hấp dẫn và phân định không gian vào các tấm thảm trơn hoặc có trang trí các hình.

Sử dụng đồ nội thất và đồ dùng để tạo nên một sự nhấn mạnh táo bạo. Sử dụng một nền cơ bản, sau đó kết hợp với các vật khác cùng màu sắc ưa thích để tạo nên sự khác biệt.

Chú trọng nhiều đến ánh sáng: chiếu sáng nền thường được sử dụng ánh sáng gián tiếp chiếu sáng trang trí hoặc chiếu sáng làm nổi bật vật trang trí, sánh sáng từ hốc tường hoặc khe sang.

Nội thất được thiết kế chú trọng vào không gian sử dụng chứ không phải là các hình dáng các đồ vật nội thất, dùng vật liệu vải thô và các đường sắc nét.

Slogan:

“Thay đổi cải tiến để có những cái tốt hơn hoặc tiếp tục khẳng định những giá trị đúng đắn đã được tạo ra”

Contemporary theo đúng nghĩa gốc là những gì đang xảy ra, đang hiện hữu và thuộc về khoảng thời gian hiện tại. Như vậy, đương đại cũng có có nghĩa là những gì mang tính tạm thời, vừa hiện đại mới lạ, nhưng đang được ưa chuộng và được chấp nhận bởi số đông người cùng có quan điểm.

Đặc điểm sử dụng đường thẳng và không gian, không sử dụng nhiều điểm hay góc cạnh, các chi tiết phức tạp hay hình in hoa. Loại bỏ vẻ đáng yêu và nhỏ nhặt mà phải là cơ bản và thể hiện được cấu trúc. Tận dụng các thành phần của kết cấu như một yếu tố trang trí. Bộ lọc yếu tố công năng và chất cảm của vật liệu trong hình thức kiến trúc.

Đánh giá:

Kiến trúc đương đại nói được một ngôn ngữ chung cho nhiều dân tộc trên thế giới. Sự đơn giản, phảng phất một chút phức tạp. Dựa trên việc sử dụng vật liệu, công nghệ mới và những mẫu mã hình học tạo được những không gian mới lạ hơn.

  1. De Stijl

De Stijl style

De Stijl là một phong trào nghệ thuật song hành với trường phái cấu trúc tại Nga và phong trào trừu tượng khác. Được hình thành và phát triển tại Hà Lan, De Stijl là sự trừu tượng, có thể tạo phản ánh cho tất cả người xem về sự hòa hợp và trật tự.

Đặc điểm:

  • Ngôn ngữ tạo hình và hình thức biểu đạt: Ý tưởng về sự thuần khiết và khước từ các hoa văn trang trí có cội nguồn từ tín ngưỡng của xã hội Hà Lan.
  • Các hình dáng trong sáng và mang tính cấu trúc.
  • Sử dụng nhiều mảng màu cơ bản như đỏ, xanh dương, vàng, nhiều đường sọc màu đen theo phương dọc và phương ngang trong nội thất.
  • Sử dụng thủ pháp mảng khối, hình dáng hình học, đặt cách tân hình khối lên hàng đầu.
  • Tạo dáng: hình thức đơn giản và triệt để tận dụng các hình thức cơ bản để có thể lắp ráp qua lại.

Đánh giá:

Cách tạo hình của phong trào nghệ thuật De Stijl cho tới ngày nay vẫn được ứng dụng trong ngành kiến trúc, nội thất để tạo ra một không gian đẹp, tươi trẻ, cân bằng, hài hòa và duyên dáng.

  1. Expressionism

Expressionism style

Expressionism là một trào lưu của nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, văn học…xuất hiện và phát triển ở Châu Âu vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Chủ nghĩa biểu hiện (Expressionism) nảy sinh như là sự phản ứng lại những khủng hoảng xã hội đầu thế kỷ XX, là tiếng nói công khai phản đối sự xơ cứng của nguyên tắc “cổ điển” về nghệ thuật.

Đặc điểm:

Quan điểm của chủ nghĩa biểu hiện đặt hình thức là vấn đề chủ đạo lên trên tất cả, tiếp theo mới là công bằng, kỹ thuật. Nguyên tắc chính của nó là nghiên cứu nghệ thuật truyền cảm của công trình, đi sâu nhấn mạnh những hình ảnh tượng trưng, gây ấn tượng mãnh liệt bởi các hình khối: cao, thấp, lồi, lõm, xa, gần.

Trong quá trình phát triển phong trào nghệ thuật này đã xuất hiện hai hướng khác nhau:

  • Hướng thứ nhất: Tác giả đi sâu tìm tòi những hình thức mới, khác biệt, độc nhất là những hình ảnh tượng trưng.
  • Hướng thứ 2 của chủ nghĩa biểu hiện có nội dung lãng mạn có tính gắn bó với các trào lưu kiến trúc gô tích thời Trung thế kỷ và được hình thành từ những năm 1914 ở Đức.

Gần về sau này một số công trình của Expressionism hơi đi theo con đường chủ nghĩa cổ điển mới (Neo-Classique), tạo thành cảm giác tính động và gây một ấn tượng mạnh cho toàn bộ công trình.

Từ khi khởi nguồn Expressionism đã tạo nên nhiều học thuyết mà tới nay vẫn còn là vấn đề tranh luận nóng hỏi giữa các kiến trúc sư có tư tưởng khác nhau.

  1. Funky

Funky style

Funky là phong cách nội thất sử dụng những họa tiết, đồ vật, màu sắc năng động tạo cảm giác sôi nổi, rộn ràng vui nhộn.

Đặc điểm:

Không ràng buộc, không luật lệ, trang trí một cách ngẫu nhiên và phá cách, có thể thay đổi chức năng của vật dụng khác với chức năng sẵn có.

Hiệu quả của loại hình nội thất này mang lại đó là thu hút sự hiếu kỳ, người xem cảm giác lúc nào cũng được chào đón, không gian Funky như một nơi để bắt đầu câu chuyện, thêm một chút tươi mới, năng động và thể hiện được sự độc đáo của người thiết kế.

Đánh giá:

Phong cách này được sử dụng nhiều trong các không gian công cộng như một không gian gợi mở ý tưởng, chào đón và sẵn sàng mở lòng với mọi người.

Trong nhà ở để áp dụng Funky Style cần phải tiết chế nhiều hơn và giữ lại những đồ vật trang trí yêu thích đầy màu sắc của gia chủ, mang lại một không gian ở đầy thú vị.

  1. Gothic

Gothic style

Gothic là phong cách thiết kế tinh tế, chọn lọc và trau chuốt để tôn lên vẻ đẹp quyền quí, cao sang. Kiến trúc Gothic bắt nguồn từ pháp và phát triển rực rỡ vào khoảng thế kỷ XII – XV.

Đặc điểm:

  • Thiết kế nội thất theo phong cách Gothic thể hiện qua các thành phần kết cấu theo chiều đứng, trần bọc gỗ, các tranh vẽ trang trí. Tường được trang trí với các tấm gỗ, khung cửa có đầu nhọn, cửa sổ kính màu trang trí với hình hoa hồng, tạo ra ánh sáng đa sắc.
  • Không gian nội thất như sàn nhà sử dụng tấm gỗ hay lát gạch được phủ thảm. Vật liệu trang trí như đá tự nhiên, các loại gỗ, kính màu. Màu sắc thiết kế dùng màu xanh lá hoặc xanh biển có sắc thái đậm, màu tím, hồng ngọc, vàng và nâu.
  • Sử dụng nội thất: Vật dụng nội thất nặng nề, cứng cáp và hữu dụng. Tủ quàn áo có hai cánh lớn, quầy bar có chân quầy cao, các loại tủ rương gắn lớp da thuộc và các hi tiết bằng đồng hay bạc.
  • Những mẫu trang trí: tranh ảnh, mẫu điêu khắc, kính gương được bọc với các khung mạ vàng, thảm sàn trang trí, các loại màn rèm trang trí.
  • Các thiết kế này đòi hỏi trần nhà cao, cửa sổ lớn với khung kết cấu vững chắc.

Đánh giá:

 Phong cách Gothic có ảnh hưởng sâu rộng, sang trọng, đặc sắc. Phong cách này tinh tế, chọn lọc và trau chuốt để tôn lên vẻ đẹp quyền quí và cao sang.

  1. Hi-Tech

Hi-Tech style

Hi-Tech được vận dụng trên nhiều lĩnh vực với chủ trương tác phẩm phải được hình thành bằng những công nghệ tiên tiến nhất (kết cấu, vật liệu, thiết bị) và phải phô trương thành phần công nghệ cao cấp. Vẻ đẹp của kiến trúc được thể hiện ở những vật liệu tân tiến và những tiện nghi cao cấp, trong khi các yếu tố chức năng mà thiết kế kiến trúc nhà ở hiện đại đề cao vẫn được tuân thủ chặt chẽ.

Đặc điểm:

  • Các tòa nhà Hi-Tech thường được tạo ra từ vật liệu dầm thép nặng, tấm sàn kim loại, kệ kim loại để lộ ra kết cấu nhưng đã được bao phủ thêm cửa sổ hoặc kính phản chiếu, không nhấn mạnh trang trí bên ngoài.
  • Giảm hầu hết các vật thể không cần thiết, đường nét mạch lạc.
  • Nhỏ hóa kích thước các vật thể trở thành “more is less”
  • Xu hướng cực đoan hóa kỹ thuật, chú trọng các mối nối và các khớp một cách hợp lý.
  • Ngôn ngữ kiến trúc dựa trên sự phát triển của công nghệ cao nhưng không từ chối tham khảo và áp dụng ngôn ngữ của trường phái khác.
  • Vật liệu xây dựng cao cấp, đặc biệt là các vật liệu trang trí bên ngoài công trình rất hiện đại.
  • Chú trọng đến công năng và bố cục hình khối một cách tự do.
  • Sử dụng thủ pháp cách điệu hóa các chi tiết máy móc sản xuất hiện đại và hình khối kiến trúc được mệnh danh là những cỗ máy khổng lồ.
  • Khả năng thi công nhanh, tiết kiệm thời gian xây dựng, giảm giá thành xây dụng và tiện lợi trong tháo lắp các kết cấu.
  • Vật liệu: Kiếng, kim loại, đá, gỗ thiên nhiên hay các vật liệu nhân tạo khác. Những đồ kỹ thuật luôn có hiệu quả đặc biệt.

Đánh giá:

Hi-Tech là mẫu mực cao nhất của các trường phái Hậu hiện đại, còn trong việc lựa chọn khuôn mẫu kiến trúc, Hi-Tech trở thành xu hướng “giải tỏa kết cấu chủ nghĩa”. Nó chính là thứ ngôn ngữ chính yếu của nền mỹ thuật tạo dáng đầu thế kỷ XXI

Phong cách thiết kế rõ ràng, cụ thể và hiệu quả, phù hợp với những công trình năng động, hiện đại.

  1. Hollywood

Hollywood style

Hollywood là phong cách có nguồn gốc từ lối sống cao cấp bùng nổ vào những thập niên 20 kéo dài đến những năm 40.

Đặc điểm:

  • Yếu tố quan trọng nhất trong phong cách thiết kế nội thất này là nó mang lại một cảm giác của sự quyến rũ vào nội thất căn hộ trong khi thế giới bên ngoài lại hoàn toàn không có. Đây là sự quyến rũ – sang trọng và hào nhoáng.
  • Nó gợi lại không gian của thời kỳ mà ở đó nó có những tấm thảm đỏ quyến rũ, luôn lấp lánh ánh sáng. Ngày nay nó mang lại cảm giác sang trọng cho một thế giới dường như đã bị lãng quên và nó đi đáp ứng đúng tâm lý của 1 bộ phận người đam mê sự lộng lẫy, xa hoa đã qua.
  • Phong cách này rất linh hoạt, có thể phát triển bất kỳ phong cách nào gần như là hỗn hợp.
  • Màu sắc phong phú đa dạng, các sắc màu trong phim điện ảnh được sử dụng.

Đánh giá:

Phong cách Hollywood Couture là tất cả sự quyến rũ, sang trọng và hào nhoáng. Nó rất ấn tượng, gợi cảm và gọi mời, 1 trong rất ít phong cách có thể thỏa mãn 2 nhu cầu hưởng thụ và giao tiếp. Tuy nhiên chúng rất xa hoa, đắt đỏ và có 1 chút phô trương.

  1. Metallic

Metallic style

Metallic là phong cách thiết kế nội thất kim loại có đặc tính sử dụng các đường thẳng xác định để làm nổi mặt những bề mặt bóng loáng đặc biệt.

Đặc điểm:

  • Nội thất đòi hỏi phải đặt nặng việc sử dụng các bề mặt kim loại sáng bóng cao và màu sắc, được sử dụng có xu hướng tối tự nhiên, thường màu đen, màu nâu sẫm, màu xám đen hoặc màu xám. Đồ nội thất được sử dụng phổ biến là loại cực kỳ hiện đại và mang tính cách mạng trong phong cách thiết kế – thẩm mỹ.
  • Bề mặt thép không gỉ có thể được tìm thấy trong nhà bếp như các thiết bị nấu nướng bên trong. Đó là bề mặt sáng bóng vừa hiện đại vừa thanh lịch, đồng thời cung cấp cho một nhà bếp cảm giác đương đại, thậm chí là công nghệ cao. Thép không gỉ cũng đi với bề mặt gỗ tạp ra một sự tương phản của sự ấm áp trong gỗ và lạnh lùng trong thép.
  • Bề mặt vàng và bạc tăng thêm sự sang trọng, tinh tế trong phòng. Từ tranh ảnh tới các loại đồ trang trí bề mặt vàng, bạc chiếu sáng tạo thêm cho căn phòng và làm nó trông sang trọng hơn.
  • Kim loại với độ sáng và nhiều màu sắc khác nhau có thể là một điểm nhấn ấn tượng trong thiết kế.

Đánh giá:

Phong cách thiết kế nội thất kim loại mang lại 1 cảm giác mạnh mẽ, hiện đại, công nghiệp và cực kỳ “cool”. Đồng thời chúng có 1 sự đồng bộ với các vật dụng công nghệ cao, kim loại có khả năng chịu nhiệt, chịu lửa, cứng cáp, chắc chắn, mang đến sự án toàn cao cho người sống trong không gian nội thất này.

  1. Mid-Century Modern

Mid-Century Modern style

Mid-Century Modern là phong cách tươi mát, sáng sủa và thân thiện, phản ánh cảm giác lạc quan của thời hậu thế chiến. Không gian nội thất mở do Frank Lloyd Wright khai sinh, và Ludwig Mies Van Der Rohe làm thăng hoa, là dấu ấn mạnh mẽ của phong cách này.

Đặc điểm cơ bản của phong cách này là đơn giản, thẳng thắn, dễ xây dựng và tường được sơn trắng dù đôi khi được tô điểm bằng các mảng gỗ ấm áp. Các loại gờ chỉ trang trí được sử dụng hạn chế, các bức vách ngăn chỉ chia không gian sinh hoạt một cách tương đối chứ không tạo cảm giác tách biệt.

Bàn ghế được bố trí tự do, thoải mái, không lệ thuộc vào tính đối xứng. Thiết kế bàn ghế cũng từ bỏ các chi tiết truyền thông cầu kỳ để đạt phong cách đơn giản và hiện đại bằng vật liệu, công nghệ mới.

  1. Minimalism

Minimalism style

Minimalism đúng như tên gọi của nó khi chú trọng việc giảm thiểu tối đa đến việc trang trí trong không gian nội thất, việc trang trí theo phong cách này hướng đến sự chú ý đến những đường nét và kết cấu được ẩn dấu bên dưới. Đi ngược lại các tiêu chuẩn trang trí nội thất truyền thống về việc làm phong phú không gian bên trong với các vật dụng và chi tiết trang trí phức tạp, phong cách này hướng đến việc loại bỏ các vật dụng thừa thãi nhằm giữ lại không gian trống hoàn hảo.

Đặc điểm:

  • Các mảng tường, sàn và hiệu quả ánh sáng trên các mặt phẳng chính là những yếu tố quan trong làm nên phong cách tối giản. Sử dụng những đường nét đơn giản và sự kết hợp có tính toán của các mặt phẳng, không gian nội thất theo một tổng thể thống nhất, chặt chẽ về bố cục và nhất là giữ lại được một không gian kiến trúc đẹp, thoáng đáng rộng rãi.
  • Thiết kế sử dụng những sắc thái đẹp, những chất liệu tự nhiên cao cấp sử dụng những mẫu nội thất hiện đại nhất với nhiều chất liệu khác nhau.
  • Hạn chế sử dụng những chi tiết hoặc vật dụng để trang trí, sử dụng ở mức độ tối giản, đạt hiệu quả thẩm mỹ cao nhưng vẫn đáp ứng được tiện nghi sử dụng.
  • Sử dụng hạn chế về màu sắc, thường không quá 3 màu, tường màu trung tính hoặc trắng làm nên huognws sự chú ý của người quan sát đến những điểm nhấn quan trọng. Các mảng tường trắng được sử dụng rất phổ biến như một phong nền trơn nhằm tăng giá trị các đồ đạc xung quanh, đồng thời mang lại hiệu quả về một không gian rộng rãi hơn.
  • Hạn chế trang trí – bố trí quá nhiều đồ đạc trong nội thất, giữ lại thành phần cần thiết và đáp ứng được yêu cầu về công năng lẫn thẩm mỹ.
  • Dùng ánh sáng nội thất là một thành phần rất quan trọng trong tổng thể trang trí chung nhằm tạo ra các hiệu ứng bóng đổ phong phú, chú trọng sử dụng ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo được chọn lọc.

Vật liệu: Gỗ, bê tông, kiếng, gạch, nhựa.

Đánh giá:

Việc hạn chế sử dụng đồ đạc không có nghĩa là tạo ra không gian lạnh lẽo, buồn chán. Nếu bố trí hợp lý và chọn lọc vật liệu theo phong cách minimalism sẽ có tổng thể tuy đơn giản nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ.

  1. Modernism – Hiện đại

Modernism style

Modernism là một sự đoạn tuyệt mạnh mẽ với kiến trúc cổ điển, thể hiện một lối tư duy mới của xã hội Châu Âu cuối XIX đầu XX.

Các công trình khác nhau có đặc điểm tương đồng về sự đơn giản trong bố cục hình khối, không gian, tổ chức mặt bằng tự do, mặt đứng…loại bỏ việc sử dụng các họa tiết trang trí của trường phái cổ điển cũng như việc sử dụng các vật liệu hiện đại như kính, thép, nhôm, bê tông, gạch…

Đặc điểm:

  • Dây chuyền công năng được đề cao, tiết kiệm được không gian giao thông, tiết kiệm vật liệu. Áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật.
  • Phong cách thiết kế sắc nét hình khối mạnh mẽ, các đường nét kiến trúc mang về sau. Ý nghĩa tạo ấn tượng về sự khỏe khoắn, hiện đại, độc đáo và dễ thay đổi.
  • Đường, mảng và khối để tạo nên không gian nội thất, không nhiều chi tiết và hoa văn rườm rà.
  • Ánh sáng có vai trò đặc biệt quan trọng, thiết kế lấy sáng tối đa cho các không gian, ánh sáng từ các hốc tường hoặc khe của các vật cố định để chiếu sáng tường nên tạo vẻ đẹp cho ngôi nhà hiện đại.
  • Tạo điểm nhấn nghệ thuật bằng việc đặt các tác phẩm điêu khắc hoặc cây cảnh nhỏ.
  • Cửa sổ rộng bằng kính là giải pháp tối ưu cho thiết kế này, tạo ánh sáng chuyên dụng cho các vật trang trí đó để làm nổi bật góc không gian.
  • Giao thoa cùng thiên nhiên, cây xanh, mặt nước, khá chú trọng nội ngoại thất trong ngôi nhà như tiền sảnh, phòng khách, lối đi chung, giếng trời…
  • Sáng sủa, thanh thoát với những màu sắc phản ánh cá tính và sở thích cá nhân.
  • Các vật liệu phong phú và đa dạng.

Đánh giá:

Nội thất hiện đại có dây chuyền công năng được đề cao, mang tính hợp lý. Không gian giao thông và vật liệu được tiết kiệm tối đa, không có những phí phạm trong trang trí nội thất.

  1. Organic

Organic style

Organic là phong cách thiết kế vật dụng và không gian được biểu hiện ra bên ngoài bằng những đường cong ngẫu nhiên, lấy cảm hứng từ những hình ảnh gần gũi trong cuộc sống.

Đặc điểm:

Ngôn ngữ tạo hình của phong cách:

  • Đường nét và mảng theo phong cách Organic là “không ai đoán trước được điểm dừng”, sự ngẫu hứng và tự do, biến đổi liên tục và nhịp nhàng không theo một quy luật nào, không bị lặp lại. Chính điều đó làm cho người xem cảm thấy bất ngờ và không nhàm chán.
  • Organic style đặc trưng bơi hình dạng khối bất định, thường mang tính hình tượng cao (mô phỏng), gợi cho người xem nhiều cảm xúc liên tưởng.

Hình thức biểu đạt lên sản phẩm:

  • Màu nổi bật, ấn tượng, táo bạo, có sức hút mạnh mẽ, bố cục màu tương phản rực rỡ với các màu bậc 1, đôi khi là màu của vật thể, có khi là màu do hiệu quả của ánh sáng tạo nên.
  • Vật liệu dễ gọt đẽo, chạm trổ, bồi đắp, uốn cong, nung chảy, đổ cuôn, kéo sợi…(gỗ, xi măng, thạch cao, đất sét, kim loại…)
  1. Pop Art

Pop Art style

Pop Art là trào lưu nghệ thuật mới ra đời ở Anh trong thập kỷ 50 của thế kỷ XX, song nơi nó phát triển rực rỡ nhất đó chính là mỹ.

Pop Art tự thân nó là Modern (hiện đại), do đó màu sắc – ánh sáng – hình khối – vật liệu xác định đơn giản, cách điệu từ những vật dụng trong cuộc sống đời thường, mang tính công năng, thẩm mỹ và hiệu quả.

Đặc điểm:

  • Nét đặc trưng của Pop Art chính là màu sắc và mỗi khi nhắc đến các gam màu sặc sỡ, tươi mới và hiệu quả thị giác tương phản mạnh mẽ thì người ta nghĩ ngay tới Pop Art.
  • Pop Art không chỉ dừng lại ở màu sắc, nó thể hiện tính đa chiều – tính cách của ngôi nhà: mạnh mẽ, táo bạo, quyến rũ, lãng mạn, thể hiện sự chuyển động của hình khối và ánh sáng.
  • Pop Art là nghệ thuật đại chúng, có tính nhất thời, hiệu quả sử dụng kinh tế cao, trẻ trung, phóng khoáng, táo bạo và hài hước.

Đánh giá:

Pop Art là một phong cách vừa thể hiện sự trẻ trung, vừa thể hiện sự hoài cổ nên rất tốt để kết hợp vào những không gian mà đối tượng sử dụng nhiều tầng lớp từ trẻ đến lớn tuổi.

  1. Postmodernism

Postmodernism style

Postmodernism là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một phong trào nghệ thuật, được cho là mâu thuẫn trong một số khía cảnh của chủ nghĩa hiện đại hoặc đã xuất hiện hoặc đã phát triện trong hậu quả của nó.

Khuynh hướng nghệ thuật hậu hiện đại:

Thể hiện quan điểm mỹ học hậu hiện đại với các đặc điểm như: Xóa nhòa ranh giới nghệ thuật với đời sống hàng ngày, phá bỏ giai tầng giữa văn hóa quý tộc và văn hóa đại chúng, phủ nhận tính nguyên bản của một tác phẩm nghệ thuật.

Thái độ của chủ nghĩa hậu hiện đại trong mỹ học:

Là phi cấu trúc, từ chối vai trò chủ thể của con người, một sự tiếp nhạn hay mô tả hiện tượng mà không cần suy diễn, không chú ý đến chiều sâu.

Phong cách hậu hiện đại khởi đầu từ nghệ thuật kiến trúc, sau đó lan sang nghệ thuật hội họa và các nghệ thuật khác.

Đặc điểm:

  • Không còn đề cao sự gắn bó mật thiết giữa hình dáng và công năng.
  • Phản ánh sự tiến bộ thần tốc của kỹ thuật vi điện tử (Microelectronic) và là hậu quả của quá trình cải tổ, đổi mới trong công nghiệp hiện đại.
  • Tranh đấu cho một tuyên ngôn chung: dân dã và hào nhoáng, cá thể và sự đa diện rực rỡ của màu sắc để đối lập với sự duy lí, tính đơn điệu về hình thức giáo điều của một thứ hiện đại khô cứng.
  1. Queen Anne

Queen Anne style

Queen Anne một phong cách thiết kế kiến trúc và nội thất đã được công nhận xuất hiện ngay trong triều đại của nữ hoàng Anne và vẫn tiếp tục phát triển, sau đó đã được xác định bằng tên của bà: Phong cách Queen Anne.

Đặc điểm:

  • Nội thất tràn đầy sự ân sủng và thân mật, một số chi tiết được đơn giản hóa.
  • Phòng ốp gỗ sồi hoặc gỗ thông tự nhiên phủ sáp, hoặc sươn màu ám nâu, xỉn màu xanh lá cây, màu xám hoặc trắng nhờ.
  • Đơn giản chi tiết trên cửa ra vào, tường và phào.
  • Bức tường ốp tấm gỗ, nhuộm màu hoặc sơn, phủ thạch cao dọc chiều cao và đúc ván chân tường. Bức tường màu sắc nói chung là nhạt.
  • Đồ nội thất được đơn giản trong thiết kế, chạm khắc. Tủ ngăn kéo thay thế tủ mở theo chiều đứng, gương trở thành một thành phần quan trọng trong trang trí.
  • Sàn nhà bằng gỗ được phủ thảm phương Đông là tốt nhất. Thảm nhung có hoa hoa văn cũng tốt. Trong các ngôi nhà lớn, sàn đá cẩm thạch rất thường được sử dụng.
  • Ánh sáng: Đèn chùm hoặc tinh thể, đèn bàn Trung Quốc hoặc bằng đồng.

Đánh giá:

Tinh tế, sang trọng, mang phong cách hoàng gia. Quý phái và nữ tính, quá tốt kém để xây dựng và bảo dưỡng.

  1. Renaissance

Renaissance style

Renaissance là sự hồi sinh của thời kỳ cổ đại, ở thời kỳ Phục Hưng, nghệ thuật tạo hình chiếm vị trí tiên phong trong việc khẳng định đặc trưng của văn hóa. Trào lưu kiến trúc phục hưng khởi đầu bằng việc tẩy chay phong cách Gothic và phục hưng lại kiến trúc La Mã cổ đại. Bố cục công trình rõ ràng, khúc triết, dựa trên cơ sở hệ thức cột cổ điển, nó tái hiện một cách khoa học các giá trị chuẩn mực của nghệ thuật tạo hình cổ đại.

Đặc điểm:

  • Nguyên tắc bố cục và thẩm mỹ của phong cách phục hưng khác xa phạm vi của Gothic. Kiến trúc phục hưng khá gần gũi với kiến trúc cổ đại.
  • Renaissance nhấn mạnh đến các nguyên tắc tổ hợp, tính quy luật, ổn định và sự hài hòa.
  • Tuy có nét tiến bộ nhưng việc chú ý đến quy luật tổ hợp đã đưa kiến trúc phục hưng đến chỗ hình thức chủ nghĩa và thoát ly công năng.

Về nguyên tắc có thể phân biệt hai xu hướng khác nhau:

  • Xu hướng hồi sinh các đường nét cổ đại một cách nghiêm khắc
  • Xu hướng thứ hai tuy cũng dựa vào thời kỳ cổ đại nhưng biến đổi hình dáng các yếu tố xây dựng tương tự thời trung cỏ.

Vài nét về kiến trúc Renaissance:

  • Mang đậm nét tôn giáo (Thiên chúa giáo).
  • Tôn vinh vai trò và vị trí của con người.
  • Sự khám phá về luật phối cảnh thẳng.
  • Kết hợp các yếu tố truyền thống với tỷ lệ toán học cân đối và chuẩn mực.
  • Sử dụng nhiều vòm, cung tròn, elipse, bán cầu, tường tô nhám. Dùng nhiều đá, kim loại, tranh ảnh để trang trí.
  1. Retro

Retro style

Retro là một trào lưu hoài cổ, một sự luyến tiếc về quá khứ, tái hiện lại quá khứ và có một chút cách tân, trong đó sử dụng lại các đồ dùng theo xu hướng những thập niên trước, bao gồm đồ Vintage (đồ của những thập niên 40 – 80) và cả đồ không phải Vintage (đồ mới, đồ được thiết kế theo cảm hứng từ hình dáng của đồ Vintage). Trào lưu này hiện nay rất thịnh hành với giới trẻ và người theo khuynh hướng hoài cổ.

Đặc điểm:

Retro biểu thị cho sự sành điệu và chịu chơi theo lối hoài cổ trong việc sử dụng đồ dùng, phụ kiện. Tông màu thường sử dụng các loại màu nâu, cam, đỏ, có một số không gian còn sử dụng các màu sắc hiện đại, nhưng về tổng thể thì đều hướng đến một sự sang trọng phù hợp với mọi lứa tuổi. Các vật liệu thường được dùng là bọc da, nhung, đá ốp…

Đánh giá:

Retro là một xu hướng trong vài năm trước và giờ nó đã trở thành trào lưu, rất thích hợp với những người yêu thích vẻ đẹp hoài cổ nhưng cách tân, hợp với nhiều loại không gian từ nhà ở đến không gian công công, tùy không gian mà có thể thiết kế sao cho phù hợp với chức năng.

  1. Romanticism

Romanticism style

Romanticism là một phong cách cạnh tranh trực tiếp với thời khai sáng bởi vì nó tự nhận thức cảm xúc, là nền tảng của triết học lãng mạn.

Nhận thức này đã giúp con người hiểu được điều kiện của xã hội. The Romantics tin rằng để cải thiện xã hội và điều kiện tốt hơn con người, con người phải liên lạc với những cảm xúc của mình. Chủ nghĩa lãng mạn đã bác bỏ triết lý của sự Giác ngộ.

Đặc điểm:

  • Đồ đạc được sử dụng khá cầu kỳ về chi tiết chứ không thiên về tính đơn giản như phòng khách hiện đại.
  • Phong cách này sẽ mang đến một cảm giác thoải mái, dễ chịu với những đường nét mềm mại quyến rũ đầy nữ tính với tông màu nhạt nhẹ, chất liệu vải vóc được sử dụng phải là loại vải mỏng kết hợp những họa tiết hoa màu và nhẹ nhàng.
  • Không gian đẹp mở view ra bên ngoài tạo khung cảnh lãng mạn, kết hợp ngoại thất.
  • Ánh sáng ấm nhẹ nhàng, các phòng được trang trí với các chùm đèn, bên cạnh giường kèm theo những bức màn chuỗi chia phòng ngủ và phòng tắm ra như hai thế giới riêng với không gian tùy chỉnh trên sàn gỗ cứng kim loại màu trắng.
  1. Shabby Chic

Shabby Chic style

Shabby Chic bắt nguồn từ những ngôi nhà đồng quê nước Anh, Shabby Chic không có một phong cách cụ thể mà là sự cân bằng thanh lịch những thứ đồ cũ, phụ kiện bạc sáng bóng với sơn gỗ và những tấm vải. Cách trang trí phong cách này đem lại một không gian nội thất thanh lịch, trang nhã mà rất tự nhiên và thân thiện.

Đặc điểm:

  • Đặc trưng truyền thống của phong cách Shabby Chic là sử dụng những món đồ cũ như vải vóc, tranh ảnh, bàn ghế nội thất với màu sơn nhạt.
  • Ngoài việc sử dụng những món hàng xuống cấp (wear anh tear), những vật dụng mới cũng được sử dụng nếu nó được làm trông có vẻ cũ kỹ.
  • Shabby Chic cũng cho phép bạn sử dụng các vật trang trí khác nhau, thậm chí nếu nó không phù hợp về phong cách, kết cấu, màu sắc.
  • Màu sắc đặc trưng: trắng, hồng, xanh, tông màu xám hoặc trung tính kết hợp với màu sắc tương phản tối. Màu sắc tươi sáng sử dụng áp đảo về số lượng.

Đánh giá:

  • Shabby Chic là phong cách dựa trên chủ đề màu sắc đơn giản kết hợp với đồ nội thất và những sở thích của bạn.
  • Đây cũng là phong cách thiết kế nội thất khá tiết kiểm cho người sử dụng khi túi tiền hạn hẹp bởi vì phong cách này gắn liền với tái chế đồ nội thất cũ.
  • Vẻ đẹp nội thất từ phong cách này là vẻ đẹp tinh tế, giản dị, thanh lịch và nữ tính.
  1. Streamlining

Streamlining style

Streamlining phát triển từ Art Deco trong khoảng thời gian những năm 1930 – được xem là phong cách nằm trong chủ nghĩa hình thức (styling). Streamlining là động lực thúc đẩy cuộc cách mạng tiêu dùng năm 1950 và trở thành ngôn ngữ thiết kế hiện đại của Mỹ. Phong cách này nhấn mạnh những đường cong uốn lượn, những đường ngang dài và những hình dạng tựa như sóng biển.

Đặc điểm:

  • Phong cách đặc trưng là các hình thức uốn cong, mịn và bóng, phong cách của tốc độ và sức quyến rũ. Nó đã được thể hiện rộng rãi trong các hình thức mới của trang trí kiến trúc nội thất, hàng gia dụng hàng ngày cho gia đình và văn phòng.
  • Đường nét: nhấn mạnh phân vị ngang bo tròn các cạnh, các góc cửa sổ và tường gạch kính.
  • Mảng: cong uốn lượn theo hình dáng của khí động học.
  • Khối: Hình khối thường thấp và trải dài theo chiều ngang, có dáng thon, hình dáng khí động học thuôn nhọn ở đầu với mục đích giảm sức cản của không khí đối với những vật dụng nội thất.
  • Màu sắc: sử dụng màu tự nhiên như màu đất, màu be, trắng sữa, sử dụng các màu tối và màu kim loại cho các đường bo góc hoặc đường viền để tạo ra sự tương phản từ ánh sáng.
  • Vật liệu: gỗ ép, nhựa và các tấm kim loại để tạo hình, chuộng bề mặt phẳng nhẵn.
  1. Swedish

Swedish style

Tương phản với sàn nhà trắng sạch, dấu ấn màu đỏ trông vui vẻ và in đậm trong nội thất Thụy Điển. Màu sắc này được tìm thấy trong nền họa tiết, vải sọc và các bản in hoa.

Chỗ ngồi là những băng ghế thiết kế đơn giản, tinh tế. Đệm cho cái nhìn mềm mại.

Ánh sáng màu gỗ cứng được dùng cho các thùng đựng hàng hòa và sàn, thường dùng bằng gỗ thông, sồi và sơn bằng màu trắng hoặc nhạt.

Tranh ảnh được sử dụng ở Thụy Điển thường được trang trí nhiều màu trên nền trắng hoặc rất nhiều hoa nhỏ.

Đánh giá:

Phong cách trang trí Thụy Điển kết hợp sự trang trọng tinh tế với một cái nhìn cổ điển ngẫu nhiên tạo ra sức thu hút hoàn toàn tươi mới và sạch sẽ. Một phong cách rất phù hợp với môi trường hiện đại nhưng vẫn rất ấm áp, sang trọng, lôi cuốn và vừa phải. Nó cũng giản dị, tươi mới, nhẹ nhàng phù hợp với thị hiếu kinh tế của phần đông người dân.

  1. Vintage

Vintage style

Vintage có nghĩa là “Cổ – Cũ” nên những đồ Vintage sẽ được hiểu là những đồ sản xuất ở thập niên 30-40, 50-60 và có thể dao động đến 80-90.

Đặc điểm:

Những căn phòng theo hướng thiết kế này gợi lên sự cổ điển, sang trọng nhưng gần gũi và tạo cảm giác thân thuộc, ấm áp. Từng chi tiết trong phòng đòi hỏi sự thống nhất, một ít sự cầu kì và trau chuốt, sử dụng đồ cũ, đồ tái chế đồng thời sử dụng những màu sắc khơi gợi quá khứ như: nâu nhạt, xanh navy, xanh lime…

Đánh giá:

Hiện nay trào lưu này cũng có ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách thiết kế và trang trí nội thất. Những căn phòng theo phong cách này thường gợi lên sự cổ điển, sang trọng và ít nhiều có sự cầu kỳ trong cách bài trí cũng như chọn lựa đồ dùng

Đánh giá

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
setup_menu_mon_ansetp_menu_do_uong
CONTACT US

FNB DIRECTOR

83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.

Hotline: +84 903 132 508

Email: hello@fnbdirector.com

 
FOLLOW US ON FACEBOOK

Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School