fnb_director_logo_2024_ap_dung_nen_sang_mau_1500
horeca_business_school

Cái chết của một nhà thiết kế trải nghiệm

Thế giới đầy biến động, sự thay đổi đang diễn ra nhanh và nhiều hơn.

Như con ếch đang ở trong ao, mặt ao bị che phủ bởi những cái lá có thể tăng gấp đôi kích cỡ chỉ sau một đêm. Điều này nghĩa là nó chỉ có 1 ngày để hành động trước khi mặt ao bị che phủ hoàn toàn.

Nó sẽ chết ở ngày tiếp theo.

Lĩnh vực thiết kế ứng dụng cũng đang như vậy. Nếu 5 năm trước, mỗi khi gặp lỗi với ứng dụng, người dùng sẽ có xu hướng tự trách mình, thể hiện qua câu nói phổ biến: “Tôi mù công nghệ, thông cảm”.

Nhưng điều này giờ đã hoàn toàn thay đổi. Những công ty lớn, các tập đoàn công nghệ đang cung cấp những trải nghiệm tuyệt vời mỗi ngày, còn liên tục cải tiến thông qua việc hiểu rất rõ người dùng của họ.

Quen với những trải nghiệm như vậy, người dùng ngày càng có kỳ vọng cao hơn. Khi xảy ra lỗi, họ sẽ trách ứng dụng khó sử dụng. Là những nhà thiết kế trải nghiệm, chúng ta phải chịu trách nhiệm chính cho việc này.

Sẽ không giống cái chết sinh học có thể gây ra bởi một vết thương trí mạng, cái chết trong công việc lại đến từ nhiều vết thương nhẹ nhàng nhưng âm ỉ.

Nếu bạn không muốn điều này xảy ra, hãy sớm nhận biết những vết thương này để chữa lành.

Vết thương “có chủ đích”

Thiết kế là quá trình tìm ra đúng vấn đề cần giải quyết, chọn lựa giải pháp phù hợp và khi nó không hoạt động, người thiết kế phải hiểu được nguyên do để chọn giải pháp tiếp theo phù hợp hơn.

Những năm trở lại đây, sự xuất hiện của nhiều công cụ tạo mẫu thiết kế UX/UI bằng trí thông minh nhân tạo đã vẽ ra một tương lai ảm đạm cho công việc thiết kế.

Thử tưởng tượng bạn chỉ cần: “Hey Siri! Build me a Drone Renting application, all platforms”.

Ngay lập tức, cô thư ký đỏng đảnh của Apple sẽ kết hợp các mẫu thiết kế phổ biến, có mã nguồn mở và kết nối API với các dịch vụ thứ 3 như: Payment, Location... Loáng một cái, bạn đã có ngay ứng dụng thuê máy bay không người lái cho tất cả các nền tảng: iOS, Android, Web Responsive.

Tương lai này quả thật là 1 cơn ác mộng đối với UX/UI Designer.

Thật ra, nó chỉ đang khoét sâu vào vết thương “có chủ đích” của các nhà thiết kế. Vì năng lực của AI hiện tại tự nó chỉ giải quyết được vấn đề đã đặt ra sẵn có, và cũng chưa thể tự tìm ra nguyên do vì sao giải pháp thiết kế lại không hoạt động.

Vì thế, cần ghi nhớ: Phải tìm đúng vấn đề, chọn giải pháp từ sự hiểu biết về vấn đề đó. Đừng đưa ra giải pháp một cách hời hợt, hãy phân tích kỹ pros – cons của từng cái. Đây gọi là thiết kế có chủ đích.

Vết thương “thiếu kiến thức”

Có 2 cách để có được kinh nghiệm về một việc gì đó:

  • Làm thật nhiều, quen tay thành kinh nghiệm
  • Học kiến thức, áp dụng thành kinh nghiệm

Thiết kế đầy cảm tính, nhưng đến 1 thời điểm nào đấy trong sự nghiệp, bạn sẽ nhận ra nếu tự trang bị được nhiều kiến thức nền tảng hỗ trợ, đi kèm với thiết kế có chủ đích, giải pháp của bạn sẽ dễ thuyết phục mọi người hơn rất nhiều.

Hiểu người dùng thôi chưa đủ, người thiết kế sản phẩm còn phải hiểu được cách doanh nghiệp vận hành và theo dõi sự tiến bộ của công nghệ. Bởi vì một sản phẩm tốt phải hội đủ 3 yếu tố:

  • Đạt được mục tiêu kinh doanh
  • Mang lại giá trị cho người dùng
  • Khả thi về mặt công nghệ

Điều này chỉ có thể đến từ một người luôn không ngừng tìm kiếm kiến thức mới.

Vết thương “cuồng thiết kế”

Mỗi thiết kế được đưa ra, đều đã trải qua một khoảng thời gian vật lộn với sự bí ý tưởng, hay quá nhiều ý tưởng để chọn lựa. Chúng là đứa con tinh thần đầy tâm huyết của những người đam mê sáng tạo, giải quyết vấn đề.

Lúc này, nhà thiết kế sẽ dễ bị cái tôi dẫn dắt vào 2 trường hợp:

  • Họ quá chú trọng vào thẩm mỹ của mình hơn là nhu cầu của khách hàng, người dùng sản phẩm. Hãy ghi nhớ bài học vỡ lòng, rằng nhà thiết kế không phải là người nghệ sĩ. Và cái đẹp không phải là tiêu chí để đánh giá một thiết kế tốt.
  • Họ mù quáng bảo vệ thiết kế, thay vì lắng nghe thêm góc nhìn từ người khác. Trong khi một giải pháp tốt, cần đến từ sự khách quan.

Hãy thiết kế bằng một trái tim nóng, và nhìn nhận mọi thứ bằng một cái đầu lạnh.

Vết thương “lời chỉ trích”

Không thể phân biệt giữa “lời chỉ trích” và “sự góp ý” có thể khiến bạn mất cơ hội phát triển, và mất luôn các mối quan hệ xung quanh.

  • Lời chỉ trích, thường không có lợi. Đó là một hành động chỉ tập trung vào những điều tiêu cực, với mục đích không lành mạnh. Nó không đi kèm với giải pháp, hay không thể chỉ rõ được nguyên do của vấn đề.
  • Sự góp ý, với mục tiêu cung cấp thêm thông tin để cải tiến. Góp ý không nhằm mục đích tấn công vào cá nhân, mà nó là để thông báo cho người được góp ý những dấu hiệu cần thiết cho sự phát triển của sản phẩm, hay chính bản thân người đó.

Hiểu rõ được những điều này, bạn sẽ tự xây dựng được những thái độ phù hợp để đón nhận và tâm trí trở nên cởi mở hơn trong công việc của mình.

Vết thương “luôn bất cẩn”

Ai cũng muốn hoàn thành công việc sớm để nghỉ ngơi.

Điều này cũng không ngoại lệ dù cho ta có yêu thích công việc của mình nhiều tới mức nào đi chăng nữa. Và vì thế ta thường hay bất cẩn với những lỗi vụn vặt trong thành phẩm của mình. Điều này sẽ gây tổn hại cho hình ảnh của chúng ta trong mắt người khác nhiều hơn ta nghĩ.

Để mắt đến các lỗi ngớ ngẩn: Sai chính tả trong 1 câu chỉ có 4 chữ, những pixel xê dịch khi chuyển màn hình, hay quên chỉnh sửa những chỗ đã thỏa thuận trong lần phản hồi trước. Khách hàng sẽ không đánh giá cao sự chuyên nghiệp của bạn, từ đó họ cũng sẽ mất dần niềm tin vào năng lực chuyên môn thiết kế của bạn.

Bạn không thể tránh được hết các sai lầm, nhưng hãy hạn chế nó bằng cách tập trung chi tiết trước khi trình bày hoặc gửi thiết kế của mình.

Vết thương “tự mãn”

Tự tin là tốt, nhưng tự mãn sẽ giết chết sự nghiệp của bạn.

Có 2 xu hướng tự mãn:

  • Đề cao công việc chuyên môn của mình, như kiểu thiết kế sẽ quyết định sự thành bại của cả sản phẩm. Sự tự mãn này làm giảm khả năng lắng nghe người khác.
  • Khi đã có được thành tựu, bắt đầu tự mãn với bản thân, khiến ta tự tin quá mức và ngừng học hỏi.

Bây giờ hãy ngồi xuống, nhìn vào những điều này một cách trung thực nhất.

Bạn đang có bao nhiêu vết thương kể trên?

Hãy chữa lành chúng để sống trọn vẹn cuộc đời này, vì công việc cũng là một phần của cuộc sống.


* Nguồn: hoang.moe

Đánh giá

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
setup_menu_mon_ansetp_menu_do_uong
CONTACT US

FNB DIRECTOR

83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.

Hotline: +84 903 132 508

Email: hello@fnbdirector.com

 
FOLLOW US ON FACEBOOK

Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School