Hoạt động kinh doanh của chuỗi nhà sách Phương Nam khởi sắc trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát, với doanh thu hơn 200 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm nay, ghi nhận quý tăng trưởng doanh thu thứ 4 liên tiếp.
Báo cáo tài chính quý 3 của Công ty CP Văn hóa Phương Nam (PNC) – chủ sở hữu và vận hành chuỗi nhà sách cùng tên – cho biết doanh nghiệp vừa trải qua quý kinh doanh tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Trong quý gần nhất, hoạt động bán sách và văn phòng phẩm tại các cửa hàng đã mang về cho Phương Nam gần 199 tỷ đồng doanh thu thuần, đóng góp hơn 98% vào tổng doanh thu hợp nhất trong quý (gần 202 tỷ). So với cùng kỳ năm trước, doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính của chuỗi nhà sách Phương Nam đã tăng gần 5 lần.
Với doanh thu tăng mạnh, chuỗi nhà sách lớn thứ hai thị trường trong nước (sau Fahasa) đã thu về gần 83 tỷ đồng lãi gộp trong quý, tăng tương ứng 5,5 lần so với cùng kỳ.
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, điển hình là chi phí bán hàng, chi phí quản lý tăng lần lượt 151% và 139% do không còn phát sinh các điều chỉnh lương, chi phí mặt bằng sau giai đoạn giãn cách xã hội, Phương Nam vẫn thu về gần 11 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng ròng gần 23 tỷ so với mức lỗ cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tăng tương ứng, đạt 10,7 tỷ đồng, là mức lãi ròng cao nhất kể từ quý 4/2020.
Đến cuối tháng 9, Phương Nam có tổng tài sản đạt xấp xỉ 600 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm và tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 17,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 21 tỷ. Trong đó, phần lớn tài sản của công ty đang nằm ở hàng tồn kho là các sản phẩm sách, văn phòng phẩm với giá trị gần 270 tỷ.
Ngoài ra, chuỗi nhà sách này còn có gần 140 tỷ đồng tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng, tăng mạnh so với mức hơn 60 tỷ đồng hồi đầu năm.
Theo Zingnews, số tiền thu về kể trên đã đánh dấu quý tăng trưởng doanh thu thuần thứ 4 liên tiếp của chuỗi nhà sách này sau những khó khăn mà dịch COVID-19 gây ra. Đây cũng là mức doanh thu quý cao nhất mà Phương Nam đạt được từ hoạt động bán sách và văn phòng phẩm trong nhiều năm qua.
Phía doanh nghiệp cho biết nguyên nhân chính giúp doanh thu quý vừa qua tăng mạnh so với cùng kỳ là nhờ dịch bệnh được kiểm soát và không còn tình trạng giãn cách xã hội như cùng kỳ năm 2021, qua đó giúp hoạt động bán hàng tại các nhà sách trở lại bình thường.
Ngoài ra, mức tăng mạnh kể trên cũng đến từ mức nền so sánh thấp của quý 3/2021 khi đây là quý chạm đáy doanh thu của Phương Nam.
Phương Nam hiện có 6 công ty con hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị, hàng tiêu dùng, sách báo, sản xuất và kinh doanh các tác phẩm điện ảnh…
Theo Báo đầu tư, trong báo cáo thường niên được Phương Nam công bố hồi tháng 4 năm ngoái, ban lãnh đạo nhận định có 3 rủi ro lớn với doanh nghiệp này.
Thứ nhất là cạnh tranh ngày càng lớn từ các nhà bán lẻ trực tuyến quốc tế với vốn lớn, công nghệ tiên tiến và khả năng chấp nhận lỗ lớn nhiều năm để chiếm thị phần.
Thứ hai là sự cạnh tranh từ các chuỗi bán lẻ đồ chơi, văn phòng phẩm… có vốn đầu tư nước ngoài, nguồn hàng phong phú, chất lượng cao đang mở rộng để thâu tóm thị phần.
Và rủi ro với Phương Nam còn đến từ các công ty trong nước đang được hình thành và các “ông lớn” khác cùng ngành. Điển hình như chuỗi nhà sách lớn nhất thị trường trong nước – Fahasa – cũng mới công bố kết quả kinh doanh quý 3 năm nay với doanh thu tăng hơn gấp đôi, thu về tổng cộng gần 3.100 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm nay.
Mặt khác, với báo cáo doanh thu trên, cả Phương Nam và Fahasa đều cho thấy hoạt động kinh doanh của các nhà sách trong nước đã có sự khởi sắc rõ rệt sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
* Nguồn: Tổng hợp / Brandsvietnam
Đánh giá
Email: hello@fnbdirector.com
Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School