Để trở thành một thương hiệu uy tín xuất hiện trên bảng quảng cáo của Nasdaq Tower, Cơm thố Anh Nguyễn và Cơm tấm Phúc Lộc Thọ đã trải một hành trình hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm.
Câu chuyện truyền cảm hứng cho các nhà khởi nghiệp Việt
Kể về câu chuyện lập nghiệp, anh Nguyễn Văn Hậu, người sáng lập Cơm thố Anh Nguyễn, coi đây là cái duyên đến với "đúng người, đúng thời điểm". Trở về nước sau nhiều năm làm việc tại Malaysia, anh Hậu chân ướt chân ráo bước vào mảng kinh doanh dịch vụ ẩm thực, nhà hàng và đồ uống (F&B). Sau một lần thưởng thức món cơm thố tại Đà Nẵng, anh ấp ủ ý định trở thành người đầu tiên mang món ăn này về chiếm lĩnh thị trường miền Bắc.
Năm 2012, anh mở cơ sở đầu tiên tại Duy Tân, Hà Nội, với vỏn vẹn 70 triệu đồng. Ngồi tại cửa hàng đầu tiên, anh Hậu hồi tưởng những ngày tháng nhiệt huyết, làm từ vị trí bảo vệ, đầu bếp cho đến thu ngân. Với nguyên liệu cơm nóng đảo cùng cà rốt, đậu Hà Lan và kết hợp với hạt giòn độc đáo, cơm thố dần dà chiếm được cảm tình và để lại ấn tượng cho nhiều thực khách.
Sau 5 năm, Cơm thố Anh Nguyễn duy trì ổn định với 5 cơ sở. Tuy nhiên, anh Hậu cho biết khó khăn thực sự giờ mới bắt đầu. Giữa những thay đổi và đào thải không ngừng của ngành F&B, Cơm thố Anh Nguyễn có bước ngoặt lớn là chuyển đổi sang mô hình nhượng quyền và đẩy mạnh bán hàng trực tuyến (online). Mặc dù gặp khó khăn trong quy trình và quản lý, anh Hậu khẳng định đó là điều phải làm để bắt kịp xu thế. Chính nhờ quyết định đó, Cơm thố Anh Nguyễn hiện đã có gần 80 cơ sở trên khắp cả nước.
Khác với món cơm thố tiên phong tại Hà Nội, Cơm tấm Phúc Lộc Thọ xuất hiện khi thị trường ẩm thực của TP. Hồ Chí Minh đã có những thương hiệu lâu năm về cơm tấm. Nhưng với niềm tin rằng trong mỗi tế bào của người Việt luôn có "ADN cơm", chưa kể cơm tấm là món ăn gắn bó với giới bình dân lao động ở miền Nam, anh Phan Sỹ Thi, người sáng lập chuỗi Cơm tấm Phúc Lộc Thọ, kỳ vọng tạo nên một chuỗi cửa hàng thật sự nổi trội để khẳng định vị thế của món Việt trên chính quê hương mình.
Ước mơ lớn lao ấy bắt nguồn từ những khao khát rất thực tế của anh Thi, đó là kinh doanh để đỡ đần gia đình. Với tuổi thơ từng bán cơm vỉa hè cùng cha mẹ để mưu sinh, anh ước mơ mở một cửa hàng để công việc kinh doanh ổn định hơn. Với số tiền 50 triệu đồng mượn từ gia đình một người bạn, anh Thi mở quán cơm tấm sau khi tốt nghiệp. Tự tay đóng bàn ghế, bảng hiệu…, tiệm Cơm tấm Phúc Lộc Thọ đầu tiên tại đường Tô Ngọc Vân, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, thành hình trong niềm hạnh phúc.
Cái bắt tay với Grab, mở rộng cánh cửa quảng bá ẩm thực Việt
Chứng kiến thương hiệu của mình xuất hiện tại một vị trí đắc địa ở New York, anh Hậu thốt lên: "Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ đến cơ hội này". Anh tự hào vì những nỗ lực của Cơm thố Anh Nguyễn đã được Grab ghi nhận. Anh Phan Sỹ Thi cũng khẳng định đây là một động lực to lớn trên hành trình nâng cao vị thế của món Việt trên đất Việt và trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Hòa vào xu thế phát triển kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, sự hợp tác của Cơm thố Anh Nguyễn và Cơm tấm Phúc Lộc Thọ với GrabFood đã mở ra nhiều cơ hội giúp đôi bên cùng có lợi. GrabFood cần không ngừng cung cấp dịch vụ tối ưu cho lượng người dùng lớn và đa dạng của thương hiệu. Ngược lại, các cửa hàng cần GrabFood để mở rộng kinh doanh online và tăng cường độ nhận diện.
Anh Hậu chia sẻ: "Từ khi bắt tay với GrabFood trong giai đoạn đại dịch, doanh số của chúng tôi tăng gấp 3-4 lần nhờ những "mặt bằng ảo" từ phía Grab hỗ trợ". Anh cho biết thêm, khi cửa hàng và Grab cùng hỗ trợ những deal giảm giá, người dùng sẽ được lợi nhiều nhất. Đơn cử phải kể đến những danh mục Grab Ngon Rẻ, Bữa trưa 0 đồng mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn ăn uống tiết kiệm.
Cả hai chủ doanh nghiệp F&B này đều nhận thấy rằng, Grab luôn có những chính sách để tạo điều kiện phát triển cho các đối tác nhà hàng, góp phần quảng bá ẩm thực chất lượng và phục vụ nhu cầu ngày một đa dạng của người tiêu dùng. Trên ứng dụng, GrabFood hỗ trợ các nhà hàng thông qua việc tăng cường hiển thị trên đề xuất tại trang chủ cũng như qua danh mục "Grab Ngon Rẻ", "Quán ngon đặc tuyển". Nếu ví ứng dụng của Grab như một con phố, việc hỗ trợ các quán ăn hiển thị tại danh mục được đánh giá cao sẽ giống như nhà hàng thuê được mặt bằng ở vị trí đắc địa. Từ đó, các đối tác có thể tăng đơn hàng online và gia tăng độ nhận diện trong mắt khách hàng.
Không những thế, qua những tính năng đánh giá về trải nghiệm ẩm thực của người dùng được Grab phát triển, các đối tác nhà hàng sẽ có thêm góc nhìn mới, giúp thiện chất lượng của món ăn lẫn dịch vụ. Khi và chỉ khi sản phẩm cốt lõi đạt chất lượng cao, ẩm thực Việt mới có thể củng cố vị thế trên chính quê hương và vươn xa ra thế giới.