77% thực khách giữ nguyên hoặc tăng mức chi tiêu cho ẩm thực
Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2023, là dự án nghiên cứu chuyên sâu thường niên của iPOS phối hợp cùng Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam - VIRAC thực hiện trong 4 tháng với gần 3.000 nhà hàng, quán ăn và gần 4.000 người tiêu dùng trên cả nước, chủ yếu tại các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Báo cáo chỉ ra rằng, chi tiêu của người Việt có sự tăng trưởng nhẹ. Đối với tiêu dùng ăn ngoài, mức chi cho tiêu dùng của người Việt gia tăng từ 5-10%. Thậm chí, có tới 14,9% thực khách sẵn sàng chi tiêu bữa tối hàng ngày với mức trên 100.000 đồng, gấp 3,5 lần so với năm 2022. Đồng thời, mức tiêu dùng cho việc đi cà phê của người Việt cũng tăng nhẹ, với 59,5% thực khách sẵn sàng chi tiêu trên 41.000 đồng cho hoạt động này.
Cũng theo Báo cáo, dù ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, nhưng vẫn có gần 60% người được hỏi (tăng 2% so với đợt khảo sát trước) cho hay sẵn sàng chi từ 41.000 đồng trở lên cho 1 lần "đi cà phê" trong năm 2023.
Hầu hết người Việt thỉnh thoảng đi cà phê khoảng 1-2 lần/tháng, với gần 42,6% người tham gia khảo sát lựa chọn. Trong khi đó, tỷ lệ thực khách đi cà phê bên ngoài với tần suất 1-2 lần/tuần tăng cao từ mức gần 23% của năm 2022 lên hơn 30% người tham gia khảo sát chọn.
Có tới 6% người Việt tham gia khảo sát thừa nhận đi cà phê mỗi ngày. Đây là nhóm khách hàng thường xuyên đến cà phê nhằm mục đích gặp gỡ công việc, hoặc sinh viên và người làm việc tự do (freelancer).
Nếu xét theo tình trạng mối quan hệ, những người đang hẹn hò có tần suất đi cà phê nhiều hơn, đa số là 1-2 lần/tuần. Trong khi đó, người độc thân và có gia đình thường chỉ đi cà phê 1-2 lần/tháng. Do đó, iPOS.vn đánh giá, các chiến dịch truyền thông hướng tới nhóm đối tượng cặp đôi có xu hướng hiệu quả trong vài năm gần đây, đặc biệt vào dịp lễ, Tết.
Đối với việc đi cà phê phân khúc cao cấp (từ 70.000 đồng trở lên), có hơn 14% người khảo sát lựa chọn.
So với đi cà phê, chi tiêu cho đặt cà phê hoặc trà sữa mang về thấp hơn. Có 36% người tham gia khảo sát trả lời thường xuyên đặt đồ uống mang về từ 40.000 đồng trở lên. Mức giá phổ biến nhất cho việc đặt cà phê, trà sữa mang về là 31.000-40.000 đồng, với gần 23% người lựa chọn.
Việc đặt hàng đồ uống online được ưa chuộng, vì chỉ khoảng 25% thực khách tại Việt Nam thừa nhận chưa từng hoặc hiếm khi sử dụng dịch vụ giao cà phê về nhà. Xét theo giới tính, tỷ lệ này với nam và nữ lần lượt là 32% và 21%. Theo iPOS.vn, thị phần giao đồ ăn trực tuyến ngày càng tới mốc giới hạn, hứa hẹn là cuộc đua khốc liệt giữa các ông lớn trong ngành.
Mức thu nhập ảnh hưởng rõ rệt đến xu hướng chi tiêu của thực khách khi đặt đồ uống online. Nhóm khách hàng có thu nhập từ 11 triệu đồng trở lên là những người chi tiêu mạnh tay nhất cho dịch vụ này. Có tới 46% nhóm đáp viên có thu nhập 11-20 triệu đồng đặt cà phê mang về với phân khúc giá từ 41.000 đồng trở lên.
Tương tự đối với nhóm thực khách có thu nhập 20 triệu trở lên, tỷ lệ này chiếm tới 53%. Lý do là nhóm khách hàng này có khả năng tài chính cao hơn, họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sự tiện lợi và thoải mái khi sử dụng dịch vụ đặt đồ uống online.
Khi đi ăn uống vào dịp đặc biệt, người Việt sẵn sàng chi tiêu mạnh tay. Năm nay, tỷ lệ được phân bổ khá đồng đều với các mức giá từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng. Cụ thể, mức giá phổ biến nhất là 200.000-300.000 đồng, chiếm gần 28%. Mức giá này tương đương 1 set buffet lẩu/nướng tại các nhà hàng dịch vụ đầy đủ.
Trong dịp đặc biệt, nam giới cầu kỳ hơn so với nữ giới. 27% thực khách được hỏi sẵn sàng chi tiêu từ 500.000 đồng trở lên, trong khi con số đó chỉ gần 18% đối với nữ giới. Thậm chí, hơn 11% nam giới thừa nhận sẵn sàng chi tiêu lên tới 1 triệu đồng/người.
Báo cáo cũng cho biết, người Việt có xu hướng ăn ngoài thường xuyên hơn. Minh chứng là, hơn 17% người ăn ngoài mỗi ngày, 29% ăn ngoài 3-4 lần một tuần, tăng 18% so với năm 2022.
Mặc dù kinh tế khó khăn, chi tiêu cho các dịch vụ F&B vẫn gia tăng đáng kể. 77% thực khách dự kiến giữ nguyên, thậm chí tăng mức chi tiêu cho ẩm thực trong năm 2023.
Người chưa có gia đình sẽ có tần suất ăn ngoài cao hơn. Theo đó, nhóm độc thân và đang hẹn hò có tần suất ăn hàng ngày bên ngoài lần lượt là gần 18% và 19%. Đối với nhóm thực khách đã kết hôn, con số này thấp hơn, ở mức gần 14%.
Xét theo giới tính, tỷ lệ ăn ngoài hàng ngày của nam giới chiếm 21% trong khi con số này ở nữ giới là 14%. Điều này thể hiện sự khác biệt trong thói quen ăn uống giữa hai giới.
Nam giới có xu hướng ăn ngoài thường xuyên hơn vì thói quen sinh hoạt, công việc bận rộn, tính tiện lợi hoặc tụ tập bạn bè. Trong khi đó, nữ giới thường dành nhiều thời gian nấu nướng tại nhà hơn, do quan tâm đến sức khỏe, dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho bản thân và gia đình.
“Bức tranh” sáng màu cho tương lai ngành F&B
Có lẽ do xu hướng đi cà phê và ăn hàng nhiều hơn của người Việt nên bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, trong gần 3.000 đơn vị tham gia nghiên cứu, có đến 79,6% doanh nghiệp F&B cho biết tình hình kinh doanh đang có xu hướng tốt lên và có đủ nguồn lực để phát triển trong tương lai gần. Đặc biệt, 51,7% các cửa hàng ăn uống trong số này có dự định mở rộng quy mô.
Tuy nhiên, vẫn còn gần 33,5% đơn vị không có nhu cầu này. Một vài lý do cho rằng doanh nghiệp đang hài lòng với tình hình kinh doanh hiện tại, hay lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn khi mở rộng.
Tính đến hết năm 2023, doanh thu ngành F&B đã ghi nhận mức tăng trưởng 11,47%, đạt tổng hơn 590.000 tỷ đồng. Riêng thị trường ăn tại quán đóng góp 538.500 tỷ đồng, tăng 10,87% so với năm 2022.
Theo dự báo của Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF), Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng phát triển kinh tế vượt trội trong 5 năm tới. Các động lực về đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất nhập khẩu được thu đẩy mạnh mẽ là động lực để nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành F&B nói riêng thêm đà tăng trưởng.
Năm 2024, giá trị thị trường ngành F&B tại Việt Nam dự kiến tăng 10,92% so với năm 2023 và đạt mốc hơn 655.000 tỷ đồng. Dự báo từ nay đến năm 2027, cơ cấu doanh thu không có nhiều sự thay đổi khi cửa hàng F&B độc lập vẫn áp đảo với 93,9% thị phần.
Năm 2024 sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình đồ uống quy mô vừa và nhỏ. Sự tăng trưởng này sẽ theo sát xu thế tiện và lợi. Các cửa hàng này được mở ra đáp ứng với các tiêu chí như: Có chi phí đầu tư vừa phải, vị trí cửa hàng thuận tiện, phù hợp với mua mang đi và giao hàng, và giá sản phẩm ở phân khúc tầm trung và bình dân.
Bên cạnh đó, xu hướng cạnh tranh giữa các nhà hàng phân khúc cao cấp để nhận giải thưởng Michelin bắt đầu bùng nổ. Nhận thức được tầm quan trọng của giải thưởng này, nhiều thương hiệu F&B đã và đang dốc sức cải thiện chất lượng món ăn, nâng cao dịch vụ và hoàn thiện trải nghiệm khách hàng để chinh phục "ngôi sao Michelin" danh giá. Sự cạnh tranh này không chỉ mang đến lợi ích cho thực khách Việt Nam mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ để các nhà hàng khẳng định vị thế trên bản đồ ẩm thực quốc tế.
Đánh giá
Email: hello@fnbdirector.com
Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School