"Nội dung tương tác quả thực là 'the new king' của nội dung trên mạng xã hội” là nhận định được đúc kết từ chị Vicky Luu - Creative Director tại Chuo Senko VN.
"Content Is King" là tên một bài luận được Bill Gates xuất bản trên trang web của Microsoft vào tháng 1/1996 và câu nói này cũng trở nên nổi tiếng từ thời điểm đó. "Content Is King" nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung (content) trong thế giới marketing: giúp thương hiệu truyền tải nội dung quảng cáo, giao tiếp với khách hàng, xây dựng tình yêu thương hiệu (brand love), tăng mức độ nhận diện cho thương hiệu và còn có sức mạnh ẩn tác động đến nhiều khía cạnh khác nhau.
“Content Is King” là câu nói nổi tiếng của Bill Gates
Tuy nhiên, kể từ năm 2018 trở lại đây, sự bùng nổ của mạng xã hội đã khiến nhiều người trẻ, thậm chí là cả người lớn tuổi bắt đầu tìm hiểu, tiếp cận và sử dụng chúng. Sự tiện dụng, thông minh của công nghệ và mạng xã hội đã mở một cơ hội mới cho các thương hiệu tạo điểm chạm với khách hàng. Trong thế giới internet đầy cạnh tranh như thế, thương hiệu không chỉ cần liên tục tạo ra nhiều nội dung hấp dẫn mà còn phải khiến người dùng muốn tương tác, tranh luận, thể hiện ý kiến của họ. Và đó chính là thời điểm nội dung tương tác (interactive content) lên ngôi!
Theo anh Leo Phan, nội dung tương tác là một sự dẫn đầu mới. Nội dung nào càng lôi kéo được nhiều người dùng bình luận, chia sẻ, đạt tương tác cao, góp phần nâng cao mức độ nhận diện cho thương hiệu thì nội dung đó càng thành công.
Chia sẻ về nội dung tương tác, chị Vicky Luu - Creative Director tại Chuo Senko VN cho biết: "Nội dung tương tác quả thực là 'the new king' của nội dung trên mạng xã hội. Trước đây, các thương hiệu thường tạo ra các nội dung một chiều, đơn cử như phim quảng cáo, các bài PR,... Sau đó, họ sẽ cạnh tranh với nhau bằng việc đánh giá xem nội dung của ai xịn hơn, được đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện tại mạng xã hội lại tạo điều kiện cho các thương hiệu lắng nghe những chia sẻ, phản hồi của người dùng khi họ tiếp nhận các nội dung đó. Đây là cơ hội rất lớn cho các thương hiệu tương tác, kết nối với người dùng."
Trước đây, một quảng cáo phải thu hút được khán giả trong ba giây đầu tiên. Nhưng ở thời điểm này, thời gian thậm chí còn ngắn hơn như vậy nữa. Các thương hiệu mới liên tục xuất hiện, nội dung mới cũng ồ ạt ra mắt trên mạng xã hội nên tốc độ tiếp nhận của người dùng sẽ rất nhanh chóng. Do đó, nội dung tương tác là chìa khóa để thương hiệu giữ chân người dùng. Những chia sẻ của người dùng sẽ giúp thương hiệu thấu hiểu họ, từ đó điều chỉnh nội dung cho phù hợp.
hương hiệu phải thu hút được khán giả ngay từ những giây đầu tiên của quảng cáo
Vào thời điểm mạng xã hội chưa phát triển, khi ra mắt một TVC/quảng cáo nào trên sóng truyền hình, mấy tháng sau thương hiệu mới nhận được một post check từ TV Station gửi về. Đến tận lúc này thương hiệu mới có thể đánh giá được rating (xếp hạng) của quảng cáo. Tuy nhiên, chỉ với số liệu này thì không thể đánh giá được xem người dùng có thích nội dung này hay không, nó mang đến hiệu quả như thế nào. Facebook cập bến Việt Nam vào tháng 9/2006 đã tạo điều kiện cho các thương hiệu bước chân vào thử nghiệm quảng cáo truyền thông. Và sau khi họ đăng một nội dung gì đó lên, vài tiếng sau là họ đã có thể thấy ngay lượng phản hồi rõ ràng, cụ thể. Điều này mang đến hiệu quả cao hơn nhiều so với trước đây.
Một trong những thương hiệu áp dụng thành công nội dung tương tác có thể kể đến Biti's. Khoảng cuối 2016 và đầu năm 2017, thương hiệu đã tung ra chiến dịch "Đi để trở về" cho thương hiệu con Biti's Hunter. Nắm bắt chủ đề “Đi hay Về” xôn xao trên mạng xã hội mỗi dịp Tết, thương hiệu đã tạo ra cuộc tranh luận giữa hai phía: team Đi và team Trở về. Việc hai team này tự tranh luận với nhau, thể hiện quan điểm của mình đã khiến nội dung gốc của Biti's Hunter liên tục xuất hiện trên mạng xã hội, tăng mức độ nhận diện cho chiến dịch "Đi để trở về" và cả thương hiệu.
Chiến dịch “Đi để trở về” của Biti’s Hunter
Chị Vicky Luu chia sẻ: "Debate (tranh luận) là một trong những cách để tạo ra nội dung tương tác nhưng không nên quá lạm dụng. Thương hiệu có thể tạo ra các nội dung thể hiện cảm xúc, tâm lý, các vấn đề xã hội,... để tạo ra sự tương tác tích cực, đơn cử như nhớ về mẹ, những công lao dưỡng dục của mẹ chẳng hạn."
Trong buổi chia sẻ, các anh chị cũng đề cập đến Durex như một thương hiệu đặc biệt. Sản phẩm của họ là một sản phẩm nhạy cảm, do đó nội dung của họ không thể truyền tải quá thô thiển. Chị Huyền Trang, Senior Copywriter - TMRW Vietnam chia sẻ: "Người dùng thường quan tâm đến các nội dung xoay quanh 3 chữ S: Sốc - Sex - Sến. Nội dung của Durex vừa lúc nằm ở chữ S thứ 2 nên nội dung của họ thu hút được khối lượng người xem lớn. Hầu như tất cả nội dung và hình ảnh của Durex đều có double meaning (hai ý nghĩa) và gần gũi với sản phẩm thương hiệu cũng như insight người dùng."
Durex bắt trend Doctor Strange
Bên cạnh đó, thương hiệu cũng có thể quan tâm đến những vấn đề đang hot ngoài xã hội (realtime content) và mang nó vào nội dung của mình. Đó là cách Durex tạo dấu ấn trên mạng xã hội. "Khó khăn của team Durex chính là sản phẩm của họ khá nhạy cảm. Họ vừa phải kết hợp các chủ đề đang hot, vừa phải khiến nội dung của thương hiệu trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ. Chỉ cần không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục thì những nhà sáng tạo nội dung của Durex có thể thỏa thích sáng tạo" - chị Vicky Luu cho biết.
Các thương hiệu phát triển tốt trên mạng xã hội thường có một điểm chung là nhân hóa thương hiệu thành một nhân vật rõ ràng. Nhân vật này sẽ đại diện cho thương hiệu, giúp thương hiệu tạo ra những cuộc trò chuyện, giao lưu, chia sẻ hai chiều với người dùng. Bản chất của mạng xã hội là nơi để mọi người chia sẻ, vì thế những nhà sáng tạo có thể tạo ra những nội dung theo dạng chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh cá tính dám nghĩ, dám làm của người làm sáng tạo thì cá tính của thương hiệu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo nội dung. Những thương hiệu táo bạo như Durex sẽ mở ra cánh cửa sáng tạo cho nhà sáng tạo, còn đối với những thương hiệu sở hữu tính cách hiền lành như đồ dùng gia đình thì không gian sáng tạo sẽ bị hạn chế. Điều này cũng tùy thuộc vào tính chất và tệp khách hàng của thương hiệu.
Ngoài ra, bản chất của nội dung tương tác vẫn là nội dung. Những nhà sáng tạo vẫn phải dành thời gian nghiên cứu insight và nhiều yếu tố khác của người tiêu dùng để tạo ra một nội dung hấp dẫn. Sau đó, thương hiệu mới chạy quảng cáo hay quảng bá đến đúng đối tượng mục tiêu, làm nổi bật nội dung đó. Anh Leo Phan đúc kết: "Một nội dung tốt có thể tạo ra cuộc đối thoại từ hai phía, một phía là thương hiệu, phía còn lại là người dùng."
Thông qua bài viết được tổng hợp từ những chia sẻ của anh Leo Phan, chị Vicky Luu, chị Huyền Trang và chị Kita Nguyễn, hy vọng các marketer đã có thêm những thông tin hữu ích về nội dung tương tác cũng như những lưu ý cần biết để tạo ra những nội dung tương tác thành công.
Nguồn: Advertising Vietnam
Đánh giá
Email: hello@fnbdirector.com
Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School