Hãy theo dõi bài viết thứ 9 trong series “Chiến lược đến Thực thi” để hiểu thêm về “cường điệu” – một phương thức có thể giúp thương hiệu trở nên nổi bật trong thị trường cạnh tranh.
Concept: Liệu người ngay thẳng có thực sự khó thành công?
Phương Tây có câu “Nice guys finish last” nhằm ám chỉ những người ngay thẳng thường khó thành công. Nhưng liệu có đúng?
Hàng hoá tại các cửa hàng đồng giá như DAISO dù thiết thực và giá cả phải chăng nhưng lại không có gì thú vị. Thật vậy, nếu là khách hàng, liệu bạn có hào hứng khi mua sắm những sản phẩm đồng giá 1 USD?
Dù vậy, không gì là không thể. Dollar Shave Club – một startup nhỏ bán dao cạo râu với giá 1 USD đã làm được điều này. Thậm chí Unilever đã chi 1 tỷ USD để có được startup này. Thay vì đặt tên là “Công ty dao cạo 1 USD”, họ đã cường điệu lên và tự gọi mình với cái tên mỹ miều “Câu lạc bộ dao cạo”.
Chúng ta có thể bắt gặp những slogan được cường điệu hoá một cách thú vị từ nhiều thương hiệu lớn.
Thương hiệu đồng hồ xa xỉ Patek Philippe không khẳng định rằng “Đồng hồ chúng tôi rất bền”. Thay vào đó, hãng nói: “Bạn không thực sự sở hữu 1 chiếc Patek Philippe. Bạn chỉ đơn thuần là người trông giữ nó cho thế hệ mai sau”.
Nguồn: Forbes
Thương hiệu sổ tay lâu đời Moleskine thể hiện bề dày lịch sử của mình qua câu nói “Moleskine, sổ tay huyền thoại của Vincent Van Gogh, Pablo Picasso và Ernest Hemingway”. Slogan này thú vị hơn hẳn so với câu “Đã có rất nhiều người sử dụng sổ tay của chúng tôi”.
“Red Bull chắp cánh cho bạn” của hãng nước uống tăng lực cùng tên hiển nhiên sẽ hay ho hơn câu “Nước đường có chất phụ gia giúp bạn lấy lại năng lượng”.
Hay màn biến tấu slogan của Mastercard từ “Thẻ của chúng tôi có thể thanh toán bất cứ thứ gì” thành “Có một số thứ mà tiền không thể mua được. Còn với những thứ khác, Mastercard đều có thể”.
Đến đây, chúng ta có thể thấy rằng chỉ những thương hiệu nhàm chán mới khó thành công. Hãy thoải mái viết lên câu chuyện thương hiệu của mình, miễn là bạn không nói dối. Đừng chỉ tốt mà hãy trở nên thú vị nữa.
Nguồn: HubSpot
Practice: 7 cách giúp thương hiệu cường điệu hóa ý tưởng
Cường điệu hóa ý tưởng thương hiệu chính là xây dựng câu chuyện thương hiệu sao cho hấp dẫn người tiêu dùng. Dưới đây là một số gợi ý có thể giúp ý tưởng thương hiệu (brand idea) trở nên sống động hơn:
1. Xác định những giá trị cốt lõi và điểm đặc biệt của thương hiệu bằng cách trả lời câu hỏi “Điều gì làm thương hiệu của bạn nổi bật hơn so với các thương hiệu khác?”.
2. Đảm bảo chân dung (persona) hoặc cá tính (character) của thương hiệu luôn rõ ràng: Đó có thể là một nhân vật cụ thể, một linh vật hoặc đại sứ của thương hiệu.
3. Biến chân dung thương hiệu (brand persona) trở nên sống động bằng kỹ thuật storytelling: Hãy xây dựng một thương hiệu với nhiều đặc điểm tính cách và hoạt động thú vị, đồng thời phù hợp với giá trị của thương hiệu.
4. Nhất quán thông điệp thương hiệu trên mọi nền tảng, từ mạng xã hội, quảng cáo cho đến bao bì sản phẩm.
5. Vận dụng linh hoạt yếu tố hài hước, cảm xúc và bất ngờ để khiến thương hiệu trở nên thú vị và dễ nhớ hơn.
6. Tận dụng video hoặc đồ họa để chân dung thương hiệu trở nên sống động và tạo tính nhất quán về mặt nhận diện thương hiệu.
7. Kết nối với khách hàng bằng cách xin ý kiến phản hồi của họ, tạo ra những cơ hội tương tác thú vị, đồng thời tích cực trả lời những bình luận và tin nhắn mà khách hàng để lại.
Tóm lại, việc cường điệu hóa ý tưởng đòi hỏi tính sáng tạo, sự chân thành cùng hiểu biết sâu sắc của thương hiệu về khách hàng. Bằng cách dựng nên một câu chuyện hợp lý, thương hiệu đã có thể thu hút sự chú ý và trở nên nổi bật so với các đối thủ.
Hãy thoải mái viết lên câu chuyện thương hiệu của mình, miễn là bạn không nói dối. Đừng chỉ tốt mà hãy trở nên thú vị nữa.
Example: Cường điệu thành công nhờ nhất quán ý tưởng
1. Vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX, Apple triển khai chiến dịch “Think Different” (Hãy suy nghĩ khác biệt) nhằm khuyến khích tinh thần sáng tạo, độc lập và cởi mở với những ý tưởng mới. Chiến dịch đã giúp Apple (1) khẳng định được vị thế của mình trong lòng người tiêu dùng – những người có tư duy tiên phong, yêu thích công nghệ và thiết kế mới mẻ, đồng thời trở nên khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh.
Nguồn: Medium
2. Tiffany & Co., một thương hiệu trang sức cao cấp, đã thành công trong việc biến “nhẫn cầu hôn kim cương Tiffany” trở thành biểu tượng của tình yêu chân thành và vĩnh cửu.
Thương hiệu sử dụng slogan “The Tiffany Diamond, the world's most perfectly cut diamond” nhằm nhấn mạnh chất lượng sản phẩm kim cương của mình.
Ngoài ra, tone màu xanh đặc trưng được sử dụng nhất quán trong thiết kế bao bì và xây dựng thương hiệu đại diện cho sự sang trọng và độc quyền.
Sự cường điệu hóa này đã giúp Tiffany & Co. tạo ra một mối liên kết cảm xúc mạnh mẽ với khách hàng và góp phần vào sự thành công liên tục của thương hiệu trong thị trường xa xỉ.
Nguồn: Tiffany
3. Với slogan “Belong Anywhere”, Airbnb không chỉ nhắm đến việc cung cấp dịch vụ lưu trú giá rẻ mà còn là nơi khiến khách hàng cảm thấy hòa mình vào cộng đồng và văn hóa địa phương. Cụ thể, thương hiệu đã cường điệu ý tưởng này bằng cách (1) kể câu chuyện thương hiệu trong những chiến dịch marketing, (2) hé lộ những điểm độc đáo và khác biệt của thương hiệu, đồng thời (3) thúc đẩy cảm giác “thuộc về” (sense of belonging) của khách hàng.
Nhờ đó, Airbnb đã trở thành một thương hiệu lifestyle khác biệt so với những nhà cung cấp truyền thống.
Nguồn: Medium
Nguồn: brandsvietnam