Trong bài 2 của series Cẩm nang “Cầm tay chỉ việc kinh doanh F&B online”, chúng ta đã tìm hiểu về “Cách xây dựng menu bán hàng online”. Tiếp nối chuỗi bài viết, iPOS.vn sẽ chia sẻ một chủ đề vô cùng quan trọng mà chủ quán cần lưu tâm khi bắt đầu bán hàng online, đó là việc thiết kế, đóng gói bao bì vận chuyển đồ ăn online.
Khi nhu cầu dùng bữa tại nhà đang trở thành xu hướng, các chủ kinh doanh phải chăm chút hơn cho sản phẩm, dịch vụ bán hàng trực tuyến của mình. Giờ đây, ngay từ khâu đóng gói đồ ăn để giao hàng cũng được nâng lên tầm “nghệ thuật” để nâng cao trải nghiệm ăn uống với hy vọng lôi kéo được nhiều thực khách hơn.
Trong bài viết dưới đây, iPOS.vn sẽ bật mí từ A-Z về cách thức đóng gói bao bì đẹp – chuẩn – an toàn, để mọi thực phẩm đến tay khách hàng đều ở chất lượng cao nhất.
1. Bật mí về tầm quan trọng của việc đóng gói bao bì sản phẩm
Nếu như trước đây, hoạt động kinh doanh F&B online vẫn còn rất manh mún, việc đóng gói bao bì cũng vì chỉ là công đoạn “làm cho có”, chưa được chăm chút nhiều. Các chủ nhà hàng chỉ quan niệm, thực phẩm cứ đến tay khách hàng, không hư hỏng, là chấp nhận được.
Thì hiện nay, khi xu hướng bán đồ ăn online đã bùng nổ, thị trường cạnh tranh cao, yêu cầu của khách hàng cũng khắt khe hơn, chuyện “bé đã xé thành to”. Qua khảo sát vào tháng 06/2020 của QSR magazine, 84% khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ gọi đồ ăn mang về đồng ý rằng cách đóng gói bao bì là một yếu tố quan trọng tác động tới nhu cầu đặt hàng của họ.
Ngoài ra, khi đảm bảo việc đóng gói bao bì thực phẩm mang đi đẹp – chuẩn – an toàn, nhà hàng còn sẽ nhận được những lợi ích đáng kể hơn như:
- Duy trì nhiệt độ, chất lượng món ăn, đồ uống, qua đó đảm bảo sản phẩm đến tay khách hàng có độ hoàn thiện gần nhất so với việc dùng bữa tại chỗ.
- Cải thiện nhận diện thương hiệu với bao bì bắt mắt, gây ấn tượng tốt với khách hàng, từ đó nâng cao doanh số bán hàng.
- Âm thầm “rút ví” của khách hàng nhiều hơn, khi theo BXP Magazine khách hàng sẵn sàng trả thêm 20% chi phí cho thực phẩm được đóng gói trong bao bì cẩn thận, đẹp mắt, thân thiện với môi trường.
Tất nhiên, khi nghiêm túc đầu tư cho hoạt động đóng gói đồ ăn, giao hàng, thương hiệu sẽ phải đầu tư thêm công sức và tiền bạc. Nhưng rõ ràng với những lợi ích kể trên, bạn chắc chắn vẫn sẽ được lợi nhiều hơn là mất!
2. Lựa chọn chất liệu và thiết kế, in ấn bao bì
Tưởng chừng như đơn giản, nhưng để đáp ứng đúng 3 yếu tố “đẹp – chuẩn – an toàn” cho bao bì đóng gói đồ ăn/đồ uống, bạn sẽ phải cân nhắc rất kỹ qua những yếu tố như chất liệu, màu sắc hay công năng thiết để có thể đưa ra lựa chọn tối ưu nhất.
2.1. Chọn chất liệu
Mỗi loại đồ ăn/thức uống khác nhau lại có những đặc tính đặc biệt mà không một loại chất liệu, bao bì nào có thể đáp ứng được hết. Vì vậy, khi lựa chọn bao bì cho hoạt động bán hàng online, bạn sẽ phải tìm hiểu các loại chất liệu hiện có và công năng thực tế của chúng.
Các loại chất liệu bao bì đóng gói đồ ăn/thức uống phổ biếnTrên thị trường, hiện nay có rất nhiều loại chất liệu để sản xuất bao bì thực phẩm nhưng phổ biến và dễ tiếp cận nhất vẫn sẽ là những cái tên quen thuộc sau:
- Nhựa: Là loại chất liệu bền, đẹp, có công năng bảo vệ tình trạng của thực phẩm tốt. Tuy nhiên, loại chất liệu này có nhược điểm là bí khí, dễ làm cho đồ ăn có tính “giòn” bị ỉu khi vận chuyển. Đồng thời, nhựa cũng đang bị lên án khá nhiều bởi 1 số bộ phận người tiêu dùng vì có hại cho môi trường.
- Xốp: Chất liệu rất rẻ, giữ nhiệt thực phẩm tốt. Nhưng xốp lại có hình thức không bắt mắt tương tự như nhựa, không thân thiện với môi trường.
- Giấy gói bạc: Có ưu điểm là bền, kín, không bám dính dầu mỡ, giữ nhiệt tốt, rất lý tưởng cho các món ăn nóng. Nhược điểm của chất liệu này là tương đối đắt tiền.
- Giấy/bìa tái chế: Thân thiện với môi trường, có giá thành rẻ và hình thức bắt mắt. Tuy nhiên giấy/bìa không có khả năng giữ nhiệt cũng như kém bền, dễ bị móp méo nếu vận chuyển ẩu.
- Nilon: Chất liệu các nhà hàng cần tránh xa, vì dù rẻ tiền nhưng công năng thấp, hình thức xấu cũng như ảnh hưởng lớn tới môi trường.
- Thủy tinh: Thường được sử dụng để đóng chai đồ uống do bền, đẹp và có khả năng giữ nhiệt tốt. Nhưng điểm trừ của các chai thủy tinh là có giá thành cao và dễ đổ vỡ.
- Bã mía, nhựa sinh học: Chất liệu thân thiện với môi trường, có công năng sử dụng tốt, đáp ứng được nhiều nhu cầu sử dụng, vận chuyển tuy nhiên có giá thành chưa thật sự tốt.
Để xác định xem loại chất liệu nào phù hợp với sản phẩm đang kinh doanh, bạn có thể tham khảo tại bảng dưới đây:
Bảng phân loại các chất liệu phổ thông được sử dụng làm bao bì và mức đồ phù hợp với từng loại thực phẩm 2.2. Đầu tư thiết kế, in ấn cho bao bì
Khi đầu tư cho bao bì đóng gói, bên cạnh việc lựa chọn chất liệu thì thiết kế cũng là một yếu tố bạn cần phải cân nhắc. Tùy vào từng nhu cầu cụ thể, thiết kế của bao bì cũng sẽ có sự phân hóa từ đơn giản đến phức tạp nhất định.
Chẳng hạn, nếu bạn chỉ có ý định bán giao hàng mùa vụ, không xác định đây là chiến lược phát triển lâu dài thì chỉ cần những bao bì có chất liệu phù hợp, hình thức lịch sự, sạch sẽ để tiết kiệm chi phí.
Còn nếu bạn đã xác định kênh bán giao hàng là chiến lược phát triển dài hạn, muốn tối ưu và đẩy mạnh chất lượng thì có thể đầu tư thiết kế bao bì có hình thức đẹp mắt, công năng độc đáo để tạo ấn tượng với khách hàng. Lúc này, bạn có thể cân nhắc thiết kế bao bì qua 3 yếu tố sau:
Kích thước, thông tin và hình ảnh trên bao bì
Về kích thước, bao bì không nên chỉ dùng loại “one size fit all – 1 cỡ cho tất cả mặt hàng” mà nên được tùy chỉnh dựa vào loại sản phẩm và kích thước để tiện đóng gói và giao nhận.
Với thông tin trên bao bì, bạn không nên quá tham lam nhồi nhét quá nhiều thứ. Lý tưởng nhất, bao bì chỉ cần có thông tin về tên thương hiệu, địa chỉ, các kênh bán hàng đang hoạt động với phông chữ đơn giản, dễ đọc – nhờ vậy khách hàng có thể tiếp thu thông tin trọng tâm một cách nhanh nhất.
Còn về hình ảnh sử dụng trên bao bì, hãy cố gắng sử dụng những hình ảnh có ý nghĩa liên quan đến loại thực phẩm hay hình ảnh định vị của thương hiệu. Chẳng hạn, với những thương hiệu đồ ăn vặt, đối tượng tiêu dùng chủ yếu là học sinh, sinh viên, hình ảnh trên bao bì sẽ cần tươi vui và bắt mắt. Ngược lại, với những thương hiệu đồ ăn cao cấp hơn, hình ảnh cũng sẽ được tối giản, chau chuốt để đề cao tính sang trọng hơn.
Hộp bánh Pizza 4P với thiết kế độc đáo cùng chất liệu cao cấp, thể hiện đẳng cấp của một nhà hàng cao cấp Màu sắc chủ đạo của bao bì
Màu sắc là yếu tố bạn có thể linh hoạt sử dụng trên bao bì, nó không chỉ nhấn mạnh hình ảnh của thương hiệu, mà còn “thao túng” tâm lý khách hàng khi họ sử dụng sản phẩm. Đơn cử, những nhóm màu phổ biến sau có thể cải thiện trải nghiệm ăn uống của khách hàng rất tốt trong những trường hợp và sản phẩm đặc thù:
- Màu đỏ và vàng: Có tác dụng kích thích vị giác, tạo sự nôn nóng cho thực khách khi xuất hiện nên rất phù hợp cho những bao bì đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến nóng.
- Màu xanh lá cây: Gợi nhắc tới sự trong lành, thanh khiết và nhẹ nhàng, đặc biệt ăn rơ với nhóm thực phẩm healthy, có lợi cho sức khỏe hoặc đồ ăn chay.
- Màu xanh dương: Tạo cảm giác tươi mát, giải khát cho thực khách, được sử dụng phổ biến cho bao bì đồ uống có gas, nước giải khát hoặc đồ ăn thuộc nhóm hải sản, đồ sống như sushi,…
- Màu nâu: Đại diện cho sự mộc mạc và nguyên chất, cũng như là sắc màu truyền thống của cà phê nên rất lý tưởng để làm theme chủ đạo cho các loại bao bì cà phê takeaway.
Thiết kế của bao bì
Ngoài hình thức, màu sắc bắt mắt, thiết kế của bao bì cũng cần thể hiện được công năng phù hợp cho hoạt động vận chuyển cũng như thưởng thức của khách hàng. Chẳng hạn với những món ăn có nhiều thành phần khác nhau, bạn có thể tích hợp các ngăn đựng vào một bao bì duy nhất thay vì phải đóng gói thành nhiều phần riêng lẻ. Nhờ vậy, bạn sẽ tránh được sự rườm rà và cồng kềnh khi đóng gói, vận chuyển.
Hay đối với những đồ ăn chế biến nóng, cần giữ độ giòn thì bao bì nên được thiết kế thêm các lỗ thông hơi để tránh tình trạng hấp hơi, mềm, ỉu thực phẩm, dẫn tới trải nghiệm thưởng thức bị giảm sút.
Cuối cùng, phổ biến nhất trong thiết kế là loại bao bì thực phẩm cho phép “hiển thị thực” sản phẩm bên trong. Loại bao bì này thường có một lớp nắp đậy trong suốt, giúp khách hàng có thể nhìn được trực tiếp món ăn của mình ngay khi đến tay để “săm soi, đánh giá” chất lượng đơn hàng. Điều này giúp tăng trải nghiệm gọi món, nhờ đó có thể để lại ấn tượng tốt, tăng doanh thu cho cửa hàng trong tương lai.
Bao bì có một lớp nắp đậy trong suốt, giúp khách hàng có thể nhìn được trực tiếp món ăn3. Hướng dẫn đóng gói bao bì sản phẩm
Kể cả khi đã có trong tay loại bao bì phù hợp, nhưng nếu cách thức đóng gói không chuẩn thì chất lượng và hình thức trình bày món ăn khi đến tay khách hàng cũng có thể bị sai lệch đến cả dặm!
Vậy nên với mỗi loại đồ ăn/đồ uống và bao bì tương ứng sẽ có những cách đóng gói khác nhau, và bạn cần phải lưu ý đến chúng để chọn cách xử lý sao cho phù hợp nhất.
3.1. Đóng gói đồ ăn
Quy trình đóng gói tiêu chuẩn nên được dựa theo 5 bước tiêu chuẩn sau (lưu ý, một vài bước chỉ dành cho một số loại thực phẩm đặc thù, nếu sản phẩm của bạn không thuộc nhóm đó thì có thể bỏ qua):
Bước 1: Đối với các món ăn cần độ giòn như đồ chiên hay rán, hãy khoét thêm những lỗ nhỏ trên bao bì (nếu chưa có) để đồ ăn bên trong được thoáng khí, tránh tình trạng bị hấp hơi, gây ỉu.
Bước 2: Đối với các món ăn nóng có nhiều dầu mỡ, nên lót một lớp giấy bạc dưới bao bì trước khi trình bày món ăn. Việc này sẽ giúp món ăn giữ nhiệt tốt hơn và tránh tình trạng dầu mỡ trở nên bết dính, lem nhem khi vận chuyển.
Bước 3: Khi đóng gói bao bì, bất kể bao bì đã có nắp hay chưa thì hãy dán thêm một lớp băng dính hoặc quấn dây chun để giữ cố định chắc chắn, tránh tình huống bao bì bị bật nắp, rơi vãi khi vận chuyển
Bước 4: Khi sắp xếp vận chuyển, luôn luôn để riêng các món nóng – nguội, đồ khô – nước súp trong 2 bao bì khác biệt để tránh ảnh hưởng tới chất lượng của nhau. Ví dụ, với những món ăn nước như phở, bạn phải đóng gói phần bánh, thịt và nước dùng riêng. Đặc biệt, với phần nước dùng, bạn nên sử dụng dạng bao bì như túi zip để vừa có thể vận chuyển dễ dàng hơn, đồng thời khi thực khách sử dụng cũng thêm phần thuận tiện.
Bước 5: Nếu một đơn order có nhiều món, hãy xếp các món có theo thứ tự kích thước từ lớn nhất lên bé nhất để để tránh bị đè nén, gây móp méo bao bì, ảnh hưởng đến chất lượng và hình thức sản phẩm.
5 bước tiêu chuẩn để đóng gói đồ ănChẳng hạn như, các nhà hàng lẩu nướng hiện nay cũng đã có menu vận chuyển cho nguyên set ăn của mình. Thậm chí, nhiều thương hiệu còn “chịu chơi” cung cấp cả trang thiết bị nấu nướng cho khách hàng như bếp, nồi lẩu, bếp nướng,…
Khi chuẩn bị cho khâu vận chuyển, nhà hàng sẽ sắp xếp thiết bị nấu nướng vào thùng (bằng nhựa hoặc bìa carton). Sau đó, sử dụng một tấm vách ngăn đậy lên để phân tách giữa thiết bị nấu nướng và thực phẩm. Đồ ăn đã được đóng gói sẽ được sắp xếp vào thùng theo thứ tự kích thước từ lớn nhất lên bé nhất. Đặc biệt, nước lẩu luôn là thành phần được đặt lên trên cùng. Cuối cùng, nhà hàng sẽ đóng và cố định thùng chắc chắn bằng nắp đậy (với thùng nhựa) hoặc băng dính (với thùng carton).
3.2. Đóng gói đồ uống
Tưởng như đơn giản hơn đồ ăn, nhưng thực ra đóng gói bao bì đồ uống còn có phần nào đó phức tạp hơn về khâu chuẩn bị và vận chuyển do dễ đổ vỡ hơn. Vì vậy khi đóng gói đồ uống, bạn cần lưu ý đến những trường hợp sau:
Trường hợp 1: Đối với những đồ uống có thể bảo quản được lâu dài, bạn có thể cân nhắc đóng chai thủy tinh để tăng hạn sử dụng và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Tuy nhiên, chai thủy tinh sẽ có nhược điểm là cồng kềnh và dễ vỡ nếu vận chuyển ẩu.
Vậy nên để đảm bảo chất lượng giao hàng ở mức tối đa, chai nên được bọc lại bằng một lớp màng xốp bong bóng. Cẩn thận hơn, hãy lưu ý với tài xế khi vận chuyển để có biện pháp giao hàng an toàn nhất.
Đồ uống đóng chai thuỷ tinh nên được bọc lại bằng một lớp giấy bong bóng để đảm bảo an toàn khi vận chuyểnNgoài ra, chai thủy tinh có thể tái sử dụng được nên hãy có chính sách đổi trả vỏ chai từ khách hàng (chiết khấu, giảm giá trong lần mua sau) để thu hồi bao bì, tiết kiệm chi phí.
Chương trình khuyến khích đổi trả chai của Gemini CoffeeTrường hợp 2: Đối với đồ uống đóng lon, việc vận chuyển tương đối dễ dàng, bạn chỉ cần tách riêng chúng khi vận chuyển để tránh xóc nảy làm hỏng các đồ uống/thực phẩm khác. Phần bao bì thì có thể lon lạnh bằng giấy bìa/túi nilon để tránh thấm nước, hạn chế tình trạng lem nhem khi đến tay khách hàng.
Đồ uống đóng lon cần tách riêng khi vận chuyển để tránh xóc nảy làm hỏng các đồ uống/thực phẩm khác.Trường hợp 3: Đối với đồ uống pha chế đóng gói trong cốc nhựa hoặc cốc giấy, bạn phải đảm bảo đồ uống nóng – lạnh được tách riêng khi vận chuyển. Hãy cố định thêm phần miệng cốc bằng băng dính để tránh bật nắp trong quá trình giao hàng.
Đối với đồ uống trong cốc nhựa/cốc giấy, bạn cần cố định thêm phần miệng cốc bằng băng dính để tránh bật nắp trong quá trình giao hàng.Tùy thuộc vào số lượng đồ uống trong đơn hàng, cách đóng gói cũng nên được tùy biến để đảm bảo chất lượng đồ uống và tạo sự thuận tiện khi vận chuyển. Cụ thể:
- Với đơn hàng 1 cốc, đồ uống sẽ được đóng gói vào túi nilon chữ T hoặc túi nilon đơn để vận chuyển.
- Với đơn hàng 2 cốc, túi nilon đôi có ép ngăn sẽ được sử dụng để giao hàng.
- Với đơn hàng 3 cốc, bước đóng gói sẽ sử dụng kết hợp 1 túi đơn và 1 túi đôi ép ngăn.
Các loại túi phổ biến được sử dụng để vận chuyển đồ uống- Với đơn hàng từ 4 đến 6 cốc, bạn nên sử dụng các loại chân đế, khay đựng cốc (hiện nay trên thị trường có 2 loại là khay 4 và khay 6 cốc) để vận chuyển, hạn chế đổ vỡ.
Khay chân đế đựng cốc hạn chế đổ vỡ khi di chuyển- Còn với những order có số lượng lớn hơn 10 cốc thì phương án tối ưu nhất, hãy đóng thùng carton/túi giao hàng có ngăn chia và lót xốp để đảm bảo chất lượng vận chuyển ở mức cao nhất.
Thùng vận chuyển đồ uống với số lượng lớnTúi giữ nhiệt được chia ngăn đảm bảo an toàn khi vận chuyển đồ uốngNgoài ra, khách hàng đặt đồ uống hiện nay cũng có nhu cầu sử dụng giấy ăn, nên hãy đính kèm “phụ kiện” nho nhỏ này mỗi khi làm đơn hàng. Lưu ý, hãy đóng gói giấy ăn vào một túi nilon nhỏ, có miệng dính tránh bị thấm nước từ đồ uống thoát ra.
3.3. Đóng gói dụng cụ ăn uống đi kèm
Hiện nay, các nhà hàng cũng đang cố gắng hoàn thiện trải nghiệm dùng món ăn trọn vẹn hơn với những đơn hàng online của mình bằng cách đính kèm các bộ dụng cụ ăn uống sử dụng một lần trong các đơn hàng.
Thông thường, trong những bộ dụng cụ này sẽ bao gồm:
- Đũa tre – thường là loại dính liền, phải tách đôi để sử dụng
- Thìa nhựa, dĩa nhựa
- Tăm tre
- Khăn giấy
Bộ dụng cụ ăn uống được sử dụng một lần trong các đơn hàngBộ dụng cụ này nên gói trong một bao bì (thường bằng nilon) được cố định bằng lớp dán băng dính. Sau đó, hãy đính kèm chúng lên trên lớp vỏ hộp đồ ăn bằng dây chun để khách hàng có thể dễ dàng hình thấy ngay, thay vì phải lục lọi tìm, hoặc thậm chí bỏ sót trong túi hàng.
4. Một số lưu ý về vận chuyển để đảm bảo chất lượng đồ ăn
Nhà hàng xuất sắc đóng gói được một bao bì đồ ăn “đẹp – chuẩn – an toàn”, nhưng để đến tay thực khách nguyên trạng thì lại nhờ cậy cả vào anh shipper. Vì vậy, khi lựa chọn hình thức vận chuyển, bạn cũng cần tuân theo những lưu ý nho nhỏ sau:
- Chỉ làm việc với những đơn vị vận chuyển F&B có uy tín, nhận được nhiều phản hồi tốt. Nếu có đội ngũ shipper riêng thì cần có hình thức training bài bản và các hình thức cam kết trong công việc nghiêm ngặt.
- Nếu thương hiệu kinh doanh các các loại đồ ăn thức uống cần duy trì nhiệt độ (nóng – lạnh) để thưởng thức, hãy ưu tiên lựa chọn các đơn vị, shipper có túi giữ nhiệt chuyên dụng để đảm bảo chất lượng giao nhận.
- Thời gian vận chuyển lý tưởng của đồ ăn/thức uống khi đến tay khách hàng chỉ nên nằm trong khoảng dưới 30 phút. Đặc biệt, với những thực phẩm/thức uống nóng – lạnh rõ rệt, khoảng thời gian này nên được thu ngắn lại xuống dưới dưới 20 phút.
- Khoảng cách giao hàng cần được giới hạn từ 0~6 km để đảm bảo chất lượng sản phẩm và thời gian vận chuyển lý tưởng, ngay cả khi xảy ra tắc đường. Nếu quãng đường vận chuyển xa hơn thì hãy lưu ý cho khách hàng về thời gian vận chuyển và chất lượng sản phẩm sẽ không được đảm bảo ở mức tốt nhất.
Hy vọng những nội dung trên đã giúp bạn hiểu hơn về cách lựa chọn, đóng gói và vận chuyển đồ ăn online trong thực tế. Dù chỉ là một công đoạn rất nhỏ trong toàn bộ quá trình kinh doanh, nhưng nếu được tiến hành và hoàn thiện tỉ mỉ, sức ảnh hưởng mà chúng đem lại cho nhà hàng của bạn có thể lớn tới mức không đong đếm được bằng tiền!
NGuồn: Ipos