Một tổ chức dù tập hợp toàn người tài giỏi cũng không thể đi đến thành công nếu thiếu lãnh đạo tài ba. Người lãnh đạo không chỉ dẫn dắt tổ chức cùng hướng tới mục tiêu chung mà còn là linh hồn của tổ chức đó, giúp định hình phong cách và tạo nhiệt huyết, sự đồng lòng cho tổ chức. Sự khác biệt lớn nhất giữa người thành công với người thất bại chính là ở khả năng lãnh đạo, người thành công thường có những bí quyết lãnh đạo độc đáo của riêng mình. Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những bí quyết đó là gì nhé!
1. Thương trường không phải chiến trường
Câu nói “thương trường như chiến trường” có lẽ những người kinh doanh đã được nghe ngay từ khi mới bắt đầu khởi nghiệp, đó là lời cảnh báo để chúng ta hiểu rằng mức độ cạnh tranh trong kinh doanh rất cao, chỉ một phút sơ sẩy cũng có thể bị đối thủ đẩy xuống vực sâu. Cũng vì vậy mà quan niệm này đã in sâu vào tâm trí nhiều người, hình thành lối mòn trong tư duy của họ, để rồi họ luôn cố gắng xây dựng đội ngũ nhân viên thật hùng hậu giống một đội quân và coi khách hàng như vùng lãnh thổ cần chinh phục.
Một nhà lãnh đạo giỏi không suy nghĩ như vậy, họ coi thương trường giống một hệ sinh thái, ở đó tồn tại quy luật bản nguyên của thế giới tự nhiên: mạnh được yếu thua. Mức độ cạnh tranh của thương trường cao cũng xuất phát quy luật đào thải ấy, chỉ khi bạn biết cách thích ứng với môi trường, biết cộng tác cùng người khác mới có thể tồn tại và vươn lên tầm cao mới
Chính từ quan niệm khác biệt này mà nhà lãnh đảo giỏi không định hướng nhân viên của mình luôn mang tâm lý thù hằn với người khác mà phải biết thay đổi để thích ứng, để phát triển hơn nữa. Chỉ khi loại bỏ suy nghĩ tiêu cực bạn mới có thể giải phóng khả năng của mình!
2. Doanh nghiệp là một cộng đồng thu nhỏ
Mỗi doanh nghiệp đều phải có một hệ thống được sắp xếp theo trình tự logic để công việc được vận hành trôi chảy hơn. Hệ thống này có phần tương tự với một cỗ máy khổng lồ, mỗi nhân viên là mỗi chi tiết nhỏ, mỗi phòng ban là mỗi bộ phận còn lãnh đạo đóng vài trò đầu não. Cũng chính vì các đặc điểm khá giống nhau về cơ chế hoạt động này mà nhiều người vô tình coi doanh nghiệp là cỗ máy thực sự, phong cách quản trị của họ quá nguyên tắc, đôi khi là độc đoán chuyên quyền, gò bó nhân viên vào những quy định do họ đặt ra.
Thực tế thì môi trường doanh nghiệp là một cộng đồng thu nhỏ, nơi đó có các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, cộng tác, cấp trên – cấp dưới,… với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau chứ không khô khan như máy móc. Mỗi nhân viên đều có hoài bão, có ước mơ, hi vọng của riêng mình, họ cố gắng phấn đấu đạt được và gắn nó vào mục tiêu chung của doanh nghiệp. Là nhà quản trị giỏi bạn phải truyền được cảm hứng cho nhân viên của mình, tạo ra nhiệt huyết làm việc cho họ chứ không phải điều khiển theo ý bạn. Đây là cách phát huy tối đa sức sáng tạo của nhân viên và tinh thần tự giác của họ.
3. Quản lý không phải kiểm soát
Đây gần như là cái bẫy đang chực chờ những nhà lãnh đạo rơi vào, vì làm lãnh đạo là gắn liền với quyền lực, chỉ cần một chút suy nghĩ lệch lạc cũng khiến bạn đi sai hướng. Quản lý nhân viên là để phục vụ mục tiêu chung của tổ chức chứ không phải để kiểm soát, để thoả mãn tâm lý “duy ngã độc tôn” của mình.
Biểu hiện dễ thấy nhất của sai lầm này là không bao giờ nghe ý kiến đóng góp của nhân viên, ra quyết định độc đoán và ép nhân viên làm theo ý mình. Cách làm này chỉ phát huy tác dụng trong trường hợp tổ chức đó quá yếu kém, nhân viên lười biếng và cần phải đi vào quân phiệt, nếu không nó sẽ tạo ra những phản ứng ngược. Một là nhân viên sẽ không phục bạn, hai là tính sáng tạo sẽ triệt để biến mất, ba là tính tự giác hoàn toàn không còn. Là lãnh đạo bạn không muốn như vậy đúng không?
Vậy thì hãy tập cách trao quyền cho cấp dưới, nhìn vào năng lực để trao việc, học cách lắng nghe và khuyến khích nhân viên. Để nhân viên phát triển tự do trong khuôn khổ là cách quản lý rất tốt!
4. Nhân viên là đồng nghiệp
Trong doanh nghiệp nào cũng sẽ phân theo cấp bậc chức vụ để dễ quản lý, bạn là lãnh đạo thì chắc chắn sẽ ở tầng trên cùng của tháp cấp bậc ấy. Thế nhưng cấp trên – cấp dưới chỉ dựa theo mối quan hệ công việc mà thôi, không có nghĩa nhân viên là người bề dưới của bạn. Trong cùng một doanh nghiệp, dù đảm đương bất kỳ vị trí nào thì mọi người đều là đồng nghiệp với nhau, đều phải đối xử bình đẳng. Khi không bị rào cản về thứ bậc thì khả năng làm việc và hợp tác của nhân viên trong doanh nghiệp chắc chắn sẽ nâng cao hơn rất nhiều.
5. Lợi dụng nỗi sợ hãi để tạo động lực là sai lầm
Khi nhân viên không làm việc hiệu quả, lười biếng hoặc chán nản, nhiều người thường tạo động lực bằng cách lợi dụng nỗi sợ hãi của họ. Ví dụ doạ đuổi việc nếu không làm tốt, doạ cắt chức nếu không tiến bộ,… Cách làm này khá hiệu quả trong thời gian đầu và một số trường hợp đặc biệt, nhân viên vì sợ mà buộc phải tăng tốc để đạt yêu cầu do bạn đề ra. Nhưng rất nhanh thôi bạn sẽ thấy khuyết điểm của phương pháp tạo động lực tiêu cực này. Nhân viên mặc dù đã tăng tốc nhưng chủ yếu vì bị ép buộc chứ không phải họ tình nguyện, nên nếu bạn muốn đột phá thì tỉ lệ rất thấp xảy ra điều này. Thứ 2, khi bạn áp dụng quá thường xuyên sẽ khiến nhân viên cảm thấy làm việc ở đây không an toàn, tâm lý họ thường xuyên trong tình trạng sợ hãi vì vậy mà càng làm chỉ càng khiến tình hình tệ thêm.
Có nhiều cách để khuyến khích nhân viên mà không cần phải dùng cách tiêu cực như vậy, ví dụ như treo thưởng, tạo thi đua,… đặc biệt là truyền cảm hứng để nhân viên nhìn thấy tương lai tốt đẹp, để họ tự cố gắng vươn lên. Đây cũng là cách để tạo dựng niềm tin của nhân viên với công ty, cho họ động lực cống hiến nhiều hơn nữa.
6. Thay đổi là để phát triển
Mỗi doanh nghiệp khi được thành lập đều có mục tiêu chiến lược và tầm nhìn xác định, nó sẽ theo mỗi bước phát triển của doanh nghiệp trên quãng đường tương lai. Mọi hoạt động, tổ chức của doanh nghiệp cũng dựa vào đó mà hình thành nên mỗi khi quyết định thay đổi sẽ gặp phải rất nhiều nguy cơ và khó khăn. Nhiều người coi các thay đổi ấy là đau đớn, nên họ sợ phải thay đổi và chỉ thực sự làm khi không còn cách nào khác.
Quan niệm quản trị này là hoàn toàn sai lầm, vì đau đớn của thay đổi là những cảm giác buộc phải trải qua nếu muốn lột xác. Thay đổi để phát triển, để tìm ra định hướng phù hợp hơn cho công ty. Hãy nhìn vào tương lai và cố gắng hơn là nhìn vào hiện tại rồi thất vọng.
7. Công nghệ là để sáng tạo
Khoa học phát triển, rất nhiều thiết bị máy móc công nghệ hiện đại được sáng tạo để phục vụ công việc hàng ngày. Nhưng tất cả chỉ là phương tiện chứ không thể thay thế con người được, nhiều nhà lãnh đạo đã vô tình làm dụng chúng khiến cho nhân viên trở nên lười biếng, không biết sáng tạo. Việc đưa công nghệ vào công việc sẽ giúp nhân viên tiết kiệm thời gian và công sức, để dành suy nghĩ tìm ra chiến lược mới hay cách thức cải thiện hiệu quả hiện giờ chứ không phải để làm việc riêng.
Những người lãnh đạo ưu tú coi công nghệ là một cách giải phóng con người , để họ trở nên sáng tạo và tạo dựng được những mối quan hệ tốt đẹp hơn.
8. Làm việc là hạnh phúc
Bí quyết lãnh đạo cuối cùng mà chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn là hãy tìm ra niềm vui trong công việc. Làm lãnh đạo mặc dù quyền cao chức trọng nhưng áp lực cũng không hề nhỏ, vì mọi kết quả tổ chức đạt được bạn đều phải chịu trách nhiệm và phải có biện pháp để cải thiện. Thế nên là người đứng đầu bạn phải luôn giữ vững tinh thần lạc quan không chỉ để làm việc thuận lợi hơn mà còn truyền cảm hứng cho nhân viên nữa. Mọi người đang nhìn vào bạn, mọi hành động và thái độ của bạn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến họ.
Vậy là chúng ta đã cùng tìm hiểu 8 bí quyết lãnh đạo của những người thành công rồi, hi vọng rằng bạn sẽ rút ra kinh nghiệm quý báu cho mình.
Nguồn: sapo