Có thể nói phần lớn người kinh doanh thương mại điện tử hiện nay tại Việt Nam đều chọn hình thức hợp tác với sàn thương mại điện tử. Sàn thương mại điện tử chính là nền tảng và đối tác chiến lược, có thể ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh về sau. Vì vậy, chọn được một sàn tốt cũng là kĩ năng cần có của người làm kinh doanh Online. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Cask tìm hiểu những nhân tố quan trọng, cần xem xét khi chọn lựa sàn thương mại điện tử nhé!
Vậy trước tiên, sàn thương mại điện tử là gì? Sàn thương mại điện tử - Ecommerce Platform – là một ứng dụng phần mềm, tạo ra một không gian cho việc mua bán trực tuyến. Đối với người kinh doanh Ecommerce, sàn có các chức năng chính sau:
- Là địa điểm, giao diện để tiếp xúc khách hàng, trưng bày & bán hàng.
- Quản lý danh mục hàng hóa, đơn hàng, lưu kho, dữ liệu khách hàng, phản hồi của khách hàng…
- Triển khai & quản lý mọi hoạt động Promotion, chạy các chương trình Marketing.
Ngày nay, đa phần các chủ Shop Online đều chọn hình thức kinh doanh qua sàn vì tự làm sàn cho mình tiêu tốn rất nhiều công sức và chi phí. Mặt khác, những sàn tốt có nguồn lực và uy tín lớn, góp một phần không nhỏ hỗ trợ việc kinh doanh cho các chủ Shop.
Tại Việt Nam hiện nay, chúng ta có những sàn phổ biến như: Shoppee, Lazada, Tiki… Trong đó, Tiki có thể nói là sàn cạnh tranh nặng nề nhất, bởi các chủ Shop vừa cạnh tranh lẫn nhau vừa cạnh tranh với chính Shop của Tiki. Ngược lại, Shoppee và Lazada chỉ thuần túy là những ‘chợ’ Online, cho thuê gian hàng và thu phí quản lý. Như vậy, mỗi sàn thương mại điện tử vẫn có những chi tiết, đặc trưng riêng. Để chọn đúng sàn tốt, có đầy đủ điều kiện để kinh doanh lâu dài, bạn hãy cân nhắc các nhân tố sau:
1. Chi phí thuê mướn gian hàng
Như mọi sự đầu tư khác trong kinh doanh, bạn cần cân nhắc tổng chi phí bỏ ra khi thuê một gian hàng tại sàn. Hầu như các sàn đều đòi hỏi một mức phí cố định hàng tháng cộng với các chi phí liên quan đến vận hành. Hãy tính toán, so sánh mức phí bạn bỏ ra với các tính năng được sàn cung cấp; đừng quá tiết kiệm nếu phải mất đi những tính năng quan trọng. Bạn có thể dùng các câu hỏi sau để tìm hiểu về chi phí cho sàn:
- Chi phí thuê gian hàng mỗi tháng là bao nhiêu?
- Sàn có tính phí giao dịch hay tính hoa hồng theo đơn hàng không?
- Hợp đồng thuê mướn có thời hạn bao lâu?
- Có những tính năng nào cần phải trả thêm phí?
- Các chi phí bảo trì gồm những khoản nào, trị giá bao nhiêu?
- Vòng đời bạn hợp tác với sàn dự trù là bao lâu?
- Tổng chi phí dự trù cho sàn suốt cả vòng đời là bao nhiêu?
2. Các tính năng tích hợp
Đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để đánh giá sàn, bởi tính năng là những thứ bạn sẽ dùng mỗi ngày khi kinh doanh. Và không phải sàn nào cũng cung cấp những tính năng như nhau. Đối với một người ‘chân ướt chân ráo’, những tính năng sau là không thể thiếu:
- Kế toán/tài chính: cung cấp cho bạn các dữ liệu, báo cáo về doanh thu, chi phí, lợi nhuận, thuế…
- Email Marketing: một trong những hình thức Marketing cơ bản, giúp bạn tự động gửi Mail cho số lượng lớn khách hàng.
- Chương trình khách hàng trung thành: giúp bạn làm ưu đãi cho các khách hàng thân quen, khuyến khích họ tiếp tục mua hàng của bạn.
- Các chương trình Promotion: giúp bạn tùy chỉnh, tổ chức & chạy các chương trình ưu đãi như giảm giá, mua 1 tặng 1…
- Quản lý danh mục sản phẩm: giúp bạn quản lý toàn bộ sản phẩm theo nhóm, số lượng, SKU…
- Thanh toán & gửi hàng: xu hướng thanh toán hiện nay là đa kênh: COD, chuyển khoản, PayPal, Momo… Việc gửi hàng cũng nên có nhiều lựa chọn với mức phí khác nhau.
- Có thể tích hợp với các công cụ bên thứ 3 như các công cụ về CRM…
3. Uy tín, thương hiệu của sàn
Đa phần khách hàng biết đến thương hiệu của sàn trước khi… biết đến thương hiệu của bạn. Một sàn lớn, có uy tín, có nguồn lực dồi dào và nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn sẽ dễ dàng thu hút Shopper hơn. Vì vậy, bạn hãy tự đặt những câu hỏi sau:
- Sàn hiện đứng thứ mấy trong thị trường thương mại điện tử?
- Tổng doanh thu của sàn trong các năm vừa qua là bao nhiêu?
- Tốc độ tăng trưởng trung bình của sàn?
- Khách hàng đánh giá, phản hồi ra sao về sàn?
- Năng lực vận hành hoạt động hàng ngày của sàn ra sao?
4. Tốc độ & hỗ trợ tăng trưởng
Tốc độ khi truy cập sàn, xem sản phẩm, chọn mua, thanh toán, xử lý… phải đủ nhanh để Shopper không mất kiên nhẫn. Hơn nữa, khi bạn ăn nên làm ra và tăng quy mô gian hàng, sàn vẫn phải đủ khả năng xử lý mọi thứ nhanh chóng. Hãy vào tham quan sàn và thử nghiệm mọi thứ để phát hiện những lỗ hổng tiềm tàng: thời gian tải thông tin quá lâu, treo máy, báo lỗi…
5. Tính dễ dùng
Cả bạn lẫn Shopper đều cần sự dễ hiểu, dễ dùng. Giao diện rối mắt, kém trực quan, khó hiểu là những thứ khiến Shopper ngao ngán. Về phần bạn, hãy tham khảo những câu hỏi sau:
- Bạn có nắm được hết cách dùng mọi tính năng của sàn trong vòng vài tuần không?
- Hướng dẫn tính năng của sàn có dễ đọc, dễ hiểu?
- Sàn có hỗ trợ giải đáp, hướng dẫn bạn cách dùng tính năng không?
6. Khả năng cá nhân hóa
Dựa trên những tiến triển mới nhất của AI, nhiều doanh nghiệp hiện đang đề xuất sản phẩm cho khách hàng theo hướng cá nhân hóa – tức dựa trên đặc điểm của khách hàng để đề xuất đúng sản phẩm phù hợp riêng cho họ. Và hẳn nhiên, như vậy khách hàng được tiện lợi hơn và thích thú hơn. Các sàn sớm muộn cũng phải thích nghi và tận dụng xu hướng này. Bạn hãy xem sàn có thể chủ động giới thiệu sản phẩm cho Shopper – dựa trên các đặc điểm này hay không:
- Nhân khẩu học: độ tuổi, giới tính, vị trí địa lý…
- Tâm lý: nhu cầu, lối sống, phong cách…
- Bối cảnh mua hàng: loại thiết bị sử dụng (laptop, di động…); thời gian trong ngày, thời tiết…
- Hành vi: loại sản phẩm hay mua, thời gian xem sản phẩm, các từ khóa tìm kiếm gần đây…
- Lịch sử mua hàng: những lần mua hàng trước, các chương trình ưu đãi từng tham gia…
Kết: Như bạn đã thấy, các tiêu chí trên không quá phức tạp, nhưng đòi hỏi bạn phải bỏ thời gian để tìm hiểu kha khá thông tin về các sàn. Bạn nên tìm hiểu cùng lúc nhiều sàn để chọn được sàn phù hợp nhất cho mình.
Nguồn: brandsvietnam