Trong xu hướng thị trường ngày càng đồng nhất, sáng tạo là chìa khóa giúp thương hiệu trở nên khác biệt. Vậy thực chất sáng tạo là gì? Làm thế nào để sáng tạo vừa khả thi vừa hiệu quả? Hãy cùng theo dõi bài viết sau.
Concept: Đừng nhầm lẫn giữa sáng tạo và tưởng tượng
Vào năm 2015, một người đã bọc phần dây cáp iPhone bị hở với ống hút, và dùng máy sấy tóc làm teo ống hút khiến nó bó chặt vào vùng cáp bị hở. Đây là một giải pháp đơn giản, thông minh và là một minh chứng cho “sự sáng tạo hiệu quả” trong công việc.
Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa sự sáng tạo và trí tưởng tượng, đồng thời cho rằng chỉ những người làm công việc creative và marketing mới có năng lực sáng tạo. Thực tế, sáng tạo là “tạo ra những kết nối mới” giữa các sự vật, khái niệm, địa điểm, con người, hoạt động và bất cứ thứ gì khác. Cần lưu ý rằng để tạo ra các kết nối vừa mới mẻ vừa hiệu quả là điều không đơn giản. Nhưng khi làm được thì thương hiệu sẽ nâng tầm.
Chẳng hạn, chiến dịch “The right-hand ring” của De Beers vào những năm 1990s đã biến chiếc nhẫn bên tay phải trở thành biểu tượng cho sự độc lập của phụ nữ hiện đại. Thương hiệu đã khéo léo kết nối “kim cương” với “tay phải” để tôn vinh những người phụ nữ độc lập, mạnh mẽ. Trước chiến dịch của De Beers, liệu có ai nghĩ đến việc mua nhẫn với tư cách là một quý cô độc thân?
Nguồn: Behance
Hay chiến dịch “Because I’m Worth It” của L’Oréal (1971) đã thành công khi liên kết “việc làm đẹp” với “tự trân trọng bản thân”, thay vì làm đẹp “để đàn ông yêu bạn”.
Nguồn: L’Oréal Paris USA
Những thương hiệu thành công là những thương hiệu có khả năng sáng tạo một cách hiệu quả, bằng cách tạo ra các kết nối mới và có ý nghĩa, chứ không phải chi nhiều hơn cho sự sáng tạo chỉ để tỏ ra bản thân sáng tạo.
Practice: “Tập tành” sáng tạo
Dưới đây là một số gợi ý giúp thương hiệu nâng cao khả năng sáng tạo:
1. Khuyến khích sự đổi mới: Thương hiệu nên ủng hộ nhân viên sẵn sàng thử những điều mới mẻ và đối mặt với rủi ro. Bên cạnh đó, hãy khuyến khích nhân viên trao đổi ý kiến với nhau về công việc cũng như chia sẻ ý tưởng.
2. Tìm kiếm ý tưởng từ nhiều nguồn khác nhau: Hãy theo dõi các xu hướng trong và ngoài ngành bằng cách tham dự hội nghị, sự kiện và đọc sách, báo.
3. Hợp tác: Thương hiệu nên hợp tác với nhiều doanh nghiệp, nhà thiết kế và nghệ sĩ để học hỏi những điều mới mẻ và áp dụng vào chiến dịch. Ngoài ra, việc mời khách hàng tham gia vào quy trình sản xuất cũng góp phần tăng tính sáng tạo cho thương hiệu.
4. Chấp nhận mọi khác biệt về suy nghĩ, văn hóa và kinh nghiệm: Điều này giúp thương hiệu có được những ý tưởng và suy nghĩ mới mẻ hơn.
5. Giữ tinh thần cởi mở: Thương hiệu nên giữ tinh thần cởi mở, sẵn sàng khám phá và đào sâu những điều đã biết. Đừng ngại thử nghiệm những ý tưởng và phương pháp khác với quy chuẩn thông thường.
6. Kiểm tra và cải thiện: Hãy đưa những ý tưởng hay vào thử nghiệm và dần cải thiện trong tâm thế không sợ rủi ro và không ngại học hỏi từ những thiếu sót.
Sáng tạo và đổi mới là điều cần thiết, nhưng vẫn phải trung thành với ý nghĩa thương hiệu. Hãy đảm bảo rằng bất kỳ ý tưởng mới nào cũng đều phù hợp với giá trị, sứ mệnh và bản sắc của thương hiệu.
Example: Sáng tạo trong quảng cáo và hệ thống kinh doanh
1. “The Man Your Man Could Smell Like” là một chiến dịch marketing của Old Spice, một thương hiệu sản phẩm chăm sóc cá nhân dành cho nam. Chiến dịch này đã “viral” trên mạng xã hội nhờ lối diễn hài hước cùng kỹ năng xoay chuyển tình huống của diễn viên Isaiah Mustafa. Sự thành công của chiến dịch đã giúp thương hiệu Old Spice sống lại và thu hút được tệp khách hàng trẻ hơn.
Nguồn: The Drum
2. IKEA đã thực hiện một số ý tưởng sáng tạo và độc đáo trong quy trình sản xuất và bán nội thất như sau:
Về đóng gói: Thương hiệu đã áp dụng mô hình đóng gói nội thất dạng phẳng (flat-pack furniture) giúp việc vận chuyển và lưu trữ hàng hóa dễ dàng hơn. Nhờ đó, thương hiệu đạt được lợi thế từ việc giảm giá sản phẩm và tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Về lắp đặt: Sản phẩm của IKEA được thiết kế để khách hàng có thể tự lắp ráp. Việc này không chỉ nâng cao trải nghiệm khách hàng mà còn tiết kiệm chi phí vận hành của thương hiệu.
Về trải nghiệm tại cửa hàng: Nhằm giúp khách hàng thuận tiện trong việc mua sắm, IKEA bố trí các sản phẩm nội thất sao cho họ có thể dễ tưởng tượng tới việc sử dụng sản phẩm ở chính căn nhà của mình. Bên cạnh đó, thương hiệu cũng cung cấp nhiều dịch vụ như chăm sóc trẻ em miễn phí, nhà hàng và chợ thực phẩm Thụy Điển.
Về tính bền vững: IKEA cam kết bền vững bằng cách sử dụng vật liệu thân thiện môi trường và nỗ lực cải tiến quy trình sản xuất ngày càng hiệu quả.
Nhìn chung, cách tiếp cận đổi mới của IKEA trong việc sản xuất và bán nội thất đã giúp họ trở thành một trong những thương hiệu nội thất hàng đầu thế giới với đông đảo khách hàng trung thành.