Một báo cáo mới cho thấy Gen Z đang dần trở thành nhóm khách hàng tiềm năng trong tương lai gần của nhiều doanh nghiệp, việc nắm bắt được Insight của Gen Z sẽ giúp các nhà quảng cáo được hưởng lợi từ sự hiểu biết.
Tầm quan trọng của Insight
Insight là những sự thật ngầm hiểu có khả năng tác động, ảnh hưởng tới hành vi và quyết định mua hàng của khách hàng. Những sự thật này được khách hàng vô tình tạm ẩn đi hoặc cất giấu có chủ ý mà không dễ dàng phát hiện được.
Doanh nghiệp cần bỏ nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu. Vì chỉ khi tìm được đúng Insight của khách hàng, doanh nghiệp mới có thể hiểu rõ về hành vi, động cơ mua hàng của nhóm đối tượng mục tiêu. Từ đó cung cấp các sản phẩm và xây dựng các chiến dịch xuất phát từ “nhu cầu thực tế” của khách hàng.
Theo báo cáo của Forbes cho thấy:
“74% người tiêu dùng cảm thấy thất vọng khi một doanh nghiệp cung cấp cho họ những nội dung không liên quan đến cá nhân”
Insight sẽ giúp thương hiệu hiểu được nhu cầu cốt lõi của người tiêu dùng, mở ra những cơ hội kinh doanh và nâng cao lợi thế cạnh tranh và khả năng thay đổi hành vi người dùng. Có thể nói, Insight khách hàng chính là một bí mật mà các doanh nghiệp cần chạy đua để giải mã.
Chân dung Gen Z
Generation Z hay Gen Z là nhóm người sinh từ năm 1997 đến năm 2012. Sinh ra trong thời đại công nghệ và Internet bùng nổ, thế hệ Z còn được gọi bằng những cái tên khác: iGeneration, Homeland Generation, Net Gen, Digital Natives, Zoomers, Gen – Tech...
Trên toàn cầu, Thế hệ Z chiếm khoảng ¼ dân số toàn cầu. Tại Việt Nam tính tới hiện nay, Gen Z được ước lượng chiếm khoảng 25% tổng dân số, tương đương khoảng 23 triệu người.
Nhiều đặc điểm của Gen Z mà các nhà quảng cáo cần chú ý đến. Chẳng hạn như thế hệ này hiểu biết nhiều về kỹ thuật số, đa dạng, sẵn sàng để thay đổi và hầu hết theo quan điểm chủ nghĩa cá nhân.
Các nhà quảng cáo tại nhiều nước trên thế giới đang tìm cách kết nối thực sự với thế hệ này. Và để đạt được, cần phải tìm và hiểu rõ những mong muốn cũng như hành vi, quyết định của họ.
Insight của Gen Z
1. Thích ở nhà và giao lưu trực tuyến
Nhìn chung, Gen Z thích ở nhà và giao lưu trực tuyến nhiều hơn là đi ra ngoài. Khi được hỏi về sở thích của Gen Z, lướt Newfeed tại các trang mạng xã hội chiếm tới 79%. Họ cảm thấy những mối quan hệ phát triển rộng rãi hơn trên mạng xã hội thay vì đi ra ngoài, gặp mặt nói chuyện trực tiếp.
Đây chính là lí do vì sao ngày càng có nhiều chiến dịch truyền thông theo kiểu “cá nhân hóa” và đem lại được lượng nhận diện thương hiệu cực khủng.
2. Không tin tưởng vào Internet
Mặc dù dành nhiều thời gian cho việc trực tuyến và giao lưu qua mạng xã hội như vậy, nhưng Gen Z lại không tin tưởng vào Internet. Hầu hết thế hệ Z chỉ sử dụng mạng xã hội là nguồn để giải trí, thay vì tiếp nhận những nguồn thông tin trên đó.
Điều này đã đặt ra một bài toán hóc búa cho các nhà quảng cáo, đó là làm sao để quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả nhất. Lúc này, các thương hiệu buộc phải trung thực trong việc quảng bá sản phẩm và không khiến cho trải nghiệm sản phẩm để lại ấn tượng xấu.
3. Quan tâm các chủ đề mang tính cộng đồng
Gen Z còn có đặc điểm quan tâm khi tiếp cận thông tin khác với các thế hệ trước, đó là đề cao những chủ đề mang tính cộng đồng. Trong khi các thế hệ trước thường quan tâm nhiều về chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Thì Gen Z lại đặc biệt chú trọng đến “trách nhiệm của thương hiệu đối với xã hội”. Các thương hiệu đã vận dụng điều này cho ra đời rất nhiều những chiến dịch truyền thông vô cùng thành công.
4. Tìm kiếm những trải nghiệm trực tiếp
Một Insight quan trọng mà các nhà quảng cáo cần lưu ý nữa đó là “Gen Z tìm kiếm những trải nghiệm trực tiếp”. Những trải nghiệm trực tiếp này không chỉ bao gồm do chính cá nhân họ trải nghiệm mà cũng có thể do những người có sức ảnh hưởng, có uy tín trên mạng xã hội hoặc thông qua đánh giá của những khách hàng đã từng trải nghiệm qua sản phẩm.
Vì vậy, các nhà quảng cáo khi lập kế hoạch truyền thông có thể kết hợp với các KOLs, KOC hay các Influence có sức ảnh hưởng trong ngành mà liên quan đến sản phẩm của doanh nghiệp mình. Hoặc, các thương hiệu có thể mở ra những hoạt động trải nghiệm sản phẩm/ dịch vụ trực tiếp cho khách hàng trên quy mô rộng. Điều này sẽ tác động lớn tới quyết định cuối cùng của thế hệ Z là mua sản phẩm/ dịch vụ.
Kết
Gen Z có những kỳ vọng nhất định về thương hiệu. Những người tiêu dùng này mong muốn các thương hiệu chú ý tới văn hóa, đa kênh và dễ tiếp cận hơn. Và công việc mà các nhà quảng cáo cần làm để chiến dịch truyền thông đạt hiệu quả cao - đó chính là giải quyết những mong muốn đó của Gen Z.
*Nguồn: Brandcom.vn
Bích Hồng