Xưa nay, vị trí luôn được coi là một trong những yếu tố quyết định sống còn của một cửa hàng kinh doanh ăn uống. Những sai lầm trong lựa chọn vị trí có thể khiến các chủ kinh doanh phải trả giá đắt. Vậy cần lưu ý những vấn đề gì? Làm sao để tăng doanh thu, giảm rủi ro khi chọn vị trí kinh doanh. Những chia sẻ sau đây của tác giả Thông Phan là kinh nghiệm đắt giá khi lựa chọn vị trí mà bất kỳ ai đang dự định bước chân vào ngành kinh doanh ăn uống đều không nên bỏ lỡ.
Thiệt là buồn tủi khi nói rằng bản thân có tí kinh nghiệm ở mảng này, chọn vị trí khi kinh doanh. Bởi vì những cái sai khác đâu đó còn có thể sửa chữa hoặc bù đắp được. Chứ nếu đã chọn sai vị trí rồi thì gần như không có đường gỡ. Và có kinh nghiệm tức là đã chọn sai nhiều lần rồi.
Thất bại nhiều, mất tiền, mất thời gian và mất niềm tin rất nhiều rồi. Nên tui viết ra đây cho những anh chị em nào đang dự định chờ dịch lướt qua, mọi điều lắng xuống, kinh tế khởi sắc đi lên để kinh doanh thì cẩn trọng trong việc lựa chọn vị trí kinh doanh. Để không bị như tui đã từng.
1. Tham – Lòng tham đã làm tui đau khổ
1.1. Tham đông
Tui biết không phải riêng gì tui (của quá khứ) mà cả các anh chị em, rất nhiều người lấy tiêu chí “đông đúc” làm một trong những tiêu chí quan trọng để lựa chọn vị trí. Nhưng mà nhiều khi đông quá, thấy người chen chúc nô nức quá mà quên mất luôn ai mới là khách hàng mục tiêu của mình. Cái đám đông mà chúng ta thấy, không phải tất cả mọi người đều sẽ mua hàng của chúng ta đâu. Cái bẫy này nhiều người mắc lắm rồi, gần như ai kinh doanh ngành này đều bị dính đôi ba vài lần lận lưng. Kiểu phải kinh qua, trải nghiệm đặng mốt ngồi uống trà đàm đạo còn có chuyện để kể.
Đông khách hàng mục tiêu quan trọng hơn đông người qua lại Đông là tốt nhưng phải là khách hàng mục tiêu đông đúc, chứ không phải là đông đúc số chung. Hai cái này phải phân biệt rõ. Mà khách hàng mục tiêu thì phải có mô tả rõ ràng, dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường đúng không?
- Nữ, độ tuổi 25-30, làm việc văn phòng, có thu nhập trung bình khá thì cứ xem trên đường người ta đi có nhóm đó không, nhiều hay ít. Cứ xa tay ga, đồ công sở, váy chống nắng mà đếm tới thôi.
- Bán sản phẩm sức khỏe, detox thì cứ canh giờ ra đếm người đi tập thể thao hay Yoga ngang qua. Đạp xe cũng được. Tóm lại là phải có tiêu chí để đếm khách hàng mục tiêu coi đông không.
Đừng nhìn đông người mà ham, coi chừng đổ nợ. Đông khách hàng mục tiêu quan trọng hơn đông người qua lại.
1.2. Tham rẻ
Trời ơi, đau khổ. Ông bà nói đâu có sai đâu – “Tiền nào của đó”. Nhiều anh chị em đi thuê hay so sánh giá chỗ này với chỗ kia. Tất nhiên là phải cân nhắc so sánh rồi, nhưng mà cái gì cũng có cái lý do của nó.
Nhiều chỗ cho thuê rẻ lắm, đã vậy còn rộng nữa chứ. Nhìn mặt bằng thì chỉ có mà mê. Bởi vậy tui mới sai lầm hồi đó đó. Tui ham rẻ nên thuê, xong về đổ tiền vào để làm lại. Tính ra nếu đem tiền đó mà đi khấu hao thì mình làm dùm chủ đất, đã vậy còn nhận rủi ro về phía mình nữa chứ. Thuê căn nhà 60tr/tháng mà đầu tư vô 300tr thì khác gì thuê 80tr/tháng đâu. Đã vậy còn mất thời gian và công để đầu tư xây dựng nữa chứ. Thời gian thuê cũng tính tiền mà.
Hoặc như mấy lần coi mặt bằng, thấy chỗ này là cái quán cũ. Nếu mà vào thì mình đỡ khoản chi phí đầu tư ban đầu kha khá. Mà làm quán thì đầu tư ban đầu là một khoảng vốn hơi bị nặng luôn. Vậy cho nên đôi lúc mình cũng thấy được những “rủi ro tiềm ẩn”. Ví dụ như: Nằm ở trên lầu, không phải dưới đất; nằm trong hẻm nhỏ; nằm hơi lệch khỏi khu trung tâm; hay như vị trí đi lại hơi khuất, khó tìm,… Nhưng mà vì rẻ nên mình cũng “cố tình” nhắm mắt cho qua. Rồi sau này chính mình sẽ là người trả giá.
Chọn những mặt bằng phù hợp chứ không phải chọn những mặt bằng rẻ Bởi vậy trước khi xem cần có tiêu chí rõ ràng cho sự phù hợp chứ không phải cứ thấy rẻ là thuê. Thường đi thuê người ta hay có tiêu chí diện tích tối thiểu mà không có tối đa. Cái xong gặp mặt bằng rộng quá, đã quá cái đâm ra “ráng thêm xíu” thuê luôn. Xong về làm không hiệu quả, thành ra càng rộng càng thua nhiều tiền hơn.
Lúc tui làm quán ở Bình Thạnh đó, cũng tại cái tật ẩu, cứ thấy rẻ là tham, sợ người khác thuê mất nên chốt luôn. Xong mới biết tới lúc triều cường thì nó ngập, còn chưa kể bên nhà cạnh ở góc có mấy cái mã, cứ tới tối là có “phim nhiều tập” ly kỳ nên tụi nhỏ chả bao giờ bén mảng đến góc đó ban đêm.
Chốt lại là nên có tiêu chí lựa chọn trước khi tìm kiếm. Chọn những mặt bằng phù hợp chứ không phải chọn những mặt bằng rẻ.
2. Si – Tình yêu đã làm mờ mắt tui
2.1. Quá yêu sản phẩm
Những anh chị em nào tự tay làm ra sản phẩm của mình thường mắc chiếc bẫy này. Do mình quá yêu sản phẩm của mình, nên đôi lúc mình không có cái nhìn khách quan (đến lạnh ngắt) của thị trường.
Mình nghĩ họ (khách hàng) sẽ đến đây vì sản phẩm của mình rất ngon, rất tâm huyết, cái gì cũng vượt trội những người khác đang làm cả. Dù có “hơi khó tìm” một tí, nhưng không sao cả, mọi người sẽ đến đây và ủng hộ mình, tại vì nó ngon mà. Xong rồi khi bán thì mới bắt đầu thấy khó. Không bán được. Tại vì sao? Tại vì người ta có tìm thấy mình đâu mà mua.
Vị trí phải dễ thấy, dễ tìm thì mới thu hút được khách hàng Nhiều khi đông đúc quá cũng là một cái hại, khi mà cực kỳ khó để tìm thấy được cái bảng hiệu nhỏ bé xinh xinh của mình giữa muôn vàn rừng những tấm biển hiệu to lớn chớp tắt đầy màu sắc khác.
Cái câu “Chỉ cần ngon thì trong hẻm người ta cũng vào” chỉ đúng với những ai biết làm Marketing hoặc là đã mở lâu đời rồi mà thôi. Chứ còn thời nay mà còn niềm tin quyết thắng: “Tại vì tui ngon” thì rủi ro ngập tràn.
Điều quan trọng khi chọn vị trí là dễ thấy, dễ tìm là quan trọng. Trong hẻm cũng được nhưng phải dễ vào. Quan trọng là “xuất hiện”, là được nhìn thấy.
2.2. Quá tin đối tác
Tình huống này thì thường thấy khi mà chúng ta mở quán ở những tỉnh khác, địa phương khác mà mình chưa có thời gian sinh sống đủ lâu ở đó. Thường chúng ta sẽ nghe răm rắp người đối tác bản địa ở đó mà không đặt câu hỏi để kiểm tra lại độ xác thực của thông tin.
Nhiều khi không phải là người ta xấu hay lừa gạt gì mình mà tại năng lực người ta cũng có hạn thôi. Họ cũng làm tốt nhất trong khả năng của họ rồi. Cho nên mình phải thẩm định lại cái vị trí đó với các tiêu chí của mình. Họ hoàn toàn có thể mắc bẫy như mình đã từng cho nên mình ngã ngựa rồi, mình ko được để ngã thêm lần nữa. Kinh doanh mà ngã miết thì ngựa chịu còn không nổi chứ đừng nói tới người.
2.3. Quá tin chủ nhà
Cái này là một trong những bài học đau đớn của tui nè. Thuê hết hợp đồng chủ nhà đòi gấp đôi tiền thuê luôn. Chậm 1 ngày là tính lãi 1 ngày. Tui biết còn có nhiều chủ nhà “trời ơi đất hỡi” hơn nữa kìa. Nhưng mà mình không nói về người ta vì lỗi cũng là ở mình khi chọn thuê nhà của họ.
Bởi vậy, dù mặt bằng có tốt có đẹp mấy nhưng mà chủ nhà “không đẹp” thì cũng nên né ra. Tránh đêm dài lắm mộng. Tui bị rồi nên tui rất rất hiểu điều này.
Tìm hiểu kỹ càng trước khi lựa chọn vị trí kinh doanh Một số điều lưu ý là nên để ý đến kinh tế của chủ nhà khi đi thuê, xong mới đến tính tình, con người của họ. Hãy chọn thuê những người minh bạch rõ ràng, sòng phẳng. Tốt nhất là làm việc với người ra quyết định luôn chứ không phải chịu tác động nhiều từ chồng, vợ, con cái,… Một cái nữa là nếu chủ nhà có kinh tế khá giả như có nhiều đất nhiều nhà thì rủi ro của mình sẽ thấp hơn. Người ta là dân kinh doanh làm ăn thì cũng coi trọng cái uy tín nên sẽ giảm được rủi ro phá hợp đồng hoặc là tăng giá vô lý khi hợp đồng kết thúc. Giảm luôn khả năng họ sẽ bán bất động sản đó giữa chừng trong lúc cho chúng ta thuê nữa. Chọn nhà phải chọn cả chủ nhà, nhà đẹp nhưng chủ không đẹp thì nên tránh xa.
2.4. Rủi ro khi chọn theo khách hàng
Thường khi nhắm vào đối tượng khách hàng mục tiêu sẽ phải tính đến một rủi ro là tính thời điểm. Nếu bạn bán tập trung cho dân văn phòng thì sẽ bán được ban ngày. Còn ban đêm sẽ không bán được vì họ đi làm về nhà hết rồi. Nếu bạn bán tập trung cho sinh viên, học sinh thì chỉ bán được lúc họ đi học. Lúc nghỉ hè thì gần như là không có khách hàng.
Cho nên nếu chỉ tập trung vào một loại khách hàng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chúng ta cần xây dựng mô hình kinh doanh có thể phục vụ linh hoạt được nhiều đối tượng. Ví dụ như: Ban ngày bán đồ bánh mì dân văn phòng, trưa bán cơm trưa còn tối là trà chanh ăn vặt hay buổi sáng bán cà phê take away, buổi trưa cơm mì xào còn tối bán quán nhậu.
Bởi vì chúng ta trả tiền thuê mặt bằng 24 giờ 1 ngày thì không thể chỉ khai thác một ca bán hàng 4 tiếng được. Như vậy là không tối ưu. Mô hình phục vụ được 2 bữa ăn uống trở lên mới là mô hình ổn định. Chỉ phục vụ 1 bữa ăn uống chính là mô hình chứa đầy rẫy rủi ro.
Cần linh hoạt mô hình để phục vụ được nhiều ca bán hàng Việc thuê mặt bằng kinh doanh là một trong những quyết định quan trọng và khó sửa nhất của ngành F&B. Vậy nên hãy cân nhắc hết sức kỹ lưỡng trước khi ra quyết định. Hãy nhớ “Bút sa là gà xối mỡ”. Trong quá trình tìm kiếm chắc chắn các anh chị em sẽ tìm được nhiều mặt bằng đẹp ơi là đẹp và hơi “lệch một tí” so với tiêu chí của chúng ta. Hãy là một người bản lĩnh, biết từ chối với những điều không phù hợp và tiềm ẩn rủi ro. Quyết định không làm, không chọn một điều gì đó cũng là một kỹ năng phải rèn luyện. Đừng để chỉ vì “Một phút bốc đồng rồi ngày ngày bốc hỏa”. Kinh doanh không như chơi cờ, đời không cho ta đi lại được đâu.
Nguồn: Thông Phan