Nằm trong xu hướng sáng tạo các “trải nghiệm chìm đắm” (Immersive Experience) theo trường phái thực tế – ảo song hành (phygital), “Sketch Town” là một trong những format nổi bật dành được nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp và tổ chức toàn cầu, đặc biệt là các thương hiệu ngành hàng như bảo hiểm, mẹ & bé, shopping mall, du lịch giải trí và trải nghiệm khám phá… cùng với các tổ chức giáo dục, trung tâm edutainment, giao lưu văn hóa tại Châu Á.
Trong bài viết này, chuyên gia của VTT Creative giới thiệu đến bạn khái niệm “Sketch Town”, các phiên bản kịch bản trải nghiệm người dùng (UX/UI design) khác nhau cũng như thực tế giải pháp này đã, đang được ứng dụng như thế nào trên thế giới và tại Việt Nam.
1. Sketch Town là gì?
Phát triển lần đầu trong năm 2014 bởi teamLab, “Sketch Town” được mô tả là một không gian ảo (thành phố, thủy cung, khu rừng…) phát triển từ những bức vẽ của trẻ em. Những bức vẽ 2D sau khi được các họa sĩ nhí hoàn thiện tô màu sẽ là “chất liệu” chính để được đưa vào máy scan, trở thành phiên bản 3D rồi từ đó hòa mình vào khung cảnh chung sống động trên bức tường kỹ thuật số.
Chẳng hạn như Sketch Town Papercraft Beta – phiên bản tiêu biểu nhất bởi ứng dụng có sự kết hợp giữa trải nghiệm công nghệ với thực hành thủ công – từng được teamLab triển khai và gây tiếng vang lớn tại các đại đô thị của Châu Á như Tokyo, Fukushima, Hong Kong.
Nguồn: teamLab
Để làm nên một không gian trải nghiệm Sketch Town cơ bản, nhãn hàng/ tổ chức cần đầu tư tối thiểu các hạng mục bao gồm: thiết bị máy scan đi kèm với phần mềm chuyên dụng, thiết bị trình chiếu nội dung (thường là máy chiếu đặt trong phòng tối nhưng cũng đôi khi sử dụng màn LED) và cuối cùng là giấy in sẵn các nhân vật đi kèm với bút màu (thường la màu sáp). Đặc biệt, với các phiên bản thuộc dòng có tích hợp thêm trải nghiệm xếp giấy thủ công (papercraft) thì yêu cầu cần thêm máy in màu, kéo và hồ dán.
2. Loại hình trải nghiệm người dùng theo trường phái thực tế – ảo song hành (Phygital)
Nhiều phiên bản Sketch Town khác nhau đã được ra đời như: Sketch Animals Papercraft, Sketch Christmas, Sketch Aquarium… Tuy nhiên, để lại nhiều ấn tượng nhất trong số đó phải kể đến phiên bản Sketch Town Papercraft Beta – loại hình trải nghiệm theo trường phái thực tế – ảo song hành (phygital) đã được “ông lớn” trong ngành công nghệ tương tác Nhật Bản ứng dụng nhiều lần trong các chương trình tại các đại đô thị của Châu Á như Tokyo, Fukushima, Hong Kong...
Các thương hiệu đầu tiên áp dụng và triển khai sẽ là các ông lớn có tính cách thương hiệu nổi bật, làm chủ những thông điệp truyền cảm hứng về phong cách sống chất lượng cao.
Từ vẽ tranh, trải nghiệm nội dung kỹ thuật số cá nhân hóa đến “thu hoạch” sản phẩm thủ công mang về nhà. Có quá nhiều lí do khiến thiết kế trải nghiệm người dùng của Sketch Town Papercraft trở nên ấn tượng, từ đó thu hút không chỉ các bạn nhỏ mà còn bao gồm các bậc phụ huynh.
Bước 1: Tô vẽ nhân vật yêu thích – Các nghệ sĩ nhí có thể lựa chọn nhân vật yêu thích của mình và tô vẽ thỏa sức sáng tạo.
Bước 2: Scan tác phẩm – Quá trình scan rất đơn giản, bạn nhỏ chỉ cần đặt tác phẩm đã được hoàn thiện vào dưới máy quét (scan), ấn nút và chờ kết quả.
Bước 3: Gia nhập thị trấn ảo – Sau khi ấn nút, nhân vật với đầy đủ đặc điểm được tô vẽ bởi bạn nhỏ sẽ trở thành phiên bản 3D và được “thả” vào cảnh quan chung của thị trấn ảo.
Bước 4: Nhận phương án papercraft – Song hành với việc được “thả” vào thị trấn ảo, mô hình giấy cũng đồng thời được in ra để bạn nhỏ sẵn sàng bước vào trải nghiệm thủ công.
Bước 5: Cắt và lắp ráp mô hình – Với các dụng cụ quen thuộc như kéo, hồ... bạn nhỏ thực hiện thao tác cắt dán để hoàn thành tác phẩm thủ công mang dấu ấn riêng của bản thân.
Theo các chuyên gia về trải nghiệm người dùng, trong khi bước scan tác phẩm để nhân vật được tô màu có thể gia nhập thị trấn ảo là khoảnh khắc gây “wow” cho tất cả người có mặt tại khu vực trải nghiệm bởi màu sắc “high tech” và tính cá nhân hóa cao, thì khoảnh khắc mô hình giấy được xếp lắp hoàn chỉnh cũng là một “chất liệu truyền thông” tiềm năng bởi khả năng thu hút và khuyến khích các bậc phụ huynh chia sẻ thành quả của con lên mạng xã hội. Việc có thể mang một sản phẩm thành quả có thể “cầm nắm được” (vật lí) về nhà cũng là một trải nghiệm thú vị, khiến lưu dấu ấn tượng về hoạt động trải nghiệm có thể được kéo dài hơn đến các ngày sau đó.
3. Từ ứng dụng trong các activation campaign đến các chương trình giáo dục
Theo chuyên gia của VTT Creative, cũng giống như các thị trường “đi trước” trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… những giải pháp trải nghiệm không gian tương tác nhuốm màu sắc công nghệ như Sketch Town của teamLab chắc chắn cũng sẽ đổ bộ vào Việt Nam theo xu hướng chung trên toàn cầu.
Ông Nguyễn Ngọc Huy, Phó Giám đốc của VTT Creative, nhận định rằng những thương hiệu đầu tiên bước chân vào cuộc chơi được dự đoán sẽ là các ông lớn có phẩm chất hay tính cách thương hiệu (brand personality) gắn với việc truyền cảm hứng về cuộc sống chất lượng (high standard of living). Đó là các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực shopping mall, bảo hiểm và kinh doanh điểm đến giải trí & trải nghiệm chủ đề…
Nguồn: VTT Creative
Trải nghiệm “Trang trí nhân vật Carnival” tại sự kiện AEON Mall kỷ niệm sinh nhật 3 tuổi do ATH kết hợp với VTT Creative phát triển với phương án trải nghiệm cắt dán thủ công được thay đổi bằng xếp giấy 3D Puzzle nhằm đáp ứng yêu cầu không sử dụng kéo theo quy chuẩn an toàn tại trung tâm thương mại. Giải pháp thiết bị hiển thị cũng được sử dụng là màn LED dạng treo đặt tại không gian mở, thay vì máy chiếu trong phòng tối như thường thấy. .
Song song với đó, ứng dụng công nghệ tương tác nhằm làm mới phương thức truyền đạt đặc biệt với mục tiêu hướng đến đối tượng trẻ em cũng là một nội dung mà các tổ chức giáo dục, trung tâm edutainment, trung tâm hợp tác, giao lưu văn hóa ngày càng quan tâm.
Nguồn: img-lab
Khu trải nghiệm mới do trung tâm ASEAN Culture House đặt tại Busan, Hàn Quốc mở cửa từ tháng 4/2023 với một biến thể của giải pháp Sketch Town. Sau khi tô vẽ nhân vật đại diện (avatar) của từng quốc gia Đông Nam Á, khách trải nghiệm “thả” nhân vật vào thế giới ảo và thưởng thức khám phá nét đặc sắc về văn hóa, con người của các quốc gia thành viên trong khu vực bởi chính người dẫn chuyện là nhân vật mà mình đã sáng tạo.