Trong kinh doanh, việc đối diện với những bất ngờ hay sự cố không mong đợi là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, không ít thương hiệu có thể trụ vững và phát triển trong ngành nhờ sự ứng biến linh hoạt. Hãy theo dõi số thứ 12 trong series “Chiến lược đến Thực thi” để tham khảo về khả năng ứng biến này!
Concept: Ứng biến là một quá trình liên tục
Theo nhiều nguồn tin, để pha được vị nguyên bản của Coca-Cola, nhà máy sản xuất cần đến 16 nguyên liệu khác nhau. Vậy mà trong Thế chiến II, một nhà máy nằm trong lãnh thổ của Đức quốc xã bị thiếu phần lớn nguyên liệu.
Nếu là Giám đốc của nhà máy đó, bạn sẽ làm gì? Tôi lưu ý rằng dưới thời Đức quốc xã, các nhà máy làm nước giải khát bị biến thành nơi chế tạo, sản xuất đạn dược, còn nhân viên bị bắt đến các chiến trường.
Nguồn: BBC
Khi theo đuổi điều phi thường trong thế giới thay đổi nhanh chóng, tất cả kế hoạch, cơ hội, thời gian, tiền bạc, vật liệu, kỹ năng sẽ không bao giờ là đủ.
Như câu nói nổi tiếng của vị tướng người Mỹ Dwight D. Eisenhower: “Mọi kế hoạch (quân sự) luôn cần thay đổi linh hoạt theo tình huống”. Thật vậy, không có gì diễn ra chính xác theo kế hoạch cả.
Vì vậy, trước tình huống khó khăn, bạn chỉ có 2 sự lựa chọn: Từ bỏ hoặc kiên trì với mục tiêu đề ra và ứng biến.
Sự ứng biến là tư duy và hành động bộc phát, sử dụng bất cứ thứ gì có sẵn để đạt được kết quả mong muốn. Nói cách khác, thay vì bạn chăm chăm làm theo lý thuyết, thì hãy trở nên linh hoạt.
Quay trở lại câu chuyện nhà máy Coca-Cola ban đầu, ông Max Keith là vị Giám đốc Nhà máy làm nên điều kỳ tích trong hoàn cảnh tréo ngoe ấy. Không thể sản xuất Coca-Cola, ông buộc tận dụng những nguyên liệu sẵn có, và tạo ra sản phẩm mới có tên Fanta. Loại thức uống này được tạo nên từ những nguyên liệu khá rẻ và dễ kiếm như chất xơ táo (được tách từ kẹo mút), whey protein (được tách từ phô mai). Fanta ban đầu có màu hơi vàng và vị khác với vị Fanta mà chúng ta uống ngày nay. Một phần là do hương vị thay đổi tuỳ thuộc vào thành phần có sẵn trong thời chiến.
Ông Max Keith (ngoài cùng, bên phải) và các Giám đốc Điều hành Coca-Cola xem xét các mẫu quảng cáo Fanta những năm 1960.
Nguồn: Atlas Obscura
Có thể thấy, ứng biến là một quá trình liên tục chứ không phải là công việc làm một lần rồi thôi.
Practice: 6 lời khuyên về ứng biến trong kinh doanh
Dưới đây là một số lời khuyên về cách ứng biến mà bạn có thể tham khảo:
Trở nên cởi mở: Hãy sẵn lòng thử nghiệm nhiều ý tưởng mới mẻ và khác biệt để tìm ra giải pháp tốt nhất.Xác định mục tiêu rõ ràng: Thương hiệu cần có mục tiêu hoặc đích đến rõ ràng trong quá trình ứng biến. Đây là cơ sở để đạt được kết quả phù hợp với chiến lược tổng thể.Duy trì giá trị cốt lõi: Thương hiệu cần linh hoạt, cởi mở bên cạnh duy trì giá trị cốt lõi và sứ mệnh của mình; đồng thời, không nên tùy tiện thay đổi những yếu tố liên quan đến bộ nhận diện.Tận dụng nguồn lực sẵn có: Khi ứng biến, thương hiệu nên tận dụng tối đa những gì sẵn có theo cách sáng tạo để đạt được mục tiêu.Trở nên linh hoạt: Lắng nghe phản hồi và linh hoạt thay đổi cách tiếp cận để đạt được kết quả mong muốn.Học từ những sai lầm: Không phải lúc nào ứng biến cũng thành công, và điều này hoàn toàn bình thường. Vì thế, thương hiệu nên sẵn lòng học từ những sai lầm của mình và vận dụng hiểu biết đó cho việc cải tiến sản phẩm trong tương lai.Ứng biến là một quá trình liên tục chứ không phải là công việc làm một lần rồi thôi.
Example: Khả năng ứng biến của các thương hiệu
1. H&M là ví dụ điển hình cho khả năng ứng biến. Vào thời kỳ đại dịch, lệnh phong tỏa buộc H&M đóng cửa nhiều cửa hàng vật lý. Đứng trước tình huống này, thương hiệu đã chuyển hướng sang (1) bán hàng trực tuyến và (2) miễn phí vận chuyển cho khách hàng. Bên cạnh đó, H&M cũng (3) tận dụng chuỗi cung ứng của mình để sản xuất và tặng dụng cụ bảo vệ cá nhân cho nhân viên y tế và nước rửa tay sát khuẩn cho cộng đồng địa phương. Đồng thời, thương hiệu còn nhanh chóng (4) chuyển sang sản xuất những bộ quần áo thoải mái cho khách hàng mặc ở nhà trong thời gian giãn cách. Mặc cho điều kiện bất lợi, những nỗ lực này đã giúp H&M duy trì doanh số bán hàng và danh tiếng thương hiệu.
Nguồn: CNN
2. Hay phản ứng khéo léo và nhanh nhạy của Oreo tại Super Bowl 2013 là một minh họa khác cho khả năng ứng biến. Cụ thể, trong lúc mọi người hoang mang và căng thẳng vì sự cố cúp điện đột ngột giữa trận đấu, Oreo đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ và đăng tải dòng tweet “Power Out? No problem” (tạm dịch: “Cúp điện à? Không sao hết”) đi kèm với hình ảnh chiếc bánh quy Oreo hiện lên đầy nổi bật trong bóng tối với thông điệp “You can still dunk in the dark” (tạm dịch: “Bạn vẫn có thể nhúng bánh Oreo vào sữa khi cúp điện cơ mà”) chỉ trong vòng 5 phút kể từ sự cố.
Dòng tweet đã nhanh chóng viral trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Nhờ đó, thương hiệu Oreo được đánh giá cao về khả năng thích ứng nhanh và sẵn lòng chấp nhận rủi ro để kết nối với khách hàng của mình.
Nguồn: ashokcharan.com
3. Gertie, một nhà hàng kiểu Do Thái ở New York không chỉ thay đổi để phù hợp với tình hình mới trong đại dịch, mà còn tìm ra một cách độc đáo để đóng góp cho cộng đồng.
Nhà hàng đã (1) ra mắt “bộ dụng cụ gia đình” (family meal kits) gồm tất cả các nguyên liệu và hướng dẫn để khách hàng tự nấu ăn tại nhà. Thay đổi này giúp nhà hàng duy trì công việc cho nhân viên đồng thời tạo ra lợi nhuận. Hơn thế, bộ kit còn mang đến cho khách hàng cơ hội học cách nấu những món mới và dành thời gian bên gia đình trong thời gian khó khăn.
Gertie cũng (2) khởi chạy một chương trình gọi là “pay it forward” nơi khách hàng có thể mua bữa ăn cho những người làm việc trực tiếp tại tuyến đầu và những người có hoàn cảnh khó khăn.
Nhờ vào khả năng thích nghi để phục vụ khách hàng và cộng đồng, Gertie đã thành công vượt qua thời gian khó khăn.
Nguồn: Time Out
Nguồn: brandsvietnam