Công việc giống như cuộc sống, không phải lúc nào cũng là một đường thẳng trải đầy niềm vui, sẽ có lúc bạn thấy chán nản, thấy bế tắc và muốn buông xuôi. Nhân viên của bạn cũng thế, họ cũng bị chi phối bởi cảm xúc và ngoại cảnh làm ảnh hưởng đến quá trình làm việc.
Những lúc này thay vì vạch lỗi rồi trách mắng thì chính bạn – một lãnh đạo giỏi – phải biết cách khích lệ tinh thần nhân viên của mình. Nhưng khích lệ bằng cách nào, không phải cứ nói suông là được, cứ đưa vật chất là đủ. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu 7 tuyệt chiêu khích lệ tinh thần nhân viên dưới đây để thấy rõ điều đó.
1. Cho nhân viết biết họ đang làm công việc có ý nghĩa
Thông thường mỗi nhân viên chỉ đảm nhận một công việc nào đó trong cả hệ thống, cũng vì thế mà họ không có cái nhìn toàn diện về quy trình của doanh nghiệp dẫn đến không hiểu hoặc hiểu sai ý nghĩa công việc. Lúc này bạn nên có một buổi chia sẻ cho nhân viên của mình để họ biết mình đang làm một việc đem lại lợi ích cho xã hội.
Cần nhớ đây chỉ là buổi chia sẻ thân mật, không phải buổi thuyết trình hay cải biên suy nghĩ cho nhân viên nên bạn đừng đưa những thứ quá vĩ mô, dùng lời lẽ quá khoa trương để nói. Hãy cho nhân viên của bạn hiểu việc họ làm mỗi ngày là một mắt xích đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ quy trình, nhờ có họ mà doanh nghiệp đã mang đến cho khách hàng một giải pháp hữu ích.
Khi nhân viên đã hiểu được tầm quan trọng của mình thì họ sẽ có thêm động lực để làm việc, thậm chí là càng cố gắng làm tốt hơn nữa, có thể nói đây là phương pháp khích lệ tinh thần nhân viên hiệu quả cao và lâu dài nhất.
Xem thêm: Nghệ thuật tạo động lực khi quản lý nhân viên bán hàng bạn cần biết
2. Luôn lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ
Khích lệ tinh thần nhân viên không phải lời nói suông, đôi ba câu “Cố gắng nhé!”, “Mạnh mẽ lên” là được, mà bạn phải thật sự thấu hiểu vấn đề của nhân viên, lắng nghe họ và chia sẻ cùng họ. Vì bạn và nhân viên đang đứng trên cùng một con thuyền, cùng tiến cùng lùi, bạn phải coi họ như đồng nghiệp, như bạn bè, như người trong nhà, như vậy mới tạo ra sự kết nối giữa cấp trên và cấp dưới.
Việc bạn lắng nghe và chia sẻ không phải để cho vui, cho có, mà để tìm hiểu rắc rối thực sự của nhân viên rồi tìm cách khích lệ, hướng dẫn họ giải quyết, thậm chí là giúp đỡ họ. Khi cảm thấy sếp vẫn luôn ở bên cạnh dẫn dắt họ, nhân viên sẽ có thêm động lực để cố gắng, vì họ biết mình đang tồn tại trong tập thể, mình không bị bỏ rơi.
Xem thêm: Phân quyền – Kỹ năng quan trọng cần phải biết khi quản lý nhân viên
3. Thường xuyên đánh giá công việc và động viên
Một trong những lý do khiến nhân viên xuống tinh thần là vì họ cảm thấy không có ai quan tâm đến sự cố gắng trong công việc của họ, dù họ có làm tốt cũng không được khen, làm không tốt cũng chẳng ai động viên. Điều này còn cho thấy sự tắc trách, lơ là trong khâu quản lý của bạn.
Vậy thì hãy chỉnh đốn lại ngay cách quản lý nhân viên của mình, bạn cần thường xuyên theo dõi hiệu quả công việc mà họ đã làm, xem tiến độ hoàn thành thế nào, có đạt được mục tiêu hay không hay đã vượt mức ra sao.
Những việc làm này nên theo định kỳ có báo trước để nhân viên cố gắng hoàn thành. Sau khi đã tổng hợp bạn hãy đưa bảng đánh giá với những phân tích chi tiết cho nhân viên, rồi hỏi ý kiến của họ. Nhờ việc quản lý sát sao này nhân viên sẽ luôn trong trạng thái cố gắng hết sức để nhận được những đánh giá tích cực của bạn, và dĩ nhiên, khi họ hoàn thành xuất sắc sẽ được khen thưởng.
4. Khuyến khích nhân viên sáng tạo
Công việc nhàm chán cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tinh thần của nhân viên xuống dốc, họ sẽ thường xuyên cảm thấy bế tắc, không thể giải phóng suy nghĩ của mình dẫn đến uể oải. Vậy thì thay vì đóng khung họ trong một biểu mẫu công việc điển hình hãy để họ thoả sức sáng tạo, thứ cuối cùng bạn muốn thấy chỉ là kết quả mà thôi.
Có rất nhiều cách khích lệ tinh thần nhân viên thông qua khuyến khích sáng tạo, bạn có thể tổ chức các cuộc thi đua nhỏ trong từng bộ phận, treo giải thưởng cho những ai đưa ra sáng kiến hay để cải thiện sản phẩm hay công việc hiện tại. Nhiều công ty thậm chí còn cho phép nhân viên dành ra một đến hai tiếng mỗi ngày cho kế hoạch riêng của mình để phát triển sản phẩm.
Khi nhân viên được thoả sức sáng tạo họ sẽ không còn nhàm chán khi làm việc nữa, tinh thần cũng thoải mái hơn.
Xem thêm: 8 kỹ năng quản lý khiến nhân viên làm việc hiệu quả
5. Tăng cường làm việc nhóm
Khi số nhân viên trong doanh nghiệp của bạn tăng lên, bạn không thể thường xuyên theo dõi được công việc của từng người, lúc này hãy chia nhân viên thành từng nhóm và tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên. Trong mỗi nhóm sẽ có những cách làm việc, cách giải trí riêng, điều này tạo ra sự thi đua giữa các nhóm với nhau, làm tăng ý chí làm việc của nhân viên.
Quản lý theo nhóm có rất nhiều lợi thế, bạn có thể dành nhiều thời gian cho việc khác hơn, nhưng hãy đảm bảo rằng mặc dù chia nhóm nhưng không có bất kỳ bè phái nào trong doanh nghiệp của bạn. Rất nhiều doanh nghiệp đã lâm vào tình cảnh này khi không thể thống nhất mục tiêu để đoàn kết các nhóm lại, làm ảnh hưởng rất lớn đến cả quá trình làm việc.
6. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa
Công nhân viên chức thường không có nhiều ngày nghỉ, ngoài các kỳ lễ lớn thì đa phần họ đều phải làm việc trong văn phòng. Chính vì không gian tù túng, không thoải mái nên ảnh hưởng không hề nhỏ tới tinh thần làm việc của nhân viên. Bạn nên tạo điều kiện để nhân viên được tham gia một số hoạt động ngoại khoá thường niên. Vào mùa hè bạn có thể tổ chức đi du lịch, sau Tết tổ chức đi chùa cầu an khang, hay một số ngày kỉ niệm như mùng tám tháng ba,…
Các hoạt động ngoại khoá không chỉ giúp nhân viên giải toả căng thẳng mà còn làm gắn kết tình đồng nghiệp, giúp mọi người hiểu nhau hơn để sau đó cùng cố gắng làm việc hoàn thành mục tiêu.
7. Hãy nói lời cảm ơn
Một mình bạn dù có tài giỏi đến đâu cũng chẳng thể đưa doanh nghiệp phát triển như hiện giờ, tất cả là nhờ những nhân viên dưới quyền đang từng ngày dốc sức làm việc cho bạn, cho mục tiêu chung. Thế thì đừng bao giờ có suy nghĩ mình làm lãnh đạo, mình được quyền đứng trên mà nhìn xuống mọi người, thay vào đó là thái độ trân trọng và biết ơn chân thành. Vì không có nhân viên thì đã không có thành công của bạn bây giờ.
Nói lời cảm ơn không có nghĩa là bạn đang cúi đầu trước nhân viên, mà bạn đang cho họ thấy bạn cần họ, bạn tôn trọng họ và những cống hiến của họ có ý nghĩa thế nào với bạn. Nhân viên sẽ cảm thấy được làm việc cùng bạn là xứng đáng, họ sẽ cố gắng hơn nữa để doanh nghiệp phát triển thật lớn mạnh.
Với 7 tuyệt chiêu khích lệ tinh thần nhân viên này chắc chắn bạn sẽ xây dựng được một đội ngũ tuyệt vời, khiến hiệu quả công việc tăng nhanh chóng!
Nguồn: sapo