Một thiết kế nhà hàng được coi là đẹp khi thiết kế đó không chỉ đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về tiêu chuẩn hình học, mỹ học, màu sắc, thẩm mỹ,… mà còn đáp ứng cả các tiêu chuẩn về phong thuỷ lý số.
Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cùng các bạn một số tiêu chuẩn cơ bản trong thiết kế không gian từng khu vực trong nhà hàng, sao cho vừa tạo được ấn tượng tinh tế với thực khách vừa hợp phong thuỷ mang lại nhiều tài lộc cho Chủ nhà hàng. Mời các bạn cùng tham khảo nhé!
Tiêu chuẩn chung khi thiết kế nhà hàng
1. Thiết kế khu vực ăn uống
Khu phục vụ ăn uống là nơi sẽ mang lại doanh thu cho Chủ nhà hàng vì vậy bạn đừng tiếc tiền đầu tư thiết kế cho khu vực này, mà hãy tìm cách tận dụng và phát huy tối đa không gian ở đây. Nói cách khác, bạn có thể nghĩ đến việc cắt giảm, tối ưu diện tích ở các khu vực khác, nhưng đừng nên là ở khu vực này.
Khi thiết kế khụ vực ăn uống, các kiến trúc sư cần chú ý đến không gian dành cho việc di chuyển đi lại và không gian chỗ bàn ngồi của thực khách. Thực khách cần có không gian thoáng mát, thoải mái, nhưng cũng phải đủ đảm bảo riêng tư, ấm cúng để dùng bữa. Bên cạnh đó, nhân viên phục vụ cũng cần có những khoảng diện tích đủ rộng để làm việc như chỗ đi xung quanh bàn ăn.
Tiêu chuẩn thiết kế là một trong các thước đo để đánh giá các mô hình nhà hàng đẹp, không chỉ là đối với nhà hàng cao cấp hay bình dân. Tuy nhiên, đối với các nhà hàng sang trọng, cao cấp, thì tiêu chuẩn này càng được chú trọng hơn. Trong thiết kế nhà hàng sang trọng, tiêu chuẩn chỗ ngồi thường là 1m5 – 1,8m2/ 1 thực khách. Tuỳ theo quy mô không gian nhà hàng có thể thu hẹp lại, tuy nhiên không nên thấp hơn 1,2 – 1,4m2/1 thực khách.
Thực khách có thể không biết tiêu chuẩn thiết kế nhà hàng của bạn là bao nhiêu, họ chỉ đơn giản là cảm thấy có thoải mái, có dễ đi lại không, vậy thôi. Nhưng đừng vì thế mà bạn chủ quan bỏ qua các tiêu chuẩn này nhé, vì thực khách đến với quán của bạn, không chỉ là để thưởng thức các món ăn ngon, mà còn là trải nghiệm. Trải nghiệm không gian, trải nghiệm các dịch vụ, phục vụ,… Cố gắng “chiều” các Thượng đế này, bạn luôn luôn có lợi.
2. Thiết kế khu vực Bếp và chế biến
a. Tiêu chuẩn chung khi thiết kế bếp
Khu vực chế biến là nơi khởi nguồn cảm hứng cho các đầu bếp sáng tạo ra những món ăn ngon và đẹp mắt không giới hạn. Bởi vậy, thiết kế khu vực Bếp nên là ưu tiên thứ hai khi bạn lựa chọn thiết kế nhà hàng của mình. Một không gian bếp đẹp nên là một không gian thoáng đãng và thoải mái, kích thích sự sáng tạo của các đầu bếp và tạo động lực thúc đẩy các nhân viên tích cực làm việc.
Hãy tính toán đến việc thuận tiện khi nấu nướng và di chuyển của các nhân viên bếp. Bên cạnh đó là tối ưu diện tích dành cho việc nhận hàng, lưu kho, chuẩn bị thức ăn, nấu nướng, rửa bát,… Khoảng rộng diện tích tuỳ theo quy mô nhà hàng của bạn. Đây là một trong những tiêu chuẩn tối thiểu để bạn có một mô hình Bếp nhà hàng đẹp đấy.
Đặc biệt, khi thiết kế khu vực bếp, các kiến trúc sư sẽ tính toán đến cả phương án dành cho những thời gian “cao điểm” để nhằm phục vụ tốt nhất cho thực khách, và cũng không thể thiếu một văn phòng nho nhỏ để quản lý khu vực này.
b. Thiết kế hệ thống hút mùi, thông gió và ánh sáng
Bếp là khu vực tập trung nhiều mùi, nhiệt và khói nhất trong nhà hàng. Vì vậy, khi thiết kế cần tính toán kỹ lưỡng để bố trí hợp lý nội thất bếp, hệ thống hút mùi, thông gió,… cùng các vật liệu và quá trình thi công sao cho vừa đảm bảo chất lượng an toàn cháy nổ, diện tích làm việc cho nhân viên bếp, vừa không làm ảnh hưởng đến không gian thưởng thức của thực khách bên ngoài.
Ánh sáng trong bếp cũng là một yếu tố quan trọng cần chú ý khi thi công thiết kế. Không gian nhà bếp vốn chiếm diện tích không lớn như không gian dịch vụ ăn uống, nên ánh sáng trong bếp càng cần được bố trí khoa học và hài hòa. Tránh các loại đèn cầu kỳ và chiếm nhiều diện tích như đèn cây, đèn tranh hay đèn chùm… Đèn tối giản là lựa chọn tối ưu trong bếp, với hệ thống chiếu sáng đồng bộ, bố trí ở những vị trí trung tâm bếp để ánh sáng vừa đủ và tiết kiệm chi phí.
3. Tiêu chuẩn thiết kế Quầy bar - thu ngân
Khu vực quầy bar – thu ngân cần vừa đủ diện tích để thực hiện chức năng thanh toán cho khách hàng của mình. Ngoài sự nhỏ gọn và tiện lợi, thì thiết kế quầy bar - thu ngân cũng cần đảm bảo sự chuyên nghiệp, sang trọng để tạo được ấn tượng tốt với khách hàng khi ra về.
Đây là khu vực bạn có thể tiết kiệm diện tích. Thông thường thì quầy bar và quầy thanh toán được gộp làm một.
Chiều cao quầy bar, quầy thu ngân không nên cao quá hoặc thấp quá, thường ở mức dưới ngực của chiều cao trung bình người Việt Nam, khoảng 110cm đến 120cm. Chiều cao này vừa đủ thuận lợi và an toàn cho cả nhân viên thanh toán lẫn khách hàng.
Ngoài ra, khoảng cách giữa 2 tầng của quầy ít nhất là 25cm để có đủ không gian sắp xếp đồ đạc. Chiều dài quầy bar dài hay ngắn thì tuỳ thuộc vào không gian, quy mô phục vụ của nhà hàng nhưng chiều rộng mặt bàn quầy bar thường dao động 40 – 60cm.
Chú ý đưa cả yếu tố phong thủy vào khi thiết kế quầy bar – thu ngân để đem lại may mắn, tài lộc cho kinh doanh nhà hàng bạn nhé.
4. Các khu vực không gian khác
Ngoài ba không gian cơ bản trên của nhà hàng, khi thuê đơn vị thiết kế, bạn cũng cần tính toán đến tiêu chuẩn phù hợp cho các không gian khác như: khu vệ sinh, khu trang trí… tùy thuộc phong cách, quy mô, vị trí nhà hàng của bạn.
Thiết kế nội thất nhà hàng.
Không có một tiêu chuẩn nào gọi là “chuẩn” trong thiết kế nội thất nhà hàng cả. Tuy nhiên, có một số quy định chung khi thiết kế nội thất nhà hàng, đó là phải đảm bảo được sự tinh tế, số lượng đồ nội thất không quá dày đặc mà chỉ ở mức vừa phải. Lựa chọn đồ nội thất phù hợp với màu sắc và ánh sáng của đèn điện cũng sẽ sẽ tạo cảm giác thoải mái và cuốn hút hơn cho thực khách.
Tuy thời gian ban đầu, công suất kinh doanh thực tế có thể chưa cao; nhưng bạn hoàn toàn có thể nới rộng không gian và thu hẹp khoảng cách giữa các khách ngồi ở một thời điểm khác thích hợp hơn, ví dụ như sau 3 đến 6 tháng, khi quán ăn đã có một lượng khách hàng ổn định.
Thiết kế nội thất nhà hàng là vấn đề rất quan trọng, quyết định đến việc thương hiệu của bạn có để lại được ấn tượng tốt với thực khách hay không. Sẽ thật tuyệt vời nếu như khách hàng được thư giãn trong một nhà hàng có sự kết hợp hài hòa giữa món ăn ngon và không gian nội thất tinh tế và sang trọng, phải không?
Tiêu chuẩn thiết kế hợp phong thủy.
Đối với Việt Nam và người Phương Đông nói chung, phong thủy trong kinh doanh là một yếu tố duy tâm vô cùng quan trọng, với suy nghĩ: thiên thời – địa lợi – nhân hoà, ắt khởi nghiệp sẽ thành công.
Với tâm lý như vậy, nên một thiết kế nhà hàng được coi là đẹp khi thiết kế đó không chỉ đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về tiêu chuẩn hình học, mỹ học, màu sắc, thẩm mỹ,… mà nó còn cần đảm bảo được cả các tiêu chuẩn về phong thuỷ lý số. Dưới đây là một số tiêu chuẩn trong thiết kế nhà hàng hợp phong thuỷ, mời các bạn tham khảo:
- Địa điểm: Một địa chỉ nhà hàng được coi là đẹp khi đó không chỉ là nơi tập trung đông dân cư, là địa điểm mà khách hàng mục tiêu thường xuyên qua lại, mà đó còn là những chỗ khách có thể dừng chân được. Tránh một số địa điểm đường rộng nhưng khó dừng chân, không được phép dừng chân, hoặc khuất tầm nhìn.
- Chiều cao nhà hàng nên thiết kế trong khoảng 2.8 đến 3m. Tiêu chuẩn này vừa đảm bảo tính thẩm mỹ cho nhà hàng, lại tốt về mặt tài lộc.
- Màu sắc bên trong nhà hàng nên chọn là hành Thổ hoặc Hỏa, tạo cảm giác ấm cúng. Nội thất sáng sủa, kích hoạt dương khí cho phòng.
- Phong thuỷ trong thiết kế bếp nhà hàng:
- Tránh hút gió để tụ được khí, thuận theo thể “tàng phong tụ khí”. Ngoài ra, cũng cần tránh hướng Bắc, tránh cửa sổ, khu vực vệ sinh, hoặc nhìn thẳng ra cửa,… bên cạnh việc hợp phong thuỷ thì mùi khí gas, mùi khói sẽ gây độc hại, tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn, thậm chí dễ gây hỏa hoạn.
- Hướng phù hợp để thiết kế bếp chuẩn là hướng Đông hoặc Nam.
- Ngoài ra, trong không gian bếp cũng không nên trang trí cầu kỳ, càng tối giản càng tạo cảm giác sạch sẽ và thông thoáng, tạo cảm hứng cho các đầu bếp thoả sức sáng tạo.
Những lưu ý để có một thiết kế nhà hàng đẹp
1. Khách hàng mục tiêu và vị trí địa điểm nhà hàng
Đối tượng khách hàng mục tiêu và địa điểm – là hai yếu tố quyết định đến phong cách thiết kế nhà hàng. Bởi vì đây là hai yếu tố đầu tiên quyết định đến khả năng thành công hay thất bại trong hoạt động kinh doanh nhà hàng của bạn.
Từ phân tích đối tượng khách hàng mục tiêu về: độ tuổi, giới tính, mức thu nhập, thói quen đi ăn uống, khách trong nước hay khách nước ngoài… bạn sẽ có nhiều thông tin để lựa chọn vị trí đặt nhà hàng phù hợp. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để bạn xác định phong cách mà mình sẽ chọn trong thiết kế nhà hàng, sao cho phù hợp và sát với nhu cầu của khách hàng mục tiêu nhất.
2. Cân đối giữa không gian - chỗ ngồi - và ngân sách đầu tư
Một thiết kế nhà hàng đẹp là một thiết kế có sự cân đối hài hoà tổng thể giữa các khu vực không gian với nhau, đặc biệt là không gian đón khách và không gian ngồi dùng bữa.
Nếu là nhà hàng nhỏ, quán lẩu, quán ăn bình dân,… thì thường ưu tiên tập trung tối đa cho khu vực chỗ ngồi. Còn đối với các kiểu nhà hàng chuyên biệt về phong cách ẩm thực, nhà hàng cao cấp sang trọng… thì không gian được chú trọng hơn để tăng trải nghiệm hưởng thụ cho khách, bao gồm cả không gian chờ, không gian ngồi và không gian tiệc trà,... Đó phải là một không gian đẹp có phong cách thẩm mỹ riêng, thoải mái và hoàn toàn thư giãn.
Tuy nhiên, dù ở mức độ quy mô nào, theo tiêu chí nào, thì thiết kế nhà hàng cũng cần đảm bảo một số tiêu chuẩn về sự phân chia không gian với khoảng: 50 – 60% diện tích dành cho khu vực phục vụ khách, 30% diện tích khu vực bếp và số còn lại dành cho kho, văn phòng và các khu vực khác.
Tóm lại, để một nhà hàng có thiết kế đẹp không hề đơn giản phải không các bạn? Hãy dành thêm chút thời gian để tìm hiểu và lựa chọn được cho mình những đơn vị thi công thiết kế nhà hàng uy tín nhé. Hi vọng bài viết trên đây sẽ giúp các bạn phần nào trong việc có thêm thông tin để lựa chọn phong cách thiết kế riêng cho nhà hàng, quán ăn của mình.
Chúc các bạn kinh doanh nhà hàng thành công,
Thân ái,
Heli Pham – PasGo Team