Nhà hàng mở ra không có khách, hoặc lượng khách đến quán cứ ít dần sau tháng đầu khai trương – là vấn đề đau đầu nhất mà mỗi Chủ nhà hàng luôn phải suy nghĩ. Vậy làm thế nào để duy trì và liên tục gia tăng lượng khách đến nhà hàng? Có các cách nào để tìm kiếm khách cho nhà hàng nhanh chóng, hiệu quả mà lại ít tốn kém nhất?
Dưới đây là bài viết của PasGo tổng hợp về các cách làm marketing nhà hàng hiệu quả, ấn tượng nhất, thường được các nhà hàng, quán ăn áp dụng để quảng cáo thu hút khách hàng đến quán (khoảng trên 20 cách). Mời bạn tham khảo nhé!
1. Xây dựng các mạng xã hội miễn phí
Chưa đến 5 phút để bạn lập được một tài khoản email, fanpage facebook, instagram, youtube, tik tok,… hay kênh zalo bán hàng cho nhà hàng. Và chúng hoàn toàn miễn phí. Thật đơn giản phải không?
Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ ngày nay, đây là điều đơn giản nhất bạn có thể làm ngay cho nhà hàng, quán ăn của mình – chỉ sau khi bạn đã chọn được cho nó một cái tên.
Theo số liệu thống kê năm 2019 của bộ Thông tin và truyền thông, tại Việt Nam có tới hơn 70 triệu người sử dụng các mạng xã hội (chiếm khoảng 70% dân số), tập trung chủ yếu vào các mạng xã hội lớn như: facebook, instagram, youtube, zalo, tik tok. Đứng đầu là facebook và zalo với hơn 50 triệu người dùng mỗi kênh, khoảng 30 triệu người dùng youtube, 12 triệu người dùng tik tok và khoảng 5-8 triệu người dùng instagram,…
Kinh nghiệm được khuyên là hãy quảng cáo nhà hàng trên mạng xã hội này bằng cách xây dựng bộ nhận diện đồng bộ các kênh, ít nhất bao gồm: facebook, youtube, zalo. Hãy bắt đầu bằng cách đăng tên, địa chỉ hoặc hình ảnh đầu tiên về nhà hàng, quán ăn của bạn.
Chỉ 5 phút để có một kênh quảng cáo mạng xã hội miễn phí cho nhà hàng
2. Wifi marketing
Chắc chắn rồi, bạn mở nhà hàng cũng cần phải lắp đặt ngay ít nhất một đường truyền wifi chứ nhỉ? Giờ đây, việc quảng cáo nhà hàng qua hệ thống wifi không còn là điều gì xa lạ nữa. Hiểu đơn giản rằng trước khi khách hàng truy cập vào wifi miễn phí của nhà hàng, thì bạn sẽ yêu cầu họ làm thêm một bước nữa là truy cập vào một địa chỉ website khác do bạn chỉ định, tất nhiên là web uy tín nhé. Ví dụ như trang chủ nhà hàng, hoặc một trang landing page giới thiệu về món ăn mới ra mắt,… Việc làm này vừa giúp quảng cáo nhà hàng miễn phí, vừa làm tăng truy cập cho website nhà hàng.
Có thể bạn lo lắng việc làm khiến khách hàng cảm thấy rườm rà, khó chịu. Tất nhiên, sẽ có một số ít khách hàng không thích, họ thà sử dụng 3G/4G còn hơn. Tuy nhiên, rất nhiều cửa hàng, doanh nghiệp,… đang áp dụng cách làm marketing này, khiến đại bộ phận khách hàng đã quen dần và họ cảm thấy “không có vấn đề gì”. Đây là một hình thức marketing 0 đồng rất đáng nên làm.
3. Đưa nhà hàng lên google map
Thêm một hình thức marketing 0 đồng nữa cho bạn, đó là đưa thông tin nhà hàng lên google map (bản đồ của google). Cách làm cũng thật đơn giản, bạn chỉ cần có một tài khoản Google doanh nghiệp để “điểm danh” với google map là xong. Xem chi tiết hướng dẫn cách làm TẠI ĐÂY (https://www.google.com/business/)
4. Thiết kế bộ nhận diện bộ thương hiệu
Các yếu tố trong bộ nhận diện của một thương hiệu thì rất nhiều, có thể là tên thương hiệu, logo, biểu tượng, slogan, tagline, kiễu chữ, font chữ, màu sắc chủ đạo,…
Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu là thiết kế các yếu tố trong bộ nhận diện một cách nhất quán với tính cách và bản sắc của thương hiệu, ứng dụng trong các ấn phẩm truyền thông như: Đồng phục nhân viên nhà hàng, tạp dề, hộp đựng thìa đũa, bao giấy bọc đũa, lót cốc, túi đựng món ship mang về, hay phong bì thư cảm ơn,…
Để tiết kiệm chi phí, bạn có thể chia theo các giai đoạn kinh doanh, rồi tuỳ vào quy mô và mục đích marketing nhà hàng mà chọn sử dụng ấn phẩm nhận diện thương hiệu nào phù hợp.
Bộ nhận diện thương hiệu của chuỗi nhà hàng Cơm niêu Kombo Singapre rất đơn giản, ấn tượng mà không quá đắt đỏ
5. Xây dựng website
Nhiều nhà hàng không cần và không có chiến lược xây dựng một website riêng, vì có thể họ cho rằng đã làm rất tốt các kênh mạng xã hội ở trên (đã có nhiều “nhà” cho quán của mình rồi). Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi vẫn khuyên các bạn nên có một website cho quán, bởi đây là kênh bạn có thể chia sẻ “bộc bạch” tâm sự về nhà hàng, về món ăn và về rất nhiều thứ khác.
Nói nôm na, nó là nơi để bạn viết bài content, tăng uy tín với các công cụ tìm kiếm như google, cốc cốc,… tăng thứ hạng SEO cho web,… và về lâu dài sẽ giúp khách hàng tự tìm kiếm đến nhà hàng của bạn được dễ dàng hơn mà không cần hoặc mất ít tiền hơn cho quảng cáo (xem thêm ở bên dưới).
6. Viết bài chuẩn SEO giới thiệu nhà hàng, món ăn
Bạn có thể tự làm hoặc đi thuê các đơn vị chuyên viết bài chuẩn SEO. Nhưng những bài viết đầu tiên, chúng tôi khuyên bạn tự làm, vì chỉ có bạn hiểu chính bạn nhất. Hãy nói cho khách hàng biết bạn là ai, bạn có gì đặc biệt, món ăn của nhà hàng bạn thế nào? Nếu đi thuê, hãy chọn các đơn vị uy tín và ít nhiều có chuyên môn về ẩm thực ăn uống nhé.
Đây là các bài viết bạn sẽ sử dụng để đăng trên website hoặc các blog, mạng xã hội của nhà hàng để tăng tương tác, trải nghiệm khách hàng và tăng thứ hạng website.
7. Viết bài PR và đăng báo
Khác với dạng bài viết chuẩn SEO ở trên, bài PR hiểu đơn giản là các bài truyền thông, quảng cáo cho nhà hàng có chủ đích (tất nhiên bài viết sẽ khéo léo để người đọc không biết là bạn đang quảng cáo). Sau đó mua các vị trí quảng cáo trên các báo lớn hoặc chuyên trang ẩm thực uy tín.
Dạng bài này, nếu không có bộ phận marketing nhà hàng riêng thì chúng tôi khuyên bạn nên đi thuê các đơn vị quảng cáo nhà hàng chuyên nghiệp. Hiện nay không thiếu các đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ marketing cho nhà hàng như vậy.
8. Tối ưu SEO cho website
Mục đích để website của bạn “thân thiện” hơn với các công cụ tìm kiếm như google, cốc cốc,… giúp thực khách gõ tìm kiếm nhà hàng, món ăn của bạn dễ dàng hơn.
Tối ưu SEO cho web không chỉ là tối ưu các bài viết chuẩn SEO như ở trên, mà cần làm đồng bộ các thủ thuật để tối ưu web như: tối ưu tên miền, giảm dung lượng ảnh, tốc độ tải trang,… Bạn tự tìm hiểu thêm về việc tối ưu SEO (onpage, offpage) này nhé. Hoặc lời khuyên của chúng tôi lại là: hãy tìm thuê các đơn vị làm dịch vụ marketing cho nhà hàng chuyên nghiệp.
9. Chạy quảng cáo
Hãy đưa đầu việc chi tiền cho các chiến dịch quảng cáo google, facebook, zalo,… vào danh mục các việc cần làm của bạn. Vào những giai đoạn kinh doanh nhà hàng thích hợp, đặc biệt là dịp khai trương hay ra món mới, chạy quảng cáo luôn là cách làm hiệu quả, giúp bạn thu hút được một lượng lớn khách hàng mới tiềm năng đến với quán của mình.
Chạy quảng cáo trong những thời điểm thích hợp sẽ giúp bạn tăng doanh thu đáng kể
10. Thẻ khách hàng.
Thời đại công nghệ 4.0, khi tất cả đang cố gắng điện tử hoá, ngay cả việc quản lý công dân bằng thẻ định danh cá nhân thay vì chứng minh thư, sổ hộ khẩu,… cũng đang được xem xét, thì thật lòng chúng tôi không muốn khuyên các bạn sử dụng cách phát hành thẻ khách hàng này. Thực tế, khách hàng có lẽ sẽ chỉ thích một chiếc điện thoại smartphone có thể quản lý tất cả các loại thẻ thành viên, các loại thẻ thanh toán,… và đi muôn nơi đúng không?
Tuy nhiên, nếu nhà hàng của bạn là một loại hình ẩm thực đặc thù, hoặc bạn kết hợp kinh doanh với nhiều loại hình khác nữa (spa, gym, khách sạn,…) hoặc bạn chỉ muốn hướng tới một nhóm đối tượng khách hàng cực kỳ đặc thù (ví dụ các chính khách, các CEO,…) thì bạn có thể cân nhắc vẫn sử dụng các loại thẻ thành viên này.
11. Tối ưu giá trị vòng đời khách hàng
Giá trị vòng đời khách hàng là một thuật ngữ chuyên ngành trong kinh tế học, viết tắt của Customer life time value (CLV hoặc Lifetime value -LTV) là tổng giá trị mà một khách hàng đem lại cho nhà hàng của bạn trong suốt cuộc đời họ.
Ví dụ: Có một khách hàng thường ăn trưa ở quán của bạn, giả sử 3 lần/tuần, mỗi lần 35.000đ/suất. Như vậy một tuần bạn có 35.000 x 3 = 105.000đ. Một năm bạn thu được: 52 x 105.000 = 5.460.000đ. Và họ đã trung thành ăn ở quán của bạn suốt 10 năm qua, như vậy, tổng giá trị vòng đời mà khách hàng đó mang lại cho bạn là 54.600.000đ, và còn tiếp tục tăng nữa.
Như vậy, giá trị vòng đời của khách hàng được đo trong một khoảng thời gian nhất định, được tính bằng tổng số lần khách hàng sử dụng dịch vụ, không phân biệt giá trị tiền nhiều hay ít mỗi lần.
Chúng tôi không khuyên bạn phân biệt khách hàng này hay khách hàng khác để chọn phục vụ, mà chỉ muốn lưu ý bạn hãy tính đến giá trị tổng thể lâu dài để có các quyết định kinh doanh phù hợp từng giai đoạn.
Hãy nghĩ đến tổng giá trị lâu dài mà một khách hàng mang đến cho bạn
12. Đào tạo mỗi nhân viên đều là một nhân sự marketing
Bảo vệ, lễ tân, nhân viên phục vụ, quản lý nhà hàng, kế toán thu ngân,… những gương mặt thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với thực khách – đều có thể trở thành một nhân viên marketing cho nhà hàng. Đào tạo nghiệp vụ, đặc biệt là nâng cao thái độ phục vụ của nhân viên chính là giải pháp để bạn tối ưu giá trị vòng đời của khách hàng, để khách hàng yêu mến nhà hàng của bạn và muốn quay trở lại lần 2, lần 3,…
13. Đừng tiết kiệm những lời cảm ơn
Những lời cảm ơn khách hàng luôn là điều tất nhiên, như đã nói ở trên. Nhưng điều chúng tôi muốn nói thêm ở đây là cách bạn gửi những lời cảm ơn tới khách hàng của mình. Marketing nhà hàng sáng tạo, là cách bạn làm khác biệt với các đối thủ.
Ví dụ: Thay vì nói lời cảm ơn thông thường khi khách rời khỏi nhà hàng như một thói quen, bạn có thể “biến tấu” lời cảm ơn thành những tấm thiệp cảm ơn, hoặc có thể kèm theo một món quà tri ân nho nhỏ như móc chìa khoá, cây bút chì cho bé,… Tất nhiên trên các tấm thiệp hay món quà đó, nhớ in bộ nhận diện thương hiệu nhà hàng của bạn nhé (tên, logo, hotline đặt bàn,...). Bỏ thêm một chút chi phí nhưng hãy nghĩ đến giá trị vòng đời mà khách hàng đó mang lại về sau. Rõ ràng bạn đang quảng cáo nhà hàng ấn tượng mà lại cứ như không hề quảng cáo vậy.
Thay vì cảm ơn như một thói quen, hãy “sáng tạo” những cách cảm ơn ấn tượng khiến khách hàng nhớ mãi bạn.
Có rất nhiều nhà hàng “hữu xạ tự nhiên hương”, nhưng cũng có rất nhiều nhà hàng như cô gái đẹp chỉ đứng ở góc nhà, không ai nhìn thấy. Bởi vậy, marketing nhà hàng luôn là việc cần thiết nên làm của mỗi người quản lý, chủ nhà hàng.
Heli Pham – PasGo Team