Tháng 3/2013, tổ chức bảo vệ động vật PETA đã triển khai chiến dịch “Fur Hurts” để nhằm lên án ngành công nghiệp thời trang lông thú ở Trung Quốc, tiết lộ những sự thật khủng khiếp và kêu gọi mọi người chung tay chấm dứt vấn nạn này.
Vào mùa đông, thời tiết tại Bắc Kinh và các tỉnh Đông Bắc của Trung Quốc vô cùng lạnh giá, chính vì vậy mà gia tăng nhu cầu sử dụng trang phục từ lông thú để giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là những món đồ như áo khoác, khăn choàng, áo len, bốt… Để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, các thương hiệu thời trang liên tục cho ra đời những mẫu mã trang phục làm từ lông thú, đẩy giá thành sản phẩm lên cao và trưng bày chúng tại các trung tâm thương mại. Trong đó lông của các loài thú nhỏ như thỏ, chồn, áo được ưa chuộng hơn cả.
Thế nhưng, đằng sau những món đồ trang phục lộng lẫy kia là một sự thật vô cùng khủng khiếp về ngành công nghiệp thời trang lông thú. Bị thôi thúc bởi lợi nhuận, nhiều người đẩy mạnh việc nuôi thỏ, cáo, chồn để lấy lông, thế nhưng việc khai thác lông thì cực kỳ vô nhân đạo. Tại các trang trại lông thú, những con vật bị treo lên rồi bị lột da sống không thương tiếc và sau đó là bị bỏ mặc cho đến chết trong sự đau đớn tột cùng.
Một video do PETA đăng tải đã cho mọi người thấy được các loài thú phải nỗi đau đớn kinh hoàng như thế nào khi bị lột da lông sống để có được những món trang phục đẹp.
Video của PETA đã cho mọi người thấy được sự dã man và tàn khốc của ngành công nghiệp thời trang lông thú.
Nỗi đau đớn ấy thôi thúc PETA triển khai chiến dịch “Fur Hurts” để lên tiếng cho các loài động vật, để con người phần nào trải nghiệm nỗi đau ấy, đồng thời kêu gọi người dân Trung Quốc ngưng sử dụng thời trang lông thú để chung tay chấm dứt nỗi đau này. Chiến dịch lựa chọn hình thức truyền thông chủ đạo là quảng cáo ngoài trời và được thực hiện bởi agency sáng tạo Ogilvy & Mather (O&M), triển khai vào tháng 3/2013, thời điểm Trung Quốc vẫn còn đang trong mùa đông lạnh giá.
Chiến dịch OOH “Fur Hurts” với ý tưởng cho mọi người được trải nghiệm làn da sống của động vật.
Vào ngày 27 và 28/3, ba biển quảng cáo ngoài trời với tạo hình động vật đã bất ngờ xuất hiện trước Trung tâm mua sắm Zhuozhan ở Thẩm Dương (Trung Quốc). Nhìn từ xa, hình ảnh của chồn, cáo, thỏ hiện lên vô cùng sống động với màu lông đen xám, thế nhưng khi tiến lại gần, mọi người sẽ nhìn lấy lớp lông của các loài động vật này được điêu khắc bằng những chiếc kim khâu sắc nhọn.
Trên Billboard là hàng nghìn chiếc kim khâu tạo hình động vật, cùng với chú thích miêu tả về chiến dịch được PETA viết bằng tiếng Trung và đường link truy cập.
Những biển quảng cáo này đã thu hút sự chú ý của nhiều người, họ lại gần để chạm vào “lớp lông thú” và thảo luận cùng nhau.
Bệnh đó thì PETA cũng triển khai hoạt động ngay trong trung tâm thương mại, không chỉ dựng bảng thông tin về chiến dịch mà còn trưng bày 9 mô hình của ba loài cáo, chồn, thỏ, tạo hình bằng hàng triệu chiếc kim khâu của những mô hình này đã khiến nhiều người dừng chân đứng lại để tìm hiểu.
Mô hình động vật từ kim khâu đã được trưng bày ngay bên trong trung tâm thương mại.
Lớp lông của thỏ, chồn, cáo được làm từ hàng triệu chiếc kim khâu.
Nhiều người tò mò ghé lại để nhìn và tận tay sờ vào để cảm nhận sự thô ráp và đau đớn.
Các tác phẩm trên tạo ra từ bàn tay khéo léo của các sinh viên Khoa Nghệ thuật của Đại học Thẩm Dương, họ đã sử dụng những cây kim nhỏ để tạo hình thành các loài động vật thường xuyên bị buôn bán lông thú như thỏ, chồn và cáo. Có tổng cộng 50 triệu chiếc kim được sử dụng cho 3 Billboard và 9 mô hình động vật được trưng bày bên ngoài và bên trong trung tâm thương mại.
Ý tưởng này nhằm nhấn mạnh sự đau đớn và thống khổ mà các loài động vật phải chịu đựng khi bị con người lấy lông để phục vụ cho ngành công nghiệp thời trang. Mỗi một cây kim tượng trưng cho một sợi lông và cũng tượng trung cho những nỗi đau khổ. Tổ chức cũng mời mọi người tự tay chạm vào Billboard để phần nào cảm nhận được sự đau đớn ấy.
Bản phác thảo ý tưởng của chiến dịch.
Hàng triệu chiếc kim khâu đã được sử dụng để tạo ra mô hình các loài động vật.
Không chỉ xuất hiện Thẩm Dương, chiến dịch còn có mặt tại Bắc Kinh và các tỉnh đông bắc lạnh giá của Trung Quốc, nơi có nhu cầu lông thú cao để tác động đến nhận thức của mọi người. Tổ chức cũng xây dựng một trang web để kêu gọi mọi người cam kết không bao giờ mặc áo lông thú và chia sẻ suy nghĩ của họ trên các nền tảng xã hội.
Các ngôi sao nổi tiếng của Trung Quốc như Tôn Lệ, Dương Mịch cũng hưởng ứng “Fur Hurts” vô cùng mạnh mẽ, tạo nên làn sóng thảo luận sôi nổi trên Weibo và nhiều kênh khác nhau.
Các ngôi sao nổi tiếng của Trung Quốc cũng tham gia truyền thông cho chiến dịch.
Sự chú ý của giới truyền thông cũng giúp chiến dịch lan tỏa mạnh mẽ và tạo ra tiếng nói lớn trong xã hội. Video của chiến dịch thu về 61,5 nghìn lượt xem trong vòng 3 tuần. Trong tuần đầu tiên triển khai, chiến dịch được các kênh truyền thông lớn tại Trung Quốc đưa tin, gồm 5 đài truyền hình chính thống và 30 tờ báo lớn, 40,2 nghìn lượt nhắc lại lại trên Weibo 81,5 nghìn lượt cam kết.
Chiến dịch đã được lan tỏa vô cùng mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng cao.
Kết thúc chiến dịch, đã có hơn 300 nghìn lá đơn cam kết không tiếp tục sử dụng trang phục lông thú của người dân. Đối với mỗi lời cam kết, một cây kim sẽ được rút ra và thay thế bằng một sợi lông với hàm ý con người nên trả lại cho động vật những gì đáng lý phải thuộc về chúng.
Đại diện của PETA chia sẻ rằng: “Trước đây, các chiến dịch không thành công bởi việc sử dụng những hình ảnh vạch trần sự thật quá đỗi rùng rợn khiến người xem nhắm mắt và quay đi. Lần này, để truyền tải thông điệp, chúng tôi cần một cách tiếp cận không phụ thuộc vào những ấn phẩm máu me, kinh dị mà vẫn có thể tác động đến mọi người. Nghệ thuật sắp đặt và cơ hội trải nghiệm ‘nỗi đau’ đã giúp chiến dịch thành công trong việc tác động mạnh mẽ đến người xem. Chúng tôi vô cùng tự hào về chiến dịch này!”.