Electronic Arts (EA) là công ty sản xuất, phát hành game có số lượng người chơi lớn hơn 5 lần dân số Việt Nam. Tuy nhiên, để vận hành một công ty game có vị thế như EA không hề đơn giản.
Bài viết “Bóc tách chi phí” số này sẽ giới thiệu về mô hình kinh doanh và các loại chi phí mà công ty sản xuất games như Electronic Arts phải gánh.
Nội dung bài viết được đăng lần đầu tại ProFin – Cộng đồng Chuyên nghiệp về Tài chính Doanh nghiệp và là một dự án của Brands Vietnam.
“Bóc tách chi phí” là chuỗi bài về cấu trúc chi phí theo từng mô hình kinh doanh với những đặc thù riêng, giúp nhà quản trị có thêm góc nhìn đa dạng về các loại chi phí và mức độ quan trọng của chúng theo từng giai đoạn tạo nên chuỗi giá trị.
Electronic Arts (EA) nhà sản xuất game 41 tuổi
EA thành lập năm 1982 tại Redwood City (Mỹ). Trước khi máy tính và di động phổ biến, console – được gọi dân dã là máy chơi game tại nhà – đã thống trị thị trường giải trí tại nhà. Có mối quan hệ tương hỗ giữa các nhà sản xuất console và nhà phát triển game độc lập vì một bên cần nhiều trò chơi để phục vụ khách hàng và một bên muốn tham gia thị trường mà không cần đầu tư quá nhiều vào phần cứng.
EA định vị là nhà sản xuất game thể thao nên trong gần 3 thập kỷ qua, EA gần như không bỏ sót bất cứ cơ hội nào trên các hệ máy console. Trong giai đoạn từ năm 1983 đến 2010, công ty cung cấp trò chơi cho tất cả các hệ máy console như Atari, Genesis, Nintendo, Play Station (Sony) và Xbox (Microsoft). Cũng trong khoảng thời gian này, EA đã hình thành các tựa game hái ra tiền và duy trì cho đến hiện nay như FIFA (đá bóng), Need For Speed (đua xe), The Sim (nhập vai)…
EA định vị là nhà sản xuất game thể thao nên trong gần 3 thập kỷ qua, EA gần như không bỏ sót bất cứ cơ hội nào trên các hệ máy console.
Nguồn: Wall Street Journal
Năm 2010, công ty đặt chân lên miền đất di động thông qua việc mua lại công ty phát hành game trên di động Chillingo của Anh. Với 20 triệu tiền mặt thời điểm đó, chỉ 1 năm sau khoảng đầu tư này đem lại lợi nhuận vượt 1 tỷ USD nhờ vào các game online cho EA.
Năm 2011, EA ra mắt Origin, là một nền tảng trực tuyến phục vụ nhóm khách hàng chuyên dùng máy tính để chơi game cạnh tranh với Valve, Steam bằng các tựa game độc quyền như Crysis 2, Dragon Age II… Cũng cùng năm đó, EA mua lại hãng nhà sản xuất game PopCap, cha đẻ của trò chơi Plants vs.Zombie và Bejeweled để gia tăng số lượng mặt hàng trên Origin.
Năm 2013, EA tiếp tục một thương vụ mang tính chiến lược thông qua hợp tác cùng Disney để khai thác độc quyền thương hiệu Star Wars. Tuy nhiên, các rắc rối cũng bắt đầu từ đây. EA khai thác tối đa thương hiệu Star Wars (nhằm tối ưu doanh thu và lợi nhuận do trả phí bản quyền của các sản phẩm thuộc Disney chưa bao giờ rẻ) nên đã gây ra tranh cãi mạnh mẽ trong cộng đồng người chơi vì cho rằng mất đi tính công bằng trong game khi chỉ cần nạp nhiều tiền là thắng. Một trò chơi khác của EA cũng bị lên án tương tự là Battlefront II và nó nặng nề tới mức làm cổ phiếu công ty giảm 8,5% trong một tháng, trực tiếp làm bốc hơi 3,1 tỷ USD định giá.
Năm 2019, EA cho biết sẽ phát hành trò chơi lại trên Steam cho thấy EA Origin không đem lại doanh số như mong đợi. Do các đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 và nhu cầu chơi trò chơi trực tuyến ngày càng tăng, doanh thu của EA đã tăng lên 1,4 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2020.
EA đã đổi tên cả EA Access và Origin thành EA Play vào ngày 18/8/2020 nhưng không thay đổi giá đăng ký hoặc các dịch vụ được cung cấp. Tin bất lợi nhất gần đây với EA là năm 2021, Disney thông báo trao quyền khai thác trò chơi Star Wars cho hãng Ubisoft vào năm 2023. Chấm dứt thế độc quyền trong 10 năm của EA với trò chơi này. Tính đến tháng 2/2021, các trò chơi Star Wars của EA đã bán được hơn 52 triệu bản và mang lại doanh thu hơn 3 tỷ USD.
Cơ cấu doanh thu của EA
Trước khi nhắc đến các khoản chi phí, hãy nhìn qua cơ cấu doanh thu của EA thông qua chuỗi giá trị bên dưới.
Chuỗi giá trị của Electronics Art.
Nguồn: EA, tổng hợp bởi ProFin
Doanh thu của EA đến từ 3 mảng chính: Game (Full game download) – doanh thu đến từ các game được tải về trên các nền tảng, các gói tải về (Packaged goods) – ví dụ như trang phục, vật phẩm cho nhân vật hay các phiên bản mở rộng thêm cho trò chơi và Dịch vụ trực tuyến (Live services and other).
Các nền tảng đóng góp vào doanh thu của EA bao gồm kênh sử dụng máy console, kênh PC và kênh mobile. Trong đó, Sony và Microsoft là hai nền tảng chính với đóng góp lần lượt là 33% và 16%. Tỷ lệ này năm 2021 là 36% và 18%.
Doanh thu theo nền tảng của EA.
Nguồn: EA, tổng hợp bởi ProFin
Báo cáo đến năm tài chính 2022 của EA, lợi nhuận thu về của công ty là 789 triệu USD, tương đương 11% doanh thu thuần. Con số này thấp hơn năm 5% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù doanh thu thuần năm 2022 tăng 24% so với cùng kỳ.
Dưới đây là các khoản chi phí đã lấy đi phần lớn lợi nhuận của EA trong năm 2022.
Chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) chiếm 31%
Theo EA, chi phí nghiên cứu và phát triển bao gồm các chi phí do xưởng sản xuất của công ty phát sinh như phí nhân sự, chi phí phát triển bên thứ ba, dịch vụ theo hợp đồng, khấu hao…Chi phí R&D cũng bao gồm chi phí liên quan đến nền tảng kỹ thuật số, giấy phép và bảo trì phần mềm. Trong năm 2022, chi phí nghiên cứu công ty tăng 408 triệu USD, tương đương 23% so với năm 2021. Sự gia tăng chủ yếu do gia tăng về nhân sự và tiếp tục đầu tư vào các studio, chiếm hơn một nửa.
Thông thường, các game EA sản xuất phải mất từ 3 đến 5 năm để phát triển. Chính vì thế, họ có xu hướng đầu tư cùng lúc nhiều studio tiềm năng để tối ưu thời gian. Đây là chi phí buộc phải có của bất cứ công ty game nào nhưng mức độ rủi ro của chúng là khá cao, vì không có công thức đảm bảo để thành công.
Điển hình như tháng 2/2019, giá trị cổ phiếu EA giảm 13,3%, mức giảm cao nhất kể từ năm 2008 do thất bại của tựa game Battlefield V. Trò chơi này chỉ bán được chưa tới 1 triệu bản so với mức dự kiến 7,3 triệu bản của công ty. EA sau đó gỡ gạc bằng trò chơi Apex Legends, giúp cổ phiếu tăng 9,6% nhờ thu hút 25 triệu người chơi chỉ sau một tuần, phá vỡ kỷ lục 10 triệu người chơi trong hai tuần của Fortnite.
EA có xu hướng đầu tư cùng lúc nhiều studio tiềm năng để tối ưu thời gian.
Nguồn: EA
Chi phí doanh thu chiếm 27%
Chi phí doanh thu, có thể hiểu là chi phí để tạo ra các tựa game ngoài R&D. Chúng bao gồm 9 loại chi phí như sau:
- (1) Chi phí tiền bản quyền nhất định cho những người nổi tiếng, giải đấu thể thao chuyên nghiệp, hãng phim, nhà phát triển phần mềm độc lập và các tổ chức khác. Ví dụ như game đá bóng FIFA, EA phải trả phí cho các cầu thủ tham gia tạo hình bằng kỹ thuật máy tính.
- (2) Phí nền tảng di động liên quan đến doanh thu di động hay nói cách khác là chi phí hoa hồng để được phân phối trên các nền tảng như Apple Store, Google Play.
- (3) Chi phí trung tâm dữ liệu, băng thông và máy chủ liên quan đến việc lưu trữ các trò chơi và trang web trực tuyến.
- (4) Chi phí hàng tồn kho.
- (5) Phí xử lý thanh toán.
- (6) Khấu hao và suy giảm tài sản vô hình nhất định.
- (7) Chi phí liên quan đến nhân sự.
- (8) Tiền bản quyền sản xuất. Ví dụ như tựa game Star Wars, EA phải trả bản quyền khai thác cho Disney.
- (9) Kho bãi và chi phí phân phối. Sản phẩm game đặc thù là có đóng gói thành dĩa CD và phân phối tại các cửa hàng bán lẻ ngoài việc bán online trên các nền tảng của Microsoft, Sony.
Bởi tính khắc nghiệt trong ngành, các công ty game như EA có xu hướng tận thu người chơi càng nhiều càng tốt và rất ngại phát triển các sản phẩm mới.
Chi phí tiếp thị và bán hàng chiếm 14%
Chi phí tiếp thị và bán hàng bao gồm chi phí quảng cáo, tiếp thị, chi phí liên quan đến nhân sự và chi phí quản lý chung có liên quan, trừ đi các khoản bồi hoàn chi phí quảng cáo đủ điều kiện từ các bên thứ ba.
Chi phí tiếp thị và bán hàng đã tăng 272 triệu USD, tương đương 39%, trong năm tài chính 2022 so với năm tài chính 2021. Sự gia tăng này chủ yếu là do tăng chi tiêu quảng cáo và khuyến mại chủ yếu cho các tựa game di động Battlefield 2042 và Apex Legends. Nói cách khác, để tăng doanh thu buộc phải tăng chi phí bán hàng và tiếp thị.
Chi phí quản lý chung và chiếm 10%
Chi phí chung và hành chính bao gồm nhân sự và các chi phí liên quan đến nhân viên điều hành và hành chính, các phòng ban chức năng như tài chính, pháp lý, nhân sự và công nghệ thông tin (“CNTT”), chi phí chung có liên quan, phí cho các dịch vụ chuyên nghiệp như pháp lý và kế toán, và dự phòng các khoản phải thu.
Cơ cấu Chi phí/ doanh thu của Electronic Art.
Nguồn: EA, tổng hợp bởi ProFin
Kết
Doanh thu hàng tỷ USD nhưng tỷ suất lợi nhuận sau thuế chỉ dao động từ 10% đến 14% là công thức của các công ty sản xuất game như EA nói riêng và ngành công nghiệp game nói chung. Nguyên nhân chính là do các công ty làm game như EA phụ thuộc rất lớn vào các bên cung cấp nền tảng như Sony, Microsoft (hệ máy console), Google, Apple (hệ máy di động).
Chi phí R&D trong ngành này khá cao và phải duy trì hằng năm vì cần các sản phẩm mới để phục vụ thị hiếu khách hàng. Tuy nhiên, khoản chi phí này không đảm bảo cho việc thành công của các sản phẩm game.
Bởi tính khắc nghiệt trong ngành, nên các công ty game như EA có xu hướng tận thu người chơi càng nhiều càng tốt và rất ngại phát triển các sản phẩm mới. Thay vào đó, họ sẽ liên tục đưa ra các phần tiếp theo của các tựa game đã thành công hoặc nhượng quyền các thương hiệu đã có đông đảo người hâm mộ.
Đặng Công Sang
* Nguồn: ProFin