Xây dựng thương hiệu đa kênh không còn xa lạ với doanh nghiệp, nhưng làm thế nào để nhận diện thương hiệu trở nên nhất quán, không “lệch pha” khi xuất hiện trên nhiều nền tảng khác? Trong bài viết này, hãy cùng Rubyk tìm hiểu 4 cách giúp xây dựng thương hiệu nhất quán trên đa nền tảng.
Xây dựng thương hiệu là việc tạo dựng và duy trì kết nối với khách hàng, đồng thời nuôi dưỡng sợi dây liên kết của doanh nghiệp trong tâm trí họ. Để liên kết này này trở nên bền chặt, thương hiệu cần được xây dựng một cách đồng nhất, bất kể là đang ở đâu, khi nào.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thương hiệu có thể duy trì nhận diện nhất quán khi có rất nhiều nền tảng khác nhau để tiếp cận khách? Nhà sáng lập có nên điều chỉnh thương hiệu của mình cho phù hợp với từng nền tảng riêng lẻ không?
Câu trả lời là thương hiệu cần thay đổi để phù hợp với luật chơi của từng nền tảng nhưng vẫn phải vạch ra giới hạn khi quyết định điều chỉnh yếu tố nào đó trong hoạt động thương hiệu. Nói một cách dễ hiểu hơn, điều này có nghĩa là các yếu tố trong bộ nhận diện thương hiệu như logo, màu sắc, font chữ, slogan... sẽ không được phép thay đổi, bất kể thương hiệu đang sử dụng nền tảng nào để giao tiếp với khách hàng của mình.
Dưới đây là 4 cách giúp thương hiệu xây dựng và duy trì sự nhất quán thương hiệu:
1. Xây dựng chiến lược thương hiệu
Xây dựng một chiến lược phát triển thương hiệu lâu dài là cách hiệu quả nhất để duy trì sự nhất quán của thương hiệu. Trong chiến lược, thương hiệu cần xác định rõ:
- Mục tiêu của doanh nghiệp là gì? Đâu là những giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp hướng tới?
- Xác định brand voice (tiếng nói thương hiệu): Brand voice được hiểu là cách giao tiếp với công chúng mục tiêu thông qua các hoạt động truyền thông (các tài liệu marketing, bài đăng trên mạng xã hội...). Nếu coi thương hiệu là một con người, người đó sẽ có tính cách như thế nào, cách giao tiếp ra làm sao...
- Lập kế hoạch nội dung cho từng kênh truyền thông hiện có như website/blog, các kênh truyền thông xã hội... giúp thương hiệu giảm nguy cơ bỏ sót nội dung, đồng thời giữ cho nội dung được gắn kết và truyền tải đúng thông điệp.
Chẳng hạn, nếu coi Louis Vuitton là một con người, thì người đó sẽ có hình tượng như thế nào? Đó sẽ là một người trong độ tuổi từ 20-50 tuổi, thuộc giới thượng lưu. Người đó luôn tìm kiếm một biểu tượng của sự đắt đỏ, giá trị và đẳng cấp.
Với chân dung một người như thế, một giọng điệu sang trọng, quý phái, lịch sự và tôn quý sẽ phù hợp hơn cả. Giọng điệu này cần được sử dụng một cách nhất quán trong mọi tài liệu truyền thông (email, bài viết social, brochure...) và cả trong cách thương hiệu tiếp xúc với khách hàng (cách phản hồi tin nhắn, bình luận khách hàng...). Việc xác định đúng giọng điệu giúp thương hiệu tránh xa những nội dung không phù hợp với hình tượng (trend nhí nhảnh, dễ thương, nội dung giật tít, câu view...).
Bên cạnh đó, phần hình cũng cần tạo sự “ăn nhập” với giọng điệu thương hiệu để tạo nên một hình ảnh nhất quán cho thương hiệu. Quay trở lại với ví dụ về Louis Vuitton, để thể hiện hình ảnh sang trọng của mình, họ không sử dụng quảng cáo truyền hình bởi sản phẩm của họ hướng đến nhóm khách hàng cao cấp, vì vậy những phương tiện thông tin đại chúng này không phù hợp với định vị hay brand voice của thương hiệu.
Đại sứ của thương hiệu cũng là những người có tầm ảnh hưởng lớn, đủ tầm đại diện cho phong cách sống sang trọng của sản phẩm như: Jennifer Lopez, Zendaya, Lưu Diệc Phi, J-Hope…
2. Xây dựng bộ quy chuẩn thương hiệu – brand guidelines
Không ai hiểu thương hiệu tốt hơn chính nhà sáng lập. Và không phải ai cũng nắm được những quy định về quảng bá thương hiệu như cách sử dụng logo, màu sắc, hình ảnh, font chữ... Vì vậy, xây dựng bộ cẩm nang thương hiệu là điều cần thiết để góp phần tạo nên một nhận diện thương hiệu nhất quán trên các kênh truyền thông khác nhau.
Về cơ bản, brand guideline là một hướng dẫn về việc sử dụng các yếu tố trong nhận diện thương hiệu đúng quy chuẩn, nên cần một số thông tin sau:
- Quy chuẩn và cách sử dụng logo: Tỷ lệ đồ họa, khoảng cách an toàn, kích thước, phiên bản logo, các trường hợp vi phạm
- Bảng màu và cách sử dụng màu sắc thương hiệu
- Bộ font và cách sử dụng
- Hình ảnh thương hiệu
Brand guideline giúp mọi thành viên hiểu rõ hơn về các quy chuẩn trong thiết kế thương hiệu.
Nguồn: Rubyk Agency
3. Thiết lập brand guideline riêng cho mỗi nền tảng
Mỗi nền tảng đều có yêu cầu riêng cùng những phương pháp khác nhau để xây dựng thương hiệu. Thậm chí các kênh social media còn rất khác nhau về đối tượng, chủ đề, mục tiêu, loại nội dung...
- Facebook: Là nền tảng “xã hội” nhất, thu hút hầu hết nhân khẩu học ở mọi độ tuổi, là nơi chia sẻ mọi nội dung từ ngắn đến dài, từ hình ảnh đến video... Do đó, thương hiệu có thể sử dụng Facebook để xây dựng cộng đồng, tiếp cận đối tượng mục tiêu.
- Instagram: Tập trung vào nội dung trực quan (ảnh, video ngắn) và sử dụng hashtag. Instagram phù hợp để truyền cảm hứng cho khách hàng và thể hiện các khía cạnh thiết kế của thương hiệu.
- YouTube: Nền tảng chia sẻ video lớn, phù hợp để tạo video hấp dẫn và mang tính giáo dục.
- LinkedIn: Mạng lưới chuyên nghiệp định hướng kinh doanh phù hợp để xây dựng thương hiệu, tạo kết nối với các công ty và ứng viên tiềm năng.
- TikTok: Nền tảng chia sẻ video ngắn, đối tượng chủ yếu là giới trẻ, phù hợp triển khai những nội dung “bắt trend” nhanh chóng, mang tính giải trí.
Thương hiệu hoạt động trên rất nhiều nền tảng khác nhau.
Nguồn: Decision Lab
Để nhận diện thương hiệu trở nên nhất quán trên những nền tảng này, dưới đây là một số quy tắc mà bạn có thể áp dụng:
- Tạo ảnh hồ sơ và ảnh bìa giống nhau trên mọi nền tảng.
- Chèn logo vào mọi phương tiện truyền thông: Ảnh, video, thumbnail...
- Tái sử dụng nội dung: Biến hóa nội dung cũ thành nhiều định dạng khác, thay đổi góc nhìn/ quan điểm...
- Giữ vững tiếng nói thương hiệu và các yếu tố nhận diện khác.
4. Thu hẹp khoảng cách giữa online và offline
Ngày nay, hầu hết các doanh nghiệp đều tập trung nỗ lực xây dựng thương hiệu trực tuyến. Tuy nhiên, con người vẫn khao khát được tiếp xúc trực tiếp với thương hiệu.
Bên cạnh đó, kênh kỹ thuật số phát triển tạo nên những trải nghiệm tương tác thú vị hơn với thương hiệu, điều này làm cho khách hàng kỳ vọng nhiều hơn vào các tương tác thực tế cũng sẽ mượt mà và liền mạch hơn. Họ muốn có trải nghiệm đa kênh giúp xóa mờ ranh giới giữa các kênh online và offline.
Để thu hẹp khoảng cách giữa online và offline, thương hiệu cần xây dựng một hình ảnh thống nhất với giọng điệu, thông điệp và tính cách thương hiệu mà đội ngũ sáng lập đã dày công xây dựng, bất kể nó xuất hiện ở đâu.
Với thông điệp “Open Happiness”, Coca-Cola đã mở ra một thế giới hạnh phúc của riêng mình với chiến dịch Happy Can ấn tượng tại Ý. Happy Can là những chiếc lon đặc biệt với phần miệng lon được biến tấu thành hình dạng trông như một nụ cười. Khi người dùng bật lon, nụ cười đó sẽ xuất hiện ngay trước mắt họ.
Chiến dịch Happy Can được thực hiện bởi McCann mang thông điệp truyền tải nụ cười, sự lạc quan đến người dân Ý.
Nguồn: Brandsynario
2013 là một năm đầy khó khăn với người dân tại Ý bởi khủng hoảng chính trị, suy thoái kinh tế và xung đột tôn giáo. Mặc dù một lon Coca-Cola không thể giải quyết vấn đề của họ, nhưng có thể phần nào xoa dịu và mang tới một chút tích cực cho người dân nơi đây.
Hình ảnh những chiếc lon đang nhoẻn miệng cười xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông khắp thành phố Milan đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, tạo sự thích thú với đông đảo người dân Ý. Chiến dịch này không chỉ tiếp tục củng cố hình ảnh thương hiệu của Coca-Cola mà còn ghim sâu thông điệp về một thương hiệu hạnh phúc của Coca-Cola với người tiêu dùng.
Hình ảnh những chiếc lon đang nhoẻn miệng cười thu hút sự chú ý của người qua đường.
Nguồn: Unique
Kết
Xây dựng sự nhất quán về nhận diện thương hiệu trên đa nền tảng sẽ là chìa khóa giúp khắc sâu thương hiệu trong tâm trí khách hàng, tạo dựng niềm tin và góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh
* Nguồn: Rubyk Agency