Kinh doanh bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào, cũng đều không tránh khỏi những tình huống phát sinh ngoài ý muốn. Ngành kinh doanh F&B, dịch vụ ăn uống nhà hàng cũng vậy. Quan trọng là mỗi người quản lý, người chủ nhà hàng cần nắm trước được các vấn đề bất lợi thường xuyên gặp phải đó, để có cách giải quyết và ứng xử phù hợp, kịp thời.
Một trong các bí quyết thành công trong kinh doanh, đó chính là “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Dưới đây là tổng hợp của PasGo về những vấn đề thường gặp phải trong nhà hàng khi hoạt động kinh doanh. Bài viết là những thông tin hữu ích dành cho các Anh Chị chủ, quản lý nhà hàng, khách sạn, quán ăn.
Mời các bạn cùng tham khảo nhé!
Bạn thường gặp vấn đề gì đau đầu khi mở nhà hàng, quán ăn?
1. Thiếu vốn
Nói thật, một khi tiền đã dư dả thì chúng ta làm gì chẳng dễ. Nhưng một khi đã rơi vào cảnh thiếu tiền, khó xoay sở nguồn vốn, thì vấn đề kinh doanh mới thực sự là chật vật, ngay cả khi vấp ngã thất bại, thì thời gian đứng dậy cũng lâu hơn, thậm chí “ngã luôn”.
Bởi vậy, đã xác định mở nhà hàng, quán ăn, thì bạn cần tính toán nguồn vốn hợp lý, trong đó bao gồm cả nguồn ngân sách dự phòng trong các trường hợp rủi ro kinh doanh như: bị lấy lại mặt bằng, không có khách, hoặc sự cố nào đó phải đóng cửa nhà hàng một thời gian mà vẫn phải trả chi phí mặt bằng như trong đại dịch Covid-19,…
2. Chọn sai địa điểm kinh doanh
Địa điểm có thể quyết định đến 50% sự kinh doanh thành công của một nhà hàng, thậm chí còn hơn. Bạn cũng biết điều này phải không? Tuy vậy, việc chọn được địa điểm kinh doanh đúng đắn thì không phải là ai cũng làm tốt. Thực tế là vẫn có rất nhiều cửa tiệm, quán ăn phải đóng cửa chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, mà nguyên nhân chính là do chọn sai địa điểm kinh doanh nên không có khách, không có doanh thu.
Vậy, kinh nghiệm để giảm thiểu sai sót trong hành động này, đó là ngoài việc làm theo các “lý thuyết” của các chuyên gia đi trước, chúng tôi khuyên bạn rất nên tự mình khảo sát thực địa của khu vực địa điểm sắp thuê. Ít nhất hãy “lân la” ở khu vực đó cả tháng trời, quan sát tình trạng và cách mà các nhà hàng, quán ăn ở đó vận hành. Trò chuyện với những người bán cafe, trà đá vỉa hè,… đôi khi sẽ cho bạn những thông tin đáng giá không ngờ đấy.
3. Marketing nhà hàng không hiệu quả
Không có kế hoạch marketing ngay từ đầu, không có người làm marketing, hoặc có người làm nhưng không hiệu quả,… đều là những vấn đề thường gặp phải trong nhà hàng.
Rất nhiều người chủ với các mối quan hệ xã hội rộng rãi, nhiều bạn bè dài vốn, “máu mặt”, đã “nghĩ” rằng: “Cứ mở quán đi đã, ít nhất sự ủng hộ của người quen, bạn bè cũng giúp quán đông khách hàng khi khai trương, rồi chính họ sẽ đi giới thiệu cho quán,… như thế ít nhất 1 – 3 tháng đầu chưa cần nghĩ đến việc quảng cáo, marketing, làm sau cũng được”.
Vâng, chính vì “nghĩ” như vậy, nên khi rơi vào tình huống người quen đến ăn thưa thớt dần dần, không tuyển được nhân sự marketing phù hợp, hoặc tuyển được nhưng làm không hiệu quả, chạy quảng cáo không ăn thua,… lúc đó nhiều chủ nhà hàng mới tá hoả, cuống cuồng “mất bò mới lo làm chuồng”, liệu rằng đã quá muộn?
Bởi vậy, “quảng cáo - marketing nhà hàng” bắt buộc là kế hoạch bạn cần xây dựng ngay từ đầu nếu muốn kinh doanh nhà hàng thành công bền vững.
4. Nhân sự thường xuyên nghỉ việc
Như PasGo đã đề cập trong nhiều bài viết: nhân sự nhà hàng là một trong các nhóm nhân sự có biến động nhiều nhất thị trường tuyển dụng, bởi sự “nhảy việc” thường xuyên, đặc biệt là với nhóm nhân sự thuộc bộ phận phục vụ, chạy bàn, bếp.
Vậy nguyên nhân chính khiến nhân viên nhà hàng thường xuyên nghỉ việc là gì?
Thực ra, kỳ vọng của mỗi người lao động khi đi làm là khác nhau, dưới đây là một số lý do có thể khiến họ nghỉ việc, bạn hãy xem nhà hàng của bạn có gặp phải vấn đề nào trong số này không nhé?
- Trả lương thấp hơn mặt bằng chung và so với khối lượng công việc
- Thưởng phạt không công bằng hoặc không có thưởng
- Chia ca thời gian làm việc không hợp lý, cứng nhắc
- Nội quy, chế tài không rõ ràng,
- Không được đào tạo kỹ năng, chuyên môn
- Công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại
- Áp lực từ người quản lý cấp trên trực tiếp,
- …
5. Phương pháp quản lý nhà hàng yếu kém
Quản lý yếu kém khiến nhà hàng của bạn vận hành “rối như canh hẹ”. Vấn đề này nếu không được giải quyết kịp thời, sẽ kéo nhà hàng của bạn đi xuống dần đều, rồi buộc phải đóng cửa lúc nào không hay. Việc nhân sự thường xuyên nghỉ việc như đề cập ở trên, cũng là một hiểu hiện của việc quản lý nhà hàng yếu kém.
Vậy, để quản lý nhà hàng tốt cần phải làm gì?
- Đừng quên phân tích việc kinh doanh của bạn để đảm bảo rằng nó đang hoạt động hiệu quả.
- Liên tục xem các báo cáo và trả lời các câu hỏi như:
- Có bao nhiêu thực khách mỗi ngày?
- Đâu là món bán ít chạy nhất và bán chạy nhất? Lấy ra khỏi menu hoặc đặt món bán chạy lên đầu menu.
- Lượng nguyên vật liệu mỗi ngày, mỗi tuần là bao nhiêu?
- Chi phí cho nhân viên là bao nhiêu, tính giờ công như thế nào cho hợp lý?
- Lợi nhuận của cửa hàng theo ngày, tuần, tháng?
- …
6. Không mở rộng được chuỗi
Kinh doanh một cơ sở nhà hàng còn đang chật vật, nghĩ gì đến việc mở chuỗi?
Nhưng có nhiều nhà hàng kinh doanh rất thành công ở cơ sở đầu tiên nhưng lại không thể mở thêm được chuỗi, cứ mở ra một chi nhánh mới là y như rằng “thất bại”.
Nguyên nhân là ở đâu?
Đó là việc bạn cần phải quy trình hoá, tự động hoá được các khâu trong vận hành nhà hàng của mình, trước khi nghĩ tới việc mở chuỗi.
Áp dụng các phần mềm công nghệ quản lý nhà hàng, hoặc trao đổi hợp tác với các đơn vị cung cấp giải pháp đặt bàn nhà hàng chuyên nghiệp như PasGo cũng là một cách để bạn quản lý nhà hàng tốt hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí và chính xác hoá mọi đầu việc.
Hãy áp dụng công nghệ để tự động hoá và mở chuỗi
Tóm lại, những vấn đề thường gặp phải trong nhà hàng này thực sự khiến bạn đau đầu phải không? Tuy nhiên, biết trước còn hơn không. Hi vọng đây sẽ là các “gạch đầu dòng” để bạn lưu ý trong quá trình tích luỹ các kinh nghiệm kinh doanh và mở quán kinh doanh nhà hàng cho mình.
Heli Pham – PasGo Team