Không cần phải bàn luận thêm về độ “hot” của concert Born Pink tại Hà Nội cuối tháng 7 vừa qua. Tin tức và các bài đăng đề cập đến sự kiện ngập tràn khắp các nền tảng mạng xã hội từ Facebook, TikTok đến các trang tin tức. Trung bình mỗi ngày có hơn 140 thảo luận về Born Pink được đăng tải xuyên suốt từ 26/6 đến 1/8.
Bên cạnh những cao trào cảm xúc, lòng hâm mộ từ fan và những bàn luận tranh cãi xoay quanh sự kiện concert Born Pink, thông qua phân tích thảo luận, Kompa có thêm những đúc kết về truyền thông và marketing có thể tham khảo dành cho thương hiệu.
Cùng Kompa đào sâu vào sự kiện, rút ra những bài học hữu ích cho người làm thương hiệu qua báo cáo sau đây.
Tổng quan thảo luận về Born Pink
Tính từ 26/6, khi cộng đồng mạng Việt Nam dậy sóng trước thông tin BLACKPINK sẽ tổ chức concert (thuộc world tour Born Pink) tại Việt Nam cho đến khi concert kết thúc, hệ thống đo lường dữ liệu từ Big Data của Kompa đã ghi nhận được 4.517.016 thảo luận liên quan đến chủ đề Born Pink, thu hút 140.522.810 tương tác.
Facebook và TikTok là những kênh truyền thông có lượng thảo luận lan truyền rộng rãi nhất khi chiếm áp đảo tỷ lệ thảo luận, cụ thể Facebook chiếm 74,2% và TikTok chiếm 18,3%. Lượng thảo luận trên kênh Facebook hầu hết đến từ đóng góp tại các bài đăng từ fanpage như BLACKPINK, HÓNG 24/7, Blackpink Fans.
Những chủ đề tích cực lẫn tiêu cực được thảo luận nhiều nhất xoay quanh sự vụ công ty tổ chức concert ủng hộ “đường lưỡi bò”, các vấn đề về vé và giá vé, tin đồn hủy show trước ngày diễn và những khoảnh khắc rực cháy của đêm diễn, màn fanchant “lửa hận thù” dễ thương từ fan Việt. Mặc dù có rất nhiều thảo luận tiêu cực nhưng cộng đồng vẫn luôn theo dõi sát sao hành trình của 4 cô gái bằng chứng là chỉ số cảm xúc đạt ở ngưỡng 80,8%.
Đối tượng tham gia thảo luận tập trung chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Trong đó, Hà Nội – nơi diễn ra concert – chiếm 38,8%. Chân dung người dùng MXH quan tâm đến đêm diễn Black Pink là các bạn trẻ Gen Z và Gen Y, phần lớn là sinh viên Đại học, dân văn phòng với điểm chung là yêu thích Kpop.
Theo dòng sự kiện
Ngay khi xuất hiện thông tin Black Pink sẽ đến Việt Nam vào ngày 26/6, cộng đồng mạng đã xôn xao bàn luận. Tiếp nối những ngày sau đó, một loạt các thông tin tiêu cực về show diễn xuất hiện thu hút sự chú ý và quan tâm của cộng đồng với 2.595.068 thảo luận xoay quanh các chủ đề như: Số lượng bài biểu diễn trong Playlist thay đổi sát giờ G (từ 13 bài được công bố trước đó lên thành 23 bài); các vấn về về vé như “giá vé quá đắt”, “phe vé”... Có 337.670 tài khoản người dùng MXH tham gia thảo luận và tương tác 80.157.159 lượt trên khắp các chủ đề trong khoảng thời gian từ 26/6 đến 28/7 trước ngày đêm diễn mở màn.
Đỉnh điểm là ngày diễn ra sự kiện, với 1.586.006 tổng thảo luận từ 187.370 tài khoản mạng xã hội, thu hút 48.998.245 lượt tương tác. Sân vận động Mỹ Đình chật kín khán giả, mọi nghi vấn trước đó tạm thời được xóa bỏ, concert diễn ra thành công ngoài mong đợi. MXH ngập tràn hình ảnh và video concert chia sẻ lẫn livestream trực tiếp sự kiện Born Pink. Chủ đề thu hút thảo luận giai đoạn này là: màn pháo hoa mở màn đêm diễn, “lửa hận thù” Việt hóa “Flower” của Jisoo, Jennie nhảy “See Tình” và khoảnh khắc “silent” đỉnh cao của Lisa.
Sau đêm diễn, Born Pink vẫn chưa hết “hot” khi thu hút 335.642 thảo luận xoay quanh các chủ đề hội chứng “hậu concert” để lại nhiều cảm xúc cho khán giả trẻ về sự hạnh phúc khi được là một phần của đêm nhạc và chút tiếc nuối về sự kết thúc. Đặc biệt hình ảnh sân vận động đầy rác sau đêm diễn gây nhiều tranh cãi, thu hút hàng loạt thảo luận tiêu cực.
Những điều học hỏi từ sự kiện
"Giá trị" của sản phẩm / dịch vụ
Giá vé của concert Born Pink được cho là cao hơn nhiều so với các nước phát triển nơi BLACKPINK đã tổ chức concert. Tuy nhiên với chất lượng tổ chức, các màn trình diễn chỉnh chu, âm thanh ánh sáng cùng màn pháo hoa rực rỡ, đã cho thấy giá cá không phải yếu tố duy nhất khách hàng quan tâm mà hơn hết là giá trị/ trải nghiệm sản phẩm dịch vụ mang lại.
Cơ hội của Emotional Advertising
Sau sự kiện có thể thấy không chỉ người tham dự concert mà còn cả cộng đồng fan hâm mộ và cư dân mạng vẫn tiếp tục thảo luận về sự kiện qua các video lan truyền. Trong hầu hết nội dung chia sẻ, người tham gia thảo luận bày tỏ niềm hạnh phúc chen lẫn cảm xúc tiếc nuối vì điều tốt đẹp đã qua đi. Đối với đối tượng khán giá trẻ với tâm lý phải đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống thì đây chính là insight đắt giá cho các chiến dịch truyền thông đậm màu sắc emotional.
Chiến thuật "giữ sức nóng"
Sự thành công của sự kiện phải kể đến chiến thuật duy trì sức nóng mà các thương hiệu có thể học hỏi, trung bình 3 ngày 1 new news liên quan đến sự kiện mang hơi hướng thời sự được tạo ra thu hút sự quan tâm và bàn luận từ cộng đồng mạng.
Xử lý khủng hoảng truyền thông
Born Pink concert nhiều lần tưởng chừng như bị quay lưng khi vướng phải loạt các luồng thông tin tiêu cực được đăng tải trên các trang tin tức, và lan truyền khắp mạng xã hội. Bằng việc nắm bắt và xử lý nhanh, phía công ty tổ chức đã kịp thời ứng phó với loạt khủng hoảng truyền thông. Đây cũng chính là điều mà các Thương hiệu có thể ứng dụng trong quản lý khủng hoảng truyền thông, trước sự kiện/ chiến dịch cần có kế hoạch dự phòng cho các trường hợp tiêu cực có thể xảy ra, cùng lúc đó là việc theo dõi và đo lường, lắng nghe liên tục thảo luận của cộng đồng mạng.
Kết
Concert Born Pink tại Hà Nội đã thành công mỹ mãn và đồng thời cũng là case-study trong xử lý khủng hoảng truyền thông mà người làm thương hiệu có thể đúc kết và ứng dụng. Bên cạnh đó, sự kiện còn cho thấy tiềm năng du lịch Việt Nam, giúp đẩy mạnh nguồn khách du lịch từ khắp các nước bạn tụ về để tham gia concert, là cơ hội để các công ty đơn vị du lịch lữ hành xây dựng tour và lịch trình du lịch kết hợp xem concert.
Nguồn: brandsvietnam