Trước ma trận truyền thông với vô vàn thông điệp, làm thế nào để chiến dịch của Thương hiệu thật sự ấn tượng và lưu lại trong tâm trí khách hàng là thách thức. Cùng Kompa cập nhật 10 xu hướng Marketing sáng tạo có kèm case study ứng dụng để có thêm ý tưởng hoạt động cho chiến dịch truyền thông Thương hiệu trong năm 2024.
Pet Influencer Marketing
Xã hội phát triển, ngày càng có nhiều cá nhân xem vật nuôi của mình là một thành viên quan trọng của gia đình. Pet Influencer xuất hiện khi trào lưu khoe thú cưng bùng nổ trên MXH. Một chiếc thú cưng trở thành Influencer khi có lượt theo dõi khủng trên các nền tảng mạng xã hội. Những cái tên nổi bật trong làng Pet Influencer Marketing có thể kể đến Mỹ Diệu, Khế Thúi, Moca, Chiếc Mèo Tên Sói…
Đầu năm 2023, trend chế ảnh Mỹ Diệu trên Facebook được nhiều Thương hiệu hưởng ứng như Texas, KFC, Be, Phúc Long,Tiki…
Character Marketing
Character Marketing là phương thức Marketing nghiên cứu thị trường, tâm lý của đối tượng khách hàng mục tiêu và thuộc tính của nhãn hàng để tạo ra linh vật Thương hiệu – mascot. Linh vật này giúp Thương hiệu truyền tải câu chuyện hiệu quả, tạo liên kết cảm xúc, và sự khác biệt nổi bật.
Một số mascot như Ong Jollibee, Momo, GoJek, TiKi… đã vô cùng quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Các mas đến nỗi chỉ cần nhìn lướt qua khách hàng cũng có thể biết ngay nhân vật đó đến từ Thương hiệu nào.
Meme Marketing
Meme Marketing hay còn gọi là Meme Jacking (tiếp thị bằng meme) là một nhánh nhỏ của tiếp thị lan truyền (viral marketing) – hình thức sử dụng meme hay Internet meme để truyền tải thông điệp tiếp thị. Meme Marketing giúp Thương hiệu xóa nhòa khoảng cách giữa quảng cáo và người xem, giúp thông điệp dễ dàng được người xem lưu tâm bởi sự hài hước và biến tấu đa dạng trong nội dung truyền tải.
Comic Influencer Marketing
Là hình thức Marketing mượn các nhân vật truyện tranh để truyền tải các thông điệp Thương hiệu theo một cách dí dỏm, đời thường tạo cảm giác gần gũi hơn với người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, đã có những nhân vật comic nổi tiếng, có sức ảnh hưởng rất lớn như : Én, Thỏ bảy màu, Vàng Xám Comic, Gia Đình Ngộ….
Piggyback Marketing
Piggyback Marketing được hiểu là phương thức tiếp thị đồng hợp tác, trong đó hai hoặc nhiều công ty kết hợp với nhau nhằm quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ (không cạnh tranh) vào thị trường.
Momo và Starbuck từng có màn kết hợp độc đáo khi hai bên đăng bài trên Fanpage ngụ ý về sự hợp tác của nhau. Fanpage Ví MoMo bất ngờ đăng trạng thái với màu hồng tím đặc trưng của Thương hiệu làm nền, điểm nhấn là biểu tượng trái tim xanh lá cây ở giữa. Màu xanh lá cây chính là màu Thương hiệu của Starbucks. Đồng thời, Starbucks Vietnam cũng đã đăng bài viết với màu xanh của Thương hiệu làm nền, biểu tượng trái tim màu hồng nằm giữa – màu chủ đạo của MoMo. Trước đó, cả hai Thương hiệu đã thông báo về sự hợp tác giữa họ. Sau khi đăng tải, dòng trạng thái “kết đôi” của Thương hiệu này nhanh chóng thu hút gần 30,000 người theo dõi và tương tác.
Newsjacking Marketing
Newsjacking là một phương thức Marketing mà ở đó, Thương hiệu tận dụng các sự kiện đang thu hút sự chú ý của cộng đồng để tạo nên những nội dung “bắt trend” và thúc đẩy mức độ tiếp cận, tương tác của khách hàng theo thời gian thực. Thuật ngữ này lần đầu được giới thiệu trong quyển sách mang tên Newsjacking: How to Inject your Ideas into a Breaking News Story and Generate Tons of Media Coverage (tạm dịch: Newsjacking: Tận dụng tin tức ‘nóng hổi’ để tạo ý tưởng và thúc đẩy độ thảo luận trên truyền thông) của tác giả David Meerman Scott, đồng thời được bình chọn là “từ ngữ của năm 2017” bởi Oxford Dictionaries.
Xu hướng các Thương hiệu hưởng ứng trend “Lần đầu tiên trái thanh long có trong…” từ viral Mì Thanh Long Caty là điển hình cho phương thức Marketing này.
Nostalgia Marketing
Sau hàng loạt những biến động trong tình hình kinh tế – xã hội, tâm lý của người tiêu dùng đã có sự thay đổi rõ rệt trong những năm gần đây. Thay vì chạy theo những xu hướng mới, Gen Z ngày nay cảm thấy kết nối tốt hơn với các sự vật, hiện tượng gợi nhắc ký ức và giá trị xưa cũ. Nhiều Thương hiệu cũng theo đó triển khai các chiến dịch Nostalgia Marketing (tạm dịch: Marketing hoài niệm), tận dụng tâm lý hoài cổ để xây dựng kết nối về mặt cảm xúc và thúc đẩy lòng trung thành của thế hệ người tiêu dùng tiềm năng trong tương lai.
Những Thương hiệu với có tuổi đời lâu năm như Coca Cola, Pepsi, M&M hoặc Thương hiệu có hình ảnh gắn liền với sự hoài cổ như Cộng Cà Phê vẫn thường sử dụng hình thức Marketing này để kết nối với người tiêu dùng trẻ.
Guerrilla Marketing
Thuật ngữ “Guerilla Marketing” được hiểu Marketing du kích, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1984 trong cuốn sách cùng tên của Jay Conrad Levinson – phó chủ tịch cấp cao của J. Walter Thompson và là thành viên hội đồng quản trị của Leo Burnett Advertising.
Tại thời điểm đó, Levinson sớm nhận ra rằng người tiêu dùng toàn cầu ngày càng cảm thấy khó chịu, mệt mỏi với các đoạn quảng cáo lặp đi lặp lại trên TV, báo chí hay các phương tiện truyền thông khác. Do đó, để thay đổi thực trạng trên, vị chủ tịch của J. Walter Thompson đã đề xuất rằng các chiến dịch tiếp thị cần được triển khai tinh tế hơn với những yếu tố mới mẻ, độc đáo. Bởi điều này sẽ khiến khán giả cảm thấy bất ngờ, hứng thú và tiếp nhận các thông tin/thông điệp một cách tự nhiên nhất. Và hình thức tiếp thị du kích hay Guerilla Marketing ra đời từ đó.
Năm 2022 để quảng bá cho phim Wednesday, Netflix đã đưa một bàn tay robot mô phỏng nhân vật Things trong phim, bất ngờ xuất hiện vào những lúc mọi người không ngờ đến. Bàn tay Thing đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của người đi đường và mang đến những cung bậc cảm xúc như ngạc nhiên, sợ hãi, thích thú, vui vẻ và phấn khích.
Lo-Fi Marketing
Lo-fi Marketing là một thuật ngữ được dùng để miêu tả một chiến lược Marketing tập trung vào việc tạo ra các hình ảnh, video hoặc văn bản có chất lượng không hoàn hảo, hay thậm chí là chất lượng thấp.
Viral clip từ Thương hiệu Mì Thanh Long Caty là một ví dụ điển hình cho hình thức Lo-Fi Marketing. Từ một Thương hiệu nhỏ, Mì Thanh Long Caty thực hiện viral clip với 2 chú mascot nhảy múa trên nền nhạc có lời bài hát dễ ăn sâu vào trí nhớ. Đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem. Giúp đẩy mạnh nhận diện Thương hiệu và tăng doanh số bán hàng bất ngờ.
Gamification Marketing
Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng luôn cảm thấy hào hứng và dễ dàng tương tác với các game mang tính giải trí, xu hướng Gamification Marketing là hình thức ứng dụng các hoạt động game như vào Marketing nhập vai, cơ chế phần thưởng, tích lũy thành quả… với giao diện game nhiều màu sắc, dễ tương tác và thân thiện với người dùng.Đây là giải pháp nâng cao độ nhận diện, thu hút khách hàng, tăng tương tác, và nghiên cứu hành vi khách hàng hiệu quả.
Một số các Thương hiệu đã có chiến dịch Gamification thành công tại Việt Nam phải kể đến là Shopee, Momo..
Kết
Năm 2024, mạng xã hội hứa hẹn sẽ đón nhận thêm nhiều ý tưởng sáng tạo từ các chiến dịch truyền thông của Thương hiệu. Việc áp dụng linh hoạt và hiệu quả những phương thức Marketing độc đáo này sẽ không chỉ giúp các Doanh nghiệp thu hút sự chú ý mà còn cải thiện mối quan hệ và tương tác tích cực với khách hàng, từ đó tạo ra sự khác biệt và thành công rực rỡ trong ngành.
Nguồn: brandsvietnam