Sáng tạo nội dung số (Social Media Content) đã và đang tiếp tục là xu hướng nổi bật trong năm 2024 với sự nở rộ của các nền tảng, công cụ và xu hướng nghề content creator. Điều này là lợi thế hay thách thức với thương hiệu? Cần lưu ý gì để quản trị chiến dịch sáng tạo nội dung trong giai đoạn này?
Sự nở rộ của các nền tảng và công cụ AI
Giai đoạn 2021 – 2023 với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội đã khơi mào sự nở rộ của các content creator (hay còn gọi là “nhà sáng tạo nội dung”) trên các nền tảng như Tiktok, Youtube, Instagram và gần nhất là Reels. Điều này đã mở ra cơ hội cho bất kỳ ai cũng có thể trở thành người sáng tạo nội dung, tạo ảnh hưởng đến một lượng khán giả lớn, đồng thời âm thầm tạo ra một cuộc Cách Mạng thay đổi bức tranh và xu hướng của ngành quảng cáo trong giai đoạn này.
Năm 2024, với sự xuất hiện ngày càng thông minh và mạnh mẽ của các công cụ AI như ChatGPT, các trợ lý ảo, phần mềm thiết kế đơn giản như Canva, Capcut..vv, việc sản xuất nội dung sẽ càng trở nên dễ dàng hơn. Thay vì cần đến rất nhiều kỹ năng và nguồn lực để sản xuất 1 nội dung quảng cáo như trước đây thì hiện tại chỉ cần trên dưới 30 phút để sản xuất xong một content trên social media bất kể định dạng nào.
Xu hướng nghề nghiệp hay trào lưu content creator?
Một điều đáng lưu ý trong ngành sáng tạo nội dung năm 2024, đó là xu hướng “ở nhà làm chủ kênh còn hơn đi làm thuê” người trẻ và người làm việc tự do. Công bằng mà nói, với khả năng thu nhập trung bình từ 15 – 20 triệu đồng trên 1 kênh có booking và gắn affiliate, việc “làm chủ kênh” thực sự hấp dẫn với số đông. Thêm vào đó, tình trạng kinh tế suy thoái, thiếu việc làm và khó khăn trong đầu tư, kinh doanh, gia tăng thu nhập năm 2024 cũng sẽ là bối cảnh phù hợp cho lượng người “bỏ việc xây kênh” tăng lên. Năm 2023, những người xem Tiktok đã không lạ những kênh công nhân vlog, cô giáo, công chức, công sở, người đồng bào…vv dần chuyển từ chế độ “giải trí” thành kênh quảng cáo chuyên nghiệp. Tiêu biểu như kênh Lê Anh Nuôi, từ anh nuôi quân đội với bữa ăn 26k đến ra quân và trở thành nhà kinh doanh online top sàn là điều mà trước đây nghề lính chẳng mấy ai có thể nghĩ đến.
Bên cạnh lượng content creator liên tục tham gia vào thị trường, các creator lâu năm sẽ tiếp tục phát triển lên với 2 xu hướng: trở thành người tự kinh doanh trên tệp fans kênh của mình hoặc trở thành một content creator chuyên nghiệp có độ phủ rộng hơn. Điều này tiếp tục tạo ra 2 xu hướng cho thị trường kinh doanh: đó là có thêm mạng lưới nhà phân phối online là các chủ kênh, hoặc có thêm các kênh quảng cáo, influences chất lượng.
Thách thức và lưu ý trong hoạt động sáng tạo nội dung của thương hiệu
Khi việc sáng tạo nội dung trở nên dễ dàng hơn, thì việc quản lý kế hoạch nội dung sao cho hiệu quả lại sẽ trở thành thách thức. Giống như việc đi vào mê cung, doanh nghiệp sẽ dễ bị “say ma trận” của các xu hướng, áp lực sản xuất nội dung về cả hiệu quả và sự đa dạng cũng tăng lên. Thương hiệu phải tìm cách xây dựng một hệ sinh thái nội dung riêng bao gồm nhiều kênh khác nhau, ví dụ, sử dụng YouTube để chia sẻ video dài, Instagram để chia sẻ hình ảnh và Tiktok/ Reels để chia sẻ video ngắn. Điều này giúp tiếp cận với đa dạng khán giả và tăng khả năng tương tác, tuy nhiên cũng đòi hỏi sự nỗ lực trong quản lý và phân phối nội dung chuyên nghiệp.
Những lưu ý với với Owned Media
Đầu tiên, việc chọn kênh nào phù hợp với mục tiêu của thương hiệu là một yếu tố quan trọng. Yêu cầu hiện diện đa kênh là một xu hướng tất yếu để thương hiệu không xa rời người dùng. Tuy nhiên, mỗi kênh có đặc điểm riêng và khán giả mục tiêu khác nhau, do đó, việc lựa chọn kênh không phù hợp có thể tiêu tốn rất nhiều nguồn lực nhưng không mang lại hiệu quả kinh doanh. Điều này yêu cầu thương hiệu cần có cái nhìn sắc nét về mục tiêu dài hạn – ngắn hạn – bám sát hành trình khách hàng và mô hình Marketing Funnel để tránh FOMO trong chiến lược nội dung.
Thứ hai, quản lý định vị thương hiệu và ý tưởng cũng là điều cần lưu ý. Những content vô tri, giải trí hoặc tiêu cực có một lượng tiếp cận hấp dẫn hơn rất nhiều so với content hữu ích, và điều này dễ dẫn dắt thương hiệu vào định hướng content gây chú ý. Điều này không sai về mặt xu hướng, thậm chí có thể mang lại những chỉ số KPI rất đẹp. Tuy nhiên, để thành công trong việc xây dựng thương hiệu gắn liền với giá trị kinh doanh, thương hiệu cần phải có một định vị rõ ràng và cân bằng được giữa ý tưởng thu hút khán giả với tính bền vững, hiệu quả của thương hiệu.
thương hiệu cần có chiến lược nội dung để đảm bảo cân bằng
Những lưu ý với với hoạt động quản trị nội dung
Bên cạnh việc lập và thực hiện content plan định kỳ (Always On Content), các marketer cần chú ý hơn đến các chiến dịch truyền thông du kích và linh hoạt trên social media. Việc nở rộ content creator có thể giúp một chiến dịch dễ dàng bao phủ các kênh thông qua việc liên kết với đối tác ngay từ khâu sản xuất content, tiếp cận khán giả và cả bán hàng qua Affiliate, livestream. Những newbie trong làng content creator thậm chí sẵn sàng sản xuất nội dung miễn phí để đổi sản phẩm, lấy view, tập xây kênh… nên việc sáng tạo, tạo số lượng nội dung mới sẽ tương đối dễ dàng.
Như vậy, các kế hoạch content marketing 2024 đòi hỏi người làm nội dung cần tư duy bao quát hơn về bussiness, marketing và community thay vì tập trung vào kỹ năng sản xuất như trước đây. Bên cạnh đó, cũng như việc quản lý nền tảng owned media, việc xác định định hướng nội dung sao cho chuẩn, trúng và chọn tệp creator để hợp tác cũng là vấn đề thương hiệu cần lưu tâm.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần có mục tiêu thông điệp sắc nét trong mỗi kế hoạch nội dung, vì sự đa dạng và linh hoạt trong thị trường nội dung số có thể dễ dàng khiến một chiến dịch bị cuốn theo và “ôm đồm” nhiều thông điệp, key message.. cuối cùng dẫn đến khách hàng không thể nhớ sâu, nhớ rõ điều thương hiệu truyền tải.
Với cả hai vấn đề trên, chiến lược nội dung với framework rõ ràng về vai trò của từng nhóm content, nhóm kênh, kế hoạch nội dung đa kênh của thương hiệu sẽ là một bản hướng dẫn sử dụng cực kỳ quan trọng. Nếu không được hoạch định tốt, thương hiệu rất dễ rơi vào cảnh đi vào mê cung, cuốn theo xu hướng mà không có bản đồ chỉ lối đến kết quả kinh doanh.
Nguồn: brandsvietnam