Đối với anh Lê Thanh Sơn – đạo diễn phim điện ảnh được biết đến với tựa phim đình đám “Bẫy rồng” và “Em chưa 18”, đâu là những thách thức, cũng như đúc kết quý giá khi chuyển sang lĩnh vực sản xuất phim quảng cáo?
Production Houselà chuỗi bài viết được thực hiện bởi ME Group x YAM hợp tác với Brands Vietnam, nhằm giúp các bạn trẻ có cái nhìn toàn diện hơn về công việc tại production house, thông qua những chia sẻ thú vị của các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm thực chiến trong ngành.
Ở tập bốn của series Production House, hãy cùng host Vân Anh gặp gỡ và thảo luận với hai vị khách mời là chị Phương Trần – Co-Founder & Executive Producer @ MAY Production & ME Group và anh Lê Thanh Sơn – Đạo diễn của những bộ phim điện ảnh nổi tiếng như Bẫy rồng, Em chưa 18…
Nguồn: ME Group x YAM
* Như thường lệ, đầu tiên thì anh Sơn và chị Phương có thể chia sẻ về dự án tâm đắc nhất không?
Phương Trần: Trên thực tế, đối với ngành production thì khó mà có được dự án nào được hoàn thành một cách trọn vẹn như mong đợi. Do vậy, đối với các dự án đã thực hiện, chị luôn cảm thấy tự hào và trân trọng sự đóng góp của các thành viên trong đội ngũ. Khi nói về dự án tâm đắc, đối với chị, đó là những dự án mang tính cộng đồng.
Cụ thể hơn, đó là dự án “Sống vì trái tim chiến binh” của Vinasoy phối hợp cùng Viện Tim mạch Việt Nam, được thực hiện vào 7-8 năm trước, tức là năm 2016. Vào thời điểm đó, ý tưởng thực hiện TVC này được lấy cảm hứng từ bộ phim đình đám Game of Throne. Với dự án này, chị rất mừng vì phía client và agency đã đồng ý thực hiện ý tưởng táo bạo như thế.
Lê Thanh Sơn: Với anh, đó là dự án phim quảng cáo đầu tiên mà anh thực hiện, do trước đó anh chỉ quay phim điện ảnh. Khi ấy, BAEMIN chỉ vừa xuất hiện tại thị trường Việt Nam, vậy nên họ đang muốn xây dựng một câu chuyện thương hiệu để thu hút khách hàng. Yêu cầu của BAEMIN đưa ra lúc đó là giới thiệu về các “quán ngon quận mình", mà cách diễn đạt phải bao gồm các yếu tố như phụ nữ, tình yêu, sự thú vị hoặc nhàm chán. Cuối cùng thì anh cũng nghĩ ra được ý tưởng đó là phụ nữ nên yêu một người đàn ông thú vị hay an toàn.
* Tiếp theo, hai anh chị có thể chia sẻ về những bài học hữu ích đã đúc kết được trong quá trình làm nghề không?
Chị Phương Trần – Co-Founder & Executive Producer @ MAY Production & ME Group. Nguồn: ME Group x YAM
Phương Trần: Tính đến thời điểm này thì chị đã thực hiện được khá nhiều dự án phim quảng cáo và chị luôn học được điều gì đó từ mỗi dự án, chẳng hạn như từ đội ngũ sản xuất hoặc những khó khăn, trở ngại trong quá trình thực hiện. Qua đó, chị sẽ tự nhủ bản thân rằng phải làm tốt hơn nữa trong các dự án tiếp theo.
Tuy nhiên, các dự án sản xuất chẳng khi nào giống nhau và luôn có những điều mới mẻ để chị liên tục học hỏi. Bởi vì trên thực tế, dù có chuẩn bị kỹ càng đến mức nào thì vào ngày ghi hình cũng sẽ phát sinh những vấn đề mà không ai có thể lường trước được.
Do đó, điều quan trọng mà chị đúc kết được đó là người làm trong ngành production cần chuẩn bị thật kỹ trong giai đoạn pre-production. Nếu không chú trọng vào giai đoạn này thì đến lúc hậu kỳ (post-production) sẽ rất vất vả.
Lê Thanh Sơn: Đối với anh, bài học lớn nhất mà anh rút ra được khi dấn thân vào lĩnh vực sản xuất phim quảng cáo là “học nghe, học nói, học mở, học gói”.
Anh Lê Thanh Sơn – Đạo diễn của những bộ phim điện ảnh nổi tiếng như Bẫy rồng, Em chưa 18… Nguồn: ME Group x YAM
Đầu tiên là “học nghe”. Ở lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn thường có cái tôi cao để bảo vệ đứa con tinh thần của họ. Thế nhưng, đối với lĩnh vực quảng cáo thì khác, mục tiêu cuối cùng vẫn là đưa sản phẩm của thương hiệu đến gần hơn với khách hàng. Vậy nên, lắng nghe là một kỹ năng rất quan trọng.
Kế đến là “học nói”. Đạo diễn trong ngành quảng cáo cần biết cách giao tiếp khéo léo, ôn hoà, nhằm thống nhất ý tưởng giữa phía client, agency và production house.
Tiếp theo là “học mở”, có nghĩa là học cách mở rộng góc nhìn, để có thể sản xuất một bộ phim quảng cáo mà được khán giả cởi mở đón nhận, cũng như để lại ấn tượng với họ.
Cuối cùng là “học gói”, tức là khi “đóng gói” dự án thì đó phải là thành phẩm mang tính “win – win”. Điều đó nghĩa là dự án đó không chỉ làm hài lòng client và agency, mà còn giúp người làm nghề có thể học hỏi được nhiều điều từ bộ phim quảng cáo đó.
Ngoài ra, khác với phim điện ảnh có thời lượng dài, phim quảng cáo thì có thời lượng ngắn, có khi chỉ khoảng 30 giây, nên từng frame (khung hình) cần được chỉnh sửa thật cẩn thận. Có thể nói rằng mọi bộ phim quảng cáo đều phải đáp ứng được tiêu chuẩn “không tì vết” trước khi phát hành đến công chúng. Không chỉ thế, tiêu chuẩn “không tì vết” – canh chỉnh đến từng khung hình cũng đã giúp anh rất nhiều khi ứng dụng vào lĩnh vực điện ảnh. Và đó là hai đúc kết đáng giá nhất mà anh rút ra được khi chuyển qua lĩnh vực quảng cáo.
* Theo kinh nghiệm của anh chị, việc cân bằng được yếu tố nghệ thuật và yếu tố thương mại khi sản xuất phim quảng cáo có quan trọng không?
Phương Trần: Khi phía production house nhận được kịch bản thì người đạo diễn sẽ bắt đầu tìm cách xử lý cảnh quay, còn gọi là director treatment. Để tạo ra một bộ phim quảng cáo có thể dung hoà được yếu tố nghệ thuật lẫn thương mại, cái khó của phía production house là phải tìm cách để đạo diễn không quá “bay bổng”, mà cũng không thể để họ bị mất hứng khi các ý tưởng bị dập tắt, đồng thời vẫn đáp ứng được yêu cầu từ phía agency và client. Thật sự thì không có một phương pháp cụ thể nào mà đội ngũ production house cần phải linh hoạt và nhanh nhạy để tìm cách dung hoà cho cả hai bên thôi.
Lê Thanh Sơn: Thật ra thì anh cảm thấy bản thân may mắn khi đã gắn bó với nghề đạo diễn đủ lâu để có thể học được cách cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và thương mại. Tuy nhiên, anh nhận ra rằng thỉnh thoảng ngành quảng cáo cũng cần những sản phẩm mang tính đột phá về mặt sáng tạo, thậm chí là táo bạo và kỳ quặc. Dẫu vậy, đó là một rủi ro lớn đối với production house, agency lẫn client và chính người đạo diễn cần phải lường trước và sẵn sàng chấp nhận mọi kết quả có thể xảy ra.
Mọi bộ phim quảng cáo đều phải đáp ứng được tiêu chuẩn “không tì vết” trước khi phát hành đến công chúng. Nguồn: ME Group x YAM
* Vậy thì trong quá trình sản xuất, làm thế nào để các bên có thể giảm thiểu những bất đồng, cũng như những cuộc tranh luận, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án?
Phương Trần: Ngành quảng cáo có một thuật ngữ là PPM (pre-production meeting) – tức là những buổi họp giữa agency, production house và client trước khi ghi hình. Để giải quyết những mâu thuẫn, cũng như dung hòa giữa các bên, cách giải quyết duy nhất chính là sự giao tiếp trong những buổi PPM này. Do vậy, các bên cần chia sẻ mọi vấn đề với nhau để tìm ra giải pháp. Trong vài trường hợp, các bên cũng cần thoả hiệp với nhau để quá trình thực hiện diễn ra thuận lợi.
Lê Thanh Sơn: Theo anh, việc hạn chế những cuộc tranh luận không phải lúc nào cũng đúng nếu như các bên biết cách giao tiếp với nhau. Thậm chí, tần suất tranh luận càng nhiều có thể giúp các bên tiếp cận và mở rộng vấn đề một cách hiệu quả hơn. Nếu mà cứ né tránh mâu thuẫn thì sẽ vô tình đánh mất cơ hội đánh giá và mài giũa dự án dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Vì thế, agency, production house và client cần có sự thẳng thắn và rõ ràng với nhau để có thể tạo ra một thành phẩm “không tì vết”.
Theo anh Sơn, việc hạn chế những cuộc tranh luận không phải lúc nào cũng đúng nếu như các bên biết cách giao tiếp với nhau. Nguồn: ME Group x YAM
Bên cạnh đó, bản thân người đạo diễn cũng nên kìm nén cái tôi nghệ thuật một chút. Thay vào đó, đạo diễn nên thuyết phục phía agency và client thông qua những buổi casting hoặc workshop (diễn tập) với diễn viên. Với buổi workshop, khi trực tiếp chứng kiến đạo diễn xử lý cảnh quay thì phía agency và client sẽ cảm thấy an tâm hơn. Theo kinh nghiệm của anh, nếu không có buổi workshop thì khi đến ngày quay các bên sẽ cảm thấy không an tâm, nghiêm trọng hơn là nghi ngờ lẫn nhau. Khi đó, dự án sẽ gặp nhiều trở ngại và thời gian ghi hình bị kéo dài quá lâu so với dự định ban đầu.
* Theo kinh nghiệm của hai anh chị, ngân sách có phải là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một dự án?
Phương Trần: Ngân sách đúng là yếu tố tác động rất nhiều đối với việc tạo ra một bộ phim quảng cáo chất lượng. Đó là sự thật mà người trong ngành production đều công nhận. Tuy nhiên, có đôi khi những yêu cầu và mong đợi từ phía khách hàng lại vượt quá ngân sách đặt ra và đó là một thách thức cho đội ngũ production house. Mức độ thành công của một dự án được đo lường dựa trên nhiều yếu tố. Vậy nên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là các bên có sự giao tiếp rõ ràng, từ đó thống nhất mọi thứ để tạo ra thành phẩm tốt nhất trong ngân sách cho phép.
Lê Thanh Sơn: Dĩ nhiên, mức ngân sách càng cao thì chất lượng của dự án sẽ được đảm bảo. Khi đó, dự án có thể mời được những tên tuổi hàng đầu trong ngành production, cũng như các diễn viên nổi tiếng và KOL có độ nhận diện cao với công chúng. Sau khi phát sóng thì dự án cũng dễ dàng tiếp cận khán giả hơn do có nhiều chi phí để quảng bá trên các nền tảng khác nhau. Vì thế, một dự án với ngân sách cao thì khả năng thành công sẽ cao hơn.
Mức độ thành công của một dự án được đo lường dựa trên nhiều yếu tố. Nguồn: ME Group x YAM
Dẫu vậy, không phải lúc nào ngân sách cũng là yếu tố quyết định. Ví dụ, thỉnh thoảng phía agency và client đưa ra mức ngân sách tương đối cao, song thời gian cần hoàn thành lại quá gấp rút nên chất lượng cũng không được đảm bảo.
Mọi bộ phim quảng cáo đều phải đáp ứng được tiêu chuẩn “không tì vết” trước khi phát hành đến công chúng.
Ngoài ra, cũng có không ít trường hợp “bom xịt”, tức là dự án được đầu tư rất nhiều song lại không đạt được thành công như mong đợi, do không tạo được ấn tượng hoặc khơi gợi cảm xúc của người xem. Nguyên nhân phần lớn xuất phát từ việc không đủ thời gian để nghiên cứu và lắng nghe nhu cầu từ phía khách hàng và đối tượng mục tiêu của dự án.
Còn đối với trường hợp ngân sách không nhiều thì anh cũng có thể thông cảm cho khách hàng bởi vì tình hình kinh tế suy thoái. Trên thực tế, đôi khi việc ngân sách bị hạn chế cũng là một cơ hội, cũng như thách thức để đạo diễn có cơ hội sáng tạo và tìm ra những ý tưởng độc đáo để tạo ra thành phẩm có chất lượng tốt nhất.
* Xin cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị Phương và anh Sơn!