Trong thời đại nhận thức về các vấn đề xã hội và môi trường được tăng cường, việc xây dựng chiến lược thương hiệu bền vững đã trở thành một ưu tiên hàng đầu đối với các doanh nghiệp. Việc ứng dụng các tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đã trở thành một công cụ quan trọng để xây dựng chiến lược thương hiệu bền vững thành công. Theo một nghiên cứu gần đây của Accenture cũng chỉ ra rằng 60% nhà đầu tư châu Á Thái Bình Dương sẵn sàng đầu tư vào các doanh nghiệp có tầm nhìn ESG mạnh mẽ. Một số thương hiệu tiên phong trong việc tích hợp ESG vào quá trình xây dựng chiến lược thương hiệu bền vững có thể kể đến như: Unilever, Patagonia, Tesla, Microsoft…
Patagonia, một thương hiệu sản xuất quần áo và trang thiết bị outdoor, đã đưa phát triển bền vững trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược kinh doanh của mình. Công ty đã triển khai một loạt các chiến dịch “Patagonia sustainable supply chain” nhằm đo lường, giảm thiểu và loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình sản xuất nguyên vật liệu như xây dựng hệ thống quản lý môi trường, sử dụng bông hữu cơ, polyester tái chế..
Patagonia cũng đã phát triển một chuỗi cung ứng bền vững, làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để đảm bảo họ đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và xã hội một cách nghiêm ngặt. Nhờ đó, Patagonia đã giảm được lượng khí thải carbon, cải thiện cuộc sống của công nhân trong chuỗi cung ứng của mình và tạo ra một lượng khách hàng trung thành có nhận thức về phát triển bền vững.
Mặc dù phát triển thương hiệu bền vững không phải một chủ đề mới, tuy nhiên việc lồng ghép các tiêu chí ESG vào chiến lược phát triển thương hiệu vẫn còn khá mới mẻ và khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam loay hoay. Gợi ý về cách thức xây dựng chiến lược thương hiệu bền vững trong thời đại này, Mibrand đề xuất một vài tiêu chí cơ bản:
Định rõ giá trị và mục tiêu ESG
Đầu tiên, các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ và xác định các yếu tố ESG quan trọng đối với doanh nghiệp của mình. Các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị phải được tích hợp vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp, từ quy trình sản xuất, chuỗi cung ứng cho đến quyết định quản lý và truyền thông thương hiệu. Ví dụ, nếu một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, vấn đề về bao bì và tái chế có thể là một trong những vấn đề quan trọng về môi trường. Hay đối với các doanh nghiệp công nghệ, chính sách bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư có thể là một vấn đề quan trọng.
Xây dựng triết lý thương hiệu, tầm nhìn và sứ mệnh rõ ràng
Xây dựng triết lý thương hiệu, tầm nhìn và sứ mệnh gắn với ESG rõ ràng còn giúp xác định mục tiêu phát triển bền vững và định hướng cho các hoạt động của doanh nghiệp.
Nó tạo ra sự động lực và hướng dẫn cho nhân viên và các bên liên quan, đồng thời tạo ra sự phát triển và tương tác tích cực giữa doanh nghiệp và môi trường xã hội.
Tạo ra thông điệp và câu chuyện thương hiệu phù hợp
Doanh nghiệp cần xây dựng một thông điệp và câu chuyện thương hiệu phù hợp với giá trị ESG mà họ đại diện. Việc truyền tải và kể lại những câu chuyện về những nỗ lực ESG của doanh nghiệp một cách khéo léo, chân thành & sáng tạo sẽ tạo nên một hình ảnh đáng tin cậy cho thương hiệu.
Đảm bảo tuân thủ và tuyên truyền ESG trong toàn bộ tổ chức
Để thực hiện ESG trong chiến lược thương hiệu, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng các nguyên tắc và tiêu chuẩn ESG được tuân thủ và tuyên truyền trong toàn bộ tổ chức. Điều này đòi hỏi một sự cam kết từ tất cả các bộ phận và nhân viên, từ quản lý cấp cao cho đến nhân viên cơ sở, nhằm đảm bảo rằng việc áp dụng ESG không chỉ là một cam kết từ phía lãnh đạo, mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa tổ chức.
Xây dựng đối tác và hợp tác với các bên liên quan
Các doanh nghiệp cần tạo ra mối quan hệ đối tác và hợp tác với các bên liên quan, bao gồm khách hàng, nhà đầu tư, cộng đồng địa phương và các tổ chức phi chính phủ. Bằng cách tương tác và hợp tác với những người có cùng mục tiêu và giá trị ESG, doanh nghiệp có thể tăng cường hiệu quả và tạo ra tác động lớn hơn trong việc xây dựng chiến lược thương hiệu bền vững.
Hành động kiên trì và đánh giá hiệu quả định kỳ
ESG đi kèm với các cam kết lâu dài. Điều này đòi hỏi sự nhất quán trong quyết định chiến lược và khả năng thích ứng linh hoạt với các thay đổi trong môi trường kinh doanh. Để đảm bảo sự nhất quán và tính hiệu quả trong quá trình thực thi, doanh nghiệp cần thiết lập các hệ thống theo dõi và đo lường tiến bộ trong việc thực hiện ESG như thiết lập các chỉ số hiệu suất, báo cáo thường xuyên về tiến bộ và tổ chức các cuộc đánh giá nội bộ hoặc bên ngoài.
Trên hành trình xây dựng chiến lược thương hiệu bền vững, việc ứng dụng ESG không chỉ đảm bảo sự phát triển kinh doanh, mà còn tạo ra một tương lai tốt đẹp cho cả doanh nghiệp và toàn cộng đồng. Bằng cách hành động bền vững và thúc đẩy các giá trị ESG, chúng ta đang định hình một thế giới kinh doanh có trách nhiệm, xanh hơn và xã hội hơn.
Nguồn: brandsvietnam