Kinh tế Việt Nam đang tiếp tục “nếm trải” những tác động tiêu cực do suy thoái toàn cầu sau khi đại dịch Covid-19 vừa kết thúc chẳng được bao lâu. Tuy nhiên, ở lần này, chúng ta ít nhiều đã có đủ kinh nghiệm để đối đầu với mọi thử thách đón chờ, mang trong mình một tâm thế vững vàng và tự tin hơn.
Trước khi có bất kì suy nghĩ tích cực hay tiêu cực nào, doanh nghiệp nên tham khảo 3 kịch bản lường trước - 3 hướng đi cho hoạt động kinh doanh thời điểm hiện tại, sẵn sàng “binh khí” bước vào trận chiến mới. Đây cũng là 3 theme tạo nên khung nội dung chính cho cuốn sách GAM7 No.17 - Marketing trong thời kỳ suy thoái.
1. Biến mất - Nguy cơ không loại trừ bất cứ ai
Kể từ năm 2022, các chuyên gia kinh tế thế giới đã liên tiếp đưa ra những lo ngại, dự đoán về một cuộc suy thoái cận kề hơn bao giờ hết. Kinh tế ở nhiều quốc gia phải trải qua những ảnh hưởng kéo dài do đại dịch, lạm phát, hay gần nhất là vấn đề xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine:
Cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất kể từ những năm 1970 đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới, đẩy lạm phát lên mức đỉnh điểm trong nhiều thập kỷ.
Theo IMF, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, giảm từ 3,2% năm 2022 xuống còn 2,7% trên toàn thế giới.
OECD dự báo lạm phát của G20 sẽ giảm xuống 5,5% vào năm 2023 và 2024. Châu Á sẽ có sự khởi đầu chậm chạp trong năm 2023, với nền kinh tế yếu kém và tăng trưởng chạm đáy trong quý 2.
Xét tình hình trong nước, thị trường cũng hoạt động ảm đạm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như vấn đề dòng tiền, sự đóng băng của thị trường bất động sản và tài chính, những bất ổn về tỷ giá ngoại tệ hay thu nhập của người dân sụt giảm…
Giữa tình cảnh cấp bách, một số doanh nghiệp đã chủ động tái cơ cấu danh mục sản phẩm, cắt giảm chi phí và tạm ngưng mở rộng hệ thống nhằm hạn chế gánh nặng tài chính, duy trì nguồn vốn chờ sức tiêu dùng phục hồi.
Tuy nhiên không phải mọi công ty đều may mắn như vậy. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sau hai tháng đầu năm 2023 là 51.400, tương đương bình quân một tháng có 25.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (856 doanh nghiệp đóng cửa/ngày).
Các doanh nghiệp Việt đang phải oằn mình chống chọi với kinh tế khó khăn. Các hoạt động Marketing của doanh nghiệp cũng không thể diễn ra như trước. Nguy cơ biến mất đã không còn là câu chuyện “để mai tính".
2. Cầm cự vượt khó khăn, chờ đợi cơn “cuồng phong” đi qua
Bên cạnh những luồng thông tin xấu về thị trường, vẫn có những tín hiệu tích cực để chúng ta mong chờ trong năm 2023. Nếu so sánh với cuộc Đại Khủng hoảng 2008 – 2009, hiện tại dường như vẫn còn là một giai đoạn “dễ thở” hơn tương đối. Nhìn vào thời điểm hiện tại, hệ thống tài chính đã được xây dựng minh bạch và rõ ràng hơn, những kinh nghiệm đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng trước đây và duy trì cán cân vĩ mô cũng được Chính phủ tích lũy dần theo thời gian. Yếu tố Covid-19 vừa là gánh nặng, vừa là bước đà để lĩnh vực công nghệ bứt phá, mang lại những đóng góp trong việc duy trì nền kinh tế tránh khỏi “vực thẳm” suy thoái.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp và Marketers chớ vội bi quan mà cắt giảm ngân sách Marketing để tiết kiệm chi chí. Điều quan trọng là tìm cách tối ưu, kết hợp và đầu tư vào các kênh đang hoạt động tốt, đảm bảo mọi chi tiêu được phân bổ hợp lý, trong khi vẫn hoàn thành được mục tiêu đề ra (đảm bảo doanh thu, giữ chân khách hàng, bảo vệ thị phần…).
Nhớ rằng, trong suy thoái, mọi bước đi của Marketing đều có thể trở thành chiếc phao cứu cánh giúp vượt qua khó khăn, hoặc là hòn đá nặng nhấn chìm sức sống doanh nghiệp.
3. Xoay chuyển góc nhìn để biến “nguy” thành “cơ” và vươn lên mạnh mẽ
Suy thoái kinh tế có thể đặc biệt đáng sợ đối với các doanh nghiệp, dù quy mô lớn hay nhỏ đến đâu. Nhưng nó cũng tạo ra cơ hội hiếm có cho những ai biết nắm bắt để đạt được lợi thế cạnh tranh, tạo bước đà vươn lên mạnh mẽ trong tương lai.
Lịch sử cho thấy 75% các cuộc suy thoái kết thúc trong vòng một năm và 30% hoàn toàn chỉ diễn ra trong hai quý. Trong đó, có nhiều công ty đã lội ngược dòng một cách ngoạn mục:
Airbnb được thành lập trong giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008, nhanh chóng phát triển như một giải pháp thay thế hợp lý hơn cho việc lưu trú khách sạn, trở thành mô hình kinh doanh trị giá hơn 100 tỷ đô-la.
Coolmate - một doanh nghiệp nội địa được thành lập từ năm 2019, đã tăng trưởng thần tốc kể cả trong đại dịch Covid-19, tập trung theo đuổi mô hình D2C phù hợp với nhu cầu mua hàng online tăng cao của người tiêu dùng.
Thế Giới Di Động chớp lấy cơ hội ở thị trường điện máy Campuchia giữa bối cảnh đại dịch, mở liên tục 50 cửa hàng Bluetronics trong 6 tháng cuối năm 2020, biến thương hiệu này trở thành nhà bán lẻ thiết bị di động, điện tử tiêu dùng lớn nhất tại quốc gia này trong năm 2021.
Giống như Napoleon Hill từng nói: “Mọi nghịch cảnh đều mang trong mình hạt giống của một cơ hội tương đương, thậm chí tuyệt vời”
Suy thoái xét cho cùng chỉ là một phần tất yếu trong chu kỳ của cả nền kinh tế. Sau thời điểm “tối tăm, u ám” cũng là lúc bình minh sắp hửng sáng, và những quyết định mà các thương hiệu đưa ra trong thời kỳ này sẽ quyết định liệu họ có tồn tại lâu dài hay không.
Một kế hoạch ứng phó, một sự chuẩn bị kỹ càng, doanh nghiệp của bạn không chỉ vượt qua khủng hoảng mà còn tiến lên mạnh mẽ, sẵn sàng đương đầu với nhiều bất định khác trong tương lai. Đọc ngay GAM7 No.17 - Marketing trong thời kỳ suy thoái để tìm kiếm lời giải đáp hữu ích cho hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp.
Nguồn: brandsvietnam