Trong quý I vừa qua, có trên 235 triệu lượt khách đi du lịch quốc tế trên toàn cầu, tăng hơn 89% so với năm ngoái và phục hồi 80% so với trước dịch (năm 2019). Trong đó, lượng khách quốc tế của 3 tháng đầu năm tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chiếm hơn 1/5 thị phần thế giới với 49,7 triệu lượt. Riêng 5 điểm đến Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Indonesia và Philippines) chiếm tổng cộng hơn 6%, đạt 15,7 triệu lượt khách quốc tế.
Theo số liệu báo cáo từ UNWTO, tỷ lệ phục hồi du lịch quốc tế của Châu Á – Thái Bình Dương trong quý I là 54% so với 2019. Con số này đạt 61% đối với khu vực Đông Nam Á. Như vậy, so với tốc độ phục hồi chung của thế giới (80%), Châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang bị bỏ khá xa.
Hiệu quả hoạt động du lịch của Đông Nam Á
Theo thống kê chính thức của các nước, có thể thấy tỷ lệ phục hồi du lịch của 5 quốc gia Đông Nam Á khá đồng đều, dao động từ 59% đến 63%. Philippines là điểm đến phục hồi tốt nhất, trái ngược với Indonesia hiện có tỷ lệ phục hồi thấp nhất.
Việc dỡ bỏ các rào cản đi lại và sự trở lại của các thị trường nguồn quan trọng đã đẩy tỷ lệ tăng trưởng quý I lên tới 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Bằng chứng là số lượt khách quốc tế ghé thăm Đông Nam Á cao hơn 13 lần so với quý I/2022.
Về số lượt khách quốc tế trong quý I, thứ tự từ cao xuống thấp của các nước vẫn lần lượt là Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Indonesia và Philippines. Thái Lan chiếm thế thượng phong với lượng khách cao hơn cả tổng lượng khách của hạng nhì và hạng ba. Số lượt khách của Singapore bằng 44,9%, còn Việt Nam chỉ đạt 41,7% so với xứ chùa Vàng.
Về tỷ lệ đạt mục tiêu 2023, Việt Nam vẫn dẫn đầu với 33,74%. Singapore là quốc gia còn cách xa mục tiêu đề ra nhất (20,78%).
Các thị trường nguồn lớn nhất của các nước Đông Nam Á
Nhìn chung, Châu Á vẫn đang là thị trường inbound chủ yếu của Đông Nam Á. Du khách Trung Quốc chưa mặn mà trở lại nhiều với du lịch nước ngoài. Khách Mỹ ngày càng thể hiện sự yêu thích với khu vực này.
Thái Lan
Trong quý I, 3 trên 5 thị trường khách lớn nhất của Thái Lan thuộc Châu Á, trong đó thị trường nguồn lớn nhất là Malaysia (chiếm hơn 14%). Nhìn chung, thị phần của các thị trường nguồn ở Thái Lan được phân chia khá đều nhau. Nước này không phụ thuộc hoàn toàn vào một thị trường bất kỳ nào quá nhiều. Trong 5 quốc gia Đông Nam Á, chỉ có Thái Lan thu hút được một lượng lớn du khách Nga (566.667 lượt).
Singapore
Đảo quốc sư tử là điểm đến outbound ưa thích của nhiều khách Châu Á trong quý I/2023, cụ thể là Indonesia, Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ. Úc là thị trường ngoài Châu Á duy nhất nằm trong Top 5 thị trường nguồn của Singapore, đứng vị trí thứ 4 với 249.537 lượt khách.
Việt Nam
4/5 thị trường khách quốc tế trọng điểm của Việt Nam cũng thuộc Châu Á. Top 5 thị trường nguồn lần lượt gồm Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc và Đài Loan. Trong đó, khách Hàn Quốc chiếm tới gần 1/3 tổng khách quốc tế tới Việt Nam (810.938 lượt). Việt Nam vẫn đang cho thấy tình trạng bị một thị trường chi phối. Trong 3 tháng đầu năm, thị phần của thị trường Hàn Quốc (30%) cao gấp gần 4 lần thị trường thứ hai là Mỹ (7,7%).
Indonesia
Trong quý I, Indonesia là điểm đến phổ biến của nhiều thị trường Đông Nam Á gồm Malaysia, Singapore và Timor Leste. Bên cạnh đó, Trung Quốc và Úc cũng là hai thị trường inbound lớn của Indonesia.
Philippines
Philippines đặc biệt thu hút khách từ nhiều khu vực. Top 2 thị trường nguồn của Philippines cũng giống Việt Nam, đó là Hàn Quốc và Mỹ (chiếm hơn 44% thị phần). Riêng lượng khách Hàn Quốc chiếm hơn 1/4 tổng lượng khách quốc tế của nước này (361.985 lượt, tương đương 25,7%). Ba vị trí còn lại lần lượt là Canada, Úc và Nhật Bản.
Các thông tin nổi bật
Top 3 điểm đến Đông Nam Á đón số lượt khách quốc tế đến cao nhất quý I/2023:
- Thái Lan: 6.477.538
- Singapore: 2.909.520
- Việt Nam: 2.699.556
Top 3 điểm đến Đông Nam Á có tỷ lệ phục hồi cao nhất quý I/2023:
- Philippines: 63,77%
- Indonesia: 62,17%
- Thái Lan: 60,02%
Top 3 thị trường nguồn của 5 nước Đông Nam Á trong quý I/2023:
- Hàn Quốc: 1,84 triệu lượt khách quốc tế, chiếm 11,74%. Trong thời gian Trung Quốc đóng cửa và du khách còn e dè đi du lịch quốc tế, Hàn Quốc đã trở thành thị trường nguồn lớn nhất của Đông Nam Á. Trước dịch, đây cũng là một trong những thị trường gửi khách hàng đầu thế giới.
- Malaysia: 1,68 triệu lượt khách quốc tế, chiếm 10,71%. Malaysia chưa công bố bất kỳ số liệu nào về tình hình hoạt động du lịch trong quý. Dù vậy, theo ghi nhận từ các nước khác, Malaysia đang là thị trường nguồn lớn thứ 2 và thị trường nội bộ lớn nhất của khu vực Đông Nam Á.
- Mỹ: 0,952 triệu lượt khách quốc tế, chiếm 6,05%. Khách du lịch từ cường quốc này vẫn bày tỏ sự yêu thích với khu vực Đông Nam Á nhờ những nét văn hóa đặc sắc, khí hậu dễ chịu, chi phí rẻ, thiên nhiên hùng vĩ...
Trong quý I/2023, tình hình phục hồi du lịch quốc tế của Đông Nam Á còn thấp hơn so với thế giới, nhưng cũng đã có những dấu hiệu khởi sắc với mức tăng trưởng theo tháng. Các thị trường nguồn lớn nhất của 5 nước Đông Nam Á chủ yếu vẫn tập trung ở Châu Á. Úc và Mỹ là 2 thị trường ngoài Châu Á nổi bật. Trong đợt du lịch thấp điểm ở quý II, các nước trong khu vực liệu có còn giữ được đà tăng trưởng hiện tại?
Nguồn: brandsvietnam