Một trang LinkedIn sở hữu cộng đồng người theo dõi tích cực và mạnh mẽ sẽ là trợ thủ đắc lực cho các hoạt động phát triển kinh doanh. Từ Top 10 tài khoản LinkedIn đạt hàng chục triệu followers, chúng ta học được gì trong việc tạo ra những nội dung hấp dẫn và đáng theo dõi cho doanh nghiệp?
* LinkedIn đã tổng hợp danh sách 10 tài khoản được theo dõi nhiều nhất trên nền tảng tính đến cuối tháng 11/2022, không bao gồm các tài khoản thuộc sở hữu của LinkedIn hoặc không có lịch sử đăng bài thường xuyên.
Amazon (29,7 triệu)
1. Đăng tin tức hàng ngày
Nền tảng công nghệ khổng lồ Amazon khá năng nổ trong việc đăng tải nội dung theo ngày. Các bài đăng hàng ngày đều xoay quanh những chủ đề: phỏng vấn nhân viên theo thời gian thực, đưa tin về sự kiện hoặc hoạt động thực tế đang diễn ra tại công ty... Dạng nội dung này giúp sự hiện diện của Amazon trên LinkedIn trở nên mới mẻ, năng động và mang tính thời sự cao. Từ đó, thương hiệu thúc đẩy thành công tương tác tự nhiên của người dùng trên nền tảng.
2. Tập trung vào nhân viên
Ghé vào tường nhà Amazon trên LinkedIn, người dùng không khó để tìm kiếm một nội dung có sự xuất hiện của đội ngũ nhân viên tại công ty. Amazon thậm chí còn tạo chủ đề “Amazon’s Life” trên trang, dành riêng cho việc đăng lại các nội dung chất lượng từ trang cá nhân của nhân viên.
Bằng cách này, Amazon đã khiến trang LinkedIn của công ty không còn đơn thuần là một tài khoản doanh nghiệp, mà đã trở thành một trang cộng đồng chính hiệu – nơi mọi người dùng có thể tìm tới để kết nối và mở rộng mối quan hệ. Theo LinkedIn, các bài đăng về nhân viên thu hút lượng tương tác cao hơn gấp 5 lần so với những tệp nội dung sáng tạo khác trên trang Amazon.
Google (28,1 triệu)
1. Nội dung dạng hỏi & đáp
Đúng như tính năng tìm kiếm thường thấy của mình, Google đã biến trang LinkedIn thành một nơi giải đáp tất cả những thắc mắc cho người dùng. Thương hiệu thường xuyên đặt câu hỏi theo đa dạng chủ đề rồi đưa ra câu trả lời, hoặc đính kèm nội dung call-to-action nhằm thúc đẩy những cuộc trò chuyện tự nhiên từ người theo dõi.
2. Tạo hashtag riêng cho một chủ đề cụ thể
Với tất cả bài đăng liên quan đến môi trường làm việc tại Google, thương hiệu luôn đính kèm hashtag #LifeAtGoogle. Công ty cũng khuyến khích nhân viên làm điều tương tự. Kết quả, gã khổng lồ tìm kiếm đã sở hữu một hashtag có gần 7.000 người theo dõi (tính đến 27/2/2023).
TED Conferences (23,3 triệu)
1. Áp dụng nhiều hình thức truyền tải
Điểm đặc trưng của các nội dung từ TED Talks là sự hữu ích, hiện đại, và tính độc quyền. Do đó, trang LinkedIn của TED không chỉ chú trọng vào việc cập nhật liên tục các nội dung mới nhất, mà còn tìm cách tối ưu hóa trải nghiệm xem thông qua việc đa dạng hoá định dạng: khảo sát, video ngắn, album ảnh...
2. Nghệ thuật đặt tiêu đề
Ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ nội dung cốt lõi là tiêu chí mà TED áp dụng với tất cả tiêu đề bài đăng trên trang LinkedIn của mình. Tiêu đề là nhân tố đầu tiên thu hút sự chú ý của người dùng để đi đến quyết định có đọc bài đăng hay không.
3. Đính kèm liên kết đến bài đăng có nội dung đầy đủ hoặc tương tự
Lượng nội dung mà TED cung cấp tương đối lớn, trải rộng ra nhiều lĩnh vực. Do đó, không phải lúc nào TED cũng có thể giới thiệu tất cả nội dung của tổ chức trên LinkedIn. Đính kèm liên kết đến bài đăng gốc hoặc bài đăng sở hữu nội dung cùng chủ đề là giải pháp hữu hiệu giúp TED “giữ chân” người dùng và thu hút thêm tương tác.
Microsoft (19,2 triệu)
1. Đặt tiêu đề cho mọi bài đăng
Hầu hết bài đăng của Microsoft trên LinkedIn, người dùng dễ dàng bắt gặp motip: Mở đầu bằng một câu đơn truyền tải thông điệp, ngắt dòng rồi sau đó mới trình bày nội dung chi tiết. Đây là “công thức” giúp nội dung quảng bá của Microsoft trên mạng xã hội được tối ưu hoá nhất có thể.
2. Đề cao tính cập nhật
Microsoft luôn chú ý đến các xu hướng của ngành khi xây dựng nội dung, hoặc đăng tải bài viết mang tính thời điểm như vào các kỳ nghỉ lễ.
3. Tận dụng tối đa định dạng video
Thay vì sử dụng văn bản để giới thiệu về công ty trên tab “Life” (nơi người dùng có thể phân loại nội dung tùy thích theo từng ô), Microsoft tạo một video thời lượng một phút. Cách làm này giúp trang LinkedIn của thương hiệu trở nên độc đáo và hấp dẫn hơn so với trước đây.
Unilever (18,6 triệu)
1. Đồng nhất trong nhận diện
Tone màu chủ đạo trong nhận diện thương hiệu của Unilever là xanh dương đậm. Trong tất cả bài đăng, Unilever luôn trung thành với màu sắc này từ thiết kế hình ảnh/ video đến icon dùng trên caption.
2. Làm nổi bật hình ảnh con người
Đa số các nội dung trên trang LinkedIn của Unilever đều tập trung vào hình ảnh khuôn mặt người. Ngoài việc thể hiện tinh thần đề cao yếu tố con người trong kinh doanh, cách khai thác nội dung này còn làm tăng mức độ uy tín, chân thực và gần gũi hơn cho bài đăng.
3. Tôn vinh sự đa dạng của nguồn nhân lực
Là một công ty đa quốc gia, Unilever quan tâm tới việc thể hiện được điều này thông qua các bài đăng trên LinkedIn. Hình ảnh hay video về nhân viên của Unilever luôn phản ánh sự đa dạng về chủng tộc cũng như giới tính, biến đặc điểm này thành thế mạnh độc quyền cho nội dung.
Forbes (18,1 triệu)
1. Sản xuất nội dung độc quyền dành riêng cho LinkedIn
Hầu hết các bài đăng trên LinkedIn của Forbes đều có liên kết với một bài viết trên website thương hiệu. Forbes cũng đã bắt đầu sản xuất chuyên mục “Bản tin hàng tuần” dành riêng cho kênh LinkedIn, khiến người dùng có thêm lý do để theo dõi thương hiệu trên đa nền tảng.
2. Đặt tiêu đề “úp mở”
Khác với Microsoft, Forbes kiểm soát số chữ trên tiêu đề để chúng luôn bị cắt ngay đoạn nội dung quan trọng ở giao diện hiển thị trước (preview). Chiêu thức này kích thích hành vi nhấp “xem thêm” của người dùng, từ đó tăng tỉ lệ tương tác cho bài đăng.
3. Hình ảnh có thiết kế bắt mắt làm nổi bật quote
Tận dụng định dạng hình ảnh, Forbes đính kèm một đoạn trích dẫn hấp dẫn lấy từ bài viết trên website hoặc cuộc phỏng vấn đã thực hiện. Các nội dung này thường sở hữu màu sắc tương phản lớn với nền, giúp chúng nhanh chóng thu hút người dùng.
IBM (15,1 triệu)
1. Không bỏ qua các thời điểm quan trọng
Đăng các nội dung mang tính thời điểm, đặc biệt trong những dịp lễ được nhiều người dùng mục tiêu quan tâm là một cách thu hút hiệu quả các tương tác tự nhiên. Điển hình, IBM đã tạo một chủ đề thảo luận mới nhân Tháng Tự Hào của người Tây Ban Nha thông qua hashtag #HispanicHeritageMonth. Tại đây, IBM tôn vinh tất cả nhân viên gốc Tây Ban Nha đang làm việc tại công ty và cùng trò chuyện trực tiếp với họ.
2. Sáng tạo trong cách phân luồng chủ đề
Tại tab “Life” trên trang LinkedIn, IBM đưa người dùng “du lịch” đến những vùng đất mà thương hiệu đã từng có mặt và ghi dấu ấn. Đặt tên từng chủ đề theo địa danh (Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, Ấn Độ, Úc và New Zealand), IBM vừa tối ưu hoá trải nghiệm xem cho người dùng, vừa thể hiện tư duy quốc tế cùng thái độ bình đẳng với tất cả khu vực.
Nestlé (14,4 triệu)
1. Khẳng định cam kết của thương hiệu qua tất cả bài đăng
Thông qua tab “Giới thiệu”, Nestlé công khai kế hoạch thực hiện các cam kết bền vững của thương hiệu (mục “Our featured commitments“). Ngoài ra, thương hiệu cũng liên tục chia sẻ thông tin cập nhật về tiến độ kế hoạch, thông qua các video và hình ảnh hấp dẫn. Qua đó, Nestlé từng bước gia tăng giá trị cũng như cảm tình thương hiệu.
2. Tích cực tương tác với người dùng
Dưới mỗi bài đăng, Nestlé thường xuyên trả lời bình luận của người dùng. Ngoài mục đích tăng tương tác, cách làm này giúp thương hiệu xây dựng một hình ảnh thân thiện, hình thành mối quan hệ gần gũi với khách hàng mục tiêu.
Harvard Business Review (14,1 triệu)
1. Tổ chức sự kiện
Hàng tháng, Harvard Business Review (HBR) đều tổ chức các sự kiện về chủ đề hướng nghiệp. Thông qua việc livestream trên LinkedIn, HBR mở ra cơ hội tương tác và kết nối với người dùng mạng xã hội này.
2. Gán nhãn và phân loại nội dung
Đầu mỗi bài đăng, HBR thường đính kèm ba dòng mô tả rõ nhóm độc giả nào sẽ phù hợp với nội dung được truyền tải phía dưới. Nhờ đó, mỗi bài đăng đều thu hút tự nhiên đúng tệp đối tượng mong muốn.
3. Đóng vai trò như một chuyên gia
Dưới cái tên HBR, doanh nghiệp tương tác tích cực với người theo dõi trang bằng giọng điệu của một chuyên gia đích thực. Người dùng sẽ định vị trang HBR trên LinkedIn là một nơi lý tưởng để tìm kiếm các thông tin hữu ích về kinh doanh.
The Economist (13,1 triệu)
1. Liên tục đổi mới thiết kế
The Economist sử dụng khá nhiều loại hình ảnh để minh hoạ cho bài đăng của mình, ví dụ như bản đồ, tranh phong cảnh hay hoạt hoạ. Kết hợp với tính nhất quán trong màu sắc chủ đạo, bài đăng của The Economist có độ nhận diện cao nhưng vẫn không nhàm chán.
2. Xây dựng một hình tượng cụ thể cho thương hiệu
Trên tab “Life”, The Economist giới thiệu hồ sơ cùng lời cam kết của một số nhân viên chủ chốt đứng sau các bài đăng. Điều này biến The Economist từ một thương hiệu báo chí thành một nhóm người cụ thể mà những người theo dõi có thể tin tưởng và ủng hộ.
Mặc dù đại diện cho nhiều lĩnh vực hoạt động và cách tiếp cận mạng xã hội khác nhau, 10 tài khoản được theo dõi nhiều nhất trên LinkedIn trên vẫn có một “công thức“ thành công chung. LinkedIn đúc kết một số bài học nổi bật như sau:
- Không bao giờ bỏ qua định dạng video
- Tôn vinh yếu tố con người và dành không gian riêng cho tiếng nói của nhân viên
- Đảm bảo tính hữu ích, mới mẻ và luôn cập nhật cho trang LinkedIn
- Xây dựng đối thoại hai chiều giữa thương hiệu và người theo dõi
- Nhất quán trong nhận diện ở mọi bài đăng
- Đăng tải nội dung của bên thứ ba (UGC, bài đăng hữu ích từ thương hiệu khác, nội dung do nhân viên sáng tạo...)
Nguồn: brandsvietnam