Mỗi năm có hàng ngàn đơn vị giáo dục công lập, tư thục, Edtech được thành lập để đáp ứng nhu cầu người học. Đứng trước xu hướng không ngừng tăng lên của học viên và các đơn vị giáo dục, vấn đề cung cầu trong ngành đã tác động lớn đến việc tuyển sinh và xây dựng danh tiếng trên thị trường vốn đã có nhiều cạnh tranh hiện nay.
Ngày 23.3.2023, công ty CP Adsota đã tổ chức thành công Workshop Online “Nổi bật và khác biệt trong mùa tuyển sinh 2023” với sự tham gia của các diễn giả trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ và marketing. Sự kiện chỉ ra những vấn đề luôn được các trường quan tâm như làm sao để tăng tỷ lệ tuyển sinh khi có rất nhiều đối thủ trên thị trường, đổi mới thương hiệu nên bắt đầu từ đâu để trở nên nổi bật và khác biệt hay việc ứng dụng công nghệ trong marketing ngành giáo dục có thực sự cần thiết hay không….
Theo các số liệu cụ thể về thị trường, Ông Đặng Phú Vinh - CEO Công ty CP Adsota đã đưa ra nhận định về mối liên hệ giữa cung và cầu trong ngành giáo dục: “Trong thực tế, nhu cầu học tập, chọn trường hiện nay là rất lớn nhưng khoảng cách giữa cung và cầu trên thị trường không quá xa như chúng ta tưởng tượng”. Đồng thời, anh cũng chia sẻ chi tiết về bối cảnh thị trường ngành giáo dục để làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến việc cạnh tranh trong tuyển sinh và tạo dựng danh tiếng hiện nay.
Tỷ lệ chi tiêu cho Giáo Dục cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực với 4,9% GDP, tương đương 18% tổng chi ngân sách nhà nước
Theo Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Việt Nam, nhìn chung về mặt tài chính mức độ đầu tư cho giáo dục của Việt Nam có xu hướng tăng đều trong vòng 10 năm qua (2011-2020) với 18% tổng chi ngân sách nhà nước. Mỗi gia đình sẵn sàng chi 30% thu nhập đầu tư cho việc học của con cái. Có thể thấy, không chỉ cha mẹ, chính phủ vẫn luôn dành sự ưu tiên cho việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu hiện nay chiếm 13% tổng dân số, tỷ lệ gia tăng thu nhập cũng cao hơn với 12,4% nên phụ huynh càng sẵn sàng đầu tư cho con học các trường tư thục, quốc tế với mức học phí cao gấp 4-5 lần so với trường công lập.
Tầng lớp trung lưu đạt 13% tổng dân số cả nước
Ngoài nhu cầu về mặt tài chính, mong muốn của học sinh & phụ huynh cũng được thể hiện rõ thông qua việc chọn trường, đơn vị đào tạo. Theo khảo sát của British Council 2022, có đến 64% học viên lựa chọn ngành học do có hứng thú và chỉ 31% là vì có cơ hội việc làm tốt. Rõ ràng, học viên lựa chọn trường phần lớn là vì sở thích, có cảm tình với ngành/trường học, mong muốn khám phá đời sống sinh viên sẽ như thế nào, nếu học ngành đó họ sẽ được trải nghiệm những gì….Vì vậy, trước bối cảnh các trường hiện nay không có nhiều sự khác biệt về chương trình đào tạo, điều khiến thương hiệu lấy trọn niềm tin của khách hàng chính là mang đến trải nghiệm mới mẻ, thú vị và mang tính thực tế.
Tăng trưởng mạnh nhưng đầy cạnh tranh
Đứng trước nhu cầu rất lớn của thị trường giáo dục, liệu nguồn cung có đủ để đáp ứng hay không? Theo thống kê mới nhất hiện nay, có hơn 2900 đơn vị giáo dục mới được thành lập từ 2016-2021, 4000+ trường ngoài công lập tính đến năm 2022 và 260+ đơn vị Edtech….Sự nở rộ của các chương trình đào tạo khiến mức độ cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, việc tuyển sinh và định vị thương hiệu cũng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, Ông Vinh cho biết: “Theo tính toán, khoảng cách giữa cung và cầu vẫn duy trì ở mức ổn định khi tỷ lệ P/E (Giá/Tỷ suất lợi nhuận của các tập đoàn giáo dục tại Việt Nam luôn nằm trong khoảng từ 5-20”.
Sự chênh lệch giữa cung - cầu ngành Giáo Dục không quá lớn
Thị trường nhộn nhịp là vậy, nếu doanh nghiệp không chủ động bước vào cuộc đua chắc chắn sẽ bị thụt lùi trước các đơn vị có thế mạnh về công nghệ, thậm chí là cả trường công, trường tư. Ông Vinh nhấn mạnh thêm: “Không lúc nào hơn lúc này, đây chính là thời điểm các đơn vị giáo dục phải mạnh mẽ thay đổi cách làm để tuyển sinh được hiệu quả hơn, tạo sự thu hút và để phụ huynh, học sinh hiểu về những giá trị mà họ nhận được khi đồng hành phát triển cùng nhà trường ”.
Làm thế nào để trở nên khác biệt?
Có thể thấy, sự chênh lệch giữa nhu cầu và nguồn cung trong ngành giáo dục không quá lớn, nhưng hàng ngàn đơn vị vẫn đang chạy đua cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường, thu hút học viên và tạo dựng danh tiếng lâu dài.
Góp mặt trong sự kiện Workshop “Nổi bật và khác biệt trong mùa tuyển sinh 2023”, Ông Nguyễn Đình Thành - Đồng sáng lập Elite Pr School, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Chuyển đổi số DTSI cho biết: : “Sự khác biệt của thương hiệu nằm ở việc nắm giữ sợi dây liên kết giữa Cái ta là và Cái ta làm”. Cụ thể, “Cái ta là” là gốc rễ, giá trị thực mà các trường đem lại cho người học và phụ huynh thông qua tên gọi, tầm nhìn, sứ mệnh và lời hứa thương hiệu. “Cái ta làm” là hành động thực thi để làm nổi bật, khác biệt và sáng tạo dựa “Cái ta là” vốn có. Theo Ông Thành: “Khi sự khác biệt dần mờ đi, cái thương hiệu cần hướng đến đó là sự nổi trội". Điều này được thể hiện qua màu sắc, logo, tagline, đồng phục, nội dung, hình ảnh….hoặc từ những câu chuyện, giai thoại, lịch sử, truyền thống được nhà trường truyền tải khéo léo thông qua các kênh tiếp cận trên nền tảng số nhằm làm nét hơn những thế mạnh vốn có của nhà trường.
Xây dựng thương hiệu nổi trội từ những giá trị vốn có của nhà trường
Nguồn: brandsvietnam