Fintech Việt Nam 2022 đã đối mặt với nhiều thách thức và biến động của nền kinh tế trong nước và quốc tế, điển hình như cuộc xung đột chính trị giữa Nga và Ukraina hay tình trạng lạm phát và giá cả hàng hóa tăng cao. Tuy nhiên, 2022 vẫn được xem là một năm tăng trưởng đối với thị trường Fintech tại Việt Nam.
1. Sơ lược Fintech Việt Nam 2022:
Vào năm 2022, các khoản đầu tư vào Fintech tăng vọt nhờ vào việc áp dụng nhanh chóng các dịch vụ tài chính kỹ thuật số trong bối cảnh hạn chế do COVID-19. Tuy nhiên, so với bối cảnh Fintech năm 2021, năm 2022 đã chứng kiến sự sụt giảm nguồn vốn đổ vào các công ty Fintech. Theo nghiên cứu và tổng hợp của đội ngũ HyperLead, giá trị của các thương vụ đầu tư vào lĩnh vực Fintech được công bố tại Việt Nam đạt 294 triệu USD. Về số lượng giao dịch, các công ty khởi nghiệp Fintech Việt Nam đã nhận được khoảng 14 khoản đầu tư.
Ngoài ra, Tài chính nhúng (Embedded Finance) vẫn đang là một xu hướng mới mẻ và có tiềm năng to lớn trong việc phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính trên nền tảng số ở năm 2022 tại Việt Nam. Sự phát triển của nền kinh tế số hiện nay đã thúc đẩy hợp tác giữa ngành dịch vụ tài chính và các kênh phân phối (như các nền tảng số) để tạo ra các giao dịch và cơ hội tài chính.
Năm 2022, Fintech Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng trong số lượng công ty startup. Theo khảo sát của HyperLead – Nền tảng Affiliate Marketing hàng đầu Việt Nam chuyên cung cấp sản phẩm, dịch vụ lĩnh vực Tài Chính – Ngân Hàng – Fintech, số lượng startup trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đã tăng gần 13% từ 156 công ty năm 2021 lên 176 công ty vào năm 2022.
Trong đó, dịch vụ thanh toán (payment) vẫn là phân khúc lớn nhất, chiếm 22.6% số lượng các công ty Fintech, kế đó là cho vay cá nhân (personal lending) và mảng blockchain/cypto. Ngoài ra, các mảng có sự phát triển đáng kể về số lượng startup so với năm 2021 có thể nhắc đến mảng đầu tư tích lũy (wealth management), bảo hiểm công nghệ (insurtech) và mua trước trả sau (buy now pay later).
2. Xuất hiện các startups mới:
Bên cạnh các lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn, Fintech Việt Nam 2022 đã có sự phát triển đáng kể về số lượng Startups ở các mảng đầu tư tích lũy (wealth management), bảo hiểm công nghệ (insurtech) và mua trước trả sau (buy now pay later) so với năm 2021, cụ thể: IZIon24 - ứng dụng bảo hiểm bỏ túi đầu tiên tại Việt Nam; Kaypay - ứng dụng kết hợp nền tảng thương mại điện tử và tính năng thanh toán mua trước trả sau; ứng dụng đầu tư thông minh Tititada; ứng dụng Tích lũy & Đầu tư 3Gang; Nền tảng tài chính kỹ thuật số dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Đông Nam Á Funding Societies đã chính thức ra mắt tại Việt Nam; và sự ra đời của ứng dụng Umee by KienlongBank - ngân hàng số toàn năng.
3. Các sự kiện nổi bật của Fintech Việt Nam 2022
Thị trường đã diễn ra vô cùng sôi động khi ghi nhận hàng loạt vòng huy động vốn thành công, với quy mô lên đến hơn trăm triệu USD. Những thương vụ đáng chú ý có thể kể đến như thương vụ Timo huy động thành công 20 triệu USD trong vòng gọi vốn được dẫn dắt bởi Square Peg, Sky Mavis huy động được 150 triệu USD cho series B mảng Blockchain; Finhay đã nhận được khoản vốn góp đầu tư lên tới 25 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B được dẫn dắt bởi Openspace Ventures; MFast nhận đầu tư cho series A 2,5 triệu USD mảng InsurTech; Ứng dụng đầu tư bán lẻ của Việt Nam Infina thông báo huy động được 6 triệu USD vốn hạt giống; v.v.
4. Các thương vụ hợp tác M&A của Fintech Việt Nam 2022
Nhiều hoạt động tài chính, mua bán – sát nhập (M&A) cũng đã diễn ra sôi nổi trong thị trường Fintech Việt Nam 2022, điển hình phải kể đến các thương vụ sau:
- Vào giữa năm 2022, MoMo cũng đã mua 49% cổ phần của công ty chứng khoán trong nước Chứng khoán Tín Việt (CVS). Ngoài ra, MoMo cũng mua lại Nhanh.vn - công ty cung cấp dịch vụ quản lý bán hàng đa kênh trên nền tảng đám mây, để mở rộng thị trường thông qua giải pháp của mình;
- Nhà điều hành mạng viễn thông của Việt Nam Viettel Telecom thông báo hợp tác với Insurtech kỳ lân bolttech cho ra mắt các dịch vụ bảo hiểm, được cung cấp bởi nền tảng trao đổi bảo hiểm của bolttech, trên ứng dụng khách hàng MyViettel của Viettel.
- Tháng 10/2022, Công ty Insurtech Igloo đã hợp tác với Nền tảng thương mại điện tử Shopee để triển khai dịch vụ bảo hiểm của mình tại Việt Nam. Được bảo lãnh bởi Bảo hiểm Bảo Việt, việc cung cấp là một giải pháp bảo vệ toàn diện cho các tài sản trong nhà chống lại các sự kiện bất ngờ như thiên tai và hỏa hoạn.
Và còn nhiều thương vụ hợp tác M&A đáng chú ý khác nữa.
5. Xu hướng Fintech 2023
Năm 2023 sắp tới, thị trường Fintech được dự đoán sẽ có những thay đổi nhất định trong mọi phân khúc. Đầu tiên, với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022, sắp tới các Ngân hàng số sẽ liên tục tạo ra các sản phẩm tài chính mới để có được “Unique Selling Point” của họ. Kế đến, Mua trước - Trả sau (Buy now - Pay later) cũng được dự báo cũng sẽ phát triển mạnh trong năm 2023. Năm 2022 được ghi nhận là năm chứng kiến sự sụt giảm lớn về giá trị của tiền điện tử, nhưng công nghệ blockchain có thể sẽ là chủ đề tiếp tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ trong năm 2023. Và cuối cùng, các công ty trong ngành sẽ tận dụng tối đa dữ liệu lớn (Big data) để khám phá các khả năng kinh doanh mới và thay đổi hướng đi của công ty.
Đội ngũ HyperLead.