Xuất khẩu gạo Việt Nam
Theo VIRAC đánh giá, nhu cầu thu mua gạo đang tăng mạnh ở các nước châu Á trong giai đoạn nửa cuối năm 2022. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu tạo nên nhiều hình thái thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nhiều nước.
Theo số liệu của tổng cụu hải quan, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt 713.546 tấn, trị giá 341.064 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 23,9% về trị giá so với tháng 9/2022. Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 6.1 triệu tấn, trị giá khoảng 3 tỷ USD (tăng 17,4% về lượng và 7,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021).
Trong 2 tháng cuối năm 2022, nếu mỗi tháng đạt được mức tối thiểu 600.000 tấn, ngành gạo năm nay sẽ xuất khẩu 7,2-7,3 triệu tấn, mức cao thứ hai trong lịch sử. Đặc biệt, hiện giá gạo Việt Nam được duy trì ở mức cao nhất thế giới, cách biệt so với gạo Thái Lan và Ấn Độ từ 20-50 USD/tấn.
Giữa tháng 12/2022 giá gạo đã đạt mức 450 – 455 USD/tấn, tăng mạnh 5 USD so với tháng trước. Đây được cho là mức giá cao nhất kể từ tháng 7/2021.
Một trong những nguyên nhân là do chính phủ Indonesia đã đồng ý về việc khẩn trương nhập khẩu 200.000 tấn gạo trong tháng 12/2022. Đây được cho là một phần trong kế hoạch nhập khẩu đến 500.000 tấn gạo của chính phủ nước này để đảm bảo nguồn cung và dự trữ lương thực nhằm đối phó với lạm phát.
Bên cạnh Indonesia, chính phủ Bangladesh cũng mở thầu quốc tế để mua 50.000 tấn gạo để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hạn chót nhận hồ sơ chào giá là ngày 21/12. Từ đó cho thấy cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
Ngành thủy sản
Đến cuối tháng 11/2022, bức tranh ngành thủy sản Việt Nam thiết lập kỉ lục mới, tuy vẫn hiện hữu nhiều khó khăn nhưng dự báo có thể sẽ đạt 11 tỷ USD trong năm 2023. Phần lớn nguyên nhân là nhờ nền kinh tế kinh tế và môi trường kinh doanh Việt Nam ổn định, thuận lợi ít biến động nên các doanh nghiệp đã biết tận dụng thời cơ biến thách thức thành cơ hội để tìm các thị trường tiềm năng mới mở ra triển vọng tươi sáng trong năm 2023.
Sản lượng
Trong tháng 11/2022 do giá cá tra nguyên liệu giữ ở mức cao, sản lượng cá tra đạt 167,8 nghìn tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 11 tháng năm 2022 đạt 1.525,5 nghìn tấn, tăng 14%. Do áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh đã đem lại hiệu quả tích cực. Sản lượng tôm nuôi tháng 11/2022 đạt 101,3 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 11 tháng năm 2022 đạt 988,5 nghìn tấn, tăng 9%.
Xuất khẩu
Tuy vậy giá trị xuất khẩu thuỷ sản rơi xuống mức âm (giảm trên 14%) so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt khoảng 780 triệu USD. Nhưng tính chung tháng 11/2022, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo báo cáo ngành thủy sản quý 3/2022 của VIRAC, trong tháng 11, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm sâu từ 20 – 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng mực, bạch tuộc và các loại cá biển xuất khẩu vẫn giữ được tăng trưởng dương lần lượt là 9% và 6%.
Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản cho biết đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ đối với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp như mực, bạch tuộc, cá ngừ,… mà cả các sản phẩm có giá vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá, surimi,… cũng đều bị giảm đáng kể.
Trong những tháng cuối năm 2022, hoạt động xuất khẩu thủy sản nói riêng và các mặt hàng xuất khẩu nói chung sẽ gặp không ít thách thức. Trong khi giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp tạo áp lực lên lạm phát, khiến giá cả hàng hóa trong nước tăng cao, ảnh hưởng đến kích cầu tiêu dùng đối với thương mại.
Đáng lo ngại nhất là đồng USD tăng sẽ tác động bất lợi đến xuất nhập khẩu, do hiện nay Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu để phục vụ cho xuất khẩu. Đặc biệt tính mùa vụ cũng cho thấy tăng trưởng đã chậm lại theo quý. Dự báo triển vọng sẽ khó khăn hơn trong thời gian tới đối với hoạt động thương mại Việt Nam.
Ngành logistics
Theo báo cáo ngành logistics Việt Nam quý 3/2022 (của VIRAC) dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm sẽ đạt 5,5% trong giai đoạn 2022 – 2027, song hành với đà phục hồi nhanh chóng của toàn bộ nền kinh tế sau dịch COVID-19. Sau 9 tháng năm 2022, GDP đạt 8,83%. Từ đó cho thấy cơ hội phát triển lớn của thị trường logistics Việt Nam trong năm 2023.
Ngoài ra, trong năm 2022, sự “lên ngôi” của các xu hướng vận chuyển do bùng nổ của thương mại điện tử, ảnh hưởng tích cực của e-Logistics và chuỗi cung ứng mới trong nền kinh tế số đã giúp Việt Nam trở thành một thị trường logistics mới nổi đầy tiềm năng, hứa hẹn nhiều cơ hội, triển vọng mới trong năm 2023.
Trong năm 2022, số liệu thống kê trên cả nước, Việt Nam hiện có 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Trong số đó, hơn 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics quốc tế, 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực.
Đồng thời, có 89% là doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia.
Nguồn: brandsvietnam