Sôi động và không ngừng cạnh tranh, lượng thảo luận toàn thị trường ứng dụng xem phim và chương trình giải trí đạt 3.108.442 thảo luận chỉ trong 4 tháng đầu năm, cao gấp 1,5 lần so với thời điểm “toàn dân ở nhà” mùa dịch năm 2021.
Đứng giữa vô vàn lựa chọn giải trí qua video: ứng dụng xem bản quyền có trả phí hay website phim lậu miễn phí? Người dùng đang quan tâm điều gì, và phản hồi ra sao trên mạng xã hội (MXH)? Cùng YouNet Media điểm qua những cái tên “ồn ào” nhất khi người dùng băn khoăn “xem gì hôm nay”, lắng nghe những mối quan tâm của người dùng về Top 3 thương hiệu dẫn đầu thị phần thảo luận: Netflix, FPT Play và VTV Giải Trí.
1. Tổng quan thị trường ứng dụng xem phim, giải trí online
Theo nghiên cứu của We Are Social 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số, tăng thêm 5,3 triệu người (+7,3%) so với đầu năm 2022. Trong đó, 55,4% để xem video, phim hoặc các chương trình trên TV.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu từ Satista về thị trường VOD tại Việt Nam, doanh thu dự kiến sẽ đạt 221 triệu USD vào năm 2023, và sẽ tăng với tốc độ CAGR là 11,85%, lên 345,90 triệu USD vào năm 2027. Những nghiên cứu trên cho thấy thấy thị trường video on demand ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp đã và đang đổ tiền vào cuộc chơi lớn này.
Theo số liệu từ SocialHeat – nền tảng Social Listening của YouNet Media, từ ngày 1/1 đến ngày 15/4/2023, theo ghi nhận từ hệ thống SocialHeat, có đến 3.108.442 thảo luận xoay quanh thị trường VOD, tăng hơn 23,17% so với 2022, hơn 50% so với năm 2021. Trong đó, Top 10 thương hiệu chiếm 62,38% thị phần với 1.903.759 thảo luận.
Đáng chú ý, Top 10 không chỉ thống trị bởi những cái tên quốc tế có tầm ảnh hướng toàn cầu như Netflix, Apple TV+, iQIYI – thuộc tập đoàn Baidu (Trung Quốc), mà còn có những thương hiệu quốc nội đình đám không kém như FPT Play của Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), VTV Giải Trí thuộc Đài Truyền hình Việt Nam, Galaxy Play thuộc hãng phim Thiên Ngân, VieON thuộc Đất Việt VAC, hay My K+ do Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) sở hữu, TV360 của nhà mạng Viettel, MyTv thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Netflix là thương hiệu thu hút được sự chú ý thảo luận nhiều nhất trên MXH (1/1 – 15/4/2023).
Top 3 “ông lớn” là Netflix, FPT Play và VTV Giải Trí đóng góp hơn 70% thị phần với 1.359.581 thảo luận.
Thu hút 732.445 thảo luận, chiếm 38,42% thị phần tổng thảo luận của Top 10, không quá bất ngờ khi Netflix là thương hiệu được quan tâm nhất trên MXH. Kế đến cũng là “tay đua đáng gờm” FPT Play với 324.894 thảo luận.
Một điều thú vị là VTV Giải Trí đã bất ngờ vượt mặt VieON để trở thành Top 3 ứng dụng xem phim, giải trí online được quan tâm nhất MXH với 302.242 thảo luận (chiếm 15,9% thị phần). Với kho nội dung đặc sắc, khả năng thấu hiểu thị trường và thế mạnh cạnh tranh, cả 3 thương hiệu trên thành công thu hút lượng lớn thảo luận từ phía người dùng MXH.
2. Top 3 ứng dụng xem phim, giải trí online có “sức hút” nhất với cộng đồng mạng
2.1. “Ông lớn” Netflix – Fan đông, phim hay cũng khó tránh “thị phi”
Thu hút hơn 7,1 triệu lượt tương tác, hơn 730.000 thảo luận, và 44.055 bài đăng trên MXH (từ ngày 1/1/2023 – 15/4/2023), Netflix được vinh danh ở vị trí dẫn đầu các thương hiệu ứng dụng xem phim, giải trí trực tuyến được thảo luận nhiều nhất trên MXH.
Trên thực tế, không quá khó để có thể lý giải thứ hạng của Netflix. “Tiền xem phim 1 buổi ở rạp bằng 1 tháng xem Netflix rồi, tội gì ra ngoài rạp” là câu review đại diện chính xác nhất cho những gì mà fan “ông Tây” đã nói.
Xu hướng thảo luận của người dùng về Netflix (từ ngày 1/1/2023 – 15/4/2023).
Có thể thấy, thảo luận của Netflix cao gấp đôi so với các đối thủ khác. Trong khoảng thời gian từ 1/1-15/4, Netflix đã liên tục gây xôn xao cộng đồng mạng với dòng thảo luận đều và cao. Thế nhưng, bên cạnh những thời điểm toả sáng trên truyền thông nhờ các bộ phim độc quyền “dậy sóng” đầu năm nay như “The Glory” phần 1 và 2, “Unlocked”, “Beef”...; Netflix cũng không tránh khỏi không ít lần vướng “lùm xùm” khiến cộng đồng fan dọa “quay xe”.
Điển hình nhất, chỉ trong 4 tháng đầu năm, sự vụ bộ phim “Taxi Driver 2” không được chiếu trên kho phim Netflix (diễn ra cuối tháng 2/2023) và “ồn ào” nội dung bộ phim “MH370: Chiếc máy bay mất tích” phản ánh sai sự thật về công tác hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam và Netflix buộc phải có động thái gỡ bỏ tập 1 trên ứng dụng (diễn ra ngay đầu tháng 4/2023), đã khiến người dùng “bớt cảm tình” với thương hiệu này.
Những sự vụ này khiến chỉ số cảm xúc của Netflix “tuột dốc không phanh” (-0,02) với gần 90.000 thảo luận tiêu cực. Dòng thảo luận thất vọng, kêu gọi nhanh chóng chuyển đổi nền tảng để xem được bộ phim yêu thích hoặc thậm chí tiêu cực hơn là kêu gọi “Tẩy chay cả phim lẫn nền tảng”.
May mắn cho Netflix là việc đầu tư cho những bộ phim có kịch bản “chắc tay”, nội dung hấp dẫn, thu hút cộng đồng mạng bàn tán rôm rả vẫn là lợi thế độc quyền mà chưa đối thủ nào đánh bại được. Điều này đã giúp thương hiệu trụ vững trong tâm trí người yêu phim. Đáng chú ý nhất là đầu tháng 3 năm nay, “The Glory” phần 2 đã trở lại trong sự chờ đợi của người hâm mộ và lập tức tạo nên cơn sốt thảo luận – đạt mốc 5.691 thảo luận chỉ trong ngày đầu ra mắt. Hàng loạt chia sẻ, bình luận, review nội dung, diễn viên, các câu nói đắt giá trong phim... được cộng đồng mạng và cả các thương hiệu nhanh chóng “bắt trend” sôi nổi.
Bên cạnh “The Glory”, series “Beef”, “Duty After School”, “Kill Boksoon”, phim tài liệu “In the Name of God: A Holy Betrayal”... cũng là những bộ phim, nội dung giải trí thu hút sự quan tâm thảo luận lớn của cộng đồng mọt phim xung quanh cái tên Netflix.
Fanpage chính thức của Netflix là nguồn thảo luận nổi bật nhất khi tạo ra 313.930 thảo luận.
Dữ liệu từ SocialHeat cũng ghi nhận được luồng thảo luận gọi tên Netflix chủ yếu đến từ các hội nhóm, cộng đồng yêu phim, cộng đồng fan của Netflix như: “Hội Những Người Hâm Mộ Phim và Tv Series Netflix”, “Maybe You Never Watched This Movie”, “Hội những người yêu thích phim truyền hình US-UK”... với những bài viết, bình luận review phim mới, chia sẻ list phim thành công nhất của Netflix theo thang điểm IMDb.
Netflix cũng là một trong những thương hiệu làm nội dung sáng tạo và thu hút nhất trên Social Media. Minh chứng đó là fanpage chính thức của Netflix là nguồn thu hút thảo luận nhất cho thương hiệu này. Các đoạn cut phim, trích dẫn những câu nói “đắt giá”, sáng tạo nội dung duyên dáng, hài hước, thú vị đã giúp Netflix trở thành một trong những ứng dụng xem phim, giải trí online trendy trong mắt người dùng.
2. FPT Play – “Ông trùm” độc quyền phát sóng các trận cầu “đỉnh cao”
Nhắc đến FPT Play là nhắc đến “trực tiếp”, “độc quyền” các trận đấu, chương trình thể thao. Ứng dụng này giữ vị trí Top 2 Thương hiệu ứng dụng xem phim và chương trình giải trí được quan tâm nhất MXH với 324.894 thảo luận (từ 1/1 – 15/4/2023). “FPT độc quyền hết rồi, cả V-League nữa mà những 5 năm, mình đang dùng K+ giờ cũng phải chuyển qua FPT Play” là câu review đại diện cho FPT Play.
Xu hướng thảo luận của người dùng về FPT Play (từ ngày 1/1/2023 – 15/4/2023)
Tâm điểm trong tháng 1/2023, FPT Play thu hút 132.584 thảo luận khi là đơn vị phát sóng trực tiếp, độc quyền trận đấu AFF Cup 2022 – giải đấu lớn nhất khu vực Đông Nam Á và cuộc thi sắc đẹp lớn nhất trên thế giới Hoa Hậu Hoàn Vũ – Miss Universe 2022. Trong tháng 2/2023, FPT Play lại một lần nữa thu hút sự quan tâm từ phía cộng đồng mạng khi trở thành là đơn vị duy nhất sở hữu độc quyền bản quyền phát sóng VCK U20 Châu Á 2023.
Bên cạnh thế mạnh cạnh tranh độc quyền phát sóng trực tiếp các trận đấu thể thao, bóng đá, FPT Play cũng nhận về không ít feedback yêu cầu cải thiện chất lượng ứng dụng khi không ít người dùng trả phí đã phàn nàn tình trạng “giật lag” của nền tảng.
Fanpage Truyền hình FPT Play là nguồn thảo luận nổi bật nhất về FPT Play với 34.301 thảo luận (từ ngày 1/1/2023 – 15/4/2023).
Mặc dù sở hữu nội dung tích hợp phục vụ đa dạng nhu cầu từ phim truyền hình, phim bộ, HBO Go, K+... thế nhưng Top 10 nguồn thu hút thảo luận sôi nổi nhất về thương hiệu này đều là những cộng đồng thể thao, bóng đá, KOL trong lĩnh vực bóng đá như TikTok channel “Ống kính sân cỏ”, Fanpage “Ghiền Bóng Đá”, VĐV Đỗ Kim Phúc...
3. VTV Giải Trí – “Tay đua kiệt xuất” rẽ sóng từ Đài Truyền hình quốc gia
Là ứng dụng cung cấp các nội dung giải trí thuộc Đài Truyền hình Việt Nam, VTV Giải Trí xuất sắc vượt qua đối thủ nặng ký VieON với 302.242 thảo luận. VTV vốn là cái tên quen thuộc với đại đa số khán giả, gia đình Việt nhiều thế hệ. Dù đã lấn sân sang các nền tảng trực tuyến từ nhiều năm trước, nhưng phải nửa đầu năm 2023, thương hiệu VTV Giải Trí thuộc VTV mới thật sự bứt phá ngoạn mục, thu hút sự bàn luận sôi nổi của khán giả trên MXH.
Lý giải cho điều này, những năm gần đây, phim Việt đã từng bước lấy lại cảm tình của khán giả khi ngày càng phong phú về đề tài, đa dạng về cách thể hiện, cùng với dàn diễn viên chất lượng. Điều này giúp VTV Giải Trí “ngồi yên” vẫn dễ dàng thu hút được hàng loạt thảo luận, bàn tán sôi nổi của các “mọt phim” với nhiều độ tuổi và sở thích khác nhau. Đặc biệt, theo số liệu ghi nhận từ SocialHeat của YouNet Media, “Dưới bóng cây hạnh phúc”, “Đừng làm mẹ cáu”, “Gia đình mình vui bất thình lình” là Top 3 phim nhận được thảo luận sôi nổi từ cộng đồng mạng xung quanh cái tên VTV Giải Trí.
Top 5 phim thu hút nổi bật trên MXH của VTV Giải Trí (thời gian từ 1/1/2023 – 15/4/2023).
Tuy nhiên, VTV Giải Trí cũng vấp phải không ít nhận xét tiêu cực về việc ứng dụng lỗi, quá nhiều quảng cáo hay chất lượng phim thấp như: “Phim VTV chất lượng ngày càng kém”, “Cứ xem được vài phút lại có quảng cáo. Rất gây ức chế”...
3. Tóm lại
Trước những áp lực cạnh tranh mạnh mẽ của các đối thủ trong ngành, cũng như các sản phẩm thay thế đang phát triển nhanh như website phim lậu, ứng dụng xem video review phim, web drama trên các nền tảng MXH khác... việc thương hiệu cần liên tục lắng nghe phản hồi trái chiều từ cộng đồng và có những động thái phản hồi, xoa dịu dư luận cũng như phát triển thêm những nội dung phù hợp thị hiếu là vô cùng cần thiết.
Làm thế nào để thương hiệu có bước đi đột phá, duy trì cảm xúc yêu quý dành cho thương hiệu cũng như hạn chế tối đa sự rời bỏ của khách hàng trước nhiều lựa chọn thay thế hấp dẫn khác? Để làm được điều này, thương hiệu cần nắm chắc những thông tin gì?
Cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ
Lắng nghe phản hồi là một trong những bước quan trọng để cải thiện và nâng cao trải nghiệm người dùng cả về mặt ứng dụng lẫn chất lượng nội dung, tối thiểu bug (lỗi phần mềm), cải thiện tốc độ tải phim nhằm hạn chế các review sau này. Bên cạnh đó là rà soát nội dung thật kỹ trước khi nhấn “upload”. Ngoài ra, đầu tư các nội dung bản quyền đang là xu hướng giải trí của khán giả Việt như: phim Hàn, phim Âu – Mỹ, chương trình âm nhạc, thể thao, cuộc thi sắc đẹp...
Giữ nhiệt và thúc đẩy thảo luận liên tục, yếu tố tiên quyết tạo nên thành công của một chương trình độc quyền
Netflix là thương hiệu tiêu biểu trong việc thúc đẩy và duy trì thảo luận ổn định. Thương hiệu này cũng sở hữu nhiều nội dung “trendy” trên MXH, thu hút lượng lớn tương tác và thảo luận.
- Giữ nhiệt liên tục trong thời gian công chiếu: Nắm bắt người dùng đang có sự quan tâm đặc biệt đến nhân vật nào trong phim, hay câu nói, tình tiết nào đang “trending” để khai thác làm content marketing giúp chương trình luôn sôi nổi, đây là yếu tố quan trọng để tạo nên sự thành công của một chương trình.
- Thúc đẩy thảo luận tự nhiên: Nắm bắt những nền tảng, kênh nào đang tạo ra nhiều thảo luận về chương trình để định ra các hoạt động, nội dung phù hợp.
Theo dõi và phân tích sự hưởng ứng của khán giả với thương hiệu
Sự quan tâm của người dùng dành cho thương hiệu luôn song hành với các sắc thái tình cảm (tích cực, tiêu cực). Việc hiểu rõ sắc thái tình cảm, phản ứng của khán giả với phim, chương trình đang phát sóng sẽ giúp thương hiệu có những hoạt động kịp thời và phù hợp. Bên cạnh đó, thương hiệu sẽ có đủ cơ sở để đưa ra định hướng nội dung “đánh đúng tâm lý” người xem.
Nắm bắt sức khoẻ thương hiệu để gia tăng tính cạnh tranh
Khi khán giả ngày càng khó tính trong việc quyết định nên tiêu tiền vào ứng dụng nào thì việc lắng nghe người dùng, hiểu rõ sức khoẻ thương hiệu và so sánh với đối thủ cũng trở thành một bài toán quan trọng. Do đó, thương hiệu cần được theo dõi định kỳ, thu thập đầy đủ thông tin để đưa ra phản ứng, điều chỉnh kịp thời nhằm giữ chân lượng khách hàng trung thành.
Nguồn: brandsvietnam