Brand có nền tảng vững chắc vẫn có thể hồi phục nhanh hơn thị trường, và Pizza 4P’s là ví dụ điển hình.
Theo mình, Pizza 4P’s là một trong những case thành công bậc nhất trong mảng F&B tại Việt Nam trong vài năm vừa qua. Vì hoạt động cùng ngành hàng, nên mình phân tích một vài điểm giúp Pizza 4P’s đạt được thành công như sau.
Lưu ý: Bài viết là những phân tích dựa trên góc nhìn và quan điểm cá nhân của tác giả.
1. Buôn thì nhìn lãi tháng, kinh doanh nhìn mức tăng trưởng
Nếu chỉ nhìn lỗ lãi chắc nhiều người sẽ hãi và tầm này năm ngoái Pizza 4P’s còn công bố lỗ. Theo đó, 2 năm liền là năm 2020 lỗ 20,8 tỷ đồng và năm 2021 lỗ 38 tỷ đồng.
Nếu vốn ít, thì đúng thực doanh nghiệp phải nhìn kết quả theo từng tháng. Nhưng lưu ý là hai vợ chồng nhà sáng lập Pizza 4P’s từng là dân quỹ đầu tư công nghệ, nên tầm nhìn của họ sẽ khác so với “500 anh em” làm F&B thông thường.
Nguồn: Mekong Capital
2. Vốn quyết định tầm nhìn
Nếu vốn dày một chút thì theo mình, làm F&B nên tập trung vào hai chỉ số: (1) mức độ tăng trưởng; (2) tỷ lệ khách hàng trung thành quay lại.
Xét về 2 chỉ số này thì Pizza 4P’s làm quá tốt. Còn năm 2020 và 2021 bị lỗ bởi vì mô hình kinh doanh của Pizza 4P’s chủ yếu là ăn trải nghiệm tại quán. Mặc dù Pizza 4P’s có “quẩy lên” bán online, qua ứng dụng riêng, rồi qua các ứng dụng thức ăn nhưng tệp khách hàng lõi của thương hiệu sẽ vẫn là khách ăn tại chỗ. Thế nên lỗ cũng là điều dễ hiểu.
3. Lãi tháng tốt, lãi tổng biz tốt hơn
Tuy có lỗ nhưng bởi 2 chỉ số kia tốt nên 2 năm gần đây định giá của Pizza 4P’s tăng lên hàng chục lần sau mỗi lần sang tay từ Seedcom qua đến Mekong Capital và giờ là Quỹ Cool Japan. Mình nhớ mang máng năm 2017, 2% của Pizza 4P’s là 0,5 triệu USD; bây giờ 10 triệu USD của Cool Japan mua lại của Mekong không biết là bao nhiêu phần trăm?!
Câu chuyện của Pizza 4P’s là sự cẩn thận, chỉn chu của người Nhật, từ nguyên liệu tự làm, rau quả organic...
Nguồn: Kênh 14
4. “Anh Trà bán áo, người ta bán Thời trang” và giá trị gia tăng (added value)
Thỉnh thoảng ngồi ăn trưa chém gió với Vũ Minh Trà, mình nhặt được nhiều ý tưởng hay ho, kiểu như Trà Bô từng làm một thương hiệu áo Japas rồi thất bại. Trong một buổi livestream, có bạn nói: “Anh Trà ‘fail’ vì bán áo, còn người ta thành công vì bán thời trang”…
Mình bất ngờ bởi nhận định này. Nói nôm na thì ngoài sản phẩm tốt thì phải có thêm những thứ “add value” cho nó. Sản phẩm của Pizza 4P’s dĩ nhiên là khó có thể chê (cá nhân mình ăn thấy hơi mặn) nhưng câu chuyện của những nhà sáng lập Pizza 4P’s rất đáng giá. Đó là sự cẩn thận, chỉn chu của người Nhật, nguyên liệu tự làm, rau quả đều organic… tạo ra một cảm giác ngon ngay cả trước khi ăn rồi.
5. Pizza: Từ bình dân đến Fine dining
Trước đó, pizza chuỗi đã có các ông to như Pizza Hut, Domino’s, Pepperonis hay Al Fresco’s… nhưng phần lớn đều theo phong cách kiểu chuỗi ăn nhanh. Một số quán Fine dining thì chỉ mở được 1 điểm chứ không mở rộng được do tay nghề có thể có, nhưng quản lý trên chuỗi thì không.
Pizza 4P’s là chuỗi đầu tiên theo kiểu Fine dining, thiết kế tối giản, có concept thống nhất… và đúng là ăn thưởng thức với trải nghiệm dịch vụ có thể nói vượt xa những bên pizza khác.
Pizza 4P’s phát triển theo kiểu Fine dining, thiết kế tối giản, có concept thống nhất.
Nguồn: Architonic
6. Năng lực quản lý chuỗi
Một điều mình cực khâm phục Pizza 4P’s đó là khả năng quản lý chuỗi “quá đỉnh”. Để đảm bảo quản lý chuỗi với trải nghiệm thống nhất như Pizza 4P’s là rất khó. Seedcom ban đầu trong mảng F&B có vẻ tập trung nhiều hơn vào Cầu Đất Farm và The Coffee House. Nhưng hóa ra deal đầu tư vào Pizza 4P’s lại rất “ngon” cho Seedcom. Còn với Pizza 4P’s, mình nghĩ rằng họ đã được lợi rất nhiều từ nền tảng quản trị của Seedcom để mở rộng quy mô lên được (scale up).
7. Tệp khách nào là tệp khách “ngon”?
Để scale lên được thì không phải nhờ tệp khách hàng người nước ngoài, vì số lượng đó không lớn. Đó phải là tệp khách Việt. Mình từng mở nhà hàng cho khách du lịch (tầm nhìn hẹp bởi khi đó làm du lịch nên chăm chăm vào khách Tây). Nếu làm lớn, doanh nghiệp phải tiếp cận được tệp khách người Việt, đây mới là tệp khách thực sự lớn và tiêu dùng liên tục.
Mình nhớ ban đầu Pizza 4P’s gần như chỉ nổi trong giới người nước ngoài, từ khi có một bài post của anh Namster Đỗ khen Pizza 4P’s hết lời thì Pizza 4P’s bắt đầu đạt điểm ngoặt (tipping point), từ đó lan ra và tệp khách người Việt vào Pizza 4P’s bây giờ chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều.
8. Đổi mới (Innovate) sản phẩm
Trước đây Pizza 4P’s không có dịch vụ giao hàng, không bán mang về, toàn bộ đều offline. Tuy nhiên thời dịch bệnh, Pizza 4P’s đã đẩy lên bán mang về, sau đó bán qua các Food Apps, thậm chí bán luôn cả pizza đông lạnh, mỳ đông lạnh qua các kênh này. Lên kênh mới, Pizza 4P’s đã biết biến đổi sản phẩm để phù hợp với tính chất của kênh.
Thị trường fastfood của Việt Nam tăng trưởng tầm 14-15%/năm, riêng mảng pizza rơi vào tầm 150 triệu USD. Với những brand như Pizza 4P’s: tạo ra một phân khúc mới và tạo ra kênh bán hàng mới (ở đây là FoodApps) thì thị trường có thể nở ra nhanh hơn…
Bài học từ Pizza 4P’s: (1) Luôn có ngách mới và người nhìn ra ngách mới thường là những người từ ngoài ngành; (2) Cảnh báo “online sẽ triệt tiêu offline ở ngành F&B” là “vớ vỉn” bởi ăn offline trải nghiệm tại quán vẫn là nhu cầu cơ bản, nên Online và Offline đi song song cùng nhau; (3) Kênh mới tạo dòng tiền mới và sản phẩm cần thay đổi cho phù hợp.
Mình cảm thấy các bước đi của Pizza 4P’s rất vững, nội lực mạnh. Xét về doanh số trong mảng F&B thì đồ ăn sẽ cao hơn đồ uống. Theo đó, có thể suy ra trung bình doanh số 1 điểm của Pizza 4P’s chắc chắn lớn hơn nhiều các chuỗi đồ uống tốt nhất trên thị trường.
Rất “respect” cách đi của Pizza 4P’s.
Hoàng Tùng – Mr Pizza