“Nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn còn xem CSR là chi phí. Việc xem CSR là chi phí xuất phát từ việc doanh nghiệp chưa ‘tạo ra giá trị’ thì đã vội nhảy vào giai đoạn ‘chia sẻ giá trị’. Việc không tạo ra giá trị trước buộc họ phải ‘móc tiền túi’ của doanh nghiệp để có thể ‘chia sẻ giá trị’”.
Đó là chia sẻ của ông Gricha Safarian – Tổng Giám đốc của Puratos Grand-Place Indochina – với Brands Vietnam khi bàn về chủ đề CSR và phát triển bền vững.
“Re-think CSR” là series do Brands Vietnam thực hiện, phỏng vấn các chuyên gia đến từ nhiều ngành hàng và quy mô doanh nghiệp khác nhau, chia sẻ về quan điểm, chiến lược, thực thi và kết quả thực tế có được từ hoạt động CSR của chính những doanh nghiệp tham gia chuyên mục. Từ đó, cung cấp những ý tưởng và cách tiếp cận đa dạng đối với một vấn đề tưởng chừng quen thuộc nhưng vẫn còn khá xa lạ tại thị trường Việt Nam.
* Nhiều người quan niệm rằng làm CSR là làm từ thiện. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
CSR không chỉ đơn thuần là thiện nguyện doanh nghiệp.
Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng các hoạt động thiện nguyện chỉ mang tính hỗ trợ, cứu trợ khẩn cấp cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù là điều tốt, việc làm từ thiện thường không bền vững khi cần phải có điều kiện – lợi nhuận hoặc thời gian – của việc cho đi.
Thế nên đối với tôi, CSR là tạo ra một vòng tròn phát triển (virtuous circle) của việc khởi tạo giá trị và chia sẻ giá trị. Ngân sách để làm CSR cần xuất phát từ hoạt động kinh doanh và vì thế cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh.
Bên cạnh đó, khi nhắc đến CSR, tôi nghĩ có điều cần phải lưu tâm. Đầu tiên là vấn đề lợi nhuận. Tôi hiểu rõ trong kinh doanh, một trong những điều kiện tiên quyết để một doanh nghiệp tồn tại là lợi nhuận. Tuy nhiên, lợi nhuận cần được tính toán đúng cách. Ví dụ, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, thì nên đưa thêm chi phí bồi đắp môi trường vào khoản khấu trừ khỏi lợi nhuận.
Thứ hai, sau khi tính toán, con số sau cùng cần được phân bổ hợp lý cho tất cả các bên liên quan (stake-holder) trong chuỗi giá trị. Chẳng hạn trong trường hợp của Puratos, bên cạnh các nhà đầu tư, chúng tôi phân bổ lợi nhuận vào việc cải thiện môi trường làm việc cho nhân viên và hỗ trợ tăng thu nhập cho những nông dân trong hệ sinh thái trồng và sản xuất cacao…
Việc theo đuổi định hướng “khởi tạo giá trị, chia sẻ giá trị” sẽ giúp không chỉ Puratos mà còn nhiều doanh nghiệp khác tối đa hoá lợi nhuận và hoàn thành các KPI làm CSR.
* Từ đâu ông hình thành ý tưởng xây dựng chiến lược “khởi tạo giá trị – chia sẻ giá trị” cho nền tảng CSR của Puratos Grand-Place Indochina?
Ý tưởng này không đến với tôi trong một sớm một chiều, mà đã được hình thành và cải thiện không ngơi nghỉ trong suốt 14 năm qua (từ 2008).
Hơn chục năm về trước, chúng tôi nhận thấy một vài thách thức tiêu biểu trong ngành cacao Việt Nam như: cung không đủ cầu, sự chênh lệch phân chia lợi nhuận trong chuỗi cung ứng cacao cao, hay khâu trồng trọt bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu… Tôi nhận ra rằng, để giải quyết thách thức một cách bền vững, thì không phải chỉ làm cho bản thân doanh nghiệp tốt hơn, mà làm sao tất cả những đối tác trong chuỗi giá trị (người nông dân, khách hàng) cũng cần trở nên tốt hơn. Nhìn rộng hơn thì có cả môi trường khí hậu và Trái Đất nữa.
Việc theo đuổi định hướng “khởi tạo giá trị, chia sẻ giá trị” giúp Puratos và nhiều doanh nghiệp khác tối đa hoá lợi nhuận và hoàn thành KPI làm CSR.
Đó là lý do cho sự ra đời của tư duy “khởi tạo giá trị & chia sẻ giá trị”. Tôi nghĩ đây là một concept quan trọng trong bối cảnh vẫn còn nhiều doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn giữa lợi nhuận và CSR.
Việc xem CSR là chi phí xuất phát từ việc doanh nghiệp chưa “tạo ra giá trị” thì đã vội nhảy vào giai đoạn “chia sẻ giá trị”. Việc không tạo ra giá trị trước buộc họ phải “móc tiền túi” của doanh nghiệp để có thể “chia sẻ giá trị”.
Với tôi, việc tạo ra giá trị chính là điểm mấu chốt của tư duy đúng về CSR.
* Vậy phần thưởng dành cho doanh nghiệp khi làm CSR tốt là gì?
Ở đây, tôi bàn đến 2 lợi ích lớn mà việc thực hành CSR tốt mang lại cho doanh nghiệp.
Thứ nhất là thu hút và giữ chân nhân tài.
Tôi đã ngạc nhiên khi đọc báo cáo “Net Positive Employee Barometer” và muốn chia sẻ nó đến bạn đọc Brands Vietnam. Kết quả báo cáo này chỉ ra rằng phần lớn lực lượng lao động thuộc thế hệ Millennials và Gen Z đều muốn làm việc trong những công ty có tạo tác động tích cực đến thế giới. Họ cũng kỳ vọng thấy rõ hơn nhiệt huyết và quyết tâm thực hành CSR ở ban lãnh đạo.
Thứ hai là việc phát triển bền vững trở thành thông điệp “hữu xạ tự nhiên hương” giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng.
Ví dụ điển hình là Patagonia – một công ty chuyên về thời trang bền vững và là nhà tiên phong về phát triển bền vững ở Mỹ. Chủ sở hữu Patagonia, ông Yvon Chouinard cùng gia đình đã quyết định chuyển quyền sở hữu đế chế của mình cho một tổ chức phi chính phủ nhằm chống biến đổi khí hậu. Toàn bộ lợi nhuận của công ty, vào khoảng 100 triệu USD mỗi năm sẽ được dùng để bảo vệ môi trường cũng như những khu vực nguyên sinh cần được bảo tồn trên thế giới.
Quyết tâm bảo vệ môi trường mãnh liệt của đế chế thời trang này đã giúp Patagonia trở thành thương hiệu thời trang bền vững “top-of-mind” của đông đảo người tiêu dùng, trong đó có cả tôi. Có lần tôi vào cửa hàng để tìm mua balo cho chuyến đi trượt tuyết, khi cái tên Patagonia lọt vào tầm mắt, tôi không chần chừ mà mua ngay. Đấy chính là sức mạnh của CSR.
* Vậy cụ thể Puratos Grand-Place Indochina đã có những hoạt động CSR nào thực hiện tầm nhìn và sứ mệnh trên của mình tại Việt Nam?
Chương trình Cacao-Trace mà chúng tôi đang triển khai có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất thể hiện triết lý CSR của Puratos Grand-Place Indochina.
Đầu tiên, chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn trong việc canh tác, trồng trọt nhằm mục đích tăng năng suất, chất lượng cacao và bảo vệ môi trường. Song song, chúng tôi cùng với dân địa phương thiết lập quy trình lên men nghiêm ngặt trong thùng ủ gỗ tại các điểm thu mua và xử lý trái sau thu hoạch. Đây được xem giai đoạn khởi tạo giá trị.
Chương trình Cacao-Trace – giai đoạn khởi tạo giá trị của Puratos Grand-Place Indochina.
Nguồn: Puratos Grand-Place
Sau đó là giai đoạn chia sẻ giá trị.
Cụ thể, chúng tôi thiết lập chương trình Thưởng Sôcôla (Chocolate Bonus). Số tiền bán được trên mỗi ký sôcôla bán ra thị trường sẽ được đưa vào quỹ và phân phát cho nông dân định kỳ 2 lần/năm. Theo báo cáo của chúng tôi, chương trình thưởng sôcôla đã giúp người nông dân tăng thu nhập thêm từ 1-2 tháng trên 1 năm. Từ đó có thể giúp họ có thêm thu nhập để chăm sóc gia đình cũng như đầu tư tiếp vào mô hình vườn của mình.
Bên cạnh đó còn là nỗ lực bảo vệ môi trường và tái đầu tư vào Trái Đất. Có thể kể đến sự hợp tác của Puratos Grand-Place Indochina với PUR Project thực hiện dự án trồng cây xanh tại các vùng cung cấp nguyên liệu cacao từ năm 2019.
Ở quy mô tập đoàn, Quỹ Chocolate Bonus được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau tùy vào nhu cầu của từng cộng đồng. Ví dụ ở Papua New Guinea chúng tôi xây trường, hay ở Bờ Biển Ngà là trao học bổng giáo dục và thực hiện dự án nước sạch…
Chương trình Thưởng Sôcôla (Chocolate Bonus) giúp người nông dân tăng thu nhập thêm từ 1-2 tháng trên 1 năm.
Nguồn: Puratos Grand-Place
* Ông có thể chia sẻ về kết quả mà Puratos Grand-Place Indochina đạt được với chương trình trên?
Chúng tôi đã có một năm 2022 tốt đẹp cả về mặt kinh doanh lẫn thành tựu CSR.
Cụ thể, chúng tôi đạt được lần lượt chứng chỉ trung hoà carbon SCOP2 và SCOP3.
Với chứng chỉ SCOP2 tập trung vào tính toán lượng khí thải CO2 của nhà máy, Puratos Grand-Place Indochina đã đạt tiêu chuẩn vào tháng 12/2021 và trở thành đơn vị đầu tiên thuộc tập đoàn Puratos toàn cầu đạt được chứng chỉ này trong vận hành doanh nghiệp.
Chứng chỉ SCOP3 khó hơn, yêu cầu phải tính toán được lượng khí thải CO2 trong toàn bộ quá trình sản xuất, từ nguyên vật liệu đến ra thị trường. Với dòng sản phẩm 60DAYS Chocolate, chúng tôi cũng đạt chứng nhận trung hòa carbon SCOP3 vào đầu tháng 1/2023.
Nói riêng về dòng sôcôla 60DAYS, đây là sản phẩm được làm thủ công bởi quy trình 60 ngày “từ trang trại ra thị trường”, với quá trình lên men theo tiêu chuẩn riêng. Quá trình này tạo ra lượng khí thải thấp nhờ khoảng cách từ trang trại đến nhà máy và ra thị trường với thời gian sản xuất được rút ngắn. Theo đó, sôcôla khi đến tay người tiêu dùng vẫn giữ được những nốt hương nguyên bản và đặc trưng của hạt cacao Việt Nam.
Khi Puratos Grand-Place Indochina thu được những hạt cacao chất lượng và ổn định để làm ra những sản phẩm bền vững như 60DAYS Chocolate, thì người nông dân cũng có thể cải thiện thu nhập nhờ vào những thành quả xứng đáng. Theo đó trong năm 2021, tổng khoản thưởng Chocolate Bonus chúng tôi trao lại cho nông dân thuộc chuỗi giá trị của Puratos là khoảng 1,5 triệu USD, phần nào giúp cho các hộ trồng cacao trang trải cuộc sống và đầu tư phát triển canh tác.
Còn về dự án trồng rừng cùng tổ chức PUR Project, tính từ năm 2020 đến nay, chúng tôi đã trồng 46.140 cây xanh trong đó bao gồm 16.228 cây che bóng mát và 29.912 cây cacao tại huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) và tỉnh Đắk Lắk. Tỉ lệ cây sống sót lên tới 99%. Đây là một trong những nỗ lực góp phần giúp chúng tôi đạt được chứng chỉ trung hòa Carbon ở quy mô nhà máy vào năm 2021 và quy mô sản phẩm vào năm 2022.
Với Chocolate Bonus, người nông dân có thể cải thiện thu nhập nhờ vào những thành quả xứng đáng.
Nguồn: Puratos Grand-Place
* Đâu là những KPI mà Puratos Grand-Place Indochina đặt ra trong thời gian tới?
Có thể nói Chocolate Bonus là KPI hàng đầu, luôn được ưu tiên khi chúng tôi lên kế hoạch ngân sách cho năm kinh doanh tiếp theo. Hiện tại, chúng tôi thưởng 170 USD cho mỗi tấn cacao, và mong muốn nâng con số này lên 500 USD vào năm 2025. Mục tiêu này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa từ Puratos Grand-Place Indochina trong công cuộc cải thiện không ngừng mô hình hoạt động của Cacao-Trace.
Và hành trình “xanh hoá” môi trường cũng sẽ tiếp tục. Puratos Grand-Place Indochina phối hợp với GIZ – Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức để thực hiện dự án cải tạo vườn cacao, phát triển sinh kế cho nông dân Việt Nam tại Lâm Đồng và Đắk Lắk. Vẫn duy trì mô hình nông lâm kết hợp, dự án hướng đến việc tăng thêm thu nhập cho nhà nông và đa dạng hóa các nhóm cây trồng nhằm phủ xanh Trái Đất. Dự án kỳ vọng sẽ giúp 300 trang trại (tương đương 300 ha) xây dựng thành công hệ thống nông lâm kết hợp, nâng cao năng lực thích ứng trước sự biến đổi khí hậu. Thu nhập của 300 hộ gia đình sở hữu các trang trại trên sẽ tăng thêm 20%, đồng thời, 13.000 tấn carbon cũng sẽ được cô lập trong hệ thống nông lâm kết hợp này.
Bên cạnh duy trì và làm tốt hơn nữa những dự án hiện có, chúng tôi cũng có những đề mục đang nằm trong kế hoạch, chẳng hạn như tiết kiệm nước hơn nữa, tái sử dụng nước, sử dụng năng lượng mặt trời… Điều này cho thấy việc trở thành một doanh nghiệp xanh là một hành trình dài hơi, đòi hỏi sự nghiêm túc, tâm huyết từ chúng tôi và các bên liên quan.
“Việc trở thành một doanh nghiệp xanh là một hành trình dài hơi, đòi hỏi sự nghiêm túc, tâm huyết từ chúng tôi và các bên liên quan”.
* Puratos Grand-Place Indochina đã có những hoạt động truyền thông như thế nào để người tiêu dùng, khách hàng, giới truyền thông có được những thông tin chính xác về các chương trình, hoạt động của tập đoàn?
Chúng tôi thường tổ chức những sự kiện giao lưu với những khách hàng hiện tại của Puratos Grand-Place Indochina. Tại đó, chúng tôi thông báo đến họ những sáng kiến mới hay thành tích đạt được của chương trình Cacao-Trace. Nhờ vậy, khách hàng có thể an tâm khi dán nhãn Cacao-Trace lên sản phẩm của họ. Đồng thời, họ cũng tự tin tuyên bố với người tiêu dùng rằng việc ủng hộ sản phẩm có nhãn dán Cacao-Trace nghĩa là đang hỗ trợ cải thiện điều kiện sống và thu nhập cho nông dân.
Bản thân tôi cũng tham dự hầu hết những buổi chia sẻ liên quan đến chủ đề CSR. Tôi cũng thích những chuyến tham quan trường đại học và chia sẻ với sinh viên về việc kinh doanh bền vững tại Việt Nam. Tôi nghĩ rằng đây là cách giúp thế hệ trẻ có những tư tưởng và hành động đúng đắn.
Trong thời đại của phát triển bền vững, “anh hùng” thực sự là những doanh nghiệp đã và đang cố gắng hành động thiết thực, góp phần “giải cứu” hành tinh xanh.
* Sau cùng, ông có lưu ý gì cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp cacao nói riêng và tại Việt Nam nói chung khi thực hành CSR?
Ở đây, tôi có hai điểm muốn chia sẻ.
Thứ nhất, nhiều chủ doanh nghiệp thường nhìn vào những rủi ro khi làm CSR mà bỏ qua hậu quả của việc không làm CSR. Doanh nghiệp cần biết rằng nếu họ không bắt đầu ngay từ bây giờ thì sẽ có nguy cơ biến mất trong khoảng 10 năm nữa.
Bởi như tôi đã chia sẻ, mất đến 12 năm chuỗi giá trị của Puratos Grand-Place Indochina mới cho ra những quả ngọt đầu tiên. Và đó là minh chứng cho sự hiệu quả của mô hình vòng tròn phát triển (virtuous circle) của việc khởi tạo giá trị và chia sẻ giá trị.
Tôi hy vọng những doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất cacao có thể ứng dụng mô hình này vì một hành tinh tươi đẹp hơn. Và tôi sẵn lòng chia sẻ câu chuyện và cách làm của Puratos Grand-Place Indochina đến với họ.
Thứ hai là trước đây, khi nhắc đến “ông lớn” trong một lĩnh vực nào đó, chúng ta thường điểm tên những doanh nghiệp tạo ra hàng tỷ USD doanh thu mỗi năm, mà ít quan tâm tới những hậu quả từ các hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp ấy. Tuy nhiên, trong thời đại của phát triển bền vững ngày nay, “anh hùng” thực sự là những doanh nghiệp đã và đang cố gắng có những hành động thiết thực, góp phần “giải cứu” hành tinh xanh. Vì thế tôi cho rằng doanh nghiệp nên đổi mới mô hình kinh doanh chủ yếu xoay quanh lợi nhuận của mình theo hướng bền vững hơn.
* Cảm ơn những chia sẻ của ông.
Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam