Đến với Podcast 18 giờ 01 của Adsota, anh Ngô Thanh Tùng - Giám Đốc Greenwich Việt Nam cơ sở Hà Nội đã bày tỏ quan điểm về marketing ngành giáo dục, chỉ ra cách nhà trường kiến tạo những giá trị giúp sinh viên tự tin phát triển, sẵn sàng thích ứng và cạnh tranh ở nhiều môi trường khác nhau sau khi tốt nghiệp.
Podcast 18 giờ 01 là kênh audio về Marketing do Adsota Agency sản xuất, nhằm kết nối, chia sẻ những kiến thức thực tế từ các khách mời đến các thính giả yêu thích lĩnh vực tiếp thị. 18 giờ 01 tập trung khai thác, đào sâu những câu chuyện của các chuyên gia thuộc nhiều ngành nghề: giáo dục, kinh doanh, tuyển dụng,...để thấy được góc nhìn mới mẻ, đa chiều của họ. Từ đó, đem đến những thông tin giá trị được vận dụng linh hoạt trong ngành Marketing.
Thấu hiểu tháp nhu cầu của người học
Những yếu tố hàng đầu khi học sinh lựa chọn trường học bao gồm: Kiến thức - Kỹ năng - Trải nghiệm. Người học không chỉ tiếp nhận thông tin thuần học thuật mà họ còn muốn trở thành những người có tư duy rạch ròi, có kỹ năng tốt để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp trong tương lai. Cụ thể, nhu cầu người học được chia thành 3 cấp độ: Hiểu biết, bồi dưỡng năng lực và phát triển bản thân.
Mức độ hiểu biết là những thông tin, kiến thức thu nạp từ phía nhà trường, là nền tảng giúp học sinh hình thành khả năng tư duy. Ngoài ra, không chỉ dừng ở mức độ tiếp nhận thông tin và kiến thức, người học cũng mong muốn bồi dưỡng năng lực để trở thành những người có kỹ năng tốt và phát triển bản thân ở mọi môi trường khác nhau. Theo cuộc khảo sát từ các doanh nghiệp lớn cho thấy, kỹ năng tốt chiếm 46,5% tỷ lệ đáp ứng công việc của các ứng viên hiện nay.
Bên cạnh đó, yếu tố cảm xúc cũng rất được học viên rất quan tâm. Khảo sát từ British Council 2022 chỉ ra rằng có hơn 60% học viên lựa chọn trường do hứng thú với ngành học, mong muốn khám phá cuộc sống sinh viên, trải nghiệm nhiều hơn với các chương trình thực tế của nhà trường…
Như vậy, có thể thấy tháp nhu cầu của học sinh hiện nay vạch định rõ ràng giữa 3 yếu tố: hiểu biết - vận dụng - phát triển. Nhu cầu người học càng cao đồng nghĩa với việc nhà trường phải luôn thay đổi để thích ứng và trở nên khác biệt để cạnh tranh trong thị trường giáo dục.
Cách marketing hiện tại có phù hợp với mong muốn người học, phụ huynh hay không?
Thị trường giáo dục trong những năm gần đây không chỉ chứng kiến sự cạnh tranh của các đơn vị tư nhân, Edtech, lớp đào tạo ngoài giờ… mà cả các trường hệ chính quy cũng phải chạy đua để không bị tụt hậu.
Cách làm marketing từ trước đến nay đơn thuần chỉ tập trung vào giá trị sản phẩm, tận dụng sức lan tỏa của truyền thông truyền miệng để xây dựng thương hiệu và thu hút học viên. Tuy nhiên, thước đo của phụ huynh, học sinh thời đại mới đã dần thay đổi: Nếu trước đây, những giá trị giáo dục được đánh giá dựa trên chất lượng giảng dạy, điểm số, thứ hạng của học sinh thì ngày nay tiêu chuẩn này còn phải dựa vào yếu tố tinh thần, cảm xúc, kỹ năng mềm mà người học nhận được. Những “cuộc chơi mới” xuất hiện đòi hỏi người làm marketing giáo dục cần phải có “cách chơi mới”.
Do vậy, tập trung vào chương trình đào tạo, phát triển cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên… là đúng nhưng chưa đủ trong thời đại công nghệ dần chiếm lĩnh như hiện nay. Marketing giáo dục thời đại mới cần có sự kết hợp nhịp nhàng giữa phát triển tư duy và phát triển trí tuệ cảm xúc, trải nghiệm cho người học.
Đại học Greenwich đã làm gì nào để đáp ứng nhu cầu học viên?
Định hướng cho học sinh càng sớm càng tốt
Theo anh Tùng, học sinh và phụ huynh ngày nay trở nên tri thức, có nhiều kỹ năng xử lý thông tin, xử lý dữ liệu, đồng nghĩa với việc nhu cầu lựa chọn trường theo học cũng trở nên tỉ mỉ, cẩn thận và có sự tham chiếu nhiều hơn.
Đối với Đại học Greenwich, chúng tôi luôn nỗ lực rút ngắn khoảng cách với học sinh và phụ huynh thông qua các hoạt động như định hướng nghề nghiệp, hội thảo, gặp gỡ trực tiếp,... Đặc biệt, bên cạnh đào tạo kiến thức chuyên môn, Greenwich coi trọng phát triển các kỹ năng mềm thông qua các khóa học giao tiếp, thuyết trình, tranh biện, xử lý tình huống….Ngoài ra, Greenwich cũng triển khai các chương trình định hướng nghề nghiệp cho sinh viên từ rất sớm với các khóa trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp kéo dài 3 tháng. Sau khi học sinh có cơ hội va chạm, làm việc tại các môi trường doanh nghiệp khác nhau, Greenwich sẽ điều chỉnh, nâng cấp chương trình đào tạo để giúp học sinh định hình hướng đi rõ ràng nhất theo thế mạnh của từng người.
Chú trọng vào trí tuệ cảm xúc
Anh Tùng chia sẻ: “Phát triển trí tuệ cảm xúc là xu hướng giáo dục toàn cầu, nó không chỉ có ích trong học tập mà còn hỗ trợ các em học sinh rất nhiều trong cuộc sống. Cảm xúc trọn vẹn là một phần của tư duy cởi mở, thái độ chủ động và tích cực hơn.”
Doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân sự họ không đưa ra yêu cầu rõ ràng về chỉ số cảm xúc hay EQ của ứng viên. Tuy nhiên, thông qua trí tuệ cảm xúc, nhà tuyển dụng có thể hình dung về tính cách và mức độ phù hợp của ứng viên đối với công ty. Trong các chương trình đào tạo kỹ năng mềm của Greenwich, thầy cô luôn nỗ lực lồng ghép các yếu tố, tình huống thực tế vào bài giảng để học sinh “luyện dần” với những cảm xúc, tình huống mà họ cần ứng xử trong quá trình làm việc. Người có trí tuệ cảm xúc phong phú là người có tiềm năng thể hiện nhiều khía cạnh của bản thân, từ đó mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Nguồn: brandsvietnam