Thương hiệu quốc gia là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn được Chính phủ thúc đẩy với mục tiêu xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Ba tiêu chí cốt lõi của Chương trình là Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong.
Trải qua 15 năm hình thành và phát triển (20/4/2008 - 20/4/2023), số doanh nghiệp đạt chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã không ngừng tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 172 doanh nghiệp năm 2022. Chương trình THQG Việt Nam cũng đã đóng góp rất nhiều vào việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá hình ảnh, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu… từ đó khẳng định vị thế thương hiệu Việt Nam trên đường hội nhập. Một trong những thành công nổi bật nhất có thể kể đến là giá trị THQG của Việt Nam được định giá lên tới 431 tỷ USD nằm trong top 100 THQG có giá trị nhất trên thế giới dựa theo báo cáo đánh giá từ Brand Finance (tập đoàn hàng đầu thế giới chuyên về đánh giá thương hiệu các quốc gia) và được đánh giá có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới với mức tăng 74% trong vòng 4 năm qua.
Nối tiếp thành công đó, Diễn đàn THQG Việt Nam 2023 với chủ đề: “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh” do Bộ Công Thương triển khai nhân ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4. Theo Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: “Hiện nay, tăng trưởng Xanh được xem là chìa khoá đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ năm 2021 - 2030, tạo đà cho Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đảm bảo tính bền vững”.
Để làm được điều đó, các doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, nhất là tuân thủ nghiêm các quy định về môi trường, chuyển đổi sản xuất xanh thông qua đầu tư khoa học, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Gắn liền với quá trình chuyển đổi là tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, tiến tới tạm dừng sản xuất sản phẩm có phác thải lớn gây ô nhiễm môi trường và thay thế bằng các dòng sản phẩm thân thiện, tiết kiệm năng lượng.
Trong thời gian gần đây, việc đầu tư công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất theo hướng sản phẩm XANH đang là ưu tiên của các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới. Thương hiệu XANH dần trở nên phổ biến với người tiêu dùng có thu nhập cao và quan tâm đến bảo vệ môi trường. Từ đây, chuyển đổi xanh, sản xuất xanh, thương mại xanh, tiêu dùng xanh, tăng trưởng và phát triển xanh đã trở thành một xu thế tất yếu chứ không phải là một lựa chọn đối với các quốc gia trên thế giới… Với việc định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh, Chính phủ và Bộ Công thương đã xác định rằng các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ không đứng ngoài xu thế này. Và thực tế cho thấy thương hiệu xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Đồng thời, sản xuất xanh chính là yêu cầu tiên quyết khi thâm nhập thị trường các nước trên thế giới và tham gia vào các hiệp định như CPTPP, EVFTA,… bởi những hiệp định thương mại này đều có những quy định khắt khe về tiêu chí môi trường. Nếu chúng ta thực hiện tốt sản xuất xanh thì cũng là một cơ hội tốt để chúng ta tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu,…
Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh cũng đã nhận được sự ủng hộ, tán đồng từ những chuyên gia quốc tế đầu ngành như ông Alex Haigh - Giám đốc điều hành của Brand Finance khu vực Châu Á – Thái bình dương; giáo sư Robert McClelland - Trưởng khoa Kinh doanh - đại học RMIT,... Cũng theo chia sẻ của ông Alex Haigh, định vị Thương hiệu quốc gia Xanh một phần được bắt nguồn từ chỉ số ESG (Môi trường, xã hội, quản trị) - bộ chỉ số được sử dụng để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Theo đó, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu với thiệt hại ước tính là 523 tỷ USD, tương đương với 14,5% GDP vào năm 2050. Việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG và định hướng chiến lược xanh được coi là bước đi đúng đắn và thiết thực mà Chính phủ và Bộ Công thương đề ra để đảm bảo cho sự phát triển bền vững và dài hạn.
Đối với những doanh nghiệp tham gia xét chọn Thương hiệu quốc gia Việt Nam có chứng nhận Xanh được cấp bởi các tổ chức quốc tế hoặc các đơn vị uy tín trong nước sẽ góp phần gia tăng điểm số đáng kể cho các mục Giải thưởng sáng tạo hay Áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến,... Đây là lợi thế không hề nhỏ nếu các doanh nghiệp biết cách tận dụng để tối đa hóa điểm số của mình, qua đó cũng thể hiện sự quyết tâm và chủ trương đưa những yếu tố xanh vào trong thực tế sản xuất kinh doanh của các Doanh nghiệp trong nước.
Với kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ các doanh nghiệp tiến gần hơn tới chương trình Thương hiệu quốc gia và là đối tác chiến lược duy nhất của Brand Finance tại Việt Nam, CTCP Mibrand Vietnam tự tin mang đến các giải pháp thiết thực cho các doanh nghiệp như:
• Tư vấn/ đánh giá hiện trạng và mức độ tiền khả thi của doanh nghiệp trong việc tham gia xét duyệt chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
• Tư vấn toàn diện dựa trên 03 tiêu chí tham gia xét duyệt chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cho doanh nghiệp
• Đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình trước, trong và sau khi tham gia xét chọn tại Cục Xúc tiến – Bộ Công thương.
Nguồn: brandsvietnam