Mấy ngày qua drama của BS Thịnh với 1 bà Nhân tràn ngập Tik Tok về chủ đề khá nhạy cảm là “thụ tinh nhân tạo”. Mặc dù đang sở hữu kênh tiktok triệu follow, nhưng cách xây dựng thương hiệu và xử lý khủng hoảng đó có phù hợp với vị thế của 1 bác sĩ nổi tiếng trong ngành sản khoa, hiếm muộn.
Dưới góc nhìn cá nhân, tôi thấy với nét duyên và lợi thế vốn có, bác sĩ Thịnh có nhiều lựa chọn tốt hơn cách bác ấy đang làm.
1. Xây dựng thương hiệu cá nhân trên kênh Tik Tok triệu follow
Muốn làm thành công thương hiệu cá nhân thì cần có 2 nhóm yếu tố Giá trị (Tài năng, kiến thức, chuyên môn mang lại giá trị cho cộng đồng) và Con người (Tính cách, Quan điểm sống, Cuộc sống hàng ngày).
BS Thịnh lợi thế rất lớn khi có đủ các yếu tố này khi đã nổi tiếng trong cộng đồng mẹ bỉm sữa hiếm muộn với ca sinh năm thành công từ năm 2013, lại được các mẹ yêu mến vì sự “đanh đá” nhưng thẳng tính và hài hước, và đặc biệt là nick nam “Bác sĩ tik tok” khi sở hữu các kênh Facebook, Tiktok với lượng follow lớn do rất nhiệt tình tương tác.
Nhưng sai lầm lớn nhất của bác trong vài tháng gần đây là chọn sai ekip làm kịch bản, chuyển từ hình tượng 1 KOLs hài hước sang 1 Celeb câu view với quá nhiều video xàm xí, đi ngược lại chuẩn mực đạo đức của người Việt, nhất là với người ngoài 40 và nổi tiếng là thương mẹ đến mức theo học nghề bác sĩ.
Xây THCN cần đúng tệp khách hàng mục tiêu. Thay vì những video drama với những cú twist thông minh xoay quanh các tình huống về vợ chồng hiếm muộn ban đầu, bác lại chuyển qua câu view bằng hình ảnh đứa con trai trả treo với “mẹ” với những lời nói xấc láo “mẹ bị tai biến ah” “mẹ có bị liệt không”. Vẫn có độc giả, vẫn triệu view, nhưng liệu những người xem, like share video đó có còn đúng là các mẹ bỉm sữa đang khát con, trân trọng tình mẫu tử hay chỉ là những bạn trẻ thích xem hài giải trí. Bác đã mắc lỗi sai đầu tiên khi chọn công chúng mục tiêu không còn đúng với khách hàng mục tiêu mà mình nhắm đến.
Thương hiệu cá nhân cần sự xuyên suốt, thể hiện rõ tôi là ai, tôi mang lại giá trị gì cho cộng đồng, tôi nên làm gì và không được làm gì. Nhưng dường như bác sĩ Thịnh đã quên mất điều đó và xa rời dần sứ mệnh của mình. Thay vì làm đúng định hướng ban đầu như bác đã từng chia sẻ trên báo chí, xây kênh Facebook, Tiktok để lan truyền những năng lực tích cực, nhất là truyền niềm tin cho mẹ bỉm sữa hiếm muộn để họ vững tin trên hành trình tìm con. Nhưng cũng là mẹ bỉm sữa thì tôi tin không mẹ nào lại thấy vui vẻ, tích cực khi vất vả tìm kiếm, nuôi dạy để rồi lo sợ những đứa con lớn lên sẽ láo hỗn như hình tượng mà bác sĩ đang diễn trong mấy clip đó.
Làm thương hiệu cá nhân cần cá tính mạnh, để tạo sự ấn tượng, không bị nhạt nhào giữa biển người, nhưng vẫn cần phù hợp với công việc, tính cách ngoài đời, càng authentic càng tốt. Nên 1 bác sĩ dù có cá tính, đanh đá đến đâu thì vẫn cần có điểm dừng, vì “Lương y như từ mẫu”, đừng truyền cảm xúc tiêu cực, hình ảnh xấu cho cộng đồng. Tôi tin bác sĩ Thịnh ngoài đời đã vì mẹ mà học Y thì không thể hành xử như vậy.
Thương hiệu cá nhân sẽ được hình thành thông qua hình ảnh, ngôn từ khi công chúng nghe, xem các video. Nhưng bác sĩ Thịnh mới dừng ở việc được công chúng tin vì hào quang (với những video triệu view), nhưng lại chưa thể tin về logic (do chưa liên kết được với tài năng điều trị hiếm muộn, giỏi nghề của bác) và lại càng không thể tin vì không cảm tháy sự thấu hiểu với nỗi đau của những người phụ nữ đi tìm con (như 1 clip làm content rất thành công việc này khi bác giúp 1 ông chồng quay lại với vợ khi bị bồ lừa, cho đổ vỏ).
Thương hiệu cá nhân cần sự kiên trì, chậm mà chắc, nhưng bác sĩ Thịnh lại quá nôn nóng nên đã chấp nhận tạo drama để nhanh chóng đạt triệu view, triệu follow, thay vì kiên định đi theo định hướng xây dựng thương hiệu cá nhân với tuyến content ban đầu là những câu chuyện hiếm muộn tại phòng khám được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh để người bệnh đồng cảm và thấy mình trong đó
2. Khủng hoảng truyền thông với bà Nhân Vlog – giọt nước tràn ly.
Tôi không theo dõi bà Nhân vì không thích mấy nội dung xàm xí ở kênh đó, nhưng trong chuyện này là phụ nữ, tôi lại đồng cảm với cô ấy hơn. Và trong màn khẩu chiến này thì người thiệt thòi nhiều hơn sẽ là bác sĩ Thịnh bởi những lý do sau
Cộng đồng mạng thường bênh những người yếu thế, đáng thương, và trong câu chuyện này thì bà mẹ hiếm muộn nhiều năm không được bác sĩ thụ thai thành công sẽ nhận được sự đồng cảm của các mẹ bỉm (tất nhiên là trừ số mẹ đã được bác sĩ Thịnh điều trị, nhưng chắc chắn số này ít hơn số chưa từng biết bác sĩ)
Trong scandal ai sai, sơ hở nhiều hơn thì người đó sẽ cộng đồng bị ném đá, quay lưng nhiều hơn, và tất nhiên ai càng nhiều bằng chứng rõ ràng sẽ càng chiếm lợi thế.
Ở đây bà Nhân tự tin đến mức tổ chức hẳn 1 buổi họp báo để đưa ra rất nhiều màn hình chụp tin nhắn facebook zalo giữa cô và bác sĩ Thịnh, hồ sơ bệnh án với kịch bản rất hoàn hảo (có khóc, có xin lỗi, có cảm ơn) nhưng rất kiên định trong việc chỉ ra lỗi sai và sự vô tâm của bác sĩ. Và thực tế sau đó 1 loạt báo lớn đã lên bài về buổi họp báo này.
Còn bác sĩ Thịnh đã sai trong quy trình xử lý khủng hoảng truyền thông, không tìm cách rút củi đáy nồi, mà lại tiếp tục châm thêm lửa, phát sinh thêm tình tiết, nhưng lại bằng 1 video quá nhiều cảm xúc, chỉ trích đổ mọi tội lên bệnh nhân và tệ nhất là có nhiều thông tin sai lệch để bà nhân càng bức xúc hơn và có cơ hội phản đòn ở cấp độ mạnh hơn (như nói sai chỉ số AMH 0,3 hay chê trách bà Nhân không đến soi trứng trong khi cô ấy có cả video quay giọng bác sĩ nói lúc siêu âm).
Nếu như lúc đó, bác sĩ chủ động gọi điện trao đổi với bà Nhân để giải toả những hiểu nhầm, khúc mắc thay vì quay 1 clip trách móc, chê bai vô cảm trên tiktok. Kể cả sau buổi họp báo, khi sự việc chưa bị đẩy đi quá xa, bác sĩ vẫn có thể thay đổi góc nhìn của dư luận, chuyển từ việc đối đầu thành đối thoại chân thành, sai đến đâu nhận đúng đến đó, để phát đi 1 thông điệp “bác sĩ luôn lắng nghe, thấu hiểu bệnh nhân”, thay vì cố tính đẩy sự việc đi xa để “nổi hơn”.
Khủng hoảng truyền thông nếu không khiến 1 người thân bại danh liệt (như vụ sữa dêdanlait trước đây) thì cũng để lại tổn thất không nhỏ cho những người liên quan vì “Bia miệng, tiếng đời”, nhất là những bài viết về phốt này đã tràn ngập trên các báo lớn.
Sau scandal này cả bà Nhân và bác sĩ Thịnh đều mất nhiều hơn được, bởi bác sĩ Thịnh dù không ai phủ nhận tài năng nhưng lại bị gắn thêm mác “Không có tâm”. Với những người đi chữa vô sinh hiếm muộn thì nhiều khi “Tâm” lại quan trọng hơn cả “Tài” vì họ vốn là người đã bị sẵn “Tâm bệnh” nên cần tìm đến những người bác sĩ thực sự thấu hiểu và động viên họ trên hành trình khó khăn và lâu dài đó.