Không đứng ngoài cơn sốt Marketing mang hơi hướng “tâm linh” đang hot lên từ cuối năm 2021, hàng loạt thương hiệu đã tung ra các chiến dịch quảng bá lấy Tarot làm chủ đạo. Dưới đây là một số chiến dịch Marketing “hệ Tarot” đến từ các thương hiệu.
Đầu tiên trong danh sách thương hiệu quảng bá theo hệ Tarot là Google. Để quảng bá Pixel 6 và Pixel 6 Pro, “ông trùm mạng tìm kiếm” đã cho ra mắt 78 lá bài Tarot. Chiến dịch được thực hiện nhằm vào khách hàng mục tiêu là Gen Z – những người có xu hướng tin vào tâm linh. Thêm vào đó, Tarot còn được chơi chữ với AR, khi tên bộ bài của Google là tARot.
Bộ bài bao gồm 78 lá với 22 lá ẩn chính đại diện cho những sự kiện và 56 lá ẩn phụ đại diện cho cuộc sống hằng ngày. Để khách hàng có thể giải mã chính xác thông điệp của từng lá, Google đã ra mắt hướng dẫn sử dụng với 98 trang trình bày trên Google Slides.
Không kém cạnh Google, YouTube đã cho ra mắt Tarot with YouTube để người dùng có thể “trải bài” miễn phí. Nền tảng video này đã kết hợp với 3 YouTuber: Lavendaire, Vanessa Somuayina và Ediyasmr để xem Tarot cho người dùng ở 3 khía cạnh Tình yêu (Love), Sức khoẻ (Wellness), Vận mệnh (Fortune). Thêm vào đó các lá bài được thể hiện thông qua các nhân vật nổi tiếng hiện nay như Blackpink, Bella Poarch, Masked Wolf…
Không đứng ngoài cuộc chơi, “nữ hoàng bắt trend” BAEMIN đã tung ra chiến lược quảng bá “Xem Tarot đầu năm” cho các tín đồ ăn uống để chào đón năm Nhâm Dần với “Bae de Barbecue”. Các tụ bài được BAEMIN cập nhật mỗi ngày thông qua app và “tuỳ duyên” mà người dùng có thể nhận được lá bài của mình.
Chiến dịch quảng bá theo “hệ tâm linh” không chỉ được BAEMIN sử dụng để chào đón năm mới, mà còn tận dụng trong dịp Valentine 2022. Thông điệp Bae de Barbecue truyền tải trong dịp này là “Yêu Vị Ngọt, Ngọt Vị Yêu” với 3 lá bài The Magic Order, 2 of Milk Tea, Page of Beer.
Nhân dịp ngày sinh của cung Cự Giải, Pizza Hut đã chúc mừng sinh nhật những khách hàng “hệ Cua” thông qua các tụ bài. Trong chiến dịch này, Pizza Hut giúp các “chú cua” vốn hay lăn tăn, khó đưa ra quyết định có thể dễ dàng “chốt đơn”. Qua các tụ bài, thương hiệu đã giới thiệu các món đặc trưng như Limo Pizza, Pizza Bò BBQ hay sản phẩm mới Pizza Pate Lạp Xưởng.
App hẹn hò phổ biến cũng tung ra các tụ bài Tarot khác nhau với hy vọng giúp khách hàng của mình có thể tìm ra tình yêu đích thực. Các tụ bài này hướng dẫn người dùng cách tìm thấy đối tượng tiềm năng và bí kiếp theo đuổi họ. Không chỉ thế, Tinder còn giúp người dùng tìm kiếm bạn tâm giao hay khám phá các khía cạnh khác của bản thân thông qua các tụ bài.
Grab tung ra bộ bài Tarot độc đáo với hình ảnh những chiếc khẩu trang bên trên những lá bài. Bộ bài gồm 5 lá: Tình yêu, Năng lượng, May mắn, Bảo vệ và Tự tin. Bên cạnh tương tác với người dùng trên mạng xã hội thông qua việc giải mã thông điệp vũ trụ, Grab còn gửi tặng những chiếc khẩu trang hợp tác với Dirty Coins đến người dùng nhằm động viên và truyền động lực cho khách hàng của mình.
Nhằm quảng bá app CK Club đến khách hàng Gen Z, Circle K đã tung ra quẻ Tarot đầu năm trên Facebook. Với tiêu đề “Gen Z nên tích gì để ‘cột sống’ năm 2022 very tiện, very lợi” cho thấy Circle K đang hướng đến sự tiện lợi của khách hàng khi sử dụng app của mình.
Các lá bài được thương hiệu chia ra làm hai bên với những điều nên và không nên làm trong năm mới. Ví dụ như: nên “Tích đức” – không nên “Tích nghiệp”, nên “Tích cực” – không nên “Tích mỡ”... Chiến dịch này đã thu hút rất nhiều khách hàng Gen Z trải nghiệm app CK Club của thương hiệu.
CGV đã “chơi lớn” khi tung hẳn một series livestream hợp tác với những người bói bài Tarot tại Việt Nam. Mỗi livestreams sẽ giải thích ý nghĩ của các lá bài theo từng chủ đề khác nhau như tiền tài, tình yêu...
Không những thế, trong từng buổi livestreams khán giả còn có thể giao lưu với các chuyên gia về những nội dung mình quan tâm. Đồng thời CGV còn tặng quà cho các khán giả chiến thắng minigame trong buổi livestreams.
Netflix đã tung ra chiến dịch Marketing theo hệ “tâm linh” một cách mới mẻ hơn. Thông điệp phía sau lá bài sẽ được các diễn viên từ “Thanh âm của phép thuật – The Magic of Sound” giải đáp. Chiến dịch Marketing theo hướng Tarot nhưng vẫn đậm chất Netflix thông qua lời nhắn gửi đến từ các diễn viên như Ji Chang Wook, Choi Sung Eun, Hwang In Youp...
Được tung ra cho chiến dịch mua sắm ngày 7.7, Tiki đã mở tụ “bốc bài” để giải mã thông điệp khi các con số 7 hội tụ. Các tụ bài Tarot đã giúp truyền tải lời chúc mà Tiki muốn gửi đến người dùng, bên cạnh đó là lời nhắc mua sắm trên Tiki một cách tự nhiên.
Cụm rạp BHD cũng đã có một màn “bắt trend” hài hước với bài đăng “Hôm nay nên coi phim gì?”. Theo đó, thay vì kiểm tra lịch chiếu để đưa ra quyết định, giới trẻ có thể sẽ “bốc bài Tarot” để tìm bộ phim chân ái.
Một thông điệp đến từ bộ bài Tarot “gà rán” của Lotteria cũng được tung ra để bắt kịp xu hướng “bốc bài” của giới trẻ. Các lá bài được Lotteria dùng để gợi cho khách hàng nhớ đến các món ăn phổ biến của thương hiệu như: gà rán, khoai tây chiên, hamburger.
ShopeeFood ra mắt bộ bài Tarot “món ăn” dành cho các tín đồ ẩm thực. Các lá bài đươc biến hoá thành hình ảnh của các món ăn thay thế cho bộ bài gốc. ShopeeFood sẽ giải thích về tích cách và suy nghĩ của khách hàng thông qua món ăn mà họ chọn. Thêm vào đó, hình ảnh của món ăn được ShopeeFood thể hiện một cách ấn tượng và độc đáo trong mắt người dùng.
Bộ môn E-sport hàng đầu Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc đua “bốc bài” khi khách hàng của họ đa phần là Gen Z. Các tụ bài ở đây tương ứng với một nhân vật trong game, từ đây thương hiệu cũng sẽ giải thích ý nghĩa thông qua các nhân vật này. Thêm vào đó, bộ bài Tarot này cũng giúp thu hút khách hàng đến tới sự kiện Vận Mệnh Vẫy Gọi của thương hiệu.
Nắm bắt xu hướng “bói bài Tarot” của giới trẻ hiện nay, các thương hiệu đã cho ra đời những chiến dịch Marketing “hệ tâm linh” sáng tạo và độc đáo. Trên đây là những thương hiệu có các chiến dịch Marketing ứng dụng Tarot mà Adplus tổng hợp được. Nếu bạn còn biết những thương hiệu nào khác có chiến dịch thú vị liên quan đến “bộ môn” này thì hãy comment bên dưới nhé.
Nguồn: Adsplus
Đánh giá
Email: hello@fnbdirector.com
Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School