Bước vào Lion Cafe nằm ở quận Shibuya sầm uất của Tokyo, điều đầu tiên khách chú ý là chỗ ngồi. Tất cả ghế đều quay về một hướng - nơi có hai chiếc loa khổng lồ treo trên tường - nhằm mang lại cho thực khách trải nghiệm như đang tham gia vào một buổi hòa nhạc. Hệ thống âm thanh phát nhạc được thiết kế riêng, gắn vào bức tường cao hai tầng phía trước quán. Các loại đĩa được sắp trên kệ và giá đỡ bên dưới loa. Khách hàng có thể yêu cầu bật một số bản nhạc cổ điển nhất định từ bộ sưu tập của quán.
Lion Cafe 98 năm tuổi, là một trong số ít meikyoku kissa hay quán cà phê nhạc cổ điển còn sót lại của thành phố. Naoya Yamadara, 62 tuổi, quản lý quán, nói đây là nơi khách hàng có thể nghe nhạc, uống nước và thư giãn nhưng không khuyến khích họ nói chuyện. Đặc biệt nói chuyện qua điện thoại bị cấm.
Cha của Naoya, ông Yanosuke đã xây quán vào năm 1926. Trong Thế chiến II quán bị thiêu rụi và được tu sửa, mở rộng vào những năm 1950. Lối trang trí lấy cảm hứng từ phong cách Baroque châu Âu. Ngoài mặt tiền có tường đá, đèn trong quán mờ ảo làm nổi bật không gian thiết kế với gỗ tối màu và các bức phù điêu chạm khắc. Vào thời điểm đó, thiết bị âm nhạc rất đắt đỏ tại Nhật. Vì vậy quán đã rất hút khách nhờ mang đến cho họ một hình thức giải trí hiếm có.
"Tôi dành phần lớn tuổi thơ của mình ở quán cà phê", Naoya nói. Công việc đầu tiên của ông tại quán là rửa cốc chén khi đang học cấp 2.
Naoya cho biết nhiều khách hàng đến quán khi còn là sinh viên lên Tokyo học đại học. 30-50 năm sau, họ vẫn quay lại. Khách quen nói cửa hàng không có gì thay đổi trong một thời gian dài, điều này mang lại cảm giác dễ chịu. Vị khách quen lớn tuổi nhất của quán đã hơn 70 tuổi, ghé quán hơn 60 năm và vẫn muốn đến nơi này.
Gần đây, Lion Cafe càng trở nên phổ biến và thu hút sự chú ý của khách quốc tế. Khách từ các nơi xa xôi hơn như Mỹ, châu Âu đến nhiều hơn. Naoya nói khách quốc tế đã xem các cuốn cẩm nang du lịch và coi quán của anh là một điểm đến. Do đó, họ muốn ghé thăm.
Anh Minh (Theo CNN)