fnb_director_logo_2024_ap_dung_nen_sang_mau_1500
horeca_business_school

Ai nỡ ăn những bông hoa tuyệt sắc này?

Thế nhưng tất cả hoa cỏ lộng lẫy đó đều được làm bằng đường để trang trí những ổ bánh ngọt của nghệ nhân làm bánh Julie Simon ở Los Angeles.

Với sức tưởng tượng phong phú, mãnh liệt và đầy sáng tạo của một nghệ sĩ, Julie Simon đã tạo nên những sản phẩm ăn được nhưng trông không khác gì tác phẩm hội họa.

 


Các bố cục tác phẩm bánh ngọt của Julie Simon đầy biến ảo – như những bông hoa trên đỉnh ổ bánh trong ảnh.


Dù mới chỉ trở thành nghệ nhân làm bánh chuyên nghiệp được một năm nhưng Julie Simon đã sớm có được những khách hàng “khủng” trong giới siêu giàu, siêu sang ở Los Angeles.

Chiếc bánh mừng thôi nôi bé Stormi, con gái của nữ “tỉ phú tự thân” trẻ nhất Kylie Jenner (1) được Simon thực hiện là một tác phẩm rực rỡ và hết sức cầu kỳ trông như lễ đăng quang của một cô công chúa vương triều Elizabeth: Một chiếc bánh nhiều tầng màu hồng và xanh dương nhạt với những chú ngựa mạ vàng đang phi nước kiệu và có cả hình ảnh hai mẹ con Kylie Jenner – Stormi, một hình ảnh lễ hội bất tận. Với những tác phẩm bánh ngọt tuyệt vời đó, Julie Simon được gọi là một “nghệ sĩ làm bánh ngọt”.

Những sáng tạo trong lĩnh vực đặc biệt này của Simon hướng tới sự kỳ ảo, mang cuộc sống vào những bức tranh cổ điển, thậm chí có thể nói cô đã tạo nên những tác phẩm hội họa bằng các chất liệu làm bánh ngọt như fondant và gum paste.

 


Ổ bánh được thực hiện với cảm hứng từ một bức tranh của Marc Chagall.


Simon đã “vẽ” một tranh của Gustave Klimt khi làm bánh cho một khách hàng, và cho biết cảm hứng để cô sáng tạo những ổ bánh đặc sắc đến từ họa sĩ hiện đại Marc Chagall vốn nổi tiếng với những tác phẩm mà màu sắc và đường nét tạo hình đầy chất thơ mộng: “Tôi tìm thấy ở Chagall một nghệ sĩ truyền cảm hứng sâu đậm nhất với những đường bay kỳ lạ và huyền ảo”.

Thế nhưng các bố cục tạo hình bánh ngọt của Simon còn chịu ảnh hưởng không nhỏ từ tranh tĩnh vật đầy hoa và hoa của các bậc thầy Hà Lan thời hoàng kim, điển hình như Ambrosius Bosschaert (1573-1621) – những họa sĩ đã thể hiện cuộc sống hữu hạn qua những bông hoa sớm nở tối tàn, những chiếc lá úa vàng hay quả đang thối rữa.

Simon yêu thích các bông hoa trong tranh của các bậc thầy Hà Lan, những bông hoa được cắm trong bình cũng như những bông hoa hoang dã nở rộ giữa thiên nhiên.

 


Ổ bánh này gợi hình ảnh tranh tĩnh vật của các bậc thầy Hà Lan thời hoàng kim.

 

Con đường dẫn Julie Simon đến với nghề làm bánh ngọt bắt đầu từ lúc cô còn sống trong một căn hộ ở khu Upper West Side của New York, nơi mà cô bé bảy tuổi Simon đập vỡ những quả trứng gà chỉ để có được chất đặc quánh từ lòng trắng làm kẹo sô-cô-la cho người dì: “Đến hôm nay, mỗi khi đánh lòng trắng trứng làm bánh tôi vẫn còn nhớ cảm giác của mình trong nhà bếp ngày hôm đó”, Simon nói.

Cô đã đi một con đường vòng vèo để có được chỗ đứng đặc biệt ngày hôm nay trong thế giới bao la của nghề làm bánh ngọt.

Năm 1992, trong một chuyến đi sang nước Anh, lúc đến cửa hàng thực phẩm khổng lồ Harrods ở London, Simon đã có một khoảnh khắc gần như đạt tới “trực ngộ” khi đứng trước một tháp bánh ngọt tuyệt mỹ được trưng bày tại đây.

Một vài năm sau, cô đã nhận làm một chiếc bánh ngọt cho đám cưới của anh trai, lấy cảm hứng từ một chiếc bánh màu xanh lơ có trong catalogue các loại bánh dành riêng cho cô dâu của Martha Stewart. Thế nhưng Simon đã không thành công vì công việc làm bánh hóa ra không dễ dàng chút nào.


Quá trình làm những bông hoa anh túc.


Xuất thân từ một gia đình hoạt động âm nhạc khá lừng lẫy (bà Lucy Simon – mẹ của Julie Simon, là một nhà soạn nhạc còn người dì Carly Simon là ca – nhạc sĩ nổi tiếng, cả hai đều đoạt giải Grammy và nhiều giải thưởng âm nhạc danh giá khác), Simon cũng nối gót mẹ và dì thế nhưng trong khi sống với âm nhạc thì những dụng cụ làm bánh ngọt cứ lởn vởn trong tâm trí cô suốt nhiều năm.

Đến năm 2008, khi gặp thất bại trong một ký kết hợp đồng âm nhạc, Simon giã từ New York, cùng chồng con đến Los Angeles định cư nhưng cuộc hôn nhân của cô tan vỡ không lâu sau đó, ngỡ chặn đứng con đường đến với công việc mới là làm bánh ngọt.

 


Ổ bánh Simon làm tặng sinh nhật cô bạn Gillian Wynn.

Thật may mắn cho Simon khi cô gặp lại Gillian Wynn – người bạn gái thân quen từ thời còn học Đại học Yale. Wynn đề nghị hợp tác cùng Simon thành lập một xưởng bánh ngọt. Từ đó, những tác phẩm bánh ngọt – mỹ thuật của Simon có cơ hội ra đời.

Để tỏ lòng biết ơn, vào ngày sinh nhật của Wynn, Simon đã làm tặng bạn một ổ bánh có lẽ là sáng tạo kỳ diệu nhất của cô: ổ bánh có hình dạng một vườn thiền với một tượng Phật, nhiều hoa lan và những chú chim ruồi, tất nhiên tất cả đều có thể… ăn được.

Hiện nay, giá một phần bánh ngọt (cho một người ăn, khoảng 108gr) của Simon ít nhất là 25 USD và có thể lên đến 100 USD: “Giá đắt vì nó là nghệ thuật”.

Simon coi khách hàng mua bánh của cô là những mạnh thường quân của nghệ thuật và cô không quan tâm đến sự khó nhọc, vất vả để có được những tác phẩm đó – có thể cô phải bỏ ra hàng trăm giờ để làm một ổ bánh vừa ý.

Cô biết người mua bánh thường dành nhiều thời gian để ngắm nhìn những gì cô đã làm, bởi cũng giống như những bông hoa, ổ bánh sẽ không tồn tại mãi, nhưng theo cô: “Khi bạn ăn ổ bánh, nghệ thuật trở thành một phần của bạn”.

Có nhiều khách hàng của Simon đã đặt những bông hoa bằng đường bên trong cái chuông thủy tinh để giữ cho nó không tàn phai.

 


(1) Ngôi sao trẻ của lĩnh vực truyền thông xã hội, Kylie Jenner trở thành tỉ phú ở tuổi 21, sớm hơn Mark Zuckerberg của Facebook hai năm.

Theo Doanhnhan+

Đánh giá

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
setup_menu_mon_ansetp_menu_do_uong
CONTACT US

FNB DIRECTOR

83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.

Hotline: +84 903 132 508

Email: hello@fnbdirector.com

 
FOLLOW US ON FACEBOOK

Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School