Mặc dù còn nhiều lo ngại về vấn đề nhân sự, doanh thu ngành này tại Việt Nam được dự báo đạt hơn 720.000 tỷ đồng vào năm 2023 bất chấp "cú sốc" sau 2 năm đại dịch.
"Khi kinh tế bất ổn, các nhà đầu tư có xu hướng quay lại những ngành có nhu cầu cao. F&B (kinh doanh ẩm thực) là một trong những ví dụ tiêu biểu, do dịch vụ ẩm thực cơ bản vẫn là ngành có dòng tiền tốt", ông Đỗ Duy Thanh - Giám đốc FnB Director - Horeca Business School đưa ra nhận xét trong Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022 của iPOS.
Mặc dù năm 2021 và 2022 hứng chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành F&B vẫn chứng kiến tốc độ tăng trưởng đều đặn. Theo báo cáo của Euromonitor, Việt Nam có 294.204 nhà hàng dịch vụ bán đồ ăn, thức uống trong năm 2016, ước tính tăng lên 338.604 nhà hàng vào năm 2022.
Quy mô doanh thu ngành F&B năm 2022 đạt gần 610.000 tỷ (tăng 39% so với năm 2021). Có thể thấy, năm 2022 ngành này không những lấy lại được mức tăng trưởng, mà thậm chí vượt bậc so với giai đoạn trước Covid-19.
Tín hiệu khả quan về tăng trưởng doanh thu năm 2022 được cho là nhờ cách tiếp cận thích ứng an toàn để phát triển kinh tế của Chính phủ, như nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, cho phép mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh dịch vụ nhà hàng, ăn uống, du lịch, đồng thời kích thích người tiêu dùng mua sắm, chi tiêu. Từ đó, doanh số bán hàng của toàn ngành dịch vụ F&B Việt Nam được củng cố và đẩy mạnh.
Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng nhà hàng/café mở mới quý 4/2022 có phần chững lại, chủ yếu do tình hình lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng, cắt giảm room tín dụng khiến nhiều chủ đầu tư tạm dừng kế hoạch và chờ đợi thời cơ, đa số doanh nghiệp F&B Việt Nam không gặp vấn đề về vốn kinh doanh trong giai đoạn “bình thường mới”.
Theo khảo sát với 2.835 đơn vị F&B phân bố tại khắp các tỉnh thành trên cả nước (đơn vị tham gia khảo sát có 1 hoặc nhiều cơ sở ở các tỉnh), 2.456 đơn vị phản hồi rằng họ không gặp vấn đề về vốn, tương ứng 86,6% tổng số lượng đơn vị tham gia cuộc khảo sát.
489 đơn vị cho biết họ không dư dả về vốn và cần phải xoay vòng một cách cẩn thận. Chỉ có 4,3% số đơn vị được hỏi gặp phải vấn đề thiếu vốn trong thời kỳ hậu Covid-19. Thậm chí, 35,8% doanh nghiệp F&B trong nhóm các doanh nghiệp không gặp vấn đề tài chính tự tin có đủ vốn để phát triển và mở rộng kinh doanh trong tương lai gần.
Cụ thể hơn, quy mô cửa hàng càng lớn, lạc quan về tình hình tài chính càng cao. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp có quy mô lớn, phần lớn có vốn đầu tư ban đầu cao và được tích trữ trong lâu dài. Một số doanh nghiệp khác được góp vốn bởi nhiều cổ đông và có nguồn tiền dồi dào.
Theo số liệu từ Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC) và Euromonitor, doanh thu ngành F&B tại Việt Nam dự kiến đạt 720.300 tỷ đồng vào năm 2023, giá trị thị trường dự báo đạt gần 1 triệu tỷ đồng vào năm 2026.
"Mặc dù kinh tế năm 2023 được dự báo có nhiều khó khăn, theo Euromonitor, giá trị thị trường năm 2023 dự kiến tăng 18% so với 2022. Sau khi hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ ổn định và dự kiến sẽ đạt giá trị 938.305 tỷ đồng vào năm 2026", báo cáo của iPOS có đoạn.
Theo ông Đỗ Duy Thanh, các mô hình F&B bình dân sẽ được nhiều chủ đầu tư mới thâm nhập thị trường phát triển. Nhiều nhà hàng ăn uống cao cấp sẽ được mở ra trong năm 2023.
"Bên cạnh đó, khi thị trường bất động sản ảm đạm, những nhà đầu tư sở hữu mặt bằng đẹp sẽ phát triển dịch vụ ẩm thực. Họ có niềm tin rằng ngành F&B sẽ thu hút nhiều người đến, từ đó giúp gia tăng giá trị bất động sản của họ", vị chuyên gia nhận định.
Mặc dù vậy, ngành F&B vẫn có những trở ngại nhất định. Theo khảo sát của iPOS, 99,1% doanh nghiệp lo ngại về vấn đề nhân sự trong giai đoạn “bình thường mới”. Chỉ có 26/2.835 đơn vị tham gia khảo sát trả lời rằng họ không nghĩ có vấn đề này.
Những nỗi lo phổ biến là tìm kiếm nhân sự, vấn đề nhân sự thiếu chuyên nghiệp, chi phí lương và cách giữ chân nhân sự. Nhân viên ngành F&B thường có tính kiêm nhiệm cao, một người làm 2-3 vị trí. Cơ hội thăng tiến cũng không rõ ràng. Chưa kể, phía doanh nghiệp sử dụng lao động cũng hiếm khi đóng Bảo hiểm xã hội, triển khai chính sách lương tháng 13 và các phúc lợi khác. Do đó, sức hấp dẫn công việc ngành này ngày càng suy giảm trong vài năm gần đây.
Ngoài ra, 53,5% doanh nghiệp lo ngại khách hàng chi tiêu ít hơn trong giai đoạn mới. Theo sau đó là việc khách hàng thay đổi thói quen tiêu dùng với 48,7% lựa chọn. Một số lo ngại khác có thể kể tới là việc khách hàng kỳ vọng nhiều hơn vào sản phẩm, hoặc lo ngại về vệ sinh thực phẩm với lần lượt 26,9% và 23,6% lựa chọn.
"Từ năm sau trở đi, xu hướng phát triển quán sẽ được định hình theo những nét cá tính riêng. Khách hàng cũng sẽ kén chọn hơn về lựa chọn hàng quán, để phù hợp với gu", ông Đỗ Duy Thanh đánh giá.
Đánh giá
Email: hello@fnbdirector.com
Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School