Năm 2020, thị trường phục vụ đồ ăn ở châu Á đã giảm từ 25% đến 30%. Văn hóa ăn uống tại nhà hàng buộc phải tạm dừng trong thời kỳ đại dịch, nhà bếp đám mây (cloud kitchen) chính là mô hình tối ưu nắm bắt khoảng trống thị trường. Trên thực tế, sự xuất hiện của mô hình phục vụ này là kết quả tất yếu của nhiều yếu tố như công nghệ, thói quen ăn uống-tiêu dùng thay đổi và sự gia tăng của dịch vụ giao hàng trực tuyến.
Dựa trên các số liệu nghiên cứu, thị trường nhà bếp đám mây khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ trở thành thị trường lớn nhất toàn cầu vào năm 2027, khi mà tốc độ tăng trưởng hàng năm được dự báo sẽ tăng 14,4% từ năm 2021 đến năm 2027.
Đối mặt với những thay đổi chóng mặt trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B), các nhà hàng cần sẵn sàng đổi mới nhằm thích nghi để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong tương lai, nhà bếp đám mây sẽ còn tiếp tục mở đường cho các cuộc cách mạng thực phẩm kỹ thuật số khác.
Nhà bếp đám mây hay còn được gọi là “nhà bếp bóng ma” hoặc “nhà hàng ảo” là một mô hình chỉ phục vụ đồ ăn mang đi.
Nền tảng phát triển của nhà bếp đám mây bắt nguồn từ hệ sinh thái giao đồ ăn đang tăng trưởng mạnh mẽ. Ứng dụng đặt đồ ăn đóng vai trò trung gian, kết nối các nhà hàng, vận chuyển đồ ăn theo yêu cầu của thực khách, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy cloud kitchen phát triển mạnh mẽ.
Đầu năm 2010, khái niệm này xuất hiện lần đầu tiên, chỉ như một giải pháp tăng thêm lợi nhuận cho các nhà hàng. Khi ấy, mô hình vẫn chưa có sức hút với thị trường, nhưng nó đã trải qua một quá trình phát triển với những bước đi ổn định.
Cho đến khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, các quy định về giãn cách xã hội cùng các bên giao hàng tại Châu Á cụ thể là Gojek, GrabFood, LINE MAN, v.v…đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của mô hình này. Năm 2020, dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến cùng các dịch vụ phân phối thực phẩm đã tăng trưởng lên tới 30% so với năm 2019.
Không giống như các nhà hàng truyền thống, nhà bếp trên mây không cần đến các dịch vụ và khu vực ăn uống, mà chỉ cần một không gian bếp chuyên dụng để các đầu bếp nấu nướng. Chính vì không bị ràng buộc bởi những yếu tố trên, cloud kitchen có thể linh hoạt thay đổi hoạt động, mà không cần lo lắng về nhân sự, môi trường và quan trọng nhất là địa điểm.
Vận hành nhanh chóng, rủi ro thấp và hồi vốn nhanh đã biến nhà bếp đám mây trở thành một trong những lựa chọn hoàn hảo khi thiết lập một mô hình nhà hàng. Theo quan sát của giới phân tích trong ngành F&B, các doanh nghiệp hiện đang cố cắt giảm chi phí hoạt động, trong khi nhà bếp đám mây lại giúp loại bỏ nhiều chi phí đắt đỏ từ thiết kế nhà hàng, đến quản lý và tiền lương nhân viên.
Cuối cùng, cloud kitchen cho phép các nhà hàng truy cập nhiều hơn vào dữ liệu của khách hàng, tận dụng những ứng dụng giao hàng của bên thứ ba để thu thập thông tin quan trọng về hành vi, thói quen ăn uống và xu hướng của người tiêu dùng. Những số liệu này cho phép các nhà hàng tối ưu hóa và sắp xếp hoạt động sao cho phù hợp để vận hành hiệu quả hơn.
Đổi mới công nghệ và xu hướng số hóa là hai yếu tố đóng vai trò cốt lõi trong vận hành và mở rộng quy mô bếp ảo. Hiện nay, hầu hết các đơn hàng đều được đặt và xử lý thông tin qua các nhà cung cấp dịch vụ giao hàng trực tuyến, nên nhà hàng cần đảm bảo tích hợp liền mạch các hệ thống để không ảnh hưởng đến quá trình nhận đơn và xử lý thanh toán đồng thời quản lý hiệu quả nhà bếp.
Ngoài ra, các nhà hàng cũng cần xem xét lựa chọn những hệ thống bán hàng (POS) phù hợp. Những hệ thống POS tiên tiến không chỉ có chức năng nhận và xuất đơn mà nó còn cung cấp dữ liệu quan trọng về hành vi của thực khách. Khi hiểu được nhu cầu khách hàng, nhà hàng có thể mở rộng quy mô hoạt động, xây dựng chiến lược phù hợp và cuối cùng là tối đa hóa lợi nhuận.
Một lưu ý vô cùng quan trọng khác là kênh bán hàng. Các thương hiệu cần đánh giá xem nền tảng nào giúp họ thu hút nhiều khách hàng hơn, mang lại khả năng hiển thị và tạo ra doanh số bán hàng tốt hơn. Trong giai đoạn đầu, các đơn vị cung cấp dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến có thể đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng quy mô, nhưng các nhà hàng vẫn nên áp dụng thêm kênh bán hàng bổ sung để tạo thêm doanh thu mà không phải chia sẻ lợi nhuận.
Người ta ước tính hàng năm, có khoảng 1,3 tỷ tấn rác thải thực phẩm trên toàn cầu. Các không gian bán lẻ và nhà hàng được coi là những nhân tố đóng góp nhiều nhất vào cuộc khủng hoảng lãng phí thực phẩm toàn cầu. Để xây dựng tính bền vững trong lĩnh vực F&B, đầu tư và tạo ra các mô hình kinh doanh có ý thức về môi trường là bước đầu tiên, cũng là cách để gây thiện cảm với khách hàng.
Ngoài ra, một hệ thống POS tiên tiến đóng vai trò rất quan trọng giúp theo dõi và cập nhật chuỗi cung ứng và mức tồn kho của nhà hàng. Phân tích dữ liệu cho phép các nhà bếp đám mây xác định khoảng cách cung - cầu của thị trường để điều chỉnh và tối ưu hóa mức sản xuất, quản lý tổng hợp hàng tồn kho và cuối cùng là giảm lãng phí thực phẩm.
Nguôn: vneconomy
Đánh giá
Email: hello@fnbdirector.com
Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School