Theo báo cáo thị trường F&B (thực phẩm và đồ uống) tại Việt Nam do iPOS thực hiện, đến hết năm 2022, Việt Nam có 338.600 nhà hàng/quán cà phê, chứng kiến 7 năm tăng trưởng liên tiếp trong giai đoạn 2016-2022 với tốc độ hàng năm (CAGR) khoảng 2%. So với năm 2019, tức thời điểm trước dịch bệnh, thị trường đã đón thêm hơn 18.000 nhà hàng/quán cà phê mới.
Tác động của Covid-19 kéo doanh số bán hàng khối ngành ăn uống xuống thấp trong hai năm 2020, 2021. Song, nhờ các chính sách thích ứng dịch bệnh của Chính phủ, việc sớm mở cửa trở lại giúp doanh số bán hàng cải thiện đột biến lên 610.000 tỷ đồng trong năm 2022, tương đương 139% so với năm trước đó.
Bên cạnh những cơ sở F&B hoạt động độc lập, đơn lẻ, sự phát triển của các chuỗi F&B, mà cụ thể ở đây là chuỗi cà phê, có đóng góp không hề nhỏ cho quy mô lẫn xu hướng tiêu dùng của thị trường.
Dù trải qua dịch bệnh hay bối cảnh kinh tế khó khăn, điểm đáng chú ý nhất của hầu hết chuỗi cà phê là số lượng điểm bán không suy giảm, thậm chí còn tăng mạnh qua từng năm.
Xét về quy mô số lượng cửa hàng, chuỗi bán trà và cà phê Phúc Long hiện có khoảng 906 điểm bán, bao gồm 132 cửa hàng flagship cùng 774 kiosk và cửa hàng mini tích hợp trong hệ thống WinMart/WinMart+.
Tính riêng năm 2022, Phúc Long đã mở thêm 44 cửa hàng flagship và hàng trăm kiosk. Có thời điểm số lượng điểm bán Phúc Long tiến sát mốc 1.000 đơn vị.
Sự mở rộng của Phúc Long chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây kể từ thời điểm được tập đoàn Masan đầu tư. Masan lần đầu tiên rót vốn vào Phúc Long hồi tháng 5/2021 với 346 tỷ đồng để đổi lấy 20% cổ phần. Mức định giá lần đầu Masan dành cho chuỗi trà, cà phê này là 1.728 tỷ đồng.
Bước sang năm 2022, tập đoàn do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang làm chủ tiếp tục triển khai hai đợt đầu tư vào Phúc Long với tổng giá trị khoảng 6.107 tỷ đồng thông qua công ty con sở hữu trực tiếp là The SHERPA. Kể từ tháng 1, Phúc Long Heritage chính thức trở thành công ty con sở hữu gián tiếp của Masan.
Việc tận dụng hạ tầng của chuỗi bán lẻ WinCommerce (cũng thuộc Masan) giúp Phúc Long có lợi thế gia tăng số lượng nhanh chóng. Hồi tháng 3/2021, chuỗi này chỉ có hơn 80 điểm bán, thấp hơn 11 lần so với hiện tại.
Một trong những chuỗi cà phê lâu đời trên thị trường Việt Nam là Highlands Coffee cũng đẩy mạnh quy mô điểm bán. Theo công bố trên website, chuỗi này hiện có 597 cửa hàng và có sự chênh lệch lớn giữa Hà Nội (137 cửa hàng) và TP.HCM (201 cửa hàng).
Hồi giữa tháng 3/2021, Highlands Coffee mới có 365 cửa hàng. Tức sau gần 2 năm, chuỗi đã tăng 63,5% số lượng điểm bán.
Trên thực tế, sự chuyển mình của thương hiệu 23 năm tuổi do doanh nhân David Thái sáng lập cũng có bàn tay không nhỏ của tập đoàn đến từ Philippines - Jollibee.
Thuở khởi sự, Highlands mất tới 11 năm để đạt mốc 50 cửa hàng. Đến năm 2011, Viet Thai International đã bán 49% mảng kinh doanh Việt Nam và 60% mảng kinh doanh tại Hong Kong cho Tập đoàn Jollibee (Phillipines) với giá 25 triệu USD.
Năm 2018, tức chỉ mất 7 năm sau thương vụ bán cổ phần, quy mô của chuỗi này lên đến 240 cửa hàng.
Đáng chú ý, The Coffee House là chuỗi lớn duy nhất điều chỉnh số lượng cửa hàng sau dịch từ 175 điểm vào tháng 3/2021 xuống còn 154 cửa hàng.
The Coffee House xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 8/2014 tại TP.HCM. Năm 2017, thương hiệu vượt mốc 80 cửa hàng trên toàn quốc và nâng lên quy mô 175 cửa hàng tại 18 tỉnh, thành phố trên cả nước vào năm 2020.
Một ông lớn khác trên thị trường cà phê là Trung Nguyên cũng mở rộng quy mô tương đối nhanh. Giữa tháng 3/2021, chuỗi Trung Nguyên E-Coffee có 308 điểm bán nhưng đã nâng lên hơn gấp đôi đến nay, tức 620 điểm bán trên khắp cả nước. Ngoài ra, Trung Nguyên còn sở hữu hệ thống 77 cửa hàng Trung Nguyên Legend.
Khác với hai đối thủ trên, Trung Nguyên chủ yếu dựa vào mô hình nhượng quyền để phủ sóng thị phần.
Bất chấp sự ảnh hưởng của dịch bệnh, chuỗi cà phê Ông Bầu do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Công ty CP Đồng Tâm và ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Công ty NutiFood đứng sau cũng đẩy mạnh đánh chiếm thị phần. Từ con số 100 cửa hàng vào đầu tháng 7/2020, chuỗi này nay đã có 346 điểm bán, tức tăng trưởng 246% về số lượng trong gần 3 năm.
Hậu Covid-19 cũng là thời điểm các chuỗi cà phê thuộc phân khúc tầm trung ở miền Bắc như Aha, Kafa, Laika... phát triển. Kafa và Laika hiện sở hữu lần lượt 59 và 44 cửa hàng, phần lớn là nhượng quyền.
Aha Cafe không nêu cụ thể số lượng điểm bán. Song theo ghi nhận của Zing, chuỗi này đã khai trương 21 quán trong năm 2022, cao gấp đôi so với con số 11 quán vào năm trước đó. Riêng từ đầu năm 2023, chuỗi đã thông báo khai trương thêm 2 quán.
Mặt khác, một số chuỗi cà phê khác tỏ ra tương đối thận trọng trong quá trình mở rộng giai đoạn tháng 3/2021- nay như Starbucks (tăng từ 67 lên 87 cửa hàng), Chuk Express (tăng từ 29 lên 55 cửa hàng).
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trên thị trường cà phê còn thêm khốc liệt khi đón nhận nhiều tay chơi mới từ nước ngoài như Cafe Amazon từ Thái Lan hay mới đây nhất là %Arabica từ Nhật Bản.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Q&Me vào giữa năm 2022, vị thế của chuỗi Trung Nguyên, Highlands Coffee và The Coffee House không mấy thay đổi trong vài năm qua.
Trung Nguyên và Highlands vẫn là hai thương hiệu nằm trong danh sách những quán cà phê độ nhận diện cao, lần lượt chiếm 75% và 67%. Trong khi đó, tỷ lệ của The Coffee House là 60%.
Tương tự, Trung Nguyên và Highlands có mức độ sử dụng lớn nhất, lần lượt 34% và 32%. Tỷ lệ của The Coffee House là 14%, Phúc Long là 10% và Startbucks là 6%.
Song, 43% đáp viên nhắc đến Highlands Coffee đầu tiên khi được yêu cầu kể tên một thương hiệu cà phê bất kỳ ở Việt Nam. Trong khi đó, tỷ lệ của Trung Nguyên là 40%. The Coffee House đứng thứ ba với 26%, kế đó là Starbucks (18%), Phúc Long (13%).
Một báo cáo khác vào năm 2018 cũng cho thấy Trung Nguyên dẫn đầu độ nhận diện và tỷ lệ sử dụng. Highlands, The Coffee House và Starbucks lần lượt xếp sau đó. Do được xếp vào nhóm cửa hàng trà, Phúc Long không có trong thống kê này.
Nguồn: zingnews
Đánh giá
Email: hello@fnbdirector.com
Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School