Toàn văn bài chia sẻ của anh Đỗ Duy Thanh, Founder & CEO FNB Director về chủ đề được rất nhiều bạn đọc quan tâm trong giai đoạn dịch bệnh Covid: “khi mà các nhà đầu tư kinh doanh ngành F&B đang gặp rất nhiều khó khăn thì hai tập đoàn hàng đầu về hàng tiêu dùng là Masan và Kido bước chân vào ngành dich vụ F&B. Liệu có những chuyển biến nào mới cho ngành F&B?” mời bạn đọc tham khảo nội dung bên dưới.
Trước khi làm rõ các câu hỏi trong chủ đề hôm nay, thì chúng ta cần thống nhất với nhau vài khái niệm để hiểu rõ thị trường ngành F&B
- Ngành F&B là viết tắt của Food & Beverage (Thực phẩm và Đồ uống), ngành này bao gồm tất cả các công ty liên quan đến sản xuất, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối hàng hóa ăn được - từ nông trại (hoặc nhà máy) đến bàn ăn.
- Phân loại theo ngành hàng thì F&B bao gồm nhiều ngành hàng con như thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, sữa & sản phẩm từ sữa, đồ uống không cồn và có cồn, bánh kẹo...
- Phân loại về mô hình kinh doanh thì ngành F&B lại phân loại thành các doanh nghiệp sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi hoặc sơ chế, chế biến), doanh nghiệp thương mại (phân phối, bán buôn, bán lẻ) và doanh nghiệp dịch vụ F&B, mà cụ thể của Doanh nghiệp dịch vụ F&B là nhà hàng, quán ăn, quán nhậu, quán cafe, trà sữa... mà chúng ta có thể gọi chung là Cửa hàng dịch vụ F&B
- Cửa hàng dịch vụ F&B mang bản chất của một Cửa hàng bán lẻ nhưng khác biệt ở chỗ thường có không gian để khách hàng trải nghiệm tại chỗ với sự phục vụ của nhân viên chế biến và nhân viên phục vụ.
- Cửa hàng dịch vụ F&B theo chuỗi thường tồn tại ở nhiều tiêu chuẩn khác nhau như:
- Flagship / Signature / Premium: Cửa hàng trải nghiệm dịch vụ kiểu mẫu thường quy mô đầu tư lớn thường có yêu cầu diện tích thường từ 200m2 trở lên.
- Standard: cửa hàng tiêu chuẩn thường khoảng 120-150m2,
- Kiosk: Quầy bán hàng hay cửa hàng nhỏ trong Trung tâm thương mại hoặc tại phức hợp tiện lợi thường mô hình này đỏi hỏi diện tích 60-80m2
- Pop-up kiosk là kiosk xuất hiện theo thời vụ
- Xe đẩy, kiosk ven đường
Câu hỏi 1: Việc nhiều doanh nghiệp lớn như Masan hay Kinh Đô tham gia thị trường đồ uống có phải báo hiệu triển vọng tốt của thị trường ko anh? Anh có dự dự đoán về triển vọng ngành này trong thời gian tới.
Tôi có nghiên cứu về 2 tập đoàn này, họ là những tập đoàn hàng đầu về hàng tiêu dùng và kể cả việc sở hữu các thương hiệu hàng đầu trong ngành F&B. Quay lại mô hình chuỗi giá trị trong ngành F&B thì các công ty thường mong muốn mở rộng từ nông trại đến bàn ăn. Điều này có vẻ hợp lý khi họ có tiềm lực tài chính, nhân lực và độ phủ thị trường tốt nên có thể tạo ra nhiều nước đi thú vị và mang đến trải nghiệm mới cho người tiêu dùng.
Trường hợp Masan và Phúc Long
Rất dễ để nhận thấy Masan đang có mặt bằng và khách hàng ở chuỗi Winmart+ và họ cũng sở hữu nhiều thương hiệu đồ uống đóng gói khác như: Wakeup, Vinacafe, Dodohaba, Bfast, Compact, Ruby, Vivant, Vĩnh Hảo, Sư Tử Trắng, Hổ Vằn. Như vậy, việc bắt tay Phúc Long sẽ giúp cho Masan ở vài khía cạnh sau
- Với chuỗi Winmart: tối ưu hóa được chi phí mặt bằng, tăng sự tiện lợi cho khách hàng cũ, thu hút thêm khách hàng mới - nhóm khách hàng trẻ, khách văn phòng và khách hàng yêu thích Phúc Long. Theo thông tin từ báo chí thì Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu cho cửa hàng Winmart+, điều này cũng hợp lý với chi phí thuê mặt bằng hiện hữu ở các đô thị. Tuy nhiên, cần thêm thời gian để xem cả hai bên sẽ triển khai thế nào về mô hình kết hợp này. Với các cửa hàng hiện tại của Winmart+ khá giới hạn về diện tích thì gần như mô hình sẽ là quầy bán hàng mang đi và có thể có vài chỗ ngồi lại như các cửa hàng tiện lợi khác. Và tại các siêu thị Winmart có thể sẽ có không gian lớn hơn đáp ứng được lượng ghế ngồi lớn hơn cho Phúc Long. Bên cạnh đó cũng có thể Masan tính tới việc phát triển mô hình Siêu thị cỡ vừa bao gồm Winmart+ mở rộng cùng Phúc Long trên cùng một tòa nhà để mở rộng diện tích ngồi lại của Phúc Long.
- Với các nhãn hiệu đồ uống đóng gói của Masan: Đây là những loại đồ uống có thể dưa vào bán trực tiếp trên thực đơn hoặc cũng có thể làm nền để phát triển các món đồ uống mới. Như vậy sự phát triển của chuỗi Phúc Long cũng giúp tạo đầu ra cho nhóm sản phẩm này.
- Với Phúc Long, họ sẽ nhanh chóng tăng điểm bán, tạo độ phủ thị trường. Đặc biệt tại thời điểm của food delivery thì độ phủ thị trường này giúp Phúc Long chiếm lĩnh một thị trường rộng lớn hơn rất nhiều. Các thương hiệu trà, cafe đóng gói, đóng lon của Phúc Long cũng được ưu tiên trên kệ của Siêu thị winmart và winmart+
- Theo thông tin tôi mới nhận được thì cả hai đã cho ra mắt mô hình thí điểm đầu tiên tại Hà Nội và sẽ ra mắt các điểm tiếp theo tại Tp.HCM trong tháng 06/2021 này. Mô hình không chỉ tích hợp cả hai mà còn có mặt thêm Techcombank, một thành viên của Masan Group. Ở mô hình rộng tầm 100m2 này thì Quầy bar Phúc Long rộng khoảng 10m2 và tất cả các Quầy giao dịch, tính tiền của cả 3 thương hiệu đều nằm ngay cửa ra vào, khá thuận tiện cho khách hàng. Rõ ràng khi cả 3 thương hiệu hàng đầu này bắt tay để triển khai các chương trình đồng hành thì khách hàng sẽ được hưởng lợi rất nhiều.
Trường hợp Kido với Chuỗi Chuk Chuk
Tập đoàn Kido là chủ nhiều ngành hàng F&B như Kem (Merino, Celano), Sữa chua, Giải khát, Đông lạnh và tập đoàn này đã quay lại mảng sản xuất bánh kẹo vốn là thế mạnh trước đây. Việc họ tập trung vào chuỗi cửa hàng bán lẻ thì đó là chiến lược dễ hiểu. Bước đi của Chuk chuk theo tôi có thể chấp nhận được, vì nếu chỉ tiếp cận với các ngành hàng có sẵn và chủ yếu bán lẻ thì chưa mang lại được lượng người dùng lớn, mà phải kèm thêm vài loại đồ uống truyền thống và thời thượng như cà phê, trà và trà sữa cùng một số đồ uống khác. Nhưng chắc chắn họ sẽ có phương án tập trung thúc đẩy bán hàng các sản phẩm cốt lõi của họ.
Triển vọng thế nào sau những bước đi này?
- Việc gắn kết chặt chẽ giữa công nghệ sản xuất, thương mại và dịch vụ trong ngành F&B có thể nói chưa khi nào trở lên gần gũi như lúc này. Với quy mô và năng lực sản xuất công nghiệp, các sản phẩm F&B cuối cùng khi đến tay người tiêu dùng sẽ đồng bộ về mặt chất lượng hơn, quy mô sản xuất lớn hơn dẫn tới giảm giá vốn nguyên vật liệu.
- Các tập đoàn có tài chính, khả năng quản lý chuỗi sẽ giúp chất lượng dịch vụ nói chung trở lên chuyên nghiệp hơn, từ đó sẽ có nhiều sự lựa chọn tốt hơn cho người tiêu dùng.
Câu hỏi 2: Liệu Masan kết hợp với Phúc Long có khoảng hơn 2.000 cửa hàng, Chuk Chuk dự định 1.000 cửa hàng, Vậy thị trường có bị bão hòa không anh?
- Ở đây thì chũng ta cần hiểu rõ là bão hòa trạng thái của thị trường khi khối lượng cung ứng trên thị trường đã được tối đa hóa. Ở điểm bão hòa, một doanh nghiệp chỉ có thể đạt được sự tăng trưởng thông qua các cải tiến sản phẩm mới, bằng cách chiếm thị phần hiện có từ các đối thủ cạnh tranh, hoặc thông qua sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng nói chung.
- Theo báo cáo từ Mordor Intelligence Inc, thị trường dịch vụ F&B Việt Nam đạt giá trị 24,62 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ước tính là 8,65% trong giai đoạn dự báo 2021-2026. Với số liệu mà FNB Director dự đoán, năm 2020, cả nước hiện có khoảng 637.200 cửa hàng ăn uống, trong đó có khoảng 80% cửa hàng nhỏ, khoảng hơn 8.000 cửa hàng chuyên dịch vụ thức ăn nhanh, hơn 25.000 cửa hàng cà phê, các quầy bar và trên 94.000 nhà hàng được đầu tư, phát triển một cách bài bản. Cho thấy một thị trường cực kỳ lớn dành cho tất cả người chơi.
- Như vậy, thị trường cơ bản vẫn tăng đều hàng năm nhưng tỷ lệ tăng không đều cho từng phân khúc sản phẩm dịch vụ. Và cả 2 trường hợp chị nêu ra ở đây được coi là những mô hình có sự cải tiến nhất định, tập trung vào sự tiện lợi hoặc trải nghiệm mới cho khách hàng. Nên nếu có tách tiếp cận phù hợp cùng tiềm lực tài chính lớn thì cả hai có thể chiếm được một thị phần quan trọng của các đối thủ hiện hữu cũng như thu hút thêm được nhóm khách hàng mới.
- Theo quan điểm cá nhân thì các tập đoàn này sẽ phải rất nỗ lực mới đạt được con số nêu trên vì khi triển khai thực tế sẽ gặp rất nhiều thách thức. Nếu nói quy mô kiosk nhỏ và xe đẩy thì dễ dàng có con số trên nhưng khi tổ chức ở quy mô cửa hàng thì sẽ phức tạp hơn nhiều lần. Và với nước đi nhượng quyền sẽ nhanh chứ nếu tự triển khai sẽ chậm hơn nhiều. Nhưng nhược điểm của nhượng quyền là tính đồng bộ và khả năng kiểm soát hệ thống và chất lượng dịch vụ.
- Với Phúc Long thì đã được chứng minh về hiệu quả và trải nghiệm người dùng nên khả năng mở rộng quy mô nhanh hơn nhiều còn Chuk chuk là mô hình khá mới sẽ cần thời gian thu hút trải nghiệm người dùng và hoàn thiện mô hình khá mất thời gian.
Câu hỏi 3: Các ông lớn tham gia vậy thì liệu còn cơ hội cho các startup ko ạ?
Là một giảng viên đào tạo quản trị và khởi nghiệp ngành F&B nhiều năm nay, tôi nhận thấy dù các tập đoàn có tham gia ngành này nhiều cỡ nào thì vẫn còn rất nhiều thị trường ngách mà người khởi nghiệp có thể tham gia.
Chuỗi có lợi thế về thương hiệu, độ phủ và tiêu chuẩn dịch vụ nhưng ngược lại vận hành theo quy trình và có nhiều phân cấp quản lý nên tính linh hoạt trong đáp ứng yêu cầu cá nhân hóa của khách hàng sẽ hạn chế hơn, mỗi quyết định của họ sẽ mất thời gian hơn là các chủ đầu tư nhỏ lẻ. Chủ đầu tư mà tham gia quản lý vận hành thì rõ ràng việc quyết định sẽ diễn ra trong vài phút còn chuỗi thì mất ít nhất vài tuần cho đến vài tháng. Bên cạnh đó, các chuỗi có đầu tư vào cửa hàng lớn thì gặp nhiều thách thức trong lựa chọn mặt bằng vì họ phải cân đối bài toán tài chính nên chỉ chọn ở những nơi có lượng khách hàng đủ lớn nên phổ biến ở tuyến đường chính các đô thị lớn, như vậy cũng cung đường nhỏ hơn, vùng ngoại vi đô thị hoặc các thị trấn sẽ vẫn là cơ hội lớn cho giới startup.
Với đồ uống thì các chuỗi sẽ cố gắng sử dụng nguyên vật liệu là thực phẩm công nghiệp đã qua xử lý để đảm bảo chất lượng cũng như giảm hao hụt nhưng điều đó sẽ đi ngược với xu hướng quan tâm sức khỏe của người tiêu dùng như dùng đồ tươi và không có chất bảo quản... Hoặc một ví dụ khác là các chuỗi đồ uống rất khó để triển khai đồ ăn văn phòng với đa dạng món, đa phần chỉ có bánh ngọt và bánh mì nhưng rõ ràng đây lại là lợi thế của chủ đầu tư khởi nghiệp.
Câu hỏi 4: Nhiều người nói, thị trường dịch vụ F&B của Việt Nam giống mỏ vàng? Anh nghĩ sao về điều này?
Thị trường quy mô lớn
- Như tôi có chia sẻ ở trên, thị trường dịch vụ F&B có quy mô rất lớn và quy mô bao phủ toàn quốc, từ thành thị đến nông thôn, và chỉ ở đâu có khu dân cư, ở đó chắc chắn sẽ có những mô hình dịch vụ F&B.
- Với quy mô thị trường lớn như vậy nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh cũng khiến nhiều hàng quán rời khỏi cuộc chơi. Một số khác đã nhanh chóng chuyển đổi từ bán hàng tại chỗ qua gọi món và giao hàng trực tuyến. Việc chuyển đổi này phù hợp với những sản phẩm có định giá phổ thông và có thể sử dụng với tần suất cao như thức ăn văn phòng, trà, cafe...
- Giai đoạn dịch bệnh diễn ra khiến các doanh nghiệp quan tâm hơn đến dòng tiền, quản trị rủi ro và nâng cao vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Khách hàng cũng nhận thức rõ hơn về lựa chọn thực phẩm đồ uống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và các sản phẩm tốt cho sức khỏe.
- Xu hướng đầu tư kinh doanh sau những giai đoạn dịch sẽ có nhiều chuyển biến:
- Khi thị trường được mở cửa hoạt động trở lại, tôi tin chắc mặc dù mới trải qua giai đoạn khó khăn về tài chính nhưng các thương hiệu sẽ tăng cường truyền thông, ưu đãi để kéo khách trở lại thói quen sinh hoạt và ăn uống bên ngoài. Nên nhớ là trong thời kỳ dịch bênh, khách hàng chuyển đổi hầu hết thói quen ăn uống từ bên ngoài thành gọi món trực tuyến hoặc tự chế biến.
- Sẽ có nhiều người chơi mới ở phân khúc gọi món trực tuyến. Đó chính là các nhà cung ứng thực phẩm, nguyên vật liệu cho ngành dịch vụ F&B. Đây là nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng chung vì doanh thu phần lớn đến từ các cửa hàng dịch vụ F&B. Trong mùa dịch họ đã phải tự tìm cách chuyển đổi bằng cách trực tiếp sơ chế, chế biến để bán trực tiếp đến thực khách. Ví dụ: nhà cung cấp nguyên liệu cho nhà hàng Nhật, tự tạo ra thực đơn sashimi, sushi cũng như các món Nhật khác giao tận nhà cho khách. Nhà cung cấp thịt bò đông lạnh ra mắt món beefsteak hấp dẫn giao tận nhà hay công ty cung cấp nguyên liệu pha chế thì triển khai bán đồ uống pha chế trực tiếp đến khách...
- Thị trường sôi động với các mô hình kinh doanh phổ thông, định giá vừa phải và đề cao khả năng tiếp cận thị trường bằng cả phục vụ tại chỗ và đặt món trực tuyến.
- Các sản phẩm xanh, sạch, ăn chay và tốt cho sức khỏe sẽ được khách hàng quan tâm.
- Các doanh nghiệp sẽ nỗ lực thay đổi phương pháp chế biến mang tính ứng dụng công nghệ, máy móc để giảm dần vai trò của lực lượng lao động, xu hướng giảm các món ăn chế biến cầu kỳ sang những món được chế biến đơn giản hơn nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng
- Các nhà hàng định hướng phục vụ tại chỗ sẽ xây dựng thêm trải nghiệm mới trong tình hình mới như: phục vụ phòng riêng hoặc khu vực riêng tư, giảm tiếp xúc với nhân sự phục vụ và có thể sẽ nghiên cứu phát triển mô hình tự phục vụ hoặc phục vụ hỗ trợ, phát triển thêm dịch vụ outside catering (dịch vụ tiệc tại gia)
- Các cửa hàng F&B sẽ cố gắng phát triển kênh tự giao hàng thay vì lệ thuộc vào các Ứng dụng giao thức ăn vì chi phí cao.
- Những người tham gia mới vào thị trường sẽ nỗ lực tìm kiếm mô hình giảm sự lệ thuộc vào mặt bằng. Bên cạnh đó, những người triển khai mô hình bắt buộc phải thuê mặt bằng lớn sẽ đưa các điều khoản về giảm chi phí mặt bằng nếu dịch bệnh diễn ra.
Nhưng nhiều thách thức với người chơi mới
- Có thể nói kinh doanh dịch vụ F&B đang trở thành một xu hướng, đặc biệt là đối tượng khởi nghiệp. Dường như khi nói đến khởi nghiệp thì dịch vụ F&B là một trong những mô hình được nhắc tới nhiều nhất. Sự hào nhoáng bề ngoài của một cửa hàng dịch vụ F&B là một ước ao của rất nhiều người. Để vận hành một cửa hàng dịch vụ F&B, bạn sẽ phải quản lý một chuỗi hoạt động từ sản xuất / chế biến, dịch vụ, bán lẻ và quan trọng nhất là quản lý con người.
- Như chia sẻ ở tên thì khoảng 80% cơ sở kinh doanh F&B có quy mô nhỏ nên chưa có thống kê nào ghi nhận chính xác tỷ lệ thành bại của người tham gia kinh doanh. Tuy nhiên, theo ghi nhận của FNB Director từ năm 2018 thì khoảng 50-60% cơ sở dịch vụ F&B có thể phải đóng cửa trong năm đầu tiên hoạt động. Và tỷ lệ lệ thành công tức là có khả năng thu hồi vốn và tỷ suất lợi nhuận tiêu trung bình từ 15%/vốn đầu tư/năm trở lên, ước tính chỉ có khoảng 20%. Có thể bạn sẽ nghe đâu đó câu nói “Ghét ai thì xúi người đó mở nhà hàng / quán cafe” đã thể hiện những thách thức khi tham gia lĩnh vực này.
- Nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ thất bại lớn khi tham gia ngành dịch vụ F&B
- Thiếu kiến thức và sự chuẩn bị cho việc kinh doanh ngành này. Tỷ lệ cao các bạn trẻ chỉ nhận thấy được hào nhoáng bên ngoài mà thiếu sự tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi đầu tư.
- Thiếu các kế hoạch kinh doanh mà chỉ làm theo cảm tính, thói quen
- Mô hình kinh doanh chưa phù hợp thị trường hoặc mô hình không tạo được điểm nhấn vì chủ yếu là sao chép các đối thủ trên thị trường
- Người đầu tư không chuyên tâm và thường đứng hai chân, một chân kinh doanh dịch vụ F&B còn chân còn lại vẫn tham gia các ngành khác.
- Không có khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm và dịch vụ
- Không có phương pháp thu hút khách hàng
- Khả năng quản lý nhân viên kém
- Lựa chọn địa điểm chưa phù hợp
- Nguồn lực tài chính chưa phù hợp với mô hình
Tóm lại, ngành dịch vụ F&B có thị trường rộng lớn nhưng sẽ có nhiều thách thức cho người chơi mới. Cách tiếp cận bài bản, chuyên nghiệp trong kinh doanh như chuẩn bị kiến thức ngành nghề, lên kế hoạch bài bản, tài chính tương đối thoải mái và đầu tư nhiều vào con người sẽ tạo lợi thế cho các bạn trẻ khởi nghiệp.
Câu hỏi 5: Với sự tham gia của các gương mặt mới, liệu 'miếng bánh' F&B có bị cạnh tranh khôc liệt, đặc biệt với các thương hiệu 100% nước ngoài?
Như tôi có chia sẻ ở trên, thị trường F&B lớn nhưng tốc độ mở rộng sẽ chậm hơn chúng ta nghĩ. Người tiêu dùng chủ yếu thay đổi hành vi từ dùng thương hiệu này qua sử dụng thương hiệu khác, từ trải nghiệm này qua trải nghiệm mới họ cảm thấy phù hợp hơn.
Những thương hiệu nào thu hút được càng nhiều khách hàng trung thành sẽ có cơ hội tồn tại tốt hơn. Nhiều thương hiệu nước ngoài tồn tại trong ngành cũng nhiều năm, nhưng cũng rất nhiều trong số đó vẫn chưa thực sự hoạt động hiệu quả về mặt tài chính. Cùng với tác động mạnh mẽ của dịch bệnh, bức tranh thị trường sẽ có nhiều thay đổi. Khi các thương hiệu ngoại cũng phải thay đổi để gồng gánh qua giai đoạn dịch bệnh thì việc những tay chơi mới có sức mạnh tài chính cũng tạo ra bức tranh thu vị sắp tới. Chúng ta cùng chờ đợi xem các chuỗi dịch vụ F&B của người Việt sẽ thâm nhập thị trường bằng cách nào.
Trong thế giới phẳng hiện tại, khái niệm về thương hiệu nước ngoài ở thời điểm hiện tại khá phức tạp vì 03 lý do chính sau
- Thương hiệu xuất phát bên ngoài Việt Nam đầu tư vào Việt Nam bằng cách nhượng quyền hoặc tổ chức công ty con tại Việt Nam để triển khai kinh doanh.
- Thương hiệu xuất phát tại Việt Nam nhưng chủ sở hữu chủ yếu hoặc toàn bộ của các công ty nước ngoài
- Thương hiệu xuất phát từ Việt Nam nhưng chủ yếu mang yếu tố và hình ảnh từ nước ngoài và hầu như không mang bất cứ đặc điểm nào của người Việt và văn hóa Việt ở trong đó.
Như vậy nếu xét ở góc độ thương hiệu 100% xuất phát từ nước ngoài như khía cạnh số 1 ở trên, thì phổ biến hơn cả vẫn là thương hiệu nước ngoài chọn một đối tác nhượng quyền tại Việt Nam, đối tác này sẽ tổ chức kinh doanh và mở rộng thị trường cho thương hiệu theo những tiêu chuẩn cam kết. Theo số liệu tôi lấy từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương đến hôm nay (06/2021) thì đã có tổng cộng 109 thương hiệu đăng ký nhượng quyền vào Việt Nam liên quan đến dịch vụ hoặc bán lẻ F&B.
Với hình thức nhượng quyền, thượng hiệu nước ngoài sẽ tạo được độ phủ trên thị trường hay không lệ thuộc khá nhiều vào năng lực doanh nghiệp nhận nhượng quyền (tài chính, nhân lực, sự am hiểu thị trường...). Các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng, người tiêu dùng có tâm lý sính ngoại nên đó là một trong những cơ hội cho thương hiệu 100% nước ngoài có nhiều cơ hội. Tuy nhiên, những thương hiệu này thường gặp 3 thách thức lớn khi tham gia thị trường Việt:
- Một là, khẩu vị các chuỗi phải tuân thủ theo tiêu chuẩn chung của toàn cần, đặc biệt là ảnh hưởng nhiều của đất nước xuất xứ, chính vì vậy khả năng điều chỉnh theo gu ăn uống, khẩu vị của thị trường khá khó khăn. Ngay cả tại thị trường nội địa, mỗi vùng miền có thói quen và khẩu vị ăn uống rất khác nhau. Chiến lược địa phương hóa, cho phép điều chỉnh thực đơn theo hướng phù hợp thị trường nội địa sẽ cần khá nhiều thời gian và khả năng thương lượng của doanh nghiệp nhận nhượng quyền mới có thể triển khai.
- Hai là tiêu chuẩn mặt bằng của thương hiệu nước ngoài khá khắt khe và dĩ nhiên sẽ dẫn tới chi phí đầu tư vào mặt bằng cao hơn hẳn so với một của hàng tương đương do người Việt xây dựng.
- Ba là, định giá của món ăn đồ uống thường có xu hướng cao hơn thị trường nội địa khá nhiều dẫn tới hạn chế việc mở rộng ra nhiều phân khúc khách hàng.
- Ví dụ tiêu biểu cho những thách thức này là sự không hiệu quả của một trong những thương hiệu hàng đầu như Burger King, một thương hiệu nổi danh hàng đầu thế giới của ngành F&B hay chuỗi cafe NYDC... Hay rất nhiều thương hiệu nước ngoài khác không thể đạt mục tiêu về số lượng cửa hàng dự kiến sẽ mở.
NYDC một thời thu hút giới trẻ Sài Gòn
Như vậy, cuộc chiến trong ngành F&B rõ ràng chia thành 2 nhóm rõ ràng, nhóm thứ nhất là nhóm doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và nhóm thứ hai là các doanh nghiệp, mô hình kinh doanh vừa và nhỏ. Trong nhóm thứ nhất thì tính cạnh tranh khá rõ ràng giữa các chuỗi thương hiệu Việt với các Chuỗi mang thương hiệu nước ngoài. Nhóm thứ hai là cuộc chiến gần như nội bộ trong nước với các thương hiệu gia đình, thương hiệu có quy mô một vài cửa hàng, giới khởi nghiệp và đâu đó là một vài thương hiệu nước ngoài nhượng quyền về với quy mô nhỏ. Rõ ràng nếu các thương hiệu Việt hiểu được rõ những thuận lơi và thách thức như tôi chia sẻ ở trên đây sẽ có thể cân nhắc lựa chọn cách tiếp cận thị trường và đưa ra mô hình phù hợp thì hoàn toàn có thể có chỗ đứng riêng trên thị trường
Nguồn: Thầy Đỗ Duy Thanh